BỊ CHỐI TỪ – NỖI ĐAU KHÔNG CỦA RIÊNG AI

Nguy cơ bị từ chối trước đây thường bị hạn chế, tuy nhiên, hiện nay với sự phát triển của mạng xã hội, các kênh liên lạc và ứng dụng hẹn hò, mỗi người chúng ta có thể kết nối với hàng nghìn người khác. Và bất kỳ ai trong số họ đều có thể bỏ qua, phớt lờ các bài đăng trên Facebook, story trên Instagram, cuộc trò chuyện hay tin nhắn của chúng ta. Sau cùng, chúng ta dễ rơi vào cảm thấy bị từ chối.

Ngoài những lần bị “phũ” kể trên, chúng ta cũng bị tổn thương trước những lời chối từ nghiêm trọng khác.

  • Khi người vợ/chồng rời bỏ chúng ta.
  • Khi chúng ta bị đuổi việc.
  • Khi chúng ta bị bạn bè hắt hủi
  • Khi chúng ta bị gia đình và cộng đồng tẩy chay vì lựa chọn lối sống của riêng mình.

Nỗi đau ấy có thể khiến chúng ta tê liệt hoàn toàn.

Cho dù lời chối từ nằm ở hình thức nào, có một điều vẫn không thay đổi – lời chối bỏ luôn gây tổn thương và thường thì chúng gây ra nỗi đau sâu sắc hơn chúng ta vẫn tưởng.

Câu hỏi là, tại sao?

Tại sao chúng ta lại cảm thấy không thoải mái khi một người bạn không nhấn nút “thích” bức ảnh trên Facebook của mình?

Tại sao điều này lại ảnh hưởng đến tâm trạng của chúng ta?

Câu trả lời là bộ não của chúng ta đã được lập trình để phản ứng theo cách đó. Các nhà nghiên cứu sử dụng máy MRI để quan sát hoạt động não của những người tham gia. Họ yêu cầu người tham gia nhớ lại lần bị từ chối gần đây, các nhà nghiên cứu đã phát hiện ra một điều ngạc nhiên. Các khu vực trong não được kích hoạt tương tự như khi chúng ta trải qua nỗi đau thể xác. Điều này giải thích tại sao ngay cả những lời từ chối nhỏ cũng có thể gây tổn thương nhiều hơn chúng ta nghĩ, bởi vì chúng thật sự gây ra nỗi đau theo đúng nghĩa đen.

Tuy nhiên, tại sao bộ não của chúng ta lại hoạt động theo cách này?

Các nhà tâm lý học tiến hóa tin rằng điều này bắt nguồn từ thời kỳ chúng ta còn là những người săn bắt và hái lượm sống theo bộ lạc. Ở thời đó, chúng ta sống sót khi ở một mình, vì thế việc bị tẩy chay khỏi bộ tộc cơ bản giống như một bản án tử hình. Từ đây chúng ta đã phát triển một cơ chế để cảnh báo bản thân khi có nguy cơ bị “đuổi khỏi bộ lạc” – và đó chính là cảm giác bị từ chối. Những người bị từ chối nặng nề hơn thường có nhiều khả năng thay đổi hành vi của họ (để thích nghi và được ở lại trong bộ lạc) và truyền lại gen của họ cho con cháu đời sau.

Sự từ chối cũng làm tổn hại đến tâm trạng và lòng tự trọng của chúng ta, chúng khơi dậy những cơn giận dữ và hung hăng, đồng thời làm mất ổn định nhu cầu “thuộc về” của chúng ta.

Thật không may, nguyên nhân của cảm giác bị từ chối thường bắt nguồn từ chính mình. Thật vậy, phản ứng tự nhiên khi bị người yêu bỏ rơi hoặc khi bị ai đó “seen” tin nhắn, không chỉ là cảm giác bị tổn thương, mà còn là tự trách bản thân một cách mạnh mẽ. Chúng ta gọi tên mình, than thở về những thiếu sót của mình và cảm thấy chán ghét chính mình. Nói cách khác, ngay khi lòng tự trọng của chúng ta bị tổn thương nhiều nhất, chúng ta lại tiếp tục làm tổn thương nó nhiều hơn. Làm như vậy là không lành mạnh về mặt cảm xúc và tự hủy hoại bản thân về mặt tâm lý, nhưng dường như mỗi người trong chúng ta đều đã làm điều đó vào lúc này hay lúc khác.

Tin tốt là có nhiều cách lành mạnh hơn để đáp lại sự từ chối, những điều chúng ta có thể làm để hạn chế những phản ứng tiêu cực, xoa dịu nỗi đau tinh thần và xây dựng lại lòng tự trọng.

1. Tránh tự phê bình bản thân quá đà

Việc liệt kê tất cả lỗi lầm của bạn sau khi bị ai đó chối bỏ nghe có vẻ tự nhiên như việc bạn tự trừng phạt bản thân vì đã làm sai điều gì đó.

Đừng! Bằng mọi cách, hãy xem lại những gì đã thật sự xảy ra, cân nhắc xem bạn nên làm gì khác đi trong tương lai và không nên lấy chúng là lý do để trừng phạt hay tự phê bình bản thân.

Suy nghĩ: “Có lẽ tôi nên tránh nói về người yêu cũ trong buổi hẹn hò đầu tiên” có vẻ khá ổn. Nhưng suy nghĩ “Tôi là một kẻ thất bại trong tình yêu” thì e là điều không nên.

Một sai lầm phổ biến khác mà chúng ta thường mắc phải là cho rằng việc bị từ chối là do bản thân mình, nhưng thực ra không phải vậy. Hầu hết những lời từ chối, dù là trong mối quan hệ tình yêu lãng mạn, đồng nghiệp hay thậm chí trong bối cảnh xã hội, đều là do độ phù hợp và theo từng trường hợp cụ thể. Việc liên tục tìm kiếm những nguyên nhân ‘vì sao tôi lại bị từ chối’ có thể gây hại hơn là đem lại lợi ích.

2. Phục hồi giá trị bản thân

Khi lòng tự trọng của bạn bị ảnh hưởng, điều quan trọng là phải nhắc nhở bản thân về những đóng góp tích cực mà bạn đã mang lại (thay vì chỉ tập trung vào những điểm yếu của bản thân). Cách tốt nhất để tăng cường lòng tự trọng sau khi trải qua sự từ chối là nhìn nhận về những giá trị quan trọng của chính mình.

Bạn có thể tự liệt kê năm phẩm chất hoặc thành tựu mà bạn tự hào (ví dụ: bạn luôn ủng hộ và sẵn lòng chia sẻ tình cảm với người thân; bạn là một người bạn biết cách lắng nghe; bạn là một nhân viên có trách nhiệm và tâm huyết với nghề).

Sau đó, chọn một trong số những phẩm chất nêu trên và viết một hoặc hai đoạn văn ngắn (hãy viết ra, đừng chỉ nghĩ trong đầu) về lý do tại sao chúng lại quan trọng đối với người khác. Áp dụng cách này có thể giúp xoa dịu tinh thần, nâng cao lòng tự trọng và xây dựng sự tự tin của bạn trong tương lai.

3. Tăng cường kết nối

Sự từ chối khiến nhu cầu được thuộc về của chúng ta bị lung lay. Chúng ta cảm thấy bất ổn. Vì vậy, chúng ta cần nhắc nhở bản thân rằng chúng ta được trân trọng và yêu thương bởi những người thân xung quanh. Nếu đồng nghiệp ở nơi làm việc không mời bạn đi ăn trưa, thay vào đó hãy đi uống nước với các thành viên trong đội thể thao khác của bạn. Nếu con bạn bị một người bạn từ chối, hãy lên kế hoạch để đứa bé có thể gặp gỡ một người bạn khác. Hay khi tình yêu của bạn không được hồi đáp, hãy gọi về cho ông bà và nhắc nhở bản thân rằng giọng nói của bạn cũng có thể mang lại niềm vui cho người khác.

Bị từ chối là cảm giác không bao giờ dễ chịu nhưng biết cách hạn chế những tổn thương mà nó gây ra và xây dựng lại lòng tự trọng sẽ giúp bạn phục hồi sớm hơn và tự tin bước tiếp trên chuyến hành trình của mình..

Nguồn: Ideas Ted

#bị_từ_chối#lòng_tự_trọng#tự_đổ_lỗi#giá_trị#kết_nối

#rejection#selfesteem#selfblame#value#connect

————–

(***) Bản quyền bài dịch thuộc về Tham vấn trị liệu Tâm lý MindCare. Khi chia sẻ, cần phải trích dẫn nguồn đầy đủ tên tác giả (nếu có) và nguồn là “Nguồn: Tham vấn trị liệu Tâm lý MindCare”. Các bài viết trích nguồn không đầy đủ, đều không được chấp nhận và phải gỡ bỏ.

——

💁‍♀️Tham gia group Tư vấn tâm lý cùng chuyên gia MindCare: https://www.facebook.com/groups/908586050050211

🌈Hãy liên hệ với chúng tôi bất cứ khi nào bạn cần được hỗ trợ:

☎️ 0866.13.58.85 (Dịch vụ Tham vấn Trị liệu, Đánh giá Tâm Lý) / 0877.16.33.66 (Dịch vụ Hướng nghiệp, Tâm Lý cho Doanh nghiệp & Học đường)

📧 tamlymindcare@gmail.com

📲 https://mindcare.vn/