KIỆT SỨC LÀ NHƯ THẾ NÀO? BẠN CÓ ĐANG BỊ KIỆT SỨC?

Những người đang vật lộn để đối phó với căng thẳng tại nơi làm việc có thể khiến bản thân có nguy cơ bị kiệt sức (burnout) cao. Sự kiệt sức có thể khiến người đó cảm thấy mệt mỏi kiệt quệ, trống rỗng và không thể đương đầu với những đòi hỏi của cuộc sống.

Sự kiệt sức có thể đi kèm với một loạt các triệu chứng về sức khỏe thể chất và tinh thần. Nếu không được giải tỏa, tình trạng kiệt sức có thể khiến người đó khó có thể hoàn thành tốt các nhiệm vụ trong cuộc sống hàng ngày.

1. Kiệt sức là gì?

Kiệt sức là một từ còn khá mới với mọi người. Theo Herbert Freudenberger, kiệt sức là sự suy giảm nghiêm trọng về động lực hoặc cảm giác hứng thú, đặc biệt là khi sự tận tâm của một người với một mục tiêu hoặc trong một mối quan hệ không mang lại kết quả mong muốn.

Tình trạng kiệt sức là một phản ứng đối với căng thẳng công việc kéo dài hoặc mãn tính và được đặc trưng bởi ba khía cạnh chính: cảm thấy bị kiệt quệ, luôn nghi ngờ (ít liên quan với công việc) và cảm giác năng lực chuyên môn bị giảm sút.

Nói một cách đơn giản hơn, nếu bạn cảm thấy bị kiệt quệ, bắt đầu ghét công việc của mình và bắt đầu cảm thấy năng lực trong công việc bị giảm sút, là bạn đang có dấu hiệu bị kiệt sức.

Sự căng thẳng góp phần vào tình trạng kiệt sức của bạn có thể chủ yếu đến từ công việc, nhưng sự căng thẳng đến từ lối sống của bạn có thể làm tình trạng kiệt sức tăng thêm. Đặc điểm tính cách và kiểu tư duy chẳng hạn như bạn là người theo chủ nghĩa hoàn hảo và bi quan, cũng có thể góp phần gây nên tình trạng kiệt sức của bạn.

Hầu hết mọi người dành phần lớn thời gian mà họ tỉnh táo để làm việc. Nếu như bạn ghét công việc của mình, sợ phải đi làm và không hề hài lòng về những gì mình làm, thì việc này có thể gây tổn hại nghiêm trọng đến cuộc sống của bạn.

2. Dấu hiệu và triệu chứng

Mặc dù tình trạng kiệt sức không phải là một rối loạn tâm lý có thể chẩn đoán, tuy nhiên điều đó không có nghĩa là nó không cần được quan tâm một cách nghiêm túc.

Dưới đây là một số dấu hiệu kiệt sức phổ biến nhất:

Xa lánh/né tránh các hoạt động liên quan đến công việc: Một người đang bị kiệt sức cảm thấy sự căng thẳng và bực bội của họ liên quan tới công việc ngày càng tăng lên. Sự nghi ngờ về điều kiện làm việc và nghi ngờ về đồng nghiệp trong họ cũng ngày một lớn hơn. Họ cũng có thể không có sự kết nối cảm xúc với chính mình và bắt đầu cảm thấy tê liệt trong công việc.

Triệu chứng thực thể: Căng thẳng mãn tính có thể dẫn đến các triệu chứng thực thể như đau đầu và đau dạ dày hoặc các vấn đề về đường ruột, tiêu hóa
Kiệt quệ về mặt cảm xúc: Sự kiệt sức khiến người đó cảm thấy như bị hao mòn, mệt mỏi và không thể đối phó với các vấn đề nảy sinh. Họ thường thiếu năng lượng để hoàn thành công việc.

Giảm hiệu suất: Tình trạng kiệt sức chủ yếu ảnh hưởng đến các nhiệm vụ hàng ngày tại nơi làm việc hoặc tại nhà. Người bị kiệt sức cảm thấy tiêu cực về các nhiệm vụ mà họ phải làm. Họ gặp khó khăn trong việc tập trung và thường thiếu đi sự sáng tạo.
—————–
Nếu bạn cảm thấy mình đang có một vài dấu hiệu hoặc triệu chứng kể trên, có lẽ bạn cần cân nhắc đến một số biện pháp để giúp bạn cân bằng tinh thần cũng như các khía cạnh trong cuộc sống của mình.

Lược dịch từ: https://www.verywellmind.com/stress-and-burnout-symptoms-and-causes-3144516
Ảnh: Internet
—————–
#Kiệt_sức
#Căng_thẳng #Stress
#Burnout
#Giải_tỏa_căng_thẳng
#Tham_vấn_tâm_lý