XEM MÌNH LÀ TRUNG TÂM: 6 DẤU HIỆU NHẬN BIẾT

Xem mình là trung tâm (self-centered) khác với tự chăm sóc (self-care). Tự chăm sóc là khi bạn quan tâm đến nhu cầu của bản thân và thỉnh thoảng đặt bản thân lên hàng đầu, đặc biệt trong trường hợp bạn đang phải đối mặt với điều gì đó căng thẳng. Còn xem mình là trung tâm thì luôn chỉ nghĩ đến bản thân.

Bài viết này thảo luận về những dấu hiệu nhận biết ai đó luôn xem mình là trung tâm và gợi ý một số chiến lược có thể giúp bạn hiểu hành vi của họ và đối phó với hành vi đó. Bài viết này cũng giúp bạn khám phá xem liệu bạn có quá tập trung vào bản thân hay không và làm cách nào để bạn có thể điều chỉnh những hành động đó.

Dấu hiệu của một người xem mình là trung tâm là gì?

1. Họ nắm quyền kiểm soát trong các cuộc trò chuyện

Aimee Daramus – nhà tâm lý học lâm sàng được cấp phép, cho biết những người xem mình là trung tâm có xu hướng nói nhiều nhất trong các cuộc trò chuyện và cuộc họp. Khi bạn nói chuyện với họ, dường như nội dung chỉ tập trung vào cuộc sống, thành tích và vấn đề của họ.

2. Họ thiếu sự đồng cảm

Để đồng cảm với người khác đòi hỏi một người phải đặt mình vào vị trí của đối phương và hiểu được cảm xúc của họ. Những người coi bản thân là trung tâm có thể gặp khó khăn trong việc nhìn nhận tình huống từ góc độ của người khác, để hiểu và chia sẻ cảm xúc khó khăn.

3. Họ nhận nhiều hơn là cho đi

Những người xem mình là trung tâm thường nhận nhiều hơn những gì họ cho đi. Mối quan hệ của họ với bạn có thể mang tính phiến diện vì bạn cảm thấy mình đã nỗ lực hết sức để duy trì mối quan hệ, tuy nhiên bạn chẳng nhận lại được gì.

4. Họ muốn mọi việc diễn ra theo ý của họ

Những người xem mình là trung tâm thường muốn mọi việc được thực hiện theo cách của họ. Họ có thể gặp khó khăn trong việc thỏa hiệp và làm việc theo cách của người khác. Ví dụ, họ thường không để bất kỳ ai chọn phim hoặc nhà hàng, Tiến sĩ Daramus nói.

5. Họ nhanh chóng đổ lỗi cho người khác và trốn tránh trách nhiệm

Những người xem mình là trung tâm có thể không nhận ra rằng họ đã làm sai điều gì đó và có thể đổ lỗi cho người khác về bất kỳ sai phạm nào.

6. Họ luôn muốn trở thành trung tâm của sự chú ý

Những người tự cho mình là trung tâm có xu hướng muốn trở thành tâm điểm của sự chú ý. Nếu sự chú ý vô tình chuyển sang thứ gì đó hoặc ai đó khác, họ sẽ cố gắng tìm cách đưa ‘hào quang’ trở lại bản thân.

Ví dụ: nếu ai đó kể một câu chuyện hài hước, họ có thể xen vào bằng câu chuyện của chính họ và cố gắng chiếm vị thế của người đang kể. Hoặc, nếu có một tình huống thu hút sự chú ý của mọi người, họ sẽ tìm cách đưa mình vào tình huống đó và bắt đầu nói về bản thân. Tiến sĩ Daramus cho biết, một người xem mình là trung tâm thậm chí có thể cố gắng an ủi ai đó bằng cách kể cho người kia nghe những câu chuyện về bản thân họ.

Vì sao một người có xu hướng xem mình là trung tâm?

Theo các chuyên gia, đây là một số lý do khiến ai đó có thể xem mình là trung tâm:

  • Giáo dục: Tiến sĩ Daramus cho biết, họ có thể đã được nuôi dạy rằng họ không cần phải quan tâm hay kết nối với những người khác. 
  • Bị từ chối: Tiến sĩ Daramus cho biết tính tự cho mình là trung tâm cũng có thể xuất phát từ cảm giác bị chối bỏ thuở nhỏ. Có thể người đó đã không được lắng nghe hoặc ưu tiên khi còn nhỏ và do đó nhu cầu được nhìn nhận trở nên mãnh liệt khi trưởng thành.
  • Sang chấn: Người đó có thể đã trải qua điều gì đó đau thương. Kinh nghiệm đã dạy họ rằng họ không nên dựa dẫm vào người khác và chỉ quan tâm đến nhu cầu của bản thân.
  • Các yếu tố văn hóa xã hội: Các yếu tố văn hóa xã hội cũng có thể góp phần vào tính tự cho mình là trung tâm. Ví dụ, trong một xã hội mà mọi người tin rằng những người giàu kiếm được tiền và xứng đáng với số tiền đó (và những người có thu nhập thấp hẳn phải xứng đáng với số phận của họ), người đó có thể nhìn nhận quyền lợi của mình như là phần thưởng cho việc “làm việc đúng đắn”, Tiến sĩ Daramus. Hoặc, cô ấy nói rằng mọi người có thể chỉ coi mình là trung tâm với những người mà họ coi là “người khác”.
  • Tình trạng sức khỏe tâm thần: Một nghiên cứu năm 2020 cho thấy việc coi mình là trung tâm và không thể đặt mình vào vị trí của người khác có liên quan đến mức độ trầm cảm và tâm lý bất ổn.
  • Đa dạng hệ thần kinh: Tiến sĩ Daramus cho biết, bất kỳ tình trạng nào hạn chế các kỹ năng xã hội của ai đó (ví dụ như lo lắng xã hội hoặc tự kỷ), đôi khi có thể khiến những người đang cố gắng kết nối với họ cảm thấy họ chỉ tập trung vào bản thân mình.
  • Rối loạn nhân cách chống đối: Những người này có thể thường xuyên coi thường hoặc vi phạm quyền của người khác. Họ có thể nhận thức được điều đó, nhưng họ không quan tâm, theo Tiến sĩ John nói. Daramus.

Cách đối phó với người luôn cho mình là trung tâm

1. Nói cho họ biết bạn cảm thấy thế nào

Mặc dù một số người có khả năng nhận biết mong muốn được làm trung tâm của sự chú ý, nhưng số khác có thể không ý thức được họ đang làm như vậy hoặc sự ảnh hưởng của họ đối với người khác. Nếu họ không nhận thức được hành vi của mình, bạn có thể thẳng thắn trò chuyện với họ về việc lời nói và hành động của họ ảnh hưởng đến bạn như thế nào. Hầu hết mọi người thường phản ứng tích cực với việc được chỉ ra và có thể học cách điều chỉnh hành vi của mình.

2. Gợi ý tham vấn trị liệu tâm lý

Nếu người đó cởi mở với gợi ý của bạn, trị liệu tâm lý có thể giúp họ nhìn nhận lại hành vi của mình, khám phá nguyên nhân gây ra hành vi đó và học cách quan tâm đến người khác hơn.

3. Bày tỏ quan điểm bản thân

Nếu người đó không quan tâm đến cảm nhận của bạn, bạn có thể lên tiếng để đảm bảo rằng nhu cầu và sở thích của bạn được lắng nghe. Tiến sĩ Daramus khuyên bạn nên bày tỏ một cách cụ thể về nhu cầu và sở thích của mình.

Ví dụ, nếu bạn đang buồn và cần giải tỏa, nhưng người đó có xu hướng độc chiếm cuộc trò chuyện, bạn có thể yêu cầu họ chú ý. Tiến sĩ Daramus gợi ý cách nói như sau: “Này, tôi đã có một ngày làm việc mệt mỏi, bạn có 15 phút để lắng nghe tôi chia sẻ không?”

Hoặc, nếu bạn đang cố gắng lên kế hoạch đi chơi với họ, Tiến sĩ Daramus khẳng định rằng bạn có thể đảm nhận trách nhiệm lên kế hoạch và tránh để họ kiểm soát hoàn toàn quá trình ra quyết định bằng cách nói: “Chúng tôi định xem bộ phim này, bạn muốn tham gia cùng chúng tôi không?”

4. Điều chỉnh kỳ vọng của bạn

Ở cạnh một người chỉ xem mình là trung tâm có thể khiến bạn cảm thấy thất vọng, khó chịu hoặc tức giận nếu họ thiếu quan tâm đến bạn. Bạn thậm chí có thể cảm thấy bị lợi dụng vì bạn đã dành cho họ quá nhiều thời gian, sức lực, sự quan tâm và hỗ trợ mà không nhận lại được nhiều.

Tuy nhiên, khi bạn nhận ra họ là ai và điều chỉnh kỳ vọng của bạn cho phù hợp có thể giúp bạn ứng phó tốt hơn. Ví dụ, một đồng nghiệp có xu hướng xem mình là trung tâm có thể không phải là người bạn tốt nhất mà bạn tâm sự và dựa vào khi cần được hỗ trợ, nhưng thỉnh thoảng vẫn có thể vui vẻ đi chơi cùng.

5. Đặt ranh giới trong mối quan hệ của bạn với họ

Những người chỉ coi mình là trung tâm có thể chiếm rất nhiều thời gian và sức lực của bạn nếu bạn để họ làm vậy. Đặt ranh giới trong mối quan hệ của bạn có thể giúp bạn bảo vệ chính mình.

Ví dụ: nếu một người bạn đang gọi điện cho bạn để trò chuyện, hãy cho họ biết ngay từ đầu rằng bạn chỉ có 15 phút trước khi phải quay lại làm việc. Hoặc, nếu đó là đồng nghiệp, Tiến sĩ Daramus khuyên bạn nên lập trước khung chương trình cho các cuộc họp với các mục tiêu có giới hạn về thời gian, để họ không chiếm hết cả ngày của bạn.

6. Giữ khoảng cách với họ

Nếu việc ở cạnh họ khiến bạn cạn kiệt năng lượng hoặc khiến bạn thường xuyên cảm thấy tức giận hoặc khó chịu, tốt nhất bạn nên tránh xa họ. Nếu đó là một người bạn hoặc người yêu, nhưng dường như họ không có khả năng thay đổi, bạn có thể chọn chấm dứt mối quan hệ với họ để bảo vệ sức khỏe tinh thần và cảm xúc của mình. Nếu đó là thành viên gia đình, đồng nghiệp hoặc hàng xóm mà bạn không thể tránh hoàn toàn, bạn có thể hạn chế tương tác với họ ở mức thực sự cần thiết và tránh xa họ càng nhiều càng tốt.

Nếu bạn là người xem mình là trung tâm, vậy phải làm thế nào? 

Nếu ai đó trong cuộc sống của bạn chỉ ra rằng bạn quá coi trọng bản thân, chỉ chú ý đến chính mình, và bạn đang tự hỏi liệu có cách nào để khắc phục điều đó. Tiến sĩ Daramus gợi ý một số chiến lược có thể giúp ích cho bạn:

  • Lắng nghe người khác: Cố gắng lắng nghe nhiều hơn. Hỏi mọi người xem họ nghĩ gì về một chủ đề nào đó. Hãy tìm hiểu họ nhiều hơn thay vì chỉ nói về bản thân bạn. Đôi khi, hãy để họ điều khiển cuộc trò chuyện, cả ở nơi làm việc và cuộc sống riêng tư của bạn. Bạn có thể ngạc nhiên, thích thú trước những gì mình học được khi thật sự lắng nghe.
  • Tham gia vào những việc người khác muốn làm: Thay vì lúc nào cũng muốn mọi việc được thực hiện theo cách của bạn, hãy thỉnh thoảng tham gia vào các hoạt động mà người khác lựa chọn để củng cố mối quan hệ của bạn với họ và làm cho mối quan hệ trở nên cân bằng hơn.
  • Đồng cảm hơn: Hãy thử bài tập đơn giản này để trở nên đồng cảm hơn: Khi bạn nói chuyện với ai đó và họ đề cập đến một vấn đề hoặc tình huống khó khăn, hãy dành vài phút để hình dung mình ở vị trí của họ và nghĩ xem bạn sẽ cảm thấy thế nào trong tình huống đó.
  • Hỏi người khác cần gì: Khi bạn đang an ủi hoặc giúp đỡ ai đó, hãy hỏi xem họ muốn gì ở bạn. Hãy cố gắng quan tâm hơn đến cảm xúc cũng như nhu cầu của họ.
  • Cân nhắc trị liệu tâm lý: Nếu bạn đang gặp khó khăn với việc này, hãy cân nhắc đến việc tham vấn trị liệu. Có thể, thông qua trị liệu, bạn có thể hiểu được điều gì đang thúc đẩy hành vi của mình và suy nghĩ chín chắn hơn.

Nguồn: VeryWellMind

#xem_mình_là_trung_tâm #dấu_hiệu #nguyên_nhân #ứng_phó

#selfcentered #sign #cause #coping

————–

(***) Bản quyền bài dịch thuộc về Tham vấn trị liệu Tâm lý MindCare. Khi chia sẻ, cần phải trích dẫn nguồn đầy đủ tên tác giả (nếu có) và nguồn là “Nguồn: Tham vấn trị liệu Tâm lý MindCare”. Các bài viết trích nguồn không đầy đủ, đều không được chấp nhận và phải gỡ bỏ.

——

💁‍♀️Tham gia group Tư vấn tâm lý cùng chuyên gia MindCare: https://www.facebook.com/groups/908586050050211

🌈Hãy liên hệ với chúng tôi bất cứ khi nào bạn cần được hỗ trợ:

☎️ 0866.13.58.85 (Dịch vụ Tham vấn Trị liệu, Đánh giá Tâm Lý) / 0877.16.33.66 (Dịch vụ Hướng nghiệp, Tâm Lý cho Doanh nghiệp & Học đường)

📧 tamlymindcare@gmail.com

📲 https://mindcare.vn/