9 CÁCH HOÁ GIẢI HIỂU LẦM TRONG MỐI QUAN HỆ CỦA BẠN

Trong một mối quan hệ, việc hiểu lầm đối phương là điều rất bình thường, quan trọng là chúng ta chọn giải quyết những hiểu lầm đó như thế nào.

Hãy hình dung: Bạn trở về nhà sau một ngày dài làm việc mệt mỏi và vào bếp lấy cho mình một cốc nước. Bạn mở tủ, nhưng bạn nhận ra rằng không có chiếc cốc nào. Bạn nhìn lướt qua bồn rửa và bí ẩn được giải đáp: tất cả cốc đang chất đống trong bồn rửa – bẩn thỉu.

Ý nghĩ đầu tiên xuất hiện trong đầu bạn là gì?

Nếu đó là “Một người yêu mình sẽ dọn dẹp trước khi mình về nhà” hoặc “Mình cần một người bạn đời sẽ chủ động rửa bát mà không cần mình nhờ vả”, vậy thì bạn không đơn độc. Bạn cũng không đơn độc nếu bạn quyết định xông vào phòng và la mắng đối tác vì đã làm bạn thất vọng.

Nhưng sự thật là: đối tác của chúng ta thường không làm những việc (hoặc ít nhất trong tình huống này) cốt để làm tổn thương hoặc làm phiền chúng ta. Có thể có một lý do chính đáng cho việc đối tác của bạn không rửa bát đĩa trong khi bạn ra ngoài. Nhưng bằng cách phản ứng trước khi hỏi họ rõ ràng, bạn đang tạo điều kiện cho những hiểu lầm làm tổn hại đến mối quan hệ của bạn.

9 cách để hoá giải hiểu lầm trong một mối quan hệ

Vậy bạn có thể làm gì để ngăn chặn hoặc giải quyết những hiểu lầm cản trở mối quan hệ của bạn? Dưới đây là một số lời khuyên:

Học cách lắng nghe tích cực

Nhà tham vấn Odona Ezell-Whiddon giải thích rằng: “Hầu hết chúng ta lắng nghe để bảo vệ quan điểm của mình, nhưng chúng ta thực sự nên lắng nghe để thấu hiểu. Khi lắng nghe để biện hộ, chúng ta thường ngắt lời nhau và mọi chuyện càng thêm căng thẳng. Lắng nghe để hiểu cho phép ta có thêm không gian để suy ngẫm về quan điểm của đối phương.”

Việc lắng nghe tích cực có thể hữu ích vì nó giúp bạn tạm đặt khúc mắc, suy nghĩ, diễn giải, đánh giá, cảm xúc và nhu cầu của bạn sang một bên. Thay vào đó, bạn tập trung vào việc cố gắng hiểu quan điểm và cảm xúc của đối phương.

Ezell-Whiddon cho biết thêm: “Có thể bạn vẫn không đồng ý với họ, nhưng cách bạn trình bày về sự không đồng ý sẽ rõ ràng hơn và đối tác của bạn cũng cảm thấy được tôn trọng hơn”.

Chứng thực lại nhận thức

Nhà trị liệu hôn nhân và gia đình Marin Rieger đã giải thích: “Những gì chúng ta nghe được từ đối tác của mình thường rất khác so với những gì họ thực sự nói. Thay vào đó, chúng ta đang lắng nghe dựa trên nỗi sợ hãi của chúng ta, không phải thực tế.”

Ví dụ: Nếu đối tác của bạn có nỗi sợ bị bỏ rơi dựa trên trải nghiệm thời thơ ấu của họ, thì khi bạn nói, “Tôi cần một chút thời gian để ở bên bạn bè hoặc ở một mình,” họ có thể nghe ra rằng bạn không thích ở bên họ – dù bạn không hề có ý như vậy.

Huấn luyện viên về mối quan hệ, Nancy Landrum giải thích: “Vì những tổn thương trong quá khứ, người nghe có thể gán những ý nghĩa tiêu cực nhất cho hành vi của đối tác. Thường thì sau đó họ không xác nhận lại với đối tác mà sẽ tự tạo ra một câu chuyện dựa trên cách diễn giải của họ. Câu chuyện này thường có kịch bản là đối tác của họ trở thành kẻ xấu và họ trở thành nạn nhân, khiến cuộc tranh cãi mắc kẹt trong điệp khúc ‘Tôi biết ý của bạn là gì‘ và ‘Không, tôi không có ý đó‘ – một cuộc đối thoại mà không ai có thể giành chiến thắng.

Thế nên thay vì để điều đó xảy ra, hãy trò chuyện với đối tác của bạn, hỏi họ xem đã có chuyện gì hoặc điều gì khiến họ nói những lời đó. Đôi khi, việc diễn giải những gì bạn nghe được cho đối tác sẽ giúp họ có cơ hội làm rõ nếu bạn đang hiểu sai.

Tin vào lời giải thích của đối tác 

Sau khi hỏi đối tác tại sao họ nói hoặc làm điều gì đó, hãy lắng nghe và theo như Landrum nói, “Hãy tin lời đối tác của bạn khi họ cho bạn biết ý nghĩa thực sự đằng sau bất cứ điều gì họ nói hoặc làm. Rồi dừng lại tại đó.”

Landrum công nhận rằng điều này s khó nhằn. Bạn có thể bị thúc đẩy để không tin lời giải thích của họ. Nhưng khi bạn không tin họ, có nghĩa bạn đang nói rằng: bạn hiểu về những hoạt động đằng sau suy nghĩ, cảm xúc và động lực của họ nhiều hơn chính họ, và điều này là không thể. Bạn cần có niềm tin rằng trong mối quan hệ yêu đương, cả bạn và đối phương đều muốn nghe và nói sự thật để tạo cơ sở cho mối quan hệ lành mạnh của mình. 

Hạn chế các giả định

Chúng ta dễ dàng đưa ra các giả định về cách đối tác của mình sẽ phản ứng hoặc không phản ứng với điều gì đó dựa trên những kinh nghiệm trong quá khứ. Ví dụ: bạn có thể quyết định không nói với đối tác về điều gì đó vì bạn “đã biết” cách họ sẽ phản hồi hoặc phản ứng. Khi làm vậy, bạn không cho đối tác cơ hội để khiến bạn bất ngờ và vượt khỏi mong đợi của bạn. Có thể họ sẽ phản ứng với nhiều sự thấu hiểu hơn bạn nghĩ đấy. 

Danielle McGraw, nhà tâm lý học lâm sàng ở Phoenix, Arizona, cho biết: “Điều này có thể tạo ra cảm giác oán trách dựa trên một chuyện chưa từng xảy ra.”

Giống với chứng thực nhận thức, bạn có thể trò chuyện với đối tác của bạn một cách tử tế và cảm thông hoặc đặt câu hỏi cho họ để tránh sự hiểu lầm.

Cố gắng không tấn công nhau

Khi chúng ta thất vọng hoặc tức giận, thật dễ để ta tấn công đối tác của mình, nhưng điều đó chỉ làm sâu sắc thêm sự hiểu lầm vì nó buộc đối tác của bạn vào thế phòng thủ mà ở đó, họ không muốn lắng nghe bạn hay thừa nhận cảm xúc của bạn na.

Vì vậy, thay vì nói với đối tác những mẫu câu bắt đầu từ “Bạn” (ví dụ như “Bạn luôn về muộn”), hãy thử sử dụng mẫu câu “Tôi” để bày tỏ cảm xúc của bạn. Ví dụ: Nếu đối tác của bạn về muộn, bạn có thể nói “Tôi cảm thấy không được coi trọng khi bạn không về nhà đúng giờ.”

Bạn cũng nên tránh sử dụng những từ như “luôn luôn” và “không bao giờ”, chẳng hạn như “Bạn không bao giờ dọn dẹp” hoặc “Bạn luôn làm tôi thất vọng”. Khi bạn nói về hành vi của đối tác một cách quá tuyệt đối, bạn đã hạn chế cơ hội để họ bày tỏ sự cải thiện và khiến cuộc trò chuyện chệch hướng khỏi sự thỏa hiệp hoặc tiến triển.

Nêu lên nhu cầu của bạn

Hãy chăm chỉ sử dụng các mẹo được đề cập bên trên (chẳng hạn như mẫu câu “Tôi”), cố gắng nêu rõ nhu cầu của bạn bằng cách mô tả cảm giác của bạn trước khi nói ra điều bạn cần. Ví dụ, nhà trị liệu Rachel Brandwene cho biết, bạn có thể nói “Tôi cảm thấy lo lắng và bồn chồn khi không biết mấy giờ bạn mới về nhà”. Brandwene khuyến nghị, “Hãy khẳng định rõ ràng những gì bạn cần hoặc muốn.” Ví dụ: Bạn có thể yêu cầu họ gửi cho bạn một tin nhắn để báo cho bạn biết khi họ về muộn hoặc đang trên đường về nhà.

Bà nói: “Hãy chắc chắn rằng bạn đưa ra yêu cầu một cách tử tế và có sự thông cảm với đối phương. Khi các bạn thể hiện sự tự tin, đồng thời lưu tâm đến phản ứng của người kia, hai bạn s có một cuộc trò chuyện hiệu quả hơn với sự trung thực và minh bạch, cởi mở.”

Cho phép sự thỏa hiệp

Rốt cuộc, không có ai là hoàn hảo và không ai muốn phải thay đổi hoàn toàn con người mình chỉ để đáp ứng nhu cầu và mong muốn của đối tác họ. Vì vậy, điều quan trọng trong một mối quan hệ là sự sẵn sàng thương lượng và nỗ lực tìm kiếm sự thoải mái cho cả hai bạn.

Tập trung vào chủ đề

Khi bạn cảm thấy bực dọc, cuộc trò chuyện rất dễ đi lạc đề — đặc biệt là khi bạn đang muốn phòng vệ hoặc thấy tội lỗi về điều gì đó mình đã làm. Đây có thể là một cách lèo lái câu chuyện sang hướng khác nhằm giảm thiểu trách nhiệm của bạn và bảo vệ chính bạn.

Rieger nói: “Tôi có thể hiểu tại sao một cuộc trò chuyện về công việc nhà lại biến thành một cuộc trò chuyện về điều mà mẹ chồng bạn đã nói cách đây 10 năm. Tuy nhiên, nó không hữu ích và còn có khả năng ngăn cản bạn giải quyết các vấn đề khác.”

Cho nhau không gian

Điều này sẽ giúp bạn đi đúng chủ đề và duy trì cuộc trò chuyện hiệu quả. Brandwene nói: “Những cuộc trò chuyện khi bạn đang xúc động hầu như không có kết thúc tốt đẹp, vì vậy, trước khi bắt đầu một cuộc trò chuyện hiệu quả sau một thông tin sai lệch hoặc xung đột, hãy đảm bảo rằng bạn đã dành thời gian để tiêu hóa nó.”

Bà tiếp tục: “Tôi khuyên bạn nên dành ít nhất 20 phút để suy nghĩ về cảm giác của bạn và những gì bạn muốn thảo luận khi hai người quay trở lại cuộc trò chuyện. Trong 20 phút đó, cố gắng đừng đổ lỗi hoặc tiêu cực với người kia mà hãy làm những điều giúp bạn thấy tốt hơn, chẳng hạn như ra ngoài trời để đi dạo hoặc kết nối với hơi thở của bạn.”

Tóm lại

McGraw đã nói: “Việc hiểu lầm trong các cuộc tranh luận là vô cùng phổ biến. Trên thực tế, đó là một trong những lý do phổ biến nhất khiến mọi người tìm kiếm sự giúp đỡ của các nhà trị liệu về mối quan hệ.”

Chúng ta có thể khó tự mình phá vỡ những khuôn mẫu cũ hoặc thói quen giao tiếp xấu với đối tác của mình. Vì vậy, nếu bạn đang gặp xung đột trong mối quan hệ do những hiểu lầm, hãy nhớ rằng bạn không đơn độc. Đây là lý do tại sao việc trị liệu (bao gồm cả trị liệu cặp đôi nếu đối tác của bạn cởi mở với điều này) có thể hữu ích. Chuyên gia trị liệu có thể làm việc với các bạn để phát triển các công cụ và kỹ năng khác nhau nhằm giúp các bạn buông bỏ những khúc mắc trong quá khứ và cùng nhau hướng tới một mối quan hệ lành mạnh hơn. 

 

Nguồn: https://psychcentral.com/relationships/pointers-for-couples-to-prevent-resolve-misunderstandings#recap

————–
(***) Bản quyền bài dịch thuộc về Tham vấn trị liệu Tâm lý MindCare. Khi chia sẻ, cần phải trích dẫn nguồn đầy đủ tên tác giả (nếu có) và nguồn là “Nguồn: Tham vấn trị liệu Tâm lý MindCare”. Các bài viết trích nguồn không đầy đủ, đều không được chấp nhận và phải gỡ bỏ.

——
Hãy liên hệ với chúng tôi bất cứ khi nào bạn cần được hỗ trợ:
☎️ 0828.77.22.33 (Dịch vụ Tham vấn Trị liệu, Đánh giá Tâm Lý) / 0877.16.33.66 (Dịch vụ Hướng nghiệp, Tâm Lý cho Doanh nghiệp & Học đường)
📧 tamlymindcare@gmail.com
📲 https://mindcare.vn/

Đọc thêm:

>>> Thời gian ở một mình dù được chọn hay không có thể là một cơ hội để nhấn nút reset 

>>> Yêu bản thân có giúp bạn được yêu lại?

>>> 10 sự thật khoa học thú vị về tình yêu mà bạn chưa biết?