ĐỨA TRẺ BÊN TRONG BẠN – CÁI TÔI ĐÍCH THỰC

Khái niệm về “đứa trẻ trong ta” (Child Within) đã trở thành một phần của nền văn hóa thế giới ít nhất là từ 2000 năm qua. Carl Jung gọi nó là “đứa trẻ thần thánh/thần đồng” (Divine Child) còn Emmet Fox gọi là “đứa trẻ kỳ diệu/kỳ đồng” (Wonder Child). Hai nhà tâm lý liệu pháp Alice Miller và Donald Winnicott thì đề cập đến nó như là “chân ngã” (true self). Rokelle Lerner và những người khác trong chuyên khoa về các chất gây nghiện gọi nó là “đứa trẻ trong ta” (Inner Child).
 
 
Thuật ngữ “đứa trẻ trong ta” dùng để nói về một tinh thần tràn đầy sức sống, năng động, sáng tạo và mãn nguyện trong sâu thẳm tâm hồn mỗi người. Nó là chân ngã của chúng ta, là con người đích thực của chúng ta.
 
Cái tôi đích thực của chúng ta thì tự nhiên, cởi mở, dễ thương, rộng lượng, và thân thiện. Nó chấp nhận bản thân và người khác. Nó cảm nhận, cho dù các cảm xúc đó có thể là vui sướng hay đau khổ. Và nó thể hiện, giải tỏa các cảm xúc này ra bên ngoài. Cái tôi đích thực của chúng ta chấp nhận các cảm xúc mà không phán xét hay sợ hãi, và cho phép chúng tồn tại như là một cách hợp lý để đánh giá và nhận thức đúng các sự kiện xảy ra trong đời sống.
 
Đứa trẻ bên trong ta thì nhạy cảm, cương quyết, và sáng tạo. Nó có thể “giống như trẻ con” trong ý nghĩa cao quý nhất, trưởng thành nhất và tiến hóa nhất của cụm từ này. Nó cần chơi đùa và vui vẻ. Nhưng nó cũng dễ bị tổn thương, có lẽ vì nó quá cởi mở và tin tưởng. Nó cống hiến cho bản thân, cho những người khác và tối hậu là cho vũ trụ. Thế nhưng nó cũng mạnh mẽ trong ý nghĩa thực sự của cái gọi là sức mạnh. Nó đam mê một cách lành mạnh, hưởng thụ niềm vui, lạc thú khi được trao cho, hay khi được săn sóc. Nó cũng mở lòng đón nhận một phần tâm hồn rộng lớn và bí ẩn mà chúng ta gọi là vô thức. Nó chú ý tới các thông điệp mà hằng ngày chúng ta nhận được từ vô thức, như các giấc mơ, các mâu thuẫn giằng xé và bệnh tật. 
 
Khi được là chính mình, nó sẽ tự do phát triển. Và trong khi cái tôi lụy thuộc của chúng ta lãng quên, thì cái tôi đích thực của chúng ta luôn nhớ về sự hợp nhất của chúng ta với người khác và với vũ trụ. Tuy nhiên, đối với hầu hết chúng ta, cái tôi đích thực cũng là cái tôi riêng tư (private self). Khó mà biết được lý do tại sao chúng ta đã lựa chọn không chia sẻ [con người thực của mình]? Có lẽ đó là nỗi sợ hãi bị tổn thương hay bị từ chối. Một số người đã ước tính rằng chúng ta thể hiện ra con người thật của mình với những người khác trung bình chỉ khoảng 15 phút mỗi ngày. Dù bởi lý do gì đi nữa, chúng ta cũng có xu hướng giữ kín con người thật của mình. 
 
Khi chúng ta “đến từ” con người thật của mình hay khi chúng ta là con người thật của mình, chúng ta cảm thấy tràn đầy sức sống. Chúng ta có thể cảm thấy tổn thương dưới các hình thức như đau khổ, tội lỗi, buồn bã hay giận dữ, nhưng dù thế nào chúng ta vẫn cảm thấy có niềm vui sống. Hay chúng ta có thể cảm thấy niềm vui, dưới các hình thức như mãn nguyện, hạnh phúc, cảm hứng hay thậm chí phúc lạc. Nhìn chung, chúng ta có xu hướng cảm nhận thực tại hiện tiền, đầy đủ, hoàn chỉnh, phù hợp, chân thực, toàn thể và lành mạnh. Chúng ta luôn cảm thấy có niềm vui sống.
 
Đứa trẻ trong ta luôn song hành với ta từ thời điểm ra đời tới cho lúc chết đi và trong tất cả các kiếp sống cũng như quá trình chuyển tiếp giữa các kiếp sống. Ta không phải làm bất cứ điều gì để được là con người thật của mình cả. Nó chỉ là nó. Nếu chúng ta cứ để cho nó được là nó, thì nó sẽ thể hiện bản thân nó mà không cần có nỗ lực cụ thể nào về phía chúng ta cả. Thật vậy, bất kỳ nỗ lực nào cũng thường là để từ chối nhận thức về nó và biểu hiện của nó…
 
Với sự giúp đỡ thiếu hiểu biết của các bậc phụ huynh và sự hỗ trợ của cộng đồng xã hội, hầu hết chúng ta đều chối bỏ đứa trẻ trong mình. Khi đứa trẻ này không được nuôi dưỡng, được người ta cho phép tự do bộc lộ, thì một cái tôi sai lệch, giả tạo hay lụy thuộc (co-dependent) sẽ xuất hiện. Chúng ta bắt đầu sống với tâm thế nạn nhân, và gặp khó khăn khi phải giải quyết các tổn thương. Sự tích tụ dần dần của các vấn đề về tinh thần và cảm xúc chưa được giải quyết dứt điểm có thể dẫn đến các chứng bệnh mạn tính như lo lắng, sợ hãi, trống rỗng, bối rối và bất mãn.
 
Sự chối bỏ đứa trẻ trong ta và sự xuất hiện sau đó của một cái tôi lụy thuộc đặc biệt phổ biến ở những người lớn lên trong các gia đình bất ổn trục trặc, ở những gia đình có thành viên bị các bệnh mạn tính về thể chất hoặc tinh thần, quá nghiêm khắc, quá lạnh lùng, hay các gia đình thiếu sự quan tâm, săn sóc con cái. 
 
Nguồn trích dịch bởi: Đỗ Hoàng Tùng (18/12/2013) – “Đứa trẻ trong ta” – Truy cập ngày 06/12/2021 tại Vietpsychotheraphy
 
——-
Hãy liên hệ với chúng tôi bất cứ khi nào bạn cần được hỗ trợ:
☎️ 0828.77.22.33 (Dịch vụ Tham vấn Trị liệu, Đánh giá Tâm Lý) / 0877.16.33.66 (Dịch vụ Hướng nghiệp, Tâm Lý cho Doanh nghiệp & Học đường)
📧 tamlymindcare@gmail.com
📲https://mindcare.vn/