“RỐI LOẠN CHỨC NĂNG GIA ĐÌNH” – VÒNG LẶP CHỊU ĐỰNG CỦA TRẺ THƠ

“Những gia đình hạnh phúc đều giống nhau, nhưng những gia đình không hạnh phúc thì bất hạnh theo cách của riêng mình.” – Lev Tolstoy

Thuật ngữ rối loạn chức năng (dysfunction) được định nghĩa là “bất kỳ sự suy yếu, rối loạn hoặc thiếu sót nào trong hành vi” của một cá nhân, giữa những người trong một mối quan hệ hoặc giữa các thành viên trong gia đình. Biểu hiện của rối loạn chức năng có thể là giao tiếp kém, xung đột thường xuyên, lạm dụng tình cảm hoặc thể chất, v.v. Các mối quan hệ hoặc tình huống rối loạn chức năng thường là động lực khiến mọi người tìm kiếm sự giúp đỡ, thường là dưới hình thức trị liệu tâm lý.

Các gia đình rối loạn chức năng là mảnh đất màu mỡ cho sự bỏ bê, lạm dụng, những bí mật, nghiện ngập hoặc sự phủi bỏ. Trong hệ thống của những gia đình này, nhu cầu cảm xúc của con trẻ không được đáp ứng vì nhu cầu của phụ huynh được ưu tiên hơn.

Một hoặc cả hai phụ huynh có thể mắc chứng rối loạn sử dụng chất gây nghiện, rối loạn nhân cách hoặc rối loạn tâm trạng. Đôi khi, những người lớn trong những gia đình này có phong cách nuôi dạy độc đoán “không vâng lời thì ra đường” (my way or the highway) hoặc có mối quan hệ độc hại và lạm dụng lẫn nhau. Trong những trường hợp khác, người phụ huynh chưa trưởng thành về mặt cảm xúc hoặc không có mặt khi con cần — họ bị cuốn vào chứng nghiện công việc, nghiện mua sắm, cờ bạc, ăn uống quá độ, ngoại tình hoặc theo đuổi các mục tiêu khác.

Không có phụ huynh nào là hoàn hảo, nhưng trong những gia đình rối loạn chức năng, các vấn đề trong gia đình bị bỏ qua hoặc phủ nhận. Những đứa trẻ dám nêu ra những vấn đề này có thể bị làm nhục hoặc trừng phạt, khiến chúng tự phủ nhận nhận thức của chính mình về thực tế và hạ thấp giá trị bản thân. Thông thường, phụ huynh trong những gia đình này nghiêm cấm con cái chia sẻ các vấn đề gia đình với người ngoài như bạn bè, giáo viên, huấn luyện viên, nhà tham vấn hoặc những thành viên trong tôn giáo. Họ thậm chí có thể biến một đứa trẻ thành vật hi sinh để chuyển dời những sự chú ý về rắc rối trong gia đình. 

Nguồn gốc của rối loạn chức năng trong mỗi gia đình có thể khác nhau, nhưng điểm chung là những đứa trẻ trong gia đình này đều phải chịu đựng. Không có phụ huynh nuôi dưỡng về tình cảm, mang lại sự ổn định và thừa nhận các vấn đề, những đứa trẻ phải vật lộn để trưởng thành một cách an toàn, có lòng tự trọng và kỹ năng đối phó lành mạnh. Nếu họ không biết cách nuôi dưỡng mối quan hệ với chính bản thân hoặc thúc đẩy mối quan hệ lành mạnh với người khác, họ có thể tiếp tục tạo ra một gia đình rối loạn chức năng của riêng mình khi họ có con. 

Tuy nhiên, vòng lặp này có thể được phá vỡ, bắt đầu từ sự thấu hiểu hơn về những gia đình rối loạn chức năng. Trong bài viết này, ta sẽ xem xét một số kiểu gia đình rối loạn chức năng phổ biến, những dấu hiệu nhận biết và những điều một người có thể làm để bắt đầu công cuộc chữa lành.

Ví dụ về các gia đình rối loạn chức năng

Có nhiều lý do đằng sau một gia đình bị rối loạn chức năng. Hãy cùng điểm qua một số nguyên nhân dẫn đến tình trạng rối loạn chức năng xảy ra trong các gia đình.

Không sẵn sàng về mặt cảm xúc

Trong một số gia đình, phụ huynh hoặc người chăm sóc không sẵn sàng về mặt cảm xúc. Họ có thể lạnh lùng, không thể hiện những tiếp xúc thân mật hay những lời động viên vì họ đã lớn lên trong một môi trường như thế. Họ thường dạy con theo phong cách độc đoán và tin rằng “trẻ con chẳng biết gì”.

Đôi khi, phụ huynh có thể không sẵn sàng về mặt cảm xúc vì bản thân họ đã cạn kiệt. Họ đã dành phần lớn thời gian của mình để làm việc hàng giờ liền, vật lộn để chi trả cho thức ăn và chỗ ở, chạy theo một mối quan hệ tình cảm độc hại/lạm dụng hoặc phải chăm sóc quá nhiều trẻ em. Những trường hợp này khiến phụ huynh không còn nhiều năng lượng để nuôi dưỡng những nhu cầu cảm xúc riêng  của con cái họ.

Cha mẹ trong cơn nghiện cũng không sẵn sàng về mặt cảm xúc. Về mặt thể chất, họ có thể hiện diện nhưng về mặt cảm xúc họ vắng mặt vì đang trong cơn phê hoặc đang mải mê tìm liều thuốc mới cho mình. 

Người nghiện và người hỗ trợ (Addicts and Enablers)

Trong nhiều gia đình có phụ huynh hoặc người chăm sóc mắc chứng nghiện, họ phải vật lộn để kiểm soát hoặc cố gắng che giấu nó. Chứng nghiện của phụ huynh có thể là một bí mật mở hoặc cực kỳ rõ ràng vì nó ngăn cản cá nhân đó duy trì công việc, hoàn thành nghĩa vụ của phụ huynh hoặc hiện diện một cách ổn định và xuyên suốt trong gia đình.

Người phụ huynh còn lại có thể là người đồng phụ thuộc (codependent) bao che cho người nghiện, giúp người nghiện thoát khỏi bế tắc hoặc liên tục cầu xin người nghiện ngừng hành vi nghiện ngập. Về bản chất, phụ huynh đồng phụ thuộc dành nhiều thời gian cho vấn đề nghiện của bạn đời hơn là nuôi dạy con cái.

Cả người phụ huynh còn tỉnh táo lẫn người phụ huynh nghiện ngập đều không sẵn sàng cho những đứa trẻ trong nhà. Đứa trẻ trong môi trường này học được rằng việc người phụ huynh nghiệp ngập được ưu tiên hơn nhu cầu của chúng là điều bình thường. Điều này có thể dẫn đến nguy cơ đứa trẻ cũng  nghiện ngập hoặc tìm kiếm những đối tác nghiện ngập khi trưởng thành.

Gia đình có nhiều xung đột và lạm dụng

Trong những gia đình có nhiều xung đột và bạo lực thì cãi vã, chỉ trích và lạm dụng sẽ thường xuyên xảy ra. Nói một cách đơn giản, phụ huynh trong những gia đình này đã mất kiểm soát. Họ có thể dễ dàng nổi nóng cáu giận, thường xuyên trút những vấn đề cá nhân của họ lên con cái và lên nhau.

Họ có thể xem gia đình mình như vật sở hữu thay vì những con người với những nhu cầu riêng. Vì coi con cái là tài sản nên họ dễ dàng hợp lý hóa việc lạm dụng chúng về tinh thần, lời nói, cảm xúc, thể chất hoặc tình dục.

Trẻ em trong những gia đình này phải trải qua sự phản bội tột cùng. Chúng không thể mong chờ ở những người chăm sóc chúng những điều như tình yêu thương, sự bảo vệ hay sự tôn trọng. Chúng lớn lên với cảm giác sợ hãi, xấu hổ, không xứng đáng và cô đơn. Khi trưởng thành, họ có thể mắc phải chứng lo âu, trầm cảm, sử dụng chất kích thích, rối loạn nhân cách hoặc rối loạn căng thẳng sau sang chấn. 

Làm thế nào để biết gia đình của bạn có bị rối loạn chức năng hay không?

Nhiều người dễ dàng nhận thấy gia đình của mình có vấn đề, nhất là khi các vấn đề ấy được công khai và họ có cơ hội tiếp xúc với những gia đình đầy đủ chức năng hơn. Nhưng một số người khác sẽ thấy khó để đánh giá mức độ rối loạn chức năng mà họ phải chịu đựng trong quá trình trưởng thành. Nói chung cùng, gia đình nào cũng có vấn đề riêng của nó.

Làm thế nào người ta biết được gia đình mình không chỉ không hoàn hảo mà còn hết sức độc hại? Không may là điều này còn khó xác định hơn bởi gia đình rối loạn chức năng thường phủ nhận các vấn đề và trừng phạt những thành viên sẵn sàng lên tiếng về chúng. Việc bóp méo thông tin (gaslight) và coi thường sự thật trong các gia đình rối loạn chức năng có thể khiến các thành viên liên quan nghĩ rằng họ đang quá nhạy cảm hoặc phóng đại những rắc rối của gia đình.

Hơn hết, trẻ em không có nhiều trải nghiệm đời sống để nhận biết hành vi bình thường hay bất thường của phụ huynh hoặc người chăm sóc là gì. Điều này dẫn đến thực tế, một số người không nhận ra gia đình ruột thịt của họ đã có vấn đề thế nào cho đến khi họ được tiếp xúc với những gia đình khác hoặc có gia đình của riêng họ. Khi ấy, họ có thể sẽ nhận ra họ không bao giờ đối xử với con mình như cái cách họ bị đối xử trong quá trình lớn lên.

Để có cái nhìn rõ hơn về việc liệu gia đình bạn đã (hoặc đang) rối loạn như thế nào, hãy xem xét các câu hỏi dưới đây. Dù chỉ một trong số này nhận được câu trả lời là “Có”, nó có thể chỉ ra rằng gia đình của bạn bị rối loạn chức năng. 

  • Trong nhà bạn, anh chị em có cạnh tranh với nhau không? Cha mẹ bạn có “con cưng” và “con ghẻ” không?
  • Trong một gia đình có cả cha và mẹ, bạn có cực kỳ thân thiết với người này (cha/mẹ) và cực kỳ xa cách với người kia (mẹ/cha) không? Cha mẹ bạn có vẻ gần gũi với một trong những đứa con của họ hơn là với nhau không? 
  • Trong một gia đình chỉ có cha hoặc mẹ, bạn có phải là người bạn thân nhất và là tri kỷ của phụ huynh bạn không? Cha mẹ bạn có bực bội vì bạn có bạn bè hoặc đời sống xã hội của riêng bạn không?
  • Cha mẹ bạn có thường xuyên vi phạm ranh giới của bạn — ví dụ như mở cửa phòng ngủ và phòng tắm mà không gõ cửa hay thông báo trước, lục lọi đồ đạc của bạn, nghe lén bạn nói chuyện—mà không có lý do chính đáng không?
  • Bạn có bị thiếu thốn thức ăn, quần áo, chăm sóc y tế và những nhu yếu phẩm khác mặc dù phụ huynh bạn có đủ khả năng để cung cấp những thứ đó cho bạn không?
  • Có bất kỳ hình thức lạm dụng nào —bằng lời nói, cảm xúc, thể chất, tình dục—xảy ra trong gia đình bạn không, hoặc phụ huynh bạn đã không bảo vệ bạn khỏi sự lạm dụng xảy ra ở nơi khác?
  • Bạn có bị yêu cầu không được nói với những người bên ngoài gia đình về những gì đã xảy ra trong gia đình bạn không?
  • Cha mẹ hoặc người giám hộ của bạn có gặp khó khăn với chứng nghiện thực phẩm, ma túy, rượu , cờ bạc, tình dục, tích trữ, mua sắm , v.v. không? Có phải những chứng nghiện này không được thảo luận một cách cởi mở, hay bạn và các thành viên khác trong gia đình được khuyến khích hỗ trợ (enable) những chứng nghiện này theo cách nào đó (bao gồm nhưng không giới hạn ở các hành vi bao che, bào chữa, gánh vác trách nhiệm thay người nghiện trong vấn đề pháp lý, tài chính và các nhiệm vụ cuộc sống khác) ?
  • Cha mẹ hoặc người giám hộ của bạn có bệnh tâm thần không được điều trị hoặc điều trị chưa đúng mức không?
  • Bạo lực gia đình có xảy ra trong gia đình bạn không ?
  • Cha mẹ hoặc người giám hộ của bạn có che giấu bạn những bí mật lớn liên quan đến tài chính, bệnh tật, quan hệ cha con/ thai sản, ngoại tình (và bất kỳ đứa trẻ nào được sinh ra từ những mối quan hệ này), v.v.?
  • Cha mẹ có đe dọa bỏ rơi bạn hay thực sự bỏ rơi bạn? Cha/mẹ có thường xuyên dọa bỏ người kia hay thực sự làm thế  một cách đột ngột?
  • Bạn có bị phạt vì thể hiện bản thân, chia sẻ ý kiến, theo đuổi sở thích, có biểu hiện xuất sắc ở trường hoặc một lĩnh vực nào khác không?
  • Bạn có bị đối xử như một người lớn thay vì là một đứa trẻ trong quá trình trưởng thành không? Bạn có được kỳ vọng phải nuôi dạy các em, hoàn thành những công việc nhà khó khăn hay đảm nhận những trách nhiệm vốn phù hợp hơn với người lớn không?
  • Bạn có bị trẻ con hóa — bị chăm nom, cho ăn mặc hoặc kỷ luật như thể bạn bé hơn nhiều so với tuổi thực không? 
  • Có phải những gì phụ huynh hoặc người giám hộ của bạn công khai thể hiện ra bên ngoài hoàn toàn khác với họ lúc riêng tư không?

Nếu bạn lớn lên trong một gia đình rối loạn chức năng, bạn có thể cảm thấy cô đơn, bị cô lập hoặc gặp khó khăn trong việc phát triển mối quan hệ lành mạnh với những người khác. Ngoài ra, việc bị chỉ trích gay gắt hoặc bị mắng mỏ trong suốt thời thơ ấu có thể khiến bạn mất lòng tin vào bản thân hoặc nghi ngờ khả năng ra quyết định của mình.

Để đối phó với những cảm xúc tiêu cực, có khả năng bạn sẽ tham gia vào các cơ chế đối phó không lành mạnh giống như phụ huynh bạn từng làm. Ví dụ như đả kích người khác, tự điều trị bằng ma túy hoặc rượu, chi tiêu quá mức hoặc ăn quá nhiều. May mắn thay, bạn có thể làm điều gì đó để phá vỡ khuôn mẫu rối loạn chức năng gia đình này. 

Phá vỡ vòng lặp

Nhận ra mình đã lớn lên trong một gia đình rối loạn chức năng là bước quan trọng đầu tiên, nhưng chỉ thừa nhận sự thật này thì chưa đủ để ngăn chặn  mô hình cũ lặp lại. Bạn có thể làm việc với một nhà chuyên môn về chăm sóc sức khỏe tâm thần được cấp phép hoặc tham gia vào nhóm hỗ trợ để giúp bản thân vượt qua mọi tổn thương chưa được giải quyết liên quan đến quá trình bạn được nuôi lớn.

Việc trị liệu cũng có thể hướng dẫn bạn cách sử dụng các kỹ năng đối phó lành mạnh để điều chỉnh những cảm xúc khó chịu thay vì hình thành chứng nghiện hoặc các hành vi phá hoại. Nhà chuyên môn về chăm sóc sức khỏe tâm thần cũng có thể giúp bạn thiết lập các ranh giới mà bạn sẽ cần nếu bạn vẫn thường xuyên liên lạc với các thành viên gia đình bị rối loạn chức năng của mình. Bạn có thể cần phải hạn chế tiếp xúc với người thân trong quá trình hồi phục. 

Nếu bạn muốn trở thành phụ huynh, hãy dành thời gian tìm hiểu về sự phát triển của trẻ và cách đáp ứng nhu cầu của trẻ trong từng giai đoạn. Bạn có thể đăng ký một khóa học, tự nghiên cứu hoặc làm việc với một nhà trị liệu về các chiến lược nuôi dạy con cái lành mạnh.

Nếu chỉ làm ngược lại tất cả những gì người chăm sóc bạn đã làm có thể tạo ra những vấn đề mới và không lường trước được cho con bạn, vì vậy nếu bạn muốn làm một phụ huynh tốt cho con, hãy đảm bảo rằng quyết định đó là một quyết định sáng suốt và có chủ đích. Bằng cách lên kế hoạch cho việc làm cha mẹ, giải quyết tổn thương trong quá khứ và phát triển các kỹ năng đối phó lành mạnh, bạn sẽ có những bước tiến tốt hơn nhiều để hình thành sự gắn bó an toàn với con cái và nuôi dạy chúng trưởng thành khỏe mạnh. 

Nguồn tham khảo: https://www.verywellmind.com/what-is-a-dysfunctional-family-5194681

————–
(***) Bản quyền bài dịch thuộc về Tham vấn trị liệu Tâm lý MindCare. Khi chia sẻ, cần phải trích dẫn nguồn đầy đủ tên tác giả (nếu có) và nguồn là “Nguồn: Tham vấn trị liệu Tâm lý MindCare”. Các bài viết trích nguồn không đầy đủ, đều không được chấp nhận và phải gỡ bỏ.

——
Hãy liên hệ với chúng tôi bất cứ khi nào bạn cần được hỗ trợ:
☎️ 0828.77.22.33 (Dịch vụ Tham vấn Trị liệu, Đánh giá Tâm Lý) / 0877.16.33.66 (Dịch vụ Hướng nghiệp, Tâm Lý cho Doanh nghiệp & Học đường)
📧 tamlymindcare@gmail.com
📲 https://mindcare.vn/

Đọc thêm:

>>> Làm thế nào để gỡ bỏ sự tổn thương trong quá khứ? 

>>> 4 dấu hiệu nhận biết bạn có đang ở trong mối quan hệ bị lạm dụng

>>> 7 cách để một người trưởng thành tự chữa lành những sang chấn thời ấu thơ