LÀM THẾ NÀO ĐỂ CHỮA LÀNH KHI TA BỊ MỘT NGƯỜI THÂN YÊU PHẢN BỘI?

“Điều buồn nhất của sự phản bội đó là nó không bao giờ đến từ kẻ thù của bạn, nó đến từ người bạn tin tưởng nhất.” – Khuyết danh 
Nếu bạn từng bị mất lòng tin bởi một ai đó thân thiết, bạn có thể cảm thấy tổn thương sâu sắc và gặp phải chấn thương phản bội (betrayal trauma). Loại chấn thương này có thể ảnh hưởng đến lòng tự trọng, sức khỏe cảm xúc và mối quan hệ của bạn với những người xung quanh.
Bất kỳ hình thức phản bội nào cũng gây ra cho ta đau khổ về mặt cảm xúc. Nhưng nếu sự phản bội đến từ chính người mà bạn mong đợi sẽ tôn trọng nhu cầu, cảm xúc của bạn và không bao giờ làm hại đến bạn, nỗi đau ấy sẽ còn dai dẳng và sâu sắc hơn rất nhiều.
Chấn thương phản bội thường đề cập tới nỗi đau kéo dài và những trải nghiệm rối ren sau đó. Thông thường, chấn thương phản bội sẽ đến từ:
– Sự phản bội của cha mẹ hoặc người chăm sóc thời thơ ấu
– Sự phản bội của đối tác trong mối quan hệ lãng mạn
Khi bạn phụ thuộc vào người khác vì những nhu cầu cơ bản, tình yêu và sự bảo vệ, bạn có thể chấp nhận sự phản bội để đảm bảo an toàn cho chính mình. Bạn cũng có thể chấp nhận khả năng bị phản bội trong tương lai – chính điều này sẽ là khởi đầu cho sự suy giảm lòng tự trọng, an toàn cảm xúc và khả năng hình thành sự gắn bó với người khác.

Lý thuyết về chấn thương phản bội

Khái niệm chấn thương phản bội lần đầu tiên được nhà tâm lý học Jennifer Freyd đưa ra vào năm 1991. Bà mô tả nó như một chấn thương cụ thể xảy ra trong các mối quan hệ xã hội quan trọng, nơi người bị phản bội cần duy trì mối quan hệ với người phản bội để được hỗ trợ hoặc bảo vệ. Lý thuyết chấn thương phản bội đề xuất rằng, những nguy hại trong các mối quan hệ gắn bó, như mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái hoặc giữa các đối tác lãng mạn, có thể gây ra chấn thương lâu dài.
Mọi người thường phản ứng với sự phản bội bằng cách rời xa người đã phản bội họ. Nhưng khi bạn phụ thuộc vào người phản bội để đáp ứng những nhu cầu nhất định, cách phản ứng này có thể không khả thi. Ví dụ, trẻ em phụ thuộc vào cha mẹ để đáp ứng nhu cầu tình cảm cùng nhu cầu về thức ăn, chỗ ở và sự an toàn. Tương tự, một người thiếu nguồn lực tài chính hoặc xã hội nằm ngoài mối quan hệ của họ có thể lo sợ rằng việc thừa nhận sự phản bội và rời bỏ mối quan hệ ấy sẽ khiến họ gặp nguy hiểm.
Nỗi sợ hãi về hậu quả tiềm tàng của việc thừa nhận sự phản bội có thể khiến người bị phản bội chôn vùi vết thương lòng. Kết quả là, họ có thể không hoàn toàn xử lí xong câu chuyện phản bội hoặc nhớ được nó một cách chính xác, đặc biệt nếu nó xảy ra trong thời thơ ấu.

Mối liên hệ với thuyết gắn bó

Mặc dù ban đầu các chuyên gia sử dụng khái niệm chấn thương phản bội cho những đứa trẻ bị người chăm sóc phản bội, nhưng rõ ràng loại tổn thương này cũng có thể xảy ra trong các mối quan hệ khác.
Hãy lùi lại một bước để nhìn lại những điều cơ bản của lý thuyết gắn bó – xét cho cùng thì sự gắn bó có trước sự phản bội.
Những mối quan hệ đầu tiên trong đời của bạn rất quan trọng vì chúng đặt nền móng cho những mối quan hệ sau này. Khi những liên kết này mạnh mẽ và an toàn, chúng sẽ mở đường cho những gắn bó an toàn ở tuổi trưởng thành. Mặt khác, những liên kết không an toàn thường dẫn đến những mối quan hệ lung lay hoặc đầy rẫy vấn đề.
Cha mẹ sinh con ra đời phải có trách nhiệm bảo vệ, chăm sóc con. Trách nhiệm này hình thành một thỏa thuận bất thành văn giữa cha mẹ và con cái. Đứa trẻ trông đợi rằng cha mẹ sẽ ưu tiên cho sự an lạc của mình và chúng thường tin tưởng hoàn toàn vào cha mẹ – cho đến khi cha mẹ làm chúng thất vọng.
Trong một mối quan hệ lãng mạn, bạn có thể không cần đối tác của mình để tồn tại, nhưng bạn có thể phụ thuộc vào họ ở mặt tình yêu, sự hỗ trợ về mặt cảm xúc và sự đồng hành. Những mối quan hệ này cũng dựa trên sự đồng thuận – ranh giới xác định mối quan hệ. Ví dụ, các đối tác trong mối quan hệ một vợ một chồng thường có một số nhận thức chung về định nghĩa gian lận và đồng thuận với lòng tin sẽ không lừa dối lẫn nhau. Một đối tác lừa dối là người phản bội các điều khoản trong nhận thức đó.

Dấu hiệu và triệu chứng

Chấn thương phản bội có thể ảnh hưởng đến sức khỏe thể chất và tinh thần, nhưng những tác động cụ thể sẽ khác nhau tùy thuộc vào mỗi chấn thương. Hãy nhớ rằng không phải ai cũng trải qua chấn thương theo cách giống nhau.

Chấn thương thời thơ ấu

Ảnh hưởng của sự phản bội có thể xuất hiện ngay sau chấn thương và kéo dài đến tuổi trưởng thành.
Các dấu hiệu chính bao gồm:
  • Khó nhận biết, thể hiện hoặc quản lý cảm xúc
  • Lo âu, trầm cảm và các triệu chứng sức khỏe tâm thần khác
  • Những cơn ác mộng
  • Đau thể chất hoặc đau dạ dày
  • Cơn hoảng loạn
  • Ý nghĩ tự tử
  • Khó tin tưởng người khác
  • Vấn đề gắn bó
  • Rối loạn ăn uống
  • Sử dụng chất kích thích
Những đứa trẻ bị phản bội về sau cũng có thể gặp tình trạng phân ly hoặc tách rời khỏi thực tại để trốn tránh những ký ức bạo hành.
Nếu cha mẹ không bảo vệ bạn, sự phản bội này có thể mâu thuẫn sâu sắc với những gì bạn mong đợi đến mức  bạn phải chối bỏ nó để duy trì sự gắn bó. Che mắt bản thân trước sự phản bội và nỗi sợ hãi về sự phản bội trong tương lai giúp bạn tồn tại trong một mối quan hệ mà bạn tin rằng mình không thể trốn thoát. Khả năng “quên” trở thành một cơ chế đối phó của bạn. Tuy nhiên, dù sự phân ly có thể giúp bạn đối phó với chấn thương, nó sẽ ảnh hưởng đến trí nhớ và ý thức về bản thân của bạn.

Chấn thương từ sự không chung thủy

Sự phản bội trong một mối quan hệ lãng mạn thường ở dạng ngoại tình, mặc dù các kiểu phản bội khác, chẳng hạn như phản bội về tài chính, cũng có thể gây ra phản ứng chấn thương.
Việc phát hiện ra sự không chung thủy thường dẫn đến:
  • Mất lòng tự trọng và giá trị bản thân
  • Tê liệt cảm xúc
  • Tức giận
  • Tội lỗi
  • Khó kiểm soát cảm xúc
  • Những suy nghĩ, liên tưởng về chi tiết việc ngoại tình
  • Mất niềm tin vào người khác
  • Nghi ngờ và cảnh giác cao độ
  • Trầm cảm, lo âu và các triệu chứng sức khỏe tâm thần khác
  • Các triệu chứng thực thể, bao gồm mất ngủ, các cơn đau và khó chịu dạ dày
Mù quáng trước sự phản bội cũng xảy ra trong các mối quan hệ lãng mạn. Có thể bạn không thực sự cần đối tác của mình để tồn tại, nhưng bạn vẫn cảm thấy không thể rời đi vì những lí do khác như con cái, thiếu các lựa chọn, không có thu nhập cá nhân.
Các mối quan hệ cũng đáp ứng các nhu cầu quan trọng là kết nối xã hội và cảm giác được thuộc về. Sự phản bội có thể khiến bạn tự hỏi mình phải đáp ứng những nhu cầu đó thế nào trong tương lai. Thay vì cảnh giác trước các dấu hiệu lừa dối, bạn có thể chọn (thường là trong vô thức) lờ đi hoặc xem nhẹ chúng để bảo vệ mối quan hệ sức khỏe tinh thần của mình.

Bắt đầu quá trình hồi phục

Sau khi bị phản bội trong một mối quan hệ lãng mạn, bạn có thể đối mặt với các vấn đề về lòng tin và sự nghi ngờ bản thân. Ngay cả khi bạn chọn cho đối tác của mình một cơ hội khác, có thể mất nhiều tháng, thậm chí nhiều năm để xây dựng lại niềm tin như ban đầu.
Nếu bạn đối phó với tổn thương thời thơ ấu bằng cách phân ly hoặc khóa lại những gì đã xảy ra, ký ức của bạn rồi sẽ trỗi dậy, đặc biệt khi bạn gặp phải điều gì đó tương tự. Khóa chặt vùng kí ức đó có thể không phải một lựa chọn. Ngay cả khi bạn cố gắng xóa bỏ ký ức của mình một lần nữa, vết thương của bạn cũng sẽ không lành.
Con đường phục hồi với mỗi người là khác nhau, nhưng những chiến lược dưới đây có thể giúp bạn thực hiện những bước đầu tiên.

Thừa nhận thay vì trốn tránh

Việc chữa lành thường đòi hỏi trước tiên bạn phải chấp nhận những gì đã xảy ra.
Khi bạn không xử lí sự phản bội, tình trạng hỗn loạn của bạn có thể lan sang các lĩnh vực khác trong cuộc sống. Bạn không thể xóa sổ nó, vì vậy cho dù bạn có cố gắng cẩn thận dồn nén những chuyện đã xảy ra đến đâu, những ký ức đó vẫn tiếp tục quay lại trong đầu bạn khi ở cùng bạn bè, chăm sóc con cái hoặc trên đường lái xe đi làm.
Những tổn thương như ngoại tình dường như quá đau đớn để ta nhìn thẳng vào nó. Tuy nhiên, trên thực tế, việc thừa nhận nó cho phép bạn bắt đầu khám phá những lý do đằng sau nó, và điều này có thể giúp khởi động quá trình chữa lành. Thay vì bị mắc kẹt trong vòng lặp nghi ngờ bản thân và tự phê phán, bạn có thể bắt đầu giải quyết các vấn đề tiềm ẩn trong mối quan hệ, chẳng hạn như thiếu giao tiếp hoặc sự thân mật, đồng thời khám phá các cách giải quyết chúng.
Lưu ý: Điều này không có nghĩa là lời bao biện cho sự phản bội. Lựa chọn lừa dối là một phản ứng không lành mạnh đối với các vấn đề trong mối quan hệ.

Tập chấp nhận những cảm xúc khó khăn

Rất nhiều cảm xúc khó chịu có thể xuất hiện sau khi bị phản bội. Việc cảm thấy bị sỉ nhục hoặc xấu hổ là điều bình thường. Bạn cũng có thể cảm thấy tức giận, muốn trả thù, mệt mỏi hoặc đau buồn. Bạn cũng có thể thấy mình đang cố gắng trốn tránh sự đau khổ bằng cách phủ nhận hoặc khóa chặt những gì đã xảy ra. Mặc dù trốn tránh những cảm xúc đau đớn hoặc khó chịu có vẻ dễ dàng và an toàn, nhưng trốn tránh hoặc che giấu cảm xúc của bạn chỉ khiến việc điều chỉnh chúng thêm khó khăn hơn.
Hãy đặt tên cho những cảm xúc một cách cụ thể như tức giận, hối tiếc, buồn bã hay mất mát. Nhờ đó, bạn có thể ngồi xuống, đối mặt với những cảm xúc đó dễ dàng hơn và thấy chúng bớt đáng sợ, đồng thời dần dần nâng cao nhận thức của bạn về chúng. Đổi lại, nhận thức về cảm xúc có thể giúp bạn xác định các chiến lược để đối phó với những cảm xúc đó một cách hiệu quả hơn.

Tìm đến người khác để được hỗ trợ

Việc chia sẻ về sự phản bội không phải lúc nào cũng dễ dàng. Đôi khi bạn sẽ không sẵn lòng nói về chấn thương thời thơ ấu hoặc chuyện ngoại tình của bạn đời. Ngoài ra, một khi ai đó đã phản bội lòng tin của bạn, bạn có thể khó tin tưởng bất kỳ ai khác.
Tuy nhiên, chúng ta đều cần sự hỗ trợ tinh thần, đặc biệt là trong thời gian căng thẳng. Đôi khi những người thân yêu của bạn không cần biết chính xác chuyện gì đã xảy ra, nhưng họ vẫn có thể bầu bạn khi bạn không muốn ở một mình và giúp bạn phân tâm khi bạn không thể thoát khỏi những suy nghĩ vẩn vơ. Bạn hoàn toàn có thể chia sẻ một cách lịch sự cho bạn bè biết khi nào bạn cần lời khuyên và khi nào bạn chỉ đơn giản là muốn chia sẻ cảm xúc.
Bạn sẽ cần thận trọng khi thảo luận về hành vi lừa dối của đối tác với những người bạn chung. Việc ngồi lê đôi mách có thể khiến một tình huống khó khăn trở nên đau đớn hơn, vậy nên bạn có thể muốn dành những chi tiết trong câu chuyện để chia sẻ với những người thân yêu, tin cậy nhất.

Tập trung vào những gì bạn cần

Sau khi bị đối tác lừa dối, hầu hết mọi người cần một thời gian để quyết định xem nên chấm dứt mối quan hệ hay cố gắng hàn gắn và tiếp tục. Bạn không cần thúc ép bản thân phải đưa ra một quyết định nhanh chóng. Một nhà trị liệu về mối quan hệ có thể hỗ trợ và hướng dẫn bạn trong quá trình cân nhắc và đưa ra quyết định.

Một khi bạn bắt đầu phục hồi sau chấn thương ban đầu, hãy chú ý nhiều hơn đến nhu cầu của bạn:

  • Thay vì nằm thao thức và miên man với những suy nghĩ đau khổ, hãy thử dùng liệu pháp mùi hương, tắm nước ấm hoặc nghe nhạc êm dịu để thư giãn và cải thiện giấc ngủ của bạn.
  • Thay vì bỏ bữa khi bạn cảm thấy buồn nôn hoặc chán ăn, hãy ăn nhẹ với những thực phẩm tăng cường năng lượng và giữ cho cơ thể đủ nước.
  • Những bộ phim yêu thích và chương trình truyền hình quen thuộc có thể giúp bạn bình tĩnh và được xoa dịu phần nào, nhưng hãy cố gắng kết hợp thêm một số sở thích khác. Yoga, đi bộ, đọc sách hoặc chăm sóc cây cối đều mang lại lợi ích cải thiện tâm trạng.

Tham vấn, trị liệu có thể giúp ích như thế nào

Chấn thương có thể khó đối mặt khi chỉ có chính bạn. Sự hỗ trợ chuyên nghiệp có thể tạo ra sự khác biệt lớn trong quá trình chữa lành. Trong trị liệu, bạn có thể bắt đầu thừa nhận và vượt qua sự phản bội trước khi nó gây ra đau khổ kéo dài.
Các nhà trị liệu được đào tạo để làm việc với những người đã trải qua lạm dụng và bỏ bê cũng có thể giúp giải tỏa những ảnh hưởng lâu dài của chấn thương thời thơ ấu. Ví dụ: nếu bạn có vấn đề về cách gắn bó, nhà trị liệu có thể giúp bạn xác định nguyên nhân cơ bản của cách gắn bó không an toàn và khám phá các chiến lược để xây dựng các mối quan hệ an toàn hơn.
Hầu hết các chuyên gia sức khỏe tâm thần đều khuyến nghị một số hình thức trị liệu dành cho các cặp đôi khi cố gắng hàn gắn mối quan hệ sau ngoại tình. Tuy nhiên, điều quan trọng là bạn phải tự mình làm việc với một nhà trị liệu để:
  • Xem xét bất kỳ cảm giác tự trách nào nếu có
  • Làm việc để xây dựng lại lòng tự trọng
  • Học hỏi các chiến lược lành mạnh để đối phó với những cảm xúc khó khăn

Tổng kết

Khi một người mà bạn yêu thương và tin tưởng làm một điều gì đó phá vỡ nền tảng mối quan hệ của các bạn, bạn có thể bị tổn thương nghiêm trọng.
Thế nhưng, bạn có thể chữa lành và thậm chí trở nên mạnh mẽ hơn khi xây dựng lại ý thức về bản thân và có được các công cụ để phát triển các mối quan hệ lành mạnh. Bạn đã sẵn sàng để thực hiện những bước đầu tiên chưa? Hãy liên hệ với MindCare để được kết nối với một nhà trị liệu phù hợp sẽ đồng hành cùng bạn trên hành trình chữa lành nhé.

Nguồn tham khảo: https://www.healthline.com/health/mental-health/betrayal-trauma

————–
(***) Bản quyền bài dịch thuộc về Tham vấn trị liệu Tâm lý MindCare. Khi chia sẻ, cần phải trích dẫn nguồn đầy đủ tên tác giả (nếu có) và nguồn là “Nguồn: Tham vấn trị liệu Tâm lý MindCare”. Các bài viết trích nguồn không đầy đủ, đều không được chấp nhận và phải gỡ bỏ.

——
Hãy liên hệ với chúng tôi bất cứ khi nào bạn cần được hỗ trợ:
☎️ 0828.77.22.33 (Dịch vụ Tham vấn Trị liệu, Đánh giá Tâm Lý) / 0877.16.33.66 (Dịch vụ Hướng nghiệp, Tâm Lý cho Doanh nghiệp & Học đường)
📧 tamlymindcare@gmail.com
📲 https://mindcare.vn/

Đọc thêm:

>>> Càng so sánh với người khác, chúng ta càng dễ đánh mất chính mình

>>> Lòng tự trọng – Chuyển hóa mối quan hệ của bạn với bất kì ai

>>> Chìa khóa để vượt qua những lo lắng và sợ hãi trong mối quan hệ