LÀM THẾ NÀO ĐỂ GỠ BỎ SỰ TỔN THƯƠNG TRONG QUÁ KHỨ?

“Đôi khi, những ký ức hạnh phúc lại khiến bạn đau đớn nhiều nhất.”

Chấn thương tâm lý thường được gắn liền với những trải nghiệm tiêu cực như bị ngược đãi hay bỏ rơi. Nhưng đôi khi, những ký ức hạnh phúc có thể khiến bạn bị tổn thương nhiều nhất.

Điều này thường xảy ra khi bạn mất đi người thân, chia tay người yêu hoặc trải qua một biến cố lớn làm đảo lộn cuộc sống. Ở trường hợp này, trong trải nghiệm đau buồn lại tồn tại điều gì đó ta vẫn hằng mong muốn, khiến tinh thần luôn bị kẹt lại ở đó.

Sự khác biệt giữa hồi tưởng lạc quan và mắc kẹt trong quá khứ

Hồi tưởng lạc quan (rosy retrospection) là cơ chế bình thường của não bộ, vì nó nhắc lại những cảm xúc tốt đẹp trong quá khứ. Đây là lý do ta luôn thấy quá khứ tốt đẹp hơn, dù trong hiện tại ta có thể sống cuộc sống đầy đủ hơn trước kia. Hầu hết chúng ta đều có đôi lúc “ăn mày quá khứ” vì nó giúp tinh thần lạc quan và thoải mái hơn.

Nhưng mắc kẹt trong quá khứ hạnh phúc lại là một vấn đề hoàn toàn khác. Người ở trạng thái này thường do bất mãn với cuộc sống hiện tại, nên họ luôn “sống” trong quá khứ và ước mọi thứ chưa từng thay đổi. Chẳng hạn khi người thân qua đời, điều khiến ta đau đớn không phải là sự mất mát, mà vì tha thiết mong người đó vẫn còn ở trong đời mình.

Tình trạng này có thể kéo dài tới vài năm sau sự cố, khiến ta không thể sống trọn vẹn ở hiện tại. Theo chuyên gia tâm lý Brianna Wiest chia sẻ trên Thought Catalog, để “giải phóng” bản thân khỏi những trải nghiệm này, ta cần quay trở lại đối mặt với nó trong tâm thế một người từng trải. Bài tập 4 bước sau đây sẽ giúp bạn làm điều đó:

Bước 1: Trở lại trải nghiệm qua ký ức

Như đã nói, những trải nghiệm đau buồn có thể khiến bạn căng thẳng, nhưng chúng có thể mang một yếu tố nào đó mà bạn vẫn ao ước có được. Chính vì vậy, bạn luôn cảm thấy khó chịu mà không giải thích được lý do tại sao. Bước này giúp bạn “khoanh vùng” được gốc rễ của nó:

  • Nhắm mắt lại và tìm kiếm cảm xúc đang khiến bạn khó chịu.
  • Hình dung cảm xúc này là một con người và cố gắng gọi tên nó: nỗi buồn, thương nhớ, hối tiếc hay uất ức.
  • Hỏi nhẩm “[Tên cảm xúc] này bắt đầu từ đâu?” rồi tập trung đi theo nó. Bạn sẽ nhìn ra một khoảng thời gian, không gian hay sự việc mà bạn đã trải qua.
  • Bạn có thể bỏ qua bước này nếu sự việc xảy ra gần đây và ký ức còn mới nguyên. Trong trường hợp này, bạn chỉ cần hồi tưởng lại điểm xuất phát của mọi việc.

Bước 2: Đối diện với phiên bản cũ của chính mình

Đây là bước cần thiết giúp bạn đối mặt trực diện với điều đã xảy ra, cũng như những chấn thương nó dẫn đến. Sau khi đã gọi tên được cảm xúc và hồi tưởng lại các thông tin về sự cố, bạn hãy tưởng tượng đang ngồi cạnh hoặc đối diện với chính mình ở thời điểm đó. Cố gắng dùng những từ ngữ cụ thể để miêu tả bản thân, chẳng hạn:

  • Đầu tóc: Rối bời, nhớp nháp do lâu ngày không gội
  • Quần áo: Xộc xệch, mặc đi mặc lại nhiều ngày
  • Tâm trạng/suy nghĩ: Tàn tạ, buồn thảm, cảm thấy thế giới sụp đổ, không còn muốn phấn đấu làm gì, cuộc đời quá bất công với mình…

Để hỗ trợ quá trình hồi tưởng, bạn cũng có thể nhìn hình ảnh và nghe những âm thanh liên quan đến trải nghiệm đó. Tuy nhiên trong nhiều trường hợp, chúng có thể kích hoạt những cảm xúc và phản ứng cực đoan. Để phòng tránh, bạn nên làm việc này dưới sự hướng dẫn của chuyên gia trị liệu

Bước 3: “Hướng dẫn” bạn của quá khứ đối mặt với chấn thương

Đây là lúc bạn phát huy “năng lực” mạnh mẽ nhất mình có trong hiện tại: truyền đạt kinh nghiệm của một người từng trải giúp bạn của quá khứ đối mặt với chấn thương. Có nhiều cách giúp bạn làm việc này, tùy thuộc vào bản chất của vấn đề và chấn thương đi kèm.

Nếu bạn ở thời điểm đó vừa chia tay người yêu cũ, bạn có thể trấn an rằng việc chia tay đã giúp bạn loại bỏ một người không nên ở trong đời. Nếu đang trong một mối quan hệ khác, bạn có thể động viên chính mình trong quá khứ rằng, một mối tình đẹp hơn với tương lai sáng hơn đang đợi họ ở phía trước.

Nếu bạn khi đó vừa mất một người thân, bạn nên hướng dẫn họ từng việc phải làm sau khi lo xong hậu sự: cần liên hệ với ai, bắt đầu làm gì và ngừng làm gì. Chẳng hạn:

  • Người cần liên hệ: Bạn bè thân thiết, nhà trị liệu tâm lý
  • Việc cần bắt đầu làm: Đi tham vấn trị liệu tinh thần
  • Việc cần ngừng làm: Áy náy về những điều chưa kịp làm với người thân quá cố. Thay vào đó, hãy cố gắng trở thành phiên bản tốt nhất có thể để họ ra đi được yên lòng.

Bước này sẽ giúp bạn lấy lại phần nào cảm giác kiểm soát với tình huống. Nó cũng đồng thời giúp bạn “giải quyết” những khúc mắc còn ở trong lòng. Từ đây, bạn sẽ giải phóng được bản thân khỏi mối ràng buộc với quá khứ để gắn nó với hiện tại.

Bước 4: Ghi chú lại toàn bộ quá trình

Sau khi mở mắt trở về với thực tại, bạn nên viết hoặc vẽ lại toàn bộ quá trình này xuống giấy. Nên sử dụng nhật ký cảm xúc hoặc nhật ký tri ân (gratitude journal) cho việc này.

Bước này giúp bạn nhận thức được mình đã có trải nghiệm vượt qua chấn thương đáng nhớ, đồng thời có cuốn “cẩm nang” hữu hiệu để sử dụng khi cần đối phó với trải nghiệm đau buồn khác.

Giữ gìn ký ức sao cho đẹp nhưng không đau

Chúng ta ít nhiều đều thay đổi sau khi trải qua biến cố và chấn thương. Ký ức hạnh phúc dù đẹp, nhưng nó gắn liền với một phiên bản của ta trong quá khứ mà ta mãi mãi không thể trở lại.

Ta không cần quên đi những ký ức ấy, nhưng cần học cách tách rời phiên bản hiện tại của bản thân ra khỏi chúng. Bởi chỉ khi đã giải phóng bản thân khỏi quá khứ, ta mới có thể tập trung vào xây dựng cuộc sống trọn vẹn hơn ở hiện tại.

Nguồn: Hien Le (21/07), “4 Bước gỡ rối tơ lòng trong quá khứ”, truy tập ngày 14/12/2022 tại Vietcetera.

——-
Hãy liên hệ với chúng tôi bất cứ khi nào bạn cần được hỗ trợ:
☎️ 0828.77.22.33 (Dịch vụ Tham vấn Trị liệu, Đánh giá Tâm Lý) / 0877.16.33.66 (Dịch vụ Hướng nghiệp, Tâm Lý cho Doanh nghiệp & Học đường)
📧 tamlymindcare@gmail.com
📲 https://mindcare.vn/