TA NGHĨ GÌ KHI NÓI VỀ “BẢN SẮC CÁ NHÂN”

Bản sắc có thể bị ảnh hưởng hoặc thừa hưởng từ cha mẹ, bạn bè, và những hình mẫu trong xã hội. Những đứa trẻ xây dựng bản sắc của chúng qua những gì chúng nghĩ về cách cha mẹ nghĩ về chúng. Nếu cha mẹ của chúng nghĩ rằng chúng vô giá trị, những đứa trẻ sẽ tự xây dựng một bản thể “vô dụng”. 

Những nhà tâm lý học cho rằng sự tạo dựng bản sắc cho riêng mình là một hành trình đi tìm cái tôi bằng cách kết hợp những giá trị và tài năng sẵn có của bản thân với những vai trò và địa vị trong xã hội. Vì vậy, công việc đi tìm và lựa chọn cái tôi trong xã hội là một trong những lựa chọn khó nhất trong cuộc đời của mỗi con người. Khi chúng ta không tìm được bản sắc của riêng mình, chúng ta dễ bị hòa mình vào những giá trị bên ngoài và vô tình tạo dựng những bản sắc không lành mạnh và độc hại. Ví dụ, có những người lạm dụng chất kích thích, mua sắm và ham vui cực độ và dùng nó như những cách để cảm thấy mình đang sống và tồn tại, hoặc để che đậy và giấu kín cảm thấy tuyệt vọng và vô nghĩa của chính bản thân họ.

“Bản sắc” là một chủ đề xoay quanh chùm những câu hỏi như: “Bạn là ai?” và “Điều bạn là ai thì mang ý nghĩa gì/như thế nào?”. Bản sắc có mối quan hệ sâu sắc với những giá trị cơ bản của một cá nhân và nó ảnh hưởng đến tất cả những sự lựa chọn (hành vi, các quyết định) của chúng ta trong cuộc sống (ví dụ như việc bạn lựa chọn kết bạn với người này thay vì người kia, hay chọn học ngành IT thay vì học xây dựng). Những sự lựa chọn này trả lời cho câu hỏi “Bạn là ai” và phần nào phản ánh những phẩm chất và giá trị mà bạn đang coi trọng. Ví dụ như chúng ta thường hay cho rằng những nhà đầu tư, kinh doanh thì luôn coi trọng tiền bạc và những giảng viên đại học thì sẽ coi trọng việc giáo dục và giúp đỡ học sinh.

Trên thực tế lại có rất ít người tìm được và có quyền lựa chọn những thứ cho bản thân mình. Phần lớn trong chúng ta thừa hưởng những giá trị do cha mẹ dạy dỗ hoặc những giá trị thuộc về cội nguồn văn hóa và chúng ta có xu hướng chọn những điều đã được dạy hay cho là phù hợp với văn hóa mà mình bị ảnh hưởng. Song, những quan niệm và giá trị sống này không hoàn toàn phản ánh con người thực sự và cái tôi của chúng ta và điều này có thể dẫn đến cho một cuộc sống không viên mãn. Ngược lại, chúng ta có một cuộc sống viên mãn là khi chúng ta được sống đúng với cái tôi, điều mà chúng ta quan niệm và tôn vinh, và khi chúng ta có thể đạt được những mục tiêu mà mình mong muốn. Nếu không hiểu về bản sắc của bản thân sẽ dẫn tới sự do dự, không chắc chắn về những mục đích và mục tiêu mà chúng ta muốn tiến tới trong cuộc sống.

Trong cuộc sống, mỗi người luôn mang vô vàn những bản thể và vai trò khác nhau như vai trò của một giáo viên, một người cha, và một người bạn. Mỗi bản thể mang ý nghĩa và vai trò riêng và được nhập nội vào trong bản sắc của bạn.

Điều gì tạo nên cái tôi thực sự? Nhiệm vụ và mục đích cao quý nhất của mỗi cá nhân là gây dựng và phát triển những sự lựa chọn trong cuộc sống và hài hòa chúng một cách tối đa nhất có thể với những giá trị và quan niệm của bản thân và đặc biệt là cái tôi thực sự. Phủ nhận cái tôi là phủ nhận những gì sẵn có và cao quý nhất trong chính chúng ta. Để đi tìm sự hạnh phúc và lưu giữ sự hạnh phúc trong cuộc sống, chúng ta cần sống một cách hài hòa với chính bản thân chúng ta.

Có 3 bước để tạo dựng bản sắc:

Bước thứ nhất là khám phá và phát triển những giá trị và khả năng tiềm ẩn của chính mình.

Những giá trị và khả năng tiềm ẩn giúp chúng ta làm những thứ mà chúng ta có thể làm tốt hơn những thứ khác. Vậy cách giúp chúng ta phát hiện ra khả năng tiềm ẩn của mình là gì? Đáp án là một quá trình thử nghiệm và tìm ra lỗi sai. Quá trình này đòi hỏi sự tiếp xúc với rất nhiều các loại hình hoạt động khác nhau mà trong đó chúng ta có thể tìm ra những hoạt động mà chúng ta có thể làm một cách vượt trội hơn các hoạt động còn lại. Chúng ta cảm nhận được điều này khi chúng ta nhận được phản hồi tốt từ mọi người xung quanh và chính những cảm xúc tích cực chúng ta có được từ những hoạt động đó. Những hoạt động này đơn giản tạo ra những cảm xúc “đúng và hợp lý” và đóng vai trò là những động lực giúp chúng ta thực hiện chúng. Nhưng thế nào đi chăng nữa, sự phát triển về kĩ năng và tay nghề đòi hỏi thời gian, sự kiên trì, và sự nhẫn nại trước những khó khăn và trở ngại không tránh khỏi.

Bước thứ hai là lựa chọn những lẽ sống cho riêng mình.

Việc lựa chọn những mục tiêu để tiến tới trong cuộc sống chưa bao giờ là không quan trọng. Để đạt được thành công trong cuộc sống, chúng ta cần xác định những bước nhỏ để tiến tới những mục tiêu lớn hơn và những mục tiêu này phải phù hợp với khả năng và hoàn cảnh của chúng ta. Khi mục tiêu được đưa ra và khả năng thực hiện mục tiêu của chúng ta không cân bằng, chúng ta sẽ cảm thấy bất mãn và thất bại. 

Ở bước cuối cùng, chúng ta cần tìm kiếm những cơ hội khác nhau trong cuộc sống

giúp chúng ta mở ra và phát hiện những tiềm năng của bản thân và những quan niệm, mục đích sống mới. Một xã hội mở cho phép chúng ta linh động trong việc lựa chọn lối sống nào cho phù hợp với bản thân mình và điều tốt nhất giúp sinh động hóa bản sắc của chúng ta. 

Bản sắc không bao giờ là bất biến và luôn luôn liên tục chuyển biến trong suốt cuộc đời của mỗi con người. “Biết mình” và thực sự hiểu về bản thân mình giúp chúng ta cảm thấy tự tin và giảm thiểu những điều lo âu và nhức nhối trong cuộc sống. Khi một người biết họ đang làm gì và có sự tự chủ về điều họ làm, họ chắc chắn sẽ cảm thấy tự tin, hạnh phúc, và an toàn.

Khi một người không thực sự thể hiện được điều mình mong muốn, hay bộc lộ được những nét riêng và bản sắc của riêng mình, hoặc có thể đang phải đeo những chiếc mặt nạ và “diễn” để gây ấn tượng hay làm hài lòng người khác, họ sẽ không được “diễn” mãi một cách tự nhiên được vì trong lúc đó, tâm trí của họ đã bị che lấp bởi sự ngờ vực bản thân và những suy nghĩ tiêu cực. 

Khi một người đi tìm những điều mà mọi người nói về và gán cho họ để xây dựng bản sắc cho riêng mình, biết được mình cần phải làm gì, mình phải nhìn như thế nào, là ai, người đó đang tự làm tổn thương đến bản thân và sức khỏe tình thần. Ví dụ, những rối loạn về ăn uống được sinh ra từ chính những nỗi lo của tâm trí về ngoài hình cơ thể. 

Nguồn: https://www.psychologytoday.com/us/blog/science-choice/201412/basics-identity?fbclid=IwAR1Q3yz8d6klCcYtk8Z2slwoFSaa147Z5YGEp5vnghS_NfuEcrj6ksV98j8


Hãy liên hệ với chúng tôi bất cứ khi nào bạn cần được hỗ trợ:

☎️ 0828.77.22.33
📧 tamlymindcare@gmail.com