GIẢ THUYẾT THẾ GIỚI CÔNG BẰNG

 

Giả thuyết thế giới công bằng là gì?

Giả thuyết về thế giới công bằng đề cập đến niềm tin của chúng ta rằng thế giới là công bằng, và do đó, chuẩn mực đạo đức trong hành động của chúng ta sẽ quyết định kết quả của chúng ta. Quan điểm này khiến chúng ta tin rằng ai làm tốt sẽ được khen thưởng, còn ai có hành vi tiêu cực sẽ bị trừng phạt.

Niềm tin vào một thế giới công bằng có thể thúc đẩy chúng ta hành động có đạo đức và chính trực, điều thường được xem như là cách để giữ ‘nghiệp lành’ (good karma). Tuy nhiên, thế giới không phải lúc nào cũng công bằng như chúng ta mong đợi. Bám chặt vào giả thuyết về thế giới công bằng trước sự bất công, chúng ta dễ đưa ra những kết luận và đánh giá không chính xác về thế giới xung quanh. Các nhà tâm lý học xã hội Zick Rubin và Letitia Ann Peplau đã tuyên bố một cách khéo léo rằng: “Mọi người thường nỗ lực rất nhiều để giúp sửa chữa những sai trái trong xã hội và do đó giúp khôi phục lại công lý trên thế giới. Tuy nhiên, vào những lúc khác, chỉ tin rằng thế giới này là công bằng không dẫn đến công lý mà dẫn đến sự biện minh”. Niềm tin vững chắc vào một thế giới công bằng tạo ra thành kiến ​​trong nhận thức và có thể dẫn đến việc chúng ta biện minh cho sự đau khổ của một người bằng cách vẽ ra một hình dung tiêu cực về người đó.

Ví dụ: chúng ta có thể nhìn một người có công việc lương thấp và cho rằng họ làm việc kém chăm chỉ hơn một người được cho là thành công. Những đánh giá của chúng ta có thể đã bỏ qua những yếu tố về rào cản kinh tế xã hội mà người này gặp phải. Hay chúng ta lờ đi những giờ làm việc vất vả mà họ đã trải qua. Chúng ta tạo ra những câu chuyện méo mó này để bảo vệ lý thuyết về thế giới công bằng của chúng ta. Chúng ta muốn tin rằng thế giới rất công bằng và nếu bạn làm việc chăm chỉ, bạn sẽ tiến về phía trước. Việc gán cho ai đó là lười biếng hoặc không có động lực sẽ dễ dàng hơn là thừa nhận rằng thế giới có thể không công bằng.

Trong ví dụ này, chúng ta có thể thấy quan điểm thế giới công bằng cũng bị chi phối bởi ‘lỗi quy kết cho bản chất’ (fundamental attribution error). Lỗi này đề cập đến xu hướng người ta tập trung vào đặc điểm, phẩm chất, tính cách của một người hơn là các yếu tố ngoại cảnh khi diễn giải một sự kiện nào đó. Điều này khiến chúng ta cho rằng những người xứng đáng đạt được thành công sẽ đạt được nó mà quên mất rằng sân chơi không phải lúc nào cũng công bằng.

Cách chúng ta quyết định điều gì đáng trừng phạt và điều gì đáng khen thưởng sẽ quyết định cách chúng ta nhìn thế giới. Quan điểm này được hầu hết mọi người chia sẻ ở các mức độ khác nhau, có tác động đáng kể đến các kết quả chính trị và pháp lý. Chẳng hạn như chúng ta tin rằng thế giới thực sự công bằng đến mức nào và phản ứng trước những bất công theo các cách khác nhau (vd hợp lý hóa, phớt lờ hoặc can thiệp vào những bất công), đặc biệt là về thái độ đối với các nhà lãnh đạo chính trị, thái độ đối với nạn nhân và thái độ đối với hoạt động xã hội. Nghiên cứu của Rubin và Pelau cho thấy mối tương quan nghịch giữa giả thuyết thế giới công bằng và hoạt động xã hội. Nếu bạn tin rằng thế giới công bằng như nó vốn có, bạn sẽ ít có khả năng hành động và đấu tranh để thay đổi nó.

Tại sao nó xảy ra?

Chúng ta được xã hội hóa để tin rằng cái thiện luôn được khen thưởng và cái ác luôn bị trừng phạt. Ngay từ thời thơ ấu, chúng ta đã đọc các câu chuyện về những vị anh hùng giải cứu thế giới và được ban thưởng. Trong khi những kẻ hung ác bị giết hoặc bị trục xuất. Trong những câu chuyện này, các nhân vật luôn gặt lấy những gì họ đã gieo. Rubin và Peplau cho rằng chúng ta phát triển ý thức về công lý được cho là vốn có trên thế giới từ khá sớm.

Niềm tin vào một thế giới công bằng tạo ra một môi trường dường như có thể dự đoán được.

Nhà tâm lý học xã hội và là người tiên phong nghiên cứu về giả thuyết thế giới công bằng, Tiến sĩ Melvin J Lerner, mô tả thế giới công bằng là một “thế giới có thể quản lý và dự đoán được”, thúc đẩy con người tham gia vào hoạt động có mục tiêu dài hạn. Về cơ bản, chúng ta có nhiều khả năng làm việc hướng tới mục tiêu của mình hơn nếu chúng ta cảm thấy mình có thể dự đoán được kết quả. Ngoài ra, các nghiên cứu đã chỉ ra rằng việc xem thế giới là có thể dự đoán được và công bằng cũng bảo vệ con người khỏi cảm giác bất lực. Đây cũng là cảm giác gây bất lợi cho sức khỏe tinh thần và thể chất của con người.

Chúng ta thường tránh né hoặc bóp méo những thông tin thách thức khuôn khổ nhận thức của chúng ta.

Khi chúng ta cảm thấy cơ thể của mình không được thoải mái, chúng ta thường có xu hướng tìm kiếm những gì cần thiết để khiến bản thân thoải mái hơn. Điều này cũng tương tự đối với tâm trí của ta. Có lẽ, chúng ta đã từng trải qua cảm giác khó chịu khi niềm tin bị thách thức hoặc bị chứng minh là sai. Những cảm xúc khó chịu ấy khiến ta trở nên phòng thủ hoặc tìm cách vô hiệu hóa những thông tin đối nghịch. Nhà tâm lý học xã hội Leon Festinger gọi hiện tượng này là sự bất hòa về nhận thức. Ông nói rằng, “nếu một người biết nhiều điều khác nhau mà không nhất quán về mặt tâm lý, người đó sẽ, bằng nhiều cách khác nhau, cố gắng làm cho chúng nhất quán hơn”. Thuyết thế giới công bằng tạo ra những nhận thức (tuy đã bị bóp méo nhưng nhất quán hơn) nhằm đối phó với nhiều nguồn thông tin mâu thuẫn, hỗn độn trên thế giới.

Tại sao giả thuyết này quan trọng?

Giả thuyết này cũng tạo ra tác động mạnh mẽ lên nhận thức của chúng ta. Nó định hình hiểu biết của chúng ta về thế giới. Nó thay đổi nhận thức của chúng ta về người khác. Nó tạo ra những kỳ vọng nhất định cho chính chúng ta. Bên cạnh những điểm có lợi như nhận thức về giới công bằng có thể bảo vệ con người khỏi cảm giác bất lực hoặc giúp con người đối phó với sự bất hòa trong nhận thức, giả thuyết này cũng tạo ra những lối suy nghĩ một chiều và có thể gây hại. Khát khao công lý không giống như niềm tin rằng thế giới này công bằng. Để tạo ra sự thay đổi trong xã hội, chúng ta phải có sự sáng suốt để đánh giá tình huống hoặc dành thời gian để thực sự hiểu hoàn cảnh của ai đó trước khi đưa ra lời phán xét.

Làm thế nào để tránh nó?

Các nhà khoa học hành vi Daniel Kahneman và Amos Tversky đề xuất hai phương thức tư duy khác nhau. Hệ thống 1 đề cập đến những phản ứng tức thời, những phán đoán, phản ứng về mặt cảm xúc một cách nhanh chóng. Trong khi đó, Hệ thống 2 đề cập đến một quá trình tư duy chậm hơn, hợp lý hơn và có tính toán hơn. Nhiều thành kiến trong nhận thức ​​của chúng ta được khơi dậy thông qua tư duy Hệ thống 1, bao gồm cả giả thuyết về thế giới công bằng.

Một cuộc khảo sát về các kỹ thuật suy luận khác nhau cho thấy chúng đều có một điểm chung là cố tình chuyển từ tư duy Hệ thống 1 sang Hệ thống 2. Nghĩa là, khi chúng ta làm chậm quá trình đưa ra phán đoán và xem xét tất cả thông tin có sẵn, sẽ giúp chúng ta đưa ra quyết định tốt hơn.

Lược dịch từ bài viết “Why do we believe that we get what we deserve?” trên The Decision Lab

#giả_thuyết #thế_giới_công_bằng #thiên_kiến #nhận_thức

#hypothesis #justworld #bias #cognition

————–

(***) Bản quyền bài dịch thuộc về Tham vấn trị liệu Tâm lý MindCare. Khi chia sẻ, cần phải trích dẫn nguồn đầy đủ tên tác giả (nếu có) và nguồn là “Nguồn: Tham vấn trị liệu Tâm lý MindCare”. Các bài viết trích nguồn không đầy đủ, đều không được chấp nhận và phải gỡ bỏ.

——

💁‍♀️Tham gia group Tư vấn tâm lý cùng chuyên gia MindCare: https://www.facebook.com/groups/908586050050211

🌈Hãy liên hệ với chúng tôi bất cứ khi nào bạn cần được hỗ trợ:

☎️ 0866.13.58.85 (Dịch vụ Tham vấn Trị liệu, Đánh giá Tâm Lý) / 0877.16.33.66 (Dịch vụ Hướng nghiệp, Tâm Lý cho Doanh nghiệp & Học đường)

📧 tamlymindcare@gmail.com

📲 https://mindcare.vn/