Cảm giác buồn bã, thất vọng, hoặc cô đơn có thể khiến bạn cảm thấy như mọi thứ thật choáng ngợp và không có lối thoát. Dù nguyên nhân có thể khác nhau từ người này sang người khác, nhưng cách chúng ảnh hưởng đến tâm trí thường có nhiều điểm tương đồng. May mắn là có nhiều cách để hỗ trợ những người cảm thấy buồn chán và mất hứng thú, bao gồm sử dụng thuốc, sách và podcast, cũng như các phương pháp can thiệp tập trung vào việc cải thiện tâm trạng. Mặc dù việc nghĩ về một khía cạnh khác có thể không giải quyết hết mọi vấn đề, nhưng nó có thể là một bước quan trọng trong việc tìm lại sự cân bằng và hạnh phúc trong cuộc sống hàng ngày.
Hình ảnh thứ 1: Giường ngủ không phải là một căn hộ studio
Khi đau buồn, thất vọng hoặc bất kỳ cảm xúc khó chịu nào, con người thường có xu hướng thu mình vào thế giới nhỏ bé của riêng mình – một không gian an toàn tạm thời cho phép bạn buông bỏ những gánh nặng trong đời.
Tất nhiên, tất cả chúng ta đều cần dành nhiều thời gian, không gian cho khoảng nghỉ chất lượng; tuy nhiên, việc gói gọn cuộc đời của mình chủ yếu trong căn phòng ngủ hay trên chiếc sofa chật hẹp lâu dần sẽ tích tụ nhiều nỗi buồn và tuyệt vọng hơn. Đừng ghép cặp “chiếc giường” và “toàn bộ cuộc đời” của bạn là một. Chúng ta không thể hiện thực hóa những tiềm năng của chính mình trong một không gian giới hạn chỉ đủ chỗ cho những giấc ngủ.
Trớ trêu thay, điều chúng ta cần nhất trong giai đoạn này lại là điều chúng ta không muốn làm. Chúng ta không muốn thức dậy, đi tắm, nấu ăn hay dắt chú cún đi dạo. Dẫu vậy, bất kỳ hành động nhỏ nào trong số chúng cũng đều vô cùng cần thiết.
Nhiều người bị quá tải trong công việc, họ nghĩ rằng nếu họ không thể hoàn thành mọi việc thì tại sao phải đứng dậy. Thông thường, chúng ta cần phải chia nhiệm vụ thành những phần nhỏ hơn và nếu vẫn không thể hoàn thành được, chúng ta sẽ cân nhắc xem liệu có cần giảm bớt hay nhờ đến sự hỗ trợ của ai khác không.
Đôi khi trong những ngày tâm trạng bị đảo chiều đột ngột, việc thức dậy và rời khỏi giường thôi đã là một bước quan trọng và ý nghĩa.
Hình ảnh thứ 2: Tai chuột Mickey màu tím
Một trong những hiểu lầm phổ biến về suy nghĩ tiêu cực vẫn tồn tại trong xã hội đó là người ta nghĩ rằng chỉ cần ngừng suy nghĩ tiêu cực là có thể trở nên hạnh phúc hơn. Thật đáng tiếc, não bộ của chúng ta không hoạt động theo cách đó.
Nếu một ai đó đang phải vật lộn với việc dừng lại những suy nghĩ tiêu cực, thì có một cách thức điều chỉnh khác có thể hữu ích. Tiến sĩ Tâm lý học Sandra Wartski với kinh nghiệm trị liệu cá nhân, gia đình và nhóm trong ba thập kỷ qua chia sẻ: “Tôi yêu cầu thân chủ của mình nghĩ về bất kỳ nhân vật hoạt hình nào khác mà không phải là chuột Mickey. Tôi cho họ một chút thời gian và nhận ra rằng hầu hết mọi người sẽ gặp khó khăn trong việc không nghĩ đến chuột Mickey. Sau đó, tôi thử lại thí nghiệm nhưng với mục tiêu mới: mời gọi thân chủ tiếp tục nghĩ về chuột Mickey nhưng thực hiện một số thay đổi nhỏ, chẳng hạn như thay đổi một chiếc nơ màu xanh lá cây, chiếc mũi màu vàng hoặc đôi tai màu tím. Hầu hết mọi người đều nhận ra rằng việc thay đổi một suy nghĩ dễ dàng hơn nhiều so với việc dừng nó lại.”
Quá nhiều suy nghĩ tiêu cực thực sự là điều khó chịu, nhưng việc dừng nó lại thường không dễ dàng hoặc không thể thực hiện được. Thay vào đó, chúng ta cần tìm cách thay đổi suy nghĩ, tạo ra một góc nhìn mới, sắp xếp nó theo cách khác hoặc thêm vào chi tiết sửa đổi một chút. Chẳng hạn, ai đó thường tự nói với bản thân rằng “Tôi sẽ không bao giờ có được một mối quan hệ tình yêu nào khác nữa”, họ có thể chuyển thành “Tôi đang gặp khó khăn trong việc tìm kiếm một mối quan hệ lành mạnh ở hiện tại”.
Hình ảnh thứ 3: Chèo thuyền kayak
Khi chúng ta rơi vào trạng thái buồn bã, bộ não thường chỉ tập trung vào những khó khăn và vấn đề mà chúng ta đang gặp phải. Điều này có lý, nhưng thường khiến chúng ta dễ rơi vào bế tắc hơn. Chúng ta thấy mình chỉ đang loay hoay trong một vòng tròn tuyệt vọng.
Tương tự với việc chèo thuyền kayak đòi hỏi chúng ta phải kéo mái chèo ở cả hai bên, việc tiến lên trong cuộc sống cũng đòi hỏi chúng ta phải thường xuyên thay đổi các hướng tiếp cận. Chúng ta cần phải làm việc chăm chỉ nhưng cũng cần phải nghỉ ngơi. Chúng ta cần thời gian một mình nhưng cũng cần thời gian chia sẻ với người khác. Đôi khi, chúng ta muốn tập trung vào những phần kịch tính, tiêu cực trong cuộc sống, nhưng cũng cần thời gian để chú tâm vào những điều dễ chịu và êm đềm khác.
Nguyên tắc “cả hai” là một khái niệm được phổ biến bởi Marsha Linehan, nhà phát triển Liệu pháp Hành vi Biện chứng (DBT). Sử dụng phép ẩn dụ chèo thuyền kayak khi tiếp cận vùng nước gồ ghề cũng giống như thực hành nguyên tắc “cả hai”- thường xuyên và có chủ ý. Bằng cách nhìn vào nhiều mặt của một tình huống thay vì chỉ tập trung vào một mặt, chúng ta có thể đạt được một số bước tiến bộ nhỏ trong việc giải quyết tình trạng bế tắc của tình huống.
Nguồn: Psychology Today
#hình_ảnh #ẩn_dụ #nỗi_buồn #thất_vọng #tái_cấu_trúc
#image #metaphor #sadness #disappointment #restructuring
————–
(***) Bản quyền bài dịch thuộc về Tham vấn trị liệu Tâm lý MindCare. Khi chia sẻ, cần phải trích dẫn nguồn đầy đủ tên tác giả (nếu có) và nguồn là “Nguồn: Tham vấn trị liệu Tâm lý MindCare”. Các bài viết trích nguồn không đầy đủ, đều không được chấp nhận và phải gỡ bỏ.
——
💁♀️Tham gia group Tư vấn tâm lý cùng chuyên gia MindCare: https://www.facebook.com/groups/908586050050211
🌈Hãy liên hệ với chúng tôi bất cứ khi nào bạn cần được hỗ trợ:
☎️ 0866.13.58.85 (Dịch vụ Tham vấn Trị liệu, Đánh giá Tâm Lý) / 0877.16.33.66 (Dịch vụ Hướng nghiệp, Tâm Lý cho Doanh nghiệp & Học đường)
📧 tamlymindcare@gmail.com
📲 https://mindcare.vn/