3 KIỂU XUNG ĐỘT ĐỘC HẠI TRONG MỐI QUAN HỆ

Xung đột là điều không thể tránh khỏi. Bất kỳ mối quan hệ nào, chắc chắn sẽ có những bất đồng ở một mức độ nào đó, trừ khi mối quan hệ đó chủ yếu là hời hợt hoặc rất ngắn ngủi. Mặc dù xung đột thường được nhìn dưới lăng kính tiêu cực, nhưng nó có thể là một công cụ tích cực nếu được sử dụng đúng cách.

Vì mỗi người là độc nhất nên sự bất đồng chắc chắn sẽ nảy sinh khi hai hoặc nhiều người tương tác với nhau trong một thời gian dài. Xem sự bất đồng như một điểm khởi đầu để cải thiện mối quan hệ, cho phép mọi người có cơ hội được lắng nghe nhau. Tránh né sự bất đồng hoặc sử dụng nó như một thứ quyền lực nhằm kiểm soát, có thể khiến mối quan hệ trở nên độc hại và gây tổn thương.

Dưới đây là một số dấu hiệu cảnh báo về các xung đột mang tính độc hại:

1. Tránh xung đột bằng mọi giá

Một số mối quan hệ độc hại có thể không dễ dàng nhận ra vì mỗi người luôn mắc kẹt trong khuôn mẫu né tránh mọi xung đột, bất kể xung đột đó là gì. Nhiều khi, các cá nhân trong những mối quan hệ này lớn lên trong môi trường có những xung đột gây tổn thương, khiến họ miễn cưỡng lặp lại những hành vi đó trong cuộc sống của chính mình. Thật không may, việc luôn luôn tránh né xung đột trong mọi tình huống cũng có thể gây phản tác dụng.

Với những mối quan hệ độc hại, tính dễ bị tổn thương có thể bị phớt lờ hoàn toàn, hoặc được sử dụng như một công cụ để đạt được nhiều quyền lực hơn. Thường thì, những tổn thương có thể bị chôn vùi, che đậy hoặc bị bỏ qua trong im lặng.

Những mối quan hệ đứng giữa lằn ranh hòa thuận và bất đồng cũng khiến người trong cuộc cảm thấy không thoải mái như những mối quan hệ thường xuyên xảy ra xung đột. Cảm xúc thực sự sẽ không được khuyến khích bộc lộ trừ khi chúng là những điều tích cực.

Trong các mối quan hệ tránh né xung đột, bạn có thể cảm thấy như thể mình đang “bước đi trên vỏ trứng”, chờ đợi một vụ nổ bất ngờ. Nhiều khi, những mối quan hệ này khuyến khích các cá nhân tin rằng mọi xung đột xảy ra đều là không lành mạnh.

2. Xung đột không có ranh giới.

Thường xuyên la hét, đổ lỗi, bạo lực thể xác, tinh thần… là những hành động của các cá nhân giải quyết xung đột vượt quá giới hạn. Kiểu xung đột này cung cấp cho họ một ‘tấm séc trống’ để làm bất cứ điều gì họ cảm thấy cần thiết để thể hiện bản thân.

Một số người trong chúng ta có xu hướng thích những cuộc tranh luận nhằm phân tích vấn đề. Tuy nhiên, kiểu xung đột độc hại này vượt xa sự tranh luận. Nó biểu hiện như một cách thức bộc lộ cảm xúc không ổn định, khó đoán và bốc đồng. Cặp đôi trong mối quan hệ kiểu này thường có cảm giác như đi tàu lượn siêu tốc. Tình trạng của mối quan hệ phụ thuộc hoàn toàn vào cảm giác của mỗi cá nhân vào thời điểm đó.

3. Xung đột được sử dụng để tranh giành quyền lực.

Trong những mối quan hệ độc hại, nhiều người xem xung đột là cách để thể hiện sức mạnh và kết thúc mọi tranh chấp. Họ có thái độ “nếu bị ép buộc, tôi sẽ cho người kia biết ai mới là người kiểm soát cuộc chơi”. Loại xung đột này xảy ra khi một người không đạt được điều mình muốn và họ sử dụng bạo lực, lời nói ác ý hoặc thậm chí là thao túng để ép buộc đối phương nhượng bộ.

Sử dụng xung đột để chiếm quyền lực là một chiến lược có chủ ý. Những người đi theo phong cách này thường “nghiên cứu” đối phương để biết cách áp đặt ý kiến và khi họ tìm ra cách nào là thành công, họ sẽ thực hiện điều đó nhiều lần.

Những xung đột tạo ra cảm giác một người thắng và một người thua, điều này là dấu hiệu của mối quan hệ không lành mạnh. Và khi xung đột trở thành một cuộc chiến, nó có thể gây ra những tổn thương lớn. Trong khi đó, xung đột lành mạnh có thể dẫn đến thỏa thuận, sự thỏa hiệp hoặc đồng ý (dù có thể đôi bên không hài lòng 100%).

Mặc dù xung đột có thể gây khó chịu nhưng học cách tham gia một cách phù hợp là điều quan trọng để phát triển các mối quan hệ lành mạnh. Tương tự như vậy, việc nhận thức được những dấu hiệu nguy hiểm tiềm ẩn có thể giúp bạn tránh mắc kẹt trong các mối quan hệ độc hại và chẳng đi đến đâu.

Xung đột là không thể tránh khỏi, nhưng nó không nhất thiết phải luôn gây đau đớn.

Nguồn: Psychology Today

#xung_đột #độc_hại #mối_quan_hệ #lành_mạnh

#conflict #toxic #relationship #unhealthy

————–

(***) Bản quyền bài dịch thuộc về Tham vấn trị liệu Tâm lý MindCare. Khi chia sẻ, cần phải trích dẫn nguồn đầy đủ tên tác giả (nếu có) và nguồn là “Nguồn: Tham vấn trị liệu Tâm lý MindCare”. Các bài viết trích nguồn không đầy đủ, đều không được chấp nhận và phải gỡ bỏ.

——

💁‍♀️Tham gia group Tư vấn tâm lý cùng chuyên gia MindCare: https://www.facebook.com/groups/908586050050211

🌈Hãy liên hệ với chúng tôi bất cứ khi nào bạn cần được hỗ trợ:

☎️ 0866.13.58.85 (Dịch vụ Tham vấn Trị liệu, Đánh giá Tâm Lý) / 0877.16.33.66 (Dịch vụ Hướng nghiệp, Tâm Lý cho Doanh nghiệp & Học đường)

📧 tamlymindcare@gmail.com

📲 https://mindcare.vn/