CHÌA KHOÁ ĐỂ VƯỢT QUA NHỮNG LO LẮNG VÀ SỢ HÃI TRONG MỐI QUAN HỆ

Khi một ai đó dành tình cảm cho người yêu của họ quá nhiều và sợ đánh mất họ, nỗi sợ hãi có thể xuất hiện dưới dạng một sự lo âu trong mối quan hệ. 

Mọi mối quan hệ đều có một chút rối loạn. Đó là một xu hướng tự nhiên khi ta muốn ở bên cạnh người mà ta cảm thấy được kết nối. Một mong muốn được xích lại gần nhau hơn, qua việc chia sẻ suy nghĩ, niềm vui, đam mê và hi vọng. 

Đồng thời, cũng rất bình thường khi ta muốn giữ một mối khoảng cách với người đặc biệt đó. Mong muốn về sự độc lập nhất định, tránh tổn thương và gánh nặng không đáng có khi ta ở quá gần một ai đó, để có được sự tự do khi ở một mình.

Cả hai xu hướng này đều rất bình thường và khi được thực hiện theo một cách trưởng thành hơn, chúng tạo ra một lối sống lành mạnh tạo điều kiện để mối quan hệ phát triển theo một hướng bền vững.  

Sự hòa hợp của hai dòng chảy này tạo ra một vũ điệu nhịp nhàng giữa các cá nhân. Không, không phải vũ điệu bốc lửa như điệu nhảy Congo hay Macarena đâu.

Khi một cặp đôi trượt băng cùng nhau, người đàn ông và người phụ nữ ở bên nhau tay trong tay trong một khoảnh khắc, và ở một khoảnh khắc khác họ tuy tách rời nhau mà dường như lại kết nối cùng chung một nhịp điệu. Và rồi mặc dù hai người ở hai đầu đối diện của sân trượt, họ tiếp tục duy trì sự kết nối trong việc di chuyển theo nhạc với những bước nhảy đã được luyện tập như một thói quen.

Điều gì sẽ xảy ra nếu một trong hai người trượt không thể duy trì nhịp điệu đó? Nếu như một người trong đội từ chối đén gần người còn lại? Hoặc ở mặt khác, từ chối để tách rời người kia? Màn biểu diễn của họ sẽ bị ảnh hưởng nặng nề, được gọi là “Sự bối rối trên băng”. 

Lo âu có thể dễ dàng thâm nhập vào các mối quan hệ và tạo ra những vấn đề này. Đối với mỗi chúng ta, nỗi sợ của việc quá gần gũi một ai đó khiến cho sự thân mật trong mối quan hệ bị thách thức. Những nỗi lo âu ấy thường tập trung vào cảm giác bị tổn thương, sự thiếu thốn bên trong mỗi người, và nỗi sợ bị gánh thêm trách nhiệm. Chúng ta thường phản hồi lại những cảm giác này bằng việc tìm cách để tách rời về mặt cảm xúc.

Những mối quan hệ này, do đó thường rất khó để có thể tạo ra động lực. Chúng khiến cho họ tan rã, mất định hướng và thường kết thúc bởi sự thiếu kết nối từ hai bên. 

Một dạng khác của sự lo âu trong một mối quan hệ, bị bỏ rơi, có tác dụng ngược lại. Nỗi sợ thường dẫn đến việc một cá nhân thường quá lệ thuộc vào người còn lại. Sự độc lập của họ trong cuộc hôn nhân, các mối quan hệ bạn bè, hoặc thậm chí là đối với con của họ, có thể khiến cho họ cảm thấy lo sợ. 

Nỗi sợ ấy thường khiến cho một người đòi hỏi những yêu cầu vô lý về sự chú ý, sự chăm sóc và thời gian của người bạn đời. Sự đòi hỏi về sự an toàn ngày càng lớn dần. Người tiếp nhận những yêu cầu này thường nhanh chóng bị mệt mỏi và kiệt sức. Bất kể bao nhiêu nỗ lực được đưa ra để thể hiện tình yêu và sự cam kết một cách bền vững, mọi thứ dường như không bao giờ là đủ. 

Các mối quan hệ này thường tan vỡ vì sự căng thẳng

Sự lo âu có thể phá hủy các mối quan hệ. Điều tồi tệ hơn là, ngay cả khi các cặp đôi đã vượt qua sự căng thẳng mà nó đem lại, các mối quan hệ này thường có những trục trặc và thiếu thốn nhất định, so với những mối quan hệ mà không có sự lo âu ấy. 

Hãy ghi nhớ rằng, nỗi lo âu mà chúng ta đang đề cậu tới là những nỗi sợ liên quan đến sự cam kết và sự thân mật trong mối quan hệ. Nỗi lo âu này khác với các nỗi lo âu xã hội, cơn đau tim, những ám ảnh và những rối loạn lo âu khác.

Mỗi một nỗi lo âu này có thể có ảnh hưởng lớn đến các mối quan hệ, nhưng không có cái nào trong số chúng có sự liên quan đặc biệt đến nỗi sợ thân mật. Điểm đặc biệt này tạo ra sự khác nhau trong việc tìm ra cách để vượt qua nỗi lo âu 

Những dấu hiệu rằng sự lo âu đang ảnh hưởng tới cuộc đời bạn

Bạn có thể đặt ra câu hỏi rằng liệu những nỗi lo âu trong quan hệ có tạo ra những vấn đề trong đời sống của bạn hay không. Điều này thường rất khó để trả lời. Sau cùng, mọi người thường trải qua sự lo âu ở một chừng mực nào đó, do đó thường khá khó để biết rằng liệu nỗi lo âu đã đạt đến mức mà ảnh hưởng đến các mối quan hệ gia đình và bạn bè của bạn. 

Những câu hỏi dưới đây có thể giúp cho bạn biết liệu nỗi lo âu ấy có phải là vấn đề hay không” 

  1. Bạn có thường xuyên lo lắng rằng người yêu của mình sẽ rời bỏ bạn? 
  2. Bạn có tin tưởng người yêu của mình khi người ấy đi chơi cùng bạn bè? 
  3. Bạn có cần sự trấn an về về tình yêu của hai người? 
  4. Bạn có thường trở nên quá lo lắng về việc người yêu của mình sẽ phản ứng thế nào trước lỗi lầm mà bạn gây ra? 
  5. Có những cuộc hội thoại nào mà bạn né tránh bởi vì nỗi lo rằng anh ấy hoặc cô ấy sẽ nổi cáu với bạn? 
  6. Bạn có thường xuyên sợ rằng người ấy sẽ phản bội mình? 
  7. Bạn có phải là một người dễ ghen tuông không? 
  8. Bạn có đang kiểm soát thời gian của người ấy, như việc cố gắng nắm rõ về những nơi mà anh ấy hoặc cô ấy đến hoặc người mà người ấy đi cùng? 
  9. Bạn có thường né tránh việc phụ thuộc vào người yêu của mình? 
  10. Bạn có cảm thấy không thoải mái khi người ấy dựa vào bạn về mặt cảm xsuc? 
  11. Đã từng có người nói rằng bạn rất khó để tìm hiểu chưa? 

Sẽ rất tốt khi bạn có thể thảo luận điều này với người đối tác của mình nếu câu trả lời là “Có” cho năm câu hỏi trở lên. Hãy nói về những nỗi lo âu của bạn một cách chân thật. Hãy thấu hiểu rằng những cố gắng của bạn để đối mặt với nỗi sợ ấy có thể ảnh hưởng đến mối quan hệ của bạn. Sau đó, hãy cùng nhau tìm ra cách để sửa chữa và thay đổi sự tương tác và kết nối trong mối quan hệ của mình.

Nếu bạn muốn có một cái nhìn rõ hơn về sự ảnh hưởng của lo âu đối với cuộc sống của mình, bạn có thể tham khảo bài kiểm tra 3 phút “Các câu hỏi tổng quan về lo âu” ở dưới đây. 

Điều bạn cần làm để chiến đấu với nỗi lo âu của mình 

Để chiến đấu với nỗi lo âu của mình, bạn cần biết rằng có 3 phương diện mà nó xuất hiện trong cuộc đời. Một khi bạn đã hiểu việc nó tồn tại trong đời sống của bạn như thế nào, sẽ dễ dàng hơn để có thể đương đầu với nó. 

Sự lo âu thường xuất hiện dưới 3 hình thức: cảm xúc, hành vi và suy nghĩ 

Khía cạnh liên quan đến cảm xúc thường là khía cạnh đầu tiên mà người ta thường nghĩ tới khi nhắc đến nỗi lo âu. Đó là những lo lắng và sợ hãi tiềm ẩn bên trong bạn khi nỗi lo âu bắt đầu bén rễ.

Các triệu chứng liên quan đến thể chất của nỗi lo âu bao gồm nhịp tim tăng, dạ dày cồn cào, đổ mồ hôi, bồn chồn lo lắng, bước đi nhanh, mất ngủ, vân vân và vân vân

Ở khía cạnh liên quan đến suy nghĩ, hay các triệu chứng liên quan đến nhận thức, thường thay đổi phụ thuộc vào đối tượng của nỗi lo âu đó. Nhìn chung, những suy nghĩ thường tập trung vào hậu quả tồi tệ nhất của một số sự kiện sắp diễn ra. 

Ba mặt này của nỗi lo âu thường đi cùng với nhau. Những suy nghĩ lo lắng làm gia tăng cảm giác sợ hãi, khiến cho bạn phải hành động. Ví dụ, nếu như có một cơn bão lớn đang đến, và vị hôn phu của bạn đã trễ hai giờ về nhà kể từ giờ tan làm, bạn bắt đầu lo lắng rằng không biết anh ấy hoặc cô ấy có gặp tai nạn trên đường hay không. Suy nghĩ này khởi nguồn cho sự lo âu, điều khiến cho bạn bắt đầu dậm chân trên sàn nhà vì lo lắng. Những suy nghĩ, cảm xúc và hành vi này thường kết nối với nhau, một cách liền mạch. 

3 khía cạnh này không chỉ kết nối, mà còn kích hoạt lẫn nhau theo một cách không lành mạnh. Và sự kích hoạt này thường có khuôn mẫu cụ thể.

Ví dụ dưới đây sẽ giúp diễn tả cách mà khuôn mẫu này hoạt động. Hãy tưởng tượng về một cặp đôi trẻ tuổi, Brian và Alicia. Họ đã ở bên nhau gần một năm trời và giờ đang có cuộc sống vô cùng hạnh phúc. 

Brian dạo gần đây lo lắng rằng anh ấy đang không thăng tiến đủ nhanh trong sự nghiệp của mình. Anh ấy muốn cưới Alicia, và để có thể làm được điều đó anh ấy muốn tăng số tiền mà mình có thể kiếm được. Brian rất quyết tâm trong việc trở thành một người có thể che chở cho gia đình của mình và cảm thấy bất an về khả năng của bản thân để có thể làm tốt  vai trò đó. 

Sự lo lắng này ngày càng lớn dần, và Brian càng trở nên bận rộn so với trước. Mặc cảm về sự “thất bại” cắm sâu trong tâm trí Brian đang chiếm phần lớn trong suy nghĩ của Brian. Brian rất nghiêm khắc với bản thân về điều đó. 

Anh ấy quyết định cố gắng làm thêm nhiều giờ để có thể đi nhanh hơn trong quá trình thăng tiến sự nghiệp của mình (dù anh ấy vốn đã làm 50 tiếng một tuần). Là một người nhút nhát, anh ấy không kể với Alicia về chuyện này. Trong hình dung của Brian, cô ấy sẽ hỏi “Tại sao” và anh sẽ phải kể về mặc cảm “thất bại” của mình, điều khiến cho anh ấy vô cùng xấu hổ. Do đó, anh từ chối kể về vấn đề đó và cố gắng lo liệu chúng theo cách của mình, dù thực sự đây không phải là một cách tốt.

Trong vài tuần tiếp theo, Alicia thường đặt câu hỏi về việc tại sao Brian thường tỏ ra rất lơ đãng khi họ ở bên cạnh. Cô ấy cũng cảm thấy có một chút xa cách bởi Brian thường dành quá nhiều thời gian cho công việc. “Kì lạ thật.”, cô ấy nghĩ như vậy.

Vì không được nghe về lý do tại sao Brian lại trở nên lơ đãng như vậy hay nguyên do mà anh ấy thêm thời gian làm việc. Alicia không có lời giải thích hợp lý để hiểu cho những thay đổi đó. Cô ấy cho rằng đó có lẽ là do Brian không còn thấy cô thu hút và hấp dẫn như trước nữa. Sự lo lắng của Alicia về lòng chung thủy của Brian bắt đầu nhen nhóm dần. Cô rất sẵn lòng để nói với Brian về nỗi băn khoăn này nhưng không muốn mạo hiểm để nhận ra rằng những nghi hoặc của cô là chính xác. Nếu đúng thì điều ấy hẳn là rất tồi tệ. 

Thay vào đó, Alicia quyết định cất đi những thắc mắc của mình, cũng như bắt đầu chôn giấu cảm xúc của cô ấy. 

Khi tình trạng này diễn ra kéo dài, Brian cho rằng việc Alicia trở nên thiếu niềm nở và yêu thương là một dấu hiệu cho thấy rằng cô ấy cần thêm nhiều thời gian riêng tư cho chính mình. Anh ấy nghĩ rằng: “Có lẽ mình đã hơi thúc ép cô ấy quá nhiều” và tự cho là anh ấy cần tôn trọng nhu cầu được riêng tư của cô ấy. Bằng việc đó, anh ấy có thể dành thời gian nhiều hơn ở văn phòng và không đòi hỏi quá nhiều thời gian riêng tư dẫn tới việc làm phiền cô ấy. 

Đương nhiên, Alicia nghĩ rằng việc Brian rút dần thời gian của mình cho cô theo cách này là một sự xác nhận về việc anh ấy không còn nhiều tình cảm dành cho cô nữa (or self-absorption). Nỗi lo âu và sự phẫn nộ của cô càng trở nên trầm trọng. 

Cô ấy bắt đầu đặt ra câu hỏi rằng liệu mình có nên kết thúc mối quan hệ này trước khi nó trở nên tệ hơn. Chúng ta đều có thể thấy vòng lặp này hoạt động như thế nào và càng trở nên nghiêm trọng hơn theo thời gian ra sao.        

Nếu như có một biểu đồ để diễn tả các mối tương quan này thì nó sẽ giống biểu đồ dưới đây: 

Một mối quan hệ bị chi phối bởi sự lo âu 

Alicia trở nên lo lắng do cô ấy tin rằng Brian đang không chung thủy -> Cô ấy tin rằng sẽ không tốt cho cô ấy nếu ở tiếp tục ở trong mối quan hệ này -> Cô ấy dần tỏ ra xa cách, ít thể hiện tình yêu cũng như ít quan tâm tới Brian -> Brian nghĩ rằng sự thay đổi của Alicia là dấu hiệu rằng cô ấy cần thêm thời gian riêng tư cho bản thân -> Brian “đáp ứng” điều đó bằng cách dành nhiều thời gian hơn ở văn phòng -> Nhưng chính điều này khiến cho Alicia nghĩ rằng Brian đang không thực sự quan tâm đến mối quan hệ này nữa -> Điều khiến cho sự lo lắng của Alicia rằng Brian không còn chung thủy với mình nữa.  

Phá vỡ vòng lặp của sự lo âu 

Giờ, hãy nhìn lại xem những kiểu hành vi này có thể thay đổi bằng cách nào để thiết lập một mối quan hệ hạnh phúc và lành mạnh. 

Chúng ta sẽ bắt đầu với một câu hỏi tổng quan dưới đây: 

Chìa khóa để phá vỡ những mẫu hành vi của sự lo âu là gì? 

  1. Gặp nhà phân tâm học 5 ngày trong tuần, nằm trên ghế và nói ra bất cứ điều gì bạn đang suy nghĩ 
  2. Thắp hương, tụng kinh, gõ trống, ăn chay trong 6 tháng và mặc một chiếc quần in hoạ tiết hoa lá
  3. Trao đổi với nhau một cách rõ ràng và kết hợp với việc tạo ra các trải nghiệm niềm tin

Câu trả lời, sẵn sàng chưa … chính là C. Việc giao tiếp một cách rõ ràng chính là một món quà đúng không? Chính xác là như vậy. Nếu như Brian hay Alicia đã làm rõ với đối phương về những điều họ nghĩ, tình huống rất có thể đã không đến mức ngày càng đi xuống như vậy. 

Nhưng, liệu có đáng không khi đôi lúc việc trao đổi và trả lời một cách rõ ràng là không đủ để cứu rỗi mối quan hệ. Điều này xảy ra khi một trong hai người có một nỗi sợ không bình thường về việc ở trong một mối quan hệ thân mật. 

Nỗi lo âu đã bén rễ quá sâu đến mức mà ngay cả việc trao đổi một cách chân thành cũng không thể xua tan đi nỗi sợ của mỗi người. Nó tương tự như việc nói với ai đó với nỗi sợ bay về số chuyến bay an toàn đáng kể mà ngành hàng không đạt được vậy.

Những thông tin ấy có thể rõ ràng, chính xác, và thậm chí là được công nhận bởi các chuyên gia tầm cỡ. Nhưng đối với một người, họ chỉ đơn giản là nghĩ rằng chiếc máy bay anh ấy hoặc cô ấy tình cờ làm hành khách chắc chắn sẽ rơi. 

Cần phải thêm một điều gì đó để giúp người đó vượt qua nỗi sợ bay này. 

Trải nghiệm niềm tin chính là chìa khóa để thay đổi

Đây chính là lúc mà chúng ta cần có các trải nghiệm niềm tin để phá vỡ vòng lặp lo âu mà chúng ta đang thảo luận. Trải nghiệm niềm tin sẽ đẩy lùi cách nỗi sợ một cách có chiến thuật. Chúng thay đổi lời nối dối và điều chỉnh sự méo mó trong nhận thức. Những trải nghiệm này, để thực sự có tác dụng điều chỉnh, cần làm thay đổi nền tảng nhận thức của sự lo âu trong đời sống mỗi người. 

Những suy nghĩ này thường được tạo nên dựa trên những nhận thức sai lệch. “Không ai sẽ yêu tôi nếu họ biết được con người thật của tôi.” “Mọi người rằng tôi rất thành công nhưng tất cả đều là dối trá – nếu như họ biết sự thật rằng mọi thành tích ấy chỉ là nhờ người khác mà có được.” “Nếu như tôi phải lòng người đó và mọi chuyện tan vỡ thì tôi cũng sẽ sụp đổ mất.” 

Các trải nghiệm niềm tin thay đổi những lời nói dối đó. Không phải qua suy nghĩ, mà qua hành động. Chính việc đặt mình vào các trải nghiệm đem lại cho họ sức mạnh đó.

Hãy để tôi giải thích điều này. Tiếp tục sử dụng ví dụ về nỗi sợ bay, trải nghiệm niềm tin sẽ là một trải nghiệm mà người đó ở trên máy bay và bĩnh tĩnh trong suốt hành trình (Không gào thét, không lăn lộn, không bám vào người tiếp viên như thể cô ấy là một con gấu bông) và hạ cánh an toàn.

Người đó sẽ có một chuyến bay an toàn và nhẹ nhàng. Lời nói dối rằng “Nếu tôi lên máy bay đó thì chiếc máy bay đó sẽ rơi còn tôi sẽ chết” đã được chứng minh là nó sai. Sự thật càng được khẳng định, thì càng gần thêm một bước nữa tới việc loại bỏ hoàn toàn nỗi sợ bay đó. 

Để loại bỏ hoàn toàn nỗi lo âu đó, các trải nghiệm niềm tin này cần phải được lặp lại trong một thời gian và theo nhiều hướng khác nhau. Trong tình huống này, người đó phải tiếp tục tham gia các chuyến bay khác, cả chuyển bay dài lẫn chuyến bay ngắn, bay cùng với người đồng hành và đi một mình, và đến nhiều sân bay khác nhau. 

Ý tưởng của việc này chính là đánh bại nỗi lo âu với nhiều trải nghiệm niềm tin khác nhau, đến khi nỗi lo âu ấy không còn tác động mạnh mẽ đến đời sống của bạn như trước. Đó chính là sự giải thoát mà chúng ta tìm kiếm. 

Trải nghiệm niềm tin cho Brian và Alicia 

Với cặp đôi này, các trải nghiệm niềm tin sẽ đòi hỏi họ phải hành xử khác đi một chút. Đối với Brian, điều này đồng nghĩa với việc nói với Alicia về nỗi bất an của mình thay vì che giấu chúng. Nó cũng có nghĩa là không được vội vàng dành thêm quá nhiều giờ cho công việc chỉ để tránh cảm giác kém cỏi của anh ấy (Điều này giả sử rằng anh ấy đang làm rất tốt trên con đường thăng tiến của mình)

Trải nghiệm niềm tin của Alicia sẽ bao gồm nói về nỗi sợ rằng Brian không còn hứng thú với mối quan hệ này nữa, hơn là né tránh bàn về nó. Nếu như nỗi lo âu của cô ấy vẫn còn sau khi đã được kiểm chứng rằng nó là sai, Alicia cần tiếp tục sâu sát hơn và chú ý hơn với mối quan hệ của mình. Điều này hoàn toàn trái ngược với phản ứng trước đây của cô ấy, đó là lùi dần khỏi mối quan hệ này.

Nếu như cả Alicia và Brian thực hiện trái ngược với cách mà nỗi sợ của họ thôi thúc, nỗi lo âu ấy sẽ thực sự được giảm bớt. Theo thời gian, với việc lặp lại các trải nghiệm niềm tin, cả hai người sẽ có thể tháo gỡ được nút thắt của nỗi lo âu trong mối quan hệ này. 

Khi điều đấy diễn ra, họ sẽ tìm thấy được sự yên bình và sự kết nối giữa từng cá nhân mà họ chưa từng thấy trước đây. 

Cách để sử dụng thông tin này

Điều chúng ta rút ra được thông qua câu chuyện của Brian và Alicia chính là việc chúng ta thành thật với những nỗi sợ, sự lo âu và cả những bối rối trước việc tạo nên mối quan hệ thân mật. Hãy viết chúng ra giấy và cân nhắc xem liệu chúng có thực tế trong mối quan hệ hiện tại của bạn. 

Tại thời điểm đó, sẽ rất hữu ích nếu có một người bạn hoặc một nhà cố vấn nhìn vào danh sách của bạn và đưa ra một vài ý kiến về sự thực tế của nỗi lo âu của bạn. 

Giờ, hãy chọn ra những nỗi sợ phi lý nhất cũng như là những chướng ngại lớn nhất trong việc phát triển một mối quan hệ lành mạnh. Hãy dành thời gian để nghĩ về những trải nghiệm niềm tin có thể thay đổi những bước đầu trong việc điều chỉnh những nỗi sợ này?

Đừng vội vã và hãy cứ thong thả. Nghĩ ra một vài thứ bạn có thể làm và càng chi tiết càng tốt. Sau đó, hãy chỉ chọn một và tiếp tục thực hiện chúng như một trải nghiệm trong cuộc đời bạn. Tương tự ví dụ phía trên, Brian cần phải nói với Alicia về nỗi bất an của mình liên quan đến khả năng che chở của anh ấy. Brian cũng cần tạm ngưng việc dành thêm thời gian ở công việc của mình. 

Đây chính là những hành vi thực tế mà chúng ta cần để có thể tạo ra một trải nghiệm niềm tin. Đừng trông chờ vào những điều nhẹ nhàng hơn. Những trải nghiệm niềm tin này tạo ra những nỗi lo âu về ban đầu. Đó là lý do mà chúng mang tính thay đổi niềm tin bởi chúng giúp bạn đối mặt với nỗi sợ. Nếu những trải nghiệm mà bạn tạo ra này không khiến cho bạn cảm thấy có chút lo lắng, thì hẳn chúng không có liên hệ gì đối với nỗi lo âu trong mối quan hệ mà bạn đang có. 

Trong trường hợp đó, bạn không cần có thêm sự trợ giúp nào khác. Bạn cần làm gì đó đòi hỏi sự dũng cảm, và thách thức chính bản thân mình. Chỉ khi đó bạn mới biết rằng mình đang đi đúng hướng.

Tổng kết 

Nỗi lo âu có thể là kẻ hủy diệt mối quan hệ. Ngay cả khi mối quan hệ đó không bị ảnh hưởng bởi nỗi sợ, nó sẽ không thể phát triển hết tiềm năng của mình. Dù là bất kì mối quan hệ nào với người bạn đời bạn, những đứa con của bạn, bạn bè hay thậm chí là những người anh em ruột thịt, nỗi lo âu sẽ luôn là kẻ thù cản bước bạn.  

Đừng nhượng bộ trước nỗi sợ. Đừng tỏ ra thoải mái với việc sống chung với nỗi sợ đó. Thay vì đó, hãy nhận diện cách mà bạn đang cố gắng sống chung với nỗi sợ này và làm việc người lại. Hãy cho mình thêm nhiều trải nghiệm niềm tin đẩy lùi nỗi sợ và đem đến cho bạn sự thanh thản, trong mỗi mối quan hệ mà bạn tham gia. 

Bạn nên bắt đầu từ việc sử dụng những thông tin mà chúng tôi vừa đưa ra. Hoặc nếu bạn đến từ vùng Folsom, hãy cân nhắc việc tham gia một nhóm trợ giúp. Bên cạnh đó, việc tham gia trị liệu tâm lý có thể rất hiệu quả. Tôi và đồng nghiệp của tôi sẽ rất sẵn sàng để giúp đỡ bạn, nhưng nếu bạn đang tìm các nguồn trợ giúp khác xung quanh khu vực Folsom California, những trung tâm như Trung tâm tâm lý Thung lũng hay các địa điểm xung quanh đó có lẽ sẽ rất phù hợp. 

Nếu như bạn vẫn chật vật với những nỗi lo âu trong mối quan hệ, đừng chần chừ trong việc tìm ra cách giải quyết. Một khi bạn bắt đầu tạo ra những thay đổi, bạn sẽ nhận ra rằng mọi thứ sẽ dễ dàng giải quyết hơn so với việc bạn giữ chúng trong suy nghĩ, và cuộc sống này có nhiều điều hứa hẹn hơn sơ với bạn tưởng tượng. 

Sự lành mạnh của nỗi lo âu trong mối quan hệ thường là một điều tốt, bởi nó cho thấy rằng những cảm xúc của bạn dành cho người ấy là rất chân thật, và bạn không muốn đánh mất điều đó. Nhưng nếu như mối quan hệ của bạn ngập tràn nỗi lo âu, thì tốt nhất bạn nên dừng lại một chút và nghĩ về những điều bạn cần làm để giải quyết điều đó. Nỗi lo âu tốt nhất không nên luôn luôn xuất hiện trong mối quan hệ của bạn.

Nguồn: https://themindsjournal.com/tame-relationship-anxiety/

————–
(***) Bản quyền bài dịch thuộc về Tham vấn trị liệu Tâm lý MindCare. Khi chia sẻ, cần phải trích dẫn nguồn đầy đủ tên tác giả (nếu có) và nguồn là “Nguồn: Tham vấn trị liệu Tâm lý MindCare”. Các bài viết trích nguồn không đầy đủ, đều không được chấp nhận và phải gỡ bỏ.

——-
Hãy liên hệ với chúng tôi bất cứ khi nào bạn cần được hỗ trợ:
☎️ 0828.77.22.33 (Dịch vụ Tham vấn Trị liệu, Đánh giá Tâm Lý) / 0877.16.33.66 (Dịch vụ Hướng nghiệp, Tâm Lý cho Doanh nghiệp & Học đường)
📧 tamlymindcare@gmail.com
📲 https://mindcare.vn/