THỜI GIAN Ở MỘT MÌNH (DÙ ĐƯỢC CHỌN HAY KHÔNG) CÓ THỂ LÀ MỘT CƠ HỘI ĐỂ NHẤN NÚT RESET

Ta dường như nên bước hoàn toàn ra khỏi xã hội để tìm một được vài giây phút bình yên cho bản thân. Mặc dù vậy, tôi vẫn yêu thích một câu trích dẫn từ cuốn sách Sự đơn độc: Theo đuổi một cuộc sống đơn lẻ trong một thế giới đông đúc (tiêu đề tạm dịch) xuất bản vào năm 2017 của nhà báo người Canada, Michael Harris: 

‘Tôi không muốn chạy trốn khỏi thế giới — tôi đơn giản là muốn tìm lại bản thân mình bên trong nó. Tôi muốn biết điều gì xảy ra khi chúng ta lại có những giây phút đơn độc giữa những ngày bận rộn, trên những con đường bận rộn.’ 

Một cách chắc chắn và chậm rãi, những nghiên cứu liên quan đến sự đơn độc bắt đầu tăng lên. Tuy vậy, chúng ta cần ghi nhớ rằng, sự đơn độc — thời gian một mình — không đồng nghĩa với sự cô đơn, một cảm giác chủ quan về sự tách biệt không mong muốn khỏi xã hội mà có thể gây hại đến sức khỏe thể chất và tinh thần. Ngược lại, trong những năm gần đây, nhiều nghiên cứu quan sát (observational study) đã cho thấy nhiều mối liên hệ giữa cảm nhận hạnh phúc cá nhân với động lực tích cực để ở một mình, nghĩa là nhìn nhận thời gian một mình như một thú vui quý giá. Tuy vậy, chỉ kết quả đó thôi không thể chứng minh rằng việc tìm kiếm sự đơn độc là có lợi. Trong khoa học, để có đưa ra kết luận như vậy, chúng ta cần tách riêng ‘sự đơn độc’ như là biến số duy nhất thay đổi trong khi các yếu tố khác thì giữ nguyên. Đây là một thử thách bởi trong cuộc sống hàng ngày, chúng ta dành nhiều thời gian một mình khi đi làm, đi chợ, di huyện trên đường, học một kỹ năng mới hay đọc một quyển sách. Với nhiều đa dạng hoạt động cùng thực hiện khi ở một mình như vậy, thật khó để có thể đưa ra kết luận chắc chắn rằng chính sự đơn độc làm tăng cảm nhận hạnh phúc của chúng ta. 

Bằng cách thực hiện các nghiên cứu thực nghiệm, mà trong đó, các tình nguyện viên dành thời gian một mình hoặc với những người khác, trong điều kiện được kiểm soát, một nhóm các nhà nghiên cứu, dẫn dắt bởi nhà tâm lý học lâm sàng Netta Weinstein, hiện đang làm việc tại Đại học Reading và tôi, đã khắc phục những thiếu sót của nghiên cứu tương quan, làm sáng tỏ các lợi ích của sự đơn độc.

Trong một loạt nghiên cứu, chúng tôi tìm hiểu sự thay đổi của cảm xúc sau khi dành thời gian ở một mình. Chúng tôi đo lường những cảm xúc tích cực có kích thích mạnh (phấn khích, tràn đầy năng lượng) và những cảm xúc tích cực mang ít kích thích (bình tĩnh và thư giãn); chúng tôi cũng đo những cảm xúc tiêu cực có tính kích thích mạnh (tức giận, lo lắng) và những cảm xúc tiêu cực mang ít kích thích (cô đơn, buồn bã). Bằng cách bao hàm cả hai cực của cái mà các nhà tâm lý học gọi là ‘giá trị cảm xúc’ (affective valance) (tích cực so với tiêu cực) và ‘tính kích thích tình cảm’ (affective arousal) (cao so với thấp), chúng tôi đã chứng minh rằng thời gian ở một mình tạo điều kiện ‘khả năng điều tiết kích thích’ – nghĩa là với cả cảm xúc tích cực lẫn tiêu cực, sự kích thích sẽ giảm xuống thấp hơn khi chúng ta dành thời gian ở một mình. Chúng tôi gọi đây là ‘hiệu ứng hủy kích hoạt’.

Mặc dù hiệu ứng xuất hiện trong tất cả trường hợp có sự đơn độc mà chúng tôi đề ra, mức độ giảm kích thích phụ thuộc vào động lực một người đối với dành thời gian ở một mình. Nếu các tình nguyện viên chấp nhận và tận hưởng sự cô đơn, họ có xu hướng trải qua sự gia tăng các cảm xúc tích cực ít kích thích hơn (thoải mái và bình tĩnh) sau đó. Ngược lại nếu không coi trọng thời gian ở một mình, họ có nhiều khả năng trải qua sự gia tăng các cảm xúc kích thích thấp tiêu cực (cảm thấy buồn và cô đơn).

Điều này có nghĩa là, để có được nhiều hơn từ việc dành thời gian ở một mình, điều quan trọng là phải cởi mở với những lợi ích mà sự cô đơn có thể mang lại. Đối với nhiều người hiện đang bị hạn chế trong việc di chuyển và tương tác xã hội, đây sẽ là khoảng thời gian cô đơn; đối với một số người trong chúng ta, đó có thể là một cơ hội để thử trải nghiệm những lợi ích của sự đơn độc một cách bất ngờ. Mặc dù không cải thiện cuộc sống của chúng ta nói chung, nhưng nó có thể làm cho những cơn cảm xúc tiêu cực nhất thời trở nên dễ chịu hơn.

Nếu chúng ta có thể hưởng lợi từ hiệu ứng hủy kích hoạt chỉ bằng cách dành thời gian ở một mình, việc sử dụng mạng xã hội hay làm việc gì khác trong thời gian đó có ảnh hưởng gì không? Tôi được hỏi câu hỏi đó thường xuyên. Bằng chứng mà chúng tôi thu thập được cho thấy rằng lướt điện thoại không hủy bỏ hiệu ứng hủy kích hoạt. Tuy nhiên, việc dành thời gian một mình mà vẫn làm việc khác sẽ lấy đi một lợi ích khác: cơ hội phản tư (self-reflection).

Trong các nghiên cứu của mình, chúng tôi định nghĩa phản tư là hành động chăm sóc suy nghĩ và cảm xúc của một người. Trong hai thí nghiệm, chúng tôi nhận thấy rằng những người hoàn toàn cô độc, không có hoạt động thứ yếu, tự phản tư về bản thân nhiều hơn những người đọc một mình. Những người ở một mình, lướt mạng xã hội, là những người ít phản tư nhất. Trên thực tế, nếu bạn là người có xu hướng tự chiêm nghiệm, nghiên cứu của chúng tôi đã chỉ ra rằng thời gian ở một mình sẽ thú vị nhất nếu bạn cho phép mình ngồi một mình hơn là đọc hoặc sử dụng điện thoại.

Tất nhiên, đây không phải là một cái nhìn sâu sắc mới. Nhiều cuốn sách phổ biến và các văn bản triết học đều nói rằng thời gian ở một mình rất tốt cho việc tự suy ngẫm. Tuy nhiên, không phải tất cả sự phản tư trong thời gian ở một mình đều giống nhau về mặt chất lượng: nó có thể sâu sắc hoặc lan man. Bởi trong một vài thí nghiệm của chúng tôi, khi người tham gia chứa đầy những suy nghĩ tiêu cực và hối tiếc thì khi ở một mình, họ không thể chạy trốn.

Khi việc tự suy ngẫm trở nên khó khăn, thực hành chánh niệm có thể là một chiến lược hiệu quả để xoa dịu những suy nghĩ tiêu cực lặp đi lặp lại. Tuy nhiên, đề xuất này nên được thực hiện một cách thận trọng vì chánh niệm không hoạt động với tất cả mọi người và nên được thực hành ở mức độ vừa phải. Một cách khác là bạn có thể chọn liên lạc với một người bạn đáng tin cậy bằng một cuộc gọi điện thoại hoặc tin nhắn. Nếu bạn có sự lựa chọn, không bao giờ nên sống cô độc khi nó không còn hiệu quả, đặc biệt nếu bạn cảm thấy rằng những suy nghĩ và lo lắng đang khiến bạn đau khổ.

Thời gian một mình là cơ hội để chúng ta nhấn nút khởi động lại, để xoa dịu những cảm xúc hưng phấn tột độ của mình. Trong thời gian ở một mình, chúng ta cũng có thể lựa chọn tìm kiếm sự cô độc hoàn toàn, bỏ qua các hoạt động thường ngày và tìm một không gian để tập trung vào suy nghĩ và cảm xúc của mình. Tuy nhiên, nếu thời gian một mình hàng ngày là nét một nghệ thuật bị mất, như Harris gợi ý, thì làm cách nào để chúng ta tìm thấy động lực để tìm lại nó?

Câu trả lời tùy thuộc vào từng cá nhân nhưng đáng ngạc nhiên là lại không quá phụ thuộc vào việc bạn là người hướng nội hay hướng ngoại. Nghiên cứu của chúng tôi cho thấy rằng động lực lành mạnh để dành thời gian ở một mình có liên quan đến một đặc điểm tính cách được gọi là ‘tính tự chủ theo điều kiện’. Khái niệm này mô tả năng lực điều chỉnh trải nghiệm hàng ngày theo ý muốn của một người. Về cơ bản, điều này nghĩa là khả năng chấp nhận sự cô độc liên quan đến khả năng điều hoà cảm xúc của bản thân hơn là về việc bạn sống nội tâm đến mức nào.

Những người có tính cách tự chủ cảm thấy rằng họ đã chọn làm những gì họ đang làm, thay vì coi mình như những con tốt trước tác động của môi trường bên ngoài. Cách tiếp cận này liên quan đến việc quan tâm đến từng trải nghiệm cá nhân, việc thử những trải nghiệm mới cũng những cảm xúc của bản thân trong những trải nghiệm đó. Bằng chứng là trong thí nghiệm, khi chúng tôi khiến một số người bị buộc phải trải qua sự cô độc (do đó làm giảm cảm giác tự chủ của họ) và một số khác thì được mời quan tâm đến nó và thử nó (thúc đẩy sự tự chủ của họ), những người bị buộc phải sự cô độc thấy ít giá trị hơn trong việc trải nghiệm nó và do đó, ít thích thú hơn với nó.

Điều quan trọng cần lưu ý là tất cả các tình nguyện viên này đều là sinh viên đại học ở Hoa Kỳ. Do đó, những phát hiện từ năm 2017-2019 cho chúng ta biết về những trải nghiệm hàng ngày với sự cô độc của những người trẻ tuổi trong các xã hội dễ dàng tiếp cận với nhiều lựa chọn giải trí và giờ làm việc linh hoạt. Trong một nền văn hóa được thúc đẩy bởi lối sống nhanh và công nghệ tiện lợi, chúng ta dễ dàng bị lôi kéo bởi các thiết bị của mình và nỗi ám ảnh về năng suất.

Khi ở một mình, chúng ta thấy mình đang làm việc, và khi có thời gian rảnh, chúng ta muốn bắt kịp người khác bằng cách nhấc điện thoại lên. Điều này có thể đúng ngay cả khi mọi người đang ở trong tình trạng bế tắc và không thể giao tiếp trực tiếp. Tuy nhiên khi chúng ta tìm cách né tránh sự cô đơn thì điều đó chỉ làm tăng cơ hội chúng ta thấy trải nghiệm khó chịu khi nó xuất hiện. Ngược lại, bằng cách nắm bắt cơ hội để thư giãn và suy ngẫm từ những khoảnh khắc ở một mình trong cuộc sống, chúng ta có thể gặt hái được những lợi ích từ nó. Thời gian mà chúng ta bất ngờ ở một mình có thể khó khăn nhưng, ít nhất đối với một số người trong chúng ta, đó cũng có thể là một điều may mắn.

Nguồn:https://themindsjournal.com/time-alone-chance-to-hit-reset-button/

————–
(***) Bản quyền bài dịch thuộc về Tham vấn trị liệu Tâm lý MindCare. Khi chia sẻ, cần phải trích dẫn nguồn đầy đủ tên tác giả (nếu có) và nguồn là “Nguồn: Tham vấn trị liệu Tâm lý MindCare”. Các bài viết trích nguồn không đầy đủ, đều không được chấp nhận và phải gỡ bỏ.

——-
Hãy liên hệ với chúng tôi bất cứ khi nào bạn cần được hỗ trợ:
☎️ 0828.77.22.33 (Dịch vụ Tham vấn Trị liệu, Đánh giá Tâm Lý) / 0877.16.33.66 (Dịch vụ Hướng nghiệp, Tâm Lý cho Doanh nghiệp & Học đường)
📧 tamlymindcare@gmail.com
📲 https://mindcare.vn/