03 DẤU HIỆU CHO THẤY BẠN LÀ NẠN NHÂN CỦA HỘI CHỨNG FOMO

Hội chị em bạn dì của mình đang check-in ở một nhà hàng sang trọng, chúng nó đi ăn mảnh mà không cả rủ mình. Cô bạn cũ thời sinh viên đang có những ngày nghỉ mát cùng bạn trai tổng tài tại Paris, đến toàn chỗ đẹp, ăn toàn đồ ngon, còn mình đang ngồi đây lướt face và xem đi xem lại những tấm ảnh của cổ trong ghen tị…
Tất cả những cảm giác trên đều bình thường với bất cứ ai … nếu chúng không xảy ra thường xuyên. Một khi cảm giác này liên tục xuất hiện khiến bạn thấy khó chịu, tức tối và tìm mọi cách để không bỏ lỡ những sự kiện đang diễn ra, có thể bạn đang là nạn nhân của hội chứng FOMO.
FOMO là gì?
FOMO là từ viết tắt của “Fear of missing out”, hiểu đơn giản là “cảm giác bất an và đôi khi ám ảnh rằng bạn đang bỏ lỡ điều gì đó – rằng bạn bè của bạn đang làm, đang biết, hay đang có thứ gì đó nhiều hơn hoặc tốt hơn bạn”.
Theo một thống kê, có tới 56% người dùng mạng xã hội có cảm giác lo sợ sẽ bỏ lỡ điều gì đó như một sự kiện quan trọng, tin tức hoặc một dòng trạng thái từ bạn bè, những người họ đang theo dõi… nếu không liên tục có mặt trên mạng xã hội. Bạn có thuộc về trong nhóm 56% này không? Hãy thử kiểm tra bằng các dấu hiệu dưới đây nhé!
DẤU HIỆU CỦA HỘI CHỨNG FOMO:
1. Liên tục kiểm tra điện thoại và các trang mạng xã hội.
Bạn đăng một tấm hình với dòng caption tâm đắc hoặc một status chau chuốt từng dấu chấm dấu phẩy lên Facebook, vài phút sau mở ra xem có thông báo nào không thì, ôi bẽ bàng, chả ai thèm quan tâm, thậm chí đến 1 cái like cũng không có. Chuyện gì xảy ra thế này? Tấm ảnh chưa đủ hấp dẫn, hay là mọi người không thèm quan tâm tới mình? Cứ vài phút bạn lại điên cuồng đăng nhập để cập nhật tình hình, những câu hỏi trên được hiện lên, và vòng lặp chết chóc lại tiếp tục.
2. Giữ lựa chọn mở.
Có những người chọn để tránh các thỏa thuận và cam kết càng nhiều càng tốt. Trong hầu hết các trường hợp, họ bị thúc đẩy bởi một sự sợ hãi rằng đưa ra một thỏa thuận đồng nghĩa với việc họ đang mất đi một cơ hội để tham gia vào các trải nghiệm khác có tiềm năng dẫn đến sự thỏa mãn lớn hơn.
3. Luôn cảm thấy tự ti về bản thân.
FOMO thường gắn liền với nhận thức địa vị xã hội thấp, nó có thể gây ra cho con người cảm giác lo lắng và tự ti. Khi một người bỏ lỡ buổi tiệc, kỳ nghỉ hoặc một sự kiện xã hội, họ sẽ cảm thấy ít nổi bật hơn so với người tham dự. Trong một số trường hợp, người ta thậm chí còn sợ bỏ lỡ những thứ không lành mạnh.
Lời kết: FOMO có thể gây tiêu cực đến sức khỏe tâm lý và dễ dẫn đến bệnh trầm cảm. Hãy sống cởi mở hơn và giảm bớt sự phụ thuộc vào các cuộc sống ảo trên mạng. Thay vì nằm trong phòng lướt điện thoại mỏi nhừ tay thì bạn hãy ngồi ăn cơm chung với gia đình, đi chơi với bạn bè, tập thể thao…
Nếu cảm thấy Facebook chỉ khiến bạn có cảm giác khó chịu hoặc những thứ trên Facebook đều vô nghĩa thì hãy tìm mọi cách thoát khỏi nó, hoặc ít nhất là hãy thiết lập giới hạn cho việc sử dụng Facebook nói riêng, và mạng xã hội nói chung.