VÌ SAO CÓ NHỮNG NGƯỜI BỊ BẠO HÀNH VẪN KHÔNG RỜI ĐI?

Trauma bond, hay gắn kết đau thương, xảy ra khi người chịu bạo hành và tổn thương dần thích nghi và sống chung với những thương tổn.

Đã bao giờ bạn cảm thấy khó hiểu khi thấy một cô gái dù ở trong một mối quan hệ độc hại vẫn không những không chia tay bạn trai mà ngược lại còn bênh vực bạn trai của mình? Là người ngoài cuộc, chúng ta thường kỳ vọng có thể dễ dàng kết thúc một mối quan hệ khi những sự độc hại bắt đầu nhen nhóm.

Trên thực tế, trong nhiều mối quan hệ, sự lạm dụng, tổn thương lại trở thành sợi dây kết nối, ràng buộc những con người trong đó bằng một hiện tượng được gọi là “trauma bond”.

Trauma bond không chỉ khiến người chịu ảnh hưởng liên tiếp thực hiện các hành vi gây thương tổn cho bản thân mà họ còn cảm thấy bối rối, choáng ngợp sau khi rời khỏi mối quan hệ và phải vật lộn với nỗi lo lắng về sự chia ly ở những mối quan hệ kế tiếp.

Trauma bond là gì?

Trauma bond (tạm dịch: gắn kết đau thương) mô tả một loại tình cảm gắn bó mãnh liệt giữa kẻ lạm dụng và nạn nhân.

Trong một mối quan hệ có gắn kết đau thương, những khoảnh khắc bị lạm dụng, thao túng thường xen kẽ với sự yêu thương hoặc thân mật không liên tục, khiến nạn nhân vì khao khát những giai đoạn yêu thương mà bỏ qua giai đoạn còn lại. Nạn nhân thường sẽ cố gắng hợp lý hóa hoặc biện minh cho sự lạm dụng mà họ đang trải qua và do đó hình thành tình cảm gắn bó với kẻ lạm dụng.

Trauma bond có thể xảy ra ở mọi mối quan hệ, từ yêu đương lãng mạn đến gia đình, bạn bè, công việc. Ví dụ, trong mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái, gắn kết đau thương là sự gắn bó mà trẻ em bị lạm dụng hình thành đối với cha mẹ của chúng, đặc biệt phổ biến ở trẻ em có cha mẹ ái kỷ.

Không phải tất cả những người bị lạm dụng sẽ phát triển gắn kết đau thương nhưng trauma bond là một cách bộ não xử lý để có thể thích nghi và sinh tồn cùng những chấn thương. Gắn kết đau thương còn liên quan đến lý thuyết về sự bất hòa nhận thức – khi nạn nhân buộc phải thay đổi niềm tin hoặc hành động để giảm bớt sự mâu thuẫn giữa niềm tin và trải nghiệm của họ.

Ví dụ, khi một người phụ nữ bị bạo hành bởi chồng mình, cô ấy sẽ ghét hoàn cảnh của mình nhưng nỗi sợ hãi về sự trả thù bạo lực từ chồng sẽ khiến cô ấy chọn ở lại và chịu đựng thay vì rời đi.

Trước khi có thuật ngữ trauma bonding, thuật ngữ duy nhất để chỉ những ràng buộc tình cảm trong các tình huống bị lạm dụng là hội chứng Stockholm – phản ứng tâm lý khi nạn nhân trở nên quý mến và đồng cảm với kẻ bạo hành mình. Tuy nhiên, thuật ngữ đó không bao hàm rộng nhiều tình huống mà mối liên kết có thể xảy ra hoặc những cách biểu hiện khác nhau của nó.

7 Giai đoạn của trauma bond

Trong bảy giai đoạn của trauma bond, chúng thường bắt đầu như những mối quan hệ có vẻ tốt đẹp trước khi dần trở thành mối quan hệ lạm dụng độc hại. Sự tiến triển này là một phần lý do khiến trauma bond có thể tác động sâu sắc đến thế giới quan, nhận thức về thực tế của nạn nhân.

  • Dội bom tình yêu (love bombing): Dấu hiệu của giai đoạn này là sự thể hiện tình cảm một cách đột ngột và áp đảo. Họ có thể gửi cho bạn những bó hoa lộng lẫy mỗi ngày trong tuần hoặc nói với bạn rằng họ yêu bạn từ rất sớm trong mối quan hệ. Các nhà tâm lý học cho rằng những người có mắc hội chứng ái kỷ có nhiều khả năng sẽ dội bom tình yêu để chiếm được lòng tin của nạn nhân.
  • Giành lấy niềm tin: Ở giai đoạn này, kẻ bạo hành thường cố gắng lấy lòng tin của bạn bằng mọi cách như hối thúc sự cam kết và gợi ý về việc sống chung hoặc kết hôn. Từ đó, bạn sẽ dần cảm thấy gắn bó và phụ thuộc vào họ.
  • Chỉ trích nạn nhân: Kẻ bạo hành thường chỉ trích nạn nhân, đặc biệt trong các cuộc tranh luận, đến mức nạn nhân tự trách ngược chính mình ngay cả khi họ không làm gì sai. Và đây là khi nạn nhân bắt đầu suy nghĩ theo hướng “người ta chỉ muốn tốt cho mình”, “người ta yêu mình nên mới làm vậy”…
  • Thao túng nạn nhân: Kẻ lạm dụng sẽ biện hộ cho hành vi của mình bằng cách sử dụng các chiến thuật thao túng tâm lý. Khi nạn nhân cố chống lại sự áp bức trong mối quan hệ này, kẻ bạo hành thường “gaslight” nạn nhân đến mức nạn nhân bị thuyết phục rằng hành vi ngược đãi không có gì sai trái. Kẻ lạm dụng cũng tìm cách cô lập mục tiêu khỏi bất cứ thứ gì và bất kỳ ai mang lại cho nạn nhân cảm giác yên tâm hoặc độc lập.
  • Cam chịu: Khi đối mặt với sang chấn, nạn nhân thường cố tránh gây thêm xung đột. Điều này còn được gọi là “phản ứng yếu ớt” đối với chấn thương hoặc hành vi “làm hài lòng mọi người”. Nạn nhân thường cam chịu mà tuân theo hành vi lạm dụng với ý nghĩ rằng điều này sẽ giúp họ tồn tại.
  • Đánh mất chính mình: Lòng tự trọng của bạn đã bị phá vỡ và bạn hoàn toàn bỏ bê bản thân cũng như nhu cầu của mình để đáp ứng nhu cầu của họ. Kết quả là bạn sẽ mất kết nối với con người thật, nguyên tắc và tính cách của mình. Ở giai đoạn này, bạn sẽ làm bất cứ điều gì chỉ để tránh những cuộc xung đột khác.
  • Sự lặp lại của chu kỳ: Sau một cuộc xung đột nghiêm trọng, có thể có một “honeymoon phase” khi kẻ bạo hành xin lỗi và bắt đầu lại quá trình dội bom tình yêu, điều này khiến nạn nhân cảm thấy nhẹ nhõm và khao khát, từ đó hình thành củng cố tích cực (positive reinforcement) vào chu kỳ lạm dụng này.Ngược lại, kẻ bạo hành có thể hoàn toàn im lặng, giữ lại tất cả tình yêu thương, tình cảm và sự quan tâm như một cách để gây áp lực hoặc buộc nạn nhân phải xin lỗi. Khi trách nhiệm đổ dồn lên vai nạn nhân, họ có thể hành động cực đoan để giành lại sự ưu ái từ kẻ ngược đãi mình.

Hệ quả của trauma bond

Vấn đề lớn nhất trong một mối quan hệ có gắn kết đau thương là nạn nhân bị mắc kẹt và không chịu/không thể rời đi. Họ có thể bỏ qua hoặc xem nhẹ tác hại của hoàn cảnh, từ đó sẽ tiếp tục đặt bản thân vào tình thế nguy hiểm, cho dù đó là lạm dụng thể chất, tinh thần hay tình dục.

Trauma bond cũng có thể ảnh hưởng đến kiểu gắn bó của người đó và dẫn đến các mối quan hệ không lành mạnh khác. Đối với trẻ em, trauma bond trong mối quan hệ với bố mẹ có thể dẫn đến nhiều vấn đề trong các mối quan hệ khác khi trưởng thành.

Đối với người lớn, trauma bond có thể khiến họ đẩy những người thân yêu khác ra xa vì lo sợ bị phán xét và chỉ trích, mâu thuẫn giữa hành động của bản thân với nhu cầu được yêu thương và chấp nhận.

Bên cạnh đó, trauma bond có thể dẫn đến nhiều vấn đề ảnh hưởng đến não bộ như PTSD (rối loạn căng thẳng hậu sang chấn), căng thẳng cảm xúc, mất ngủ…

Làm sao để thoát khỏi trauma bond?

Do tính chất của trauma bond, việc bước ra khỏi mối quan hệ với kẻ bạo hành có thể không dễ dàng. Nhưng bạn hoàn toàn có thể bằng việc, đầu tiên, nhận thức được sự tồn tại của sự gắn kết độc hại này.

Nhận thức được bạn đang phải đối mặt với điều gì

Để tìm ra bằng chứng cho sự lạm dụng và nhận ra các dấu hiệu của trauma bond, đây là một số điều bạn nên thử:

  • Viết nhật ký: Viết ra những điều xảy ra mỗi ngày có thể giúp bạn xác định vấn đề ở hành vi từ những giai đoạn đầu tiên.
  • Tìm kiếm quan điểm: Hãy tưởng tượng bạn đang đọc về mối quan hệ của mình trong một cuốn sách, bạn thấy có vấn đề gì đáng lưu ý không? Hoặc hãy thử nghĩ nếu bạn mình cũng ở trong trường hợp tương tự với bạn, bạn sẽ đưa cho họ lời khuyên gì?
  • Nói chuyện với người thân: Những người thân yêu có thể đưa ra những quan điểm đáng xem xét. Hãy thực sự thử thách bản thân lắng nghe và xem xét tính chính xác trong nhận định của người thân.

Ngừng đổ lỗi cho bản thân

Dù không dễ, bạn nên tập trung vào việc chăm sóc và yêu thương chính mình, bắt đầu từ việc rèn luyện lòng trắc ẩn. Trái ngược hoàn toàn với cảm giác bị cô lập khi bị lạm dụng, việc trải qua sự đau khổ hay phạm sai lầm là một phần của con người, đừng phê phán bản thân gay gắt.

Việc tin rằng chính bạn là nguyên nhân gây ra sự lạm dụng có thể khiến bạn khó bước ra khỏi mối quan hệ độc hại hơn. Chính vì vậy, hãy nhắc nhở bản thân rằng lạm dụng không bao giờ là lỗi của bạn, bất kể: những gì bạn có thể hoặc không thể đã làm, bạn sợ hãi sự cô đơn hay cuộc sống không có họ đến mức nào.

“Tôi xứng đáng với những điều tốt đẹp hơn”. Việc trò chuyện tử tế với bản thân và cố gắng hết sức để tin rằng tình huống bị lạm dụng không phải do lỗi của bạn là công cụ hữu ích để phá vỡ mối ràng buộc của bạn với kẻ bạo hành. Bằng cách này, bạn cũng có thể tránh được những mối quan hệ ngược đãi khác trong tương lai.

Lên kế hoạch đề cao sự an toàn

Các kế hoạch an toàn bao gồm các bước được cá nhân hóa mà một cá nhân có thể thực hiện để bảo vệ bản thân về thể chất và tinh thần. Kế hoạch có thể bao gồm: những nơi an toàn để ở, thông tin liên lạc của những người có thể giúp đỡ, bằng chứng về sự lạm dụng, tài chính, thay đổi số điện thoại…

Đừng vội vàng, hãy lên kế hoạch thật chỉn chu, từng bước một.

Tìm sự giúp đỡ từ chuyên gia và những người đã từng trải qua trauma bond

Thông thường, trauma bond có xu hướng bền vững. Bạn có thể không dễ dàng thoát ra nếu không có sự hỗ trợ chuyên nghiệp và điều đó hoàn toàn bình thường.

Trị liệu cùng chuyên gia không chỉ giúp bạn thoát khỏi tình huống nguy hiểm mà còn trang bị cho bạn những công cụ hữu ích khi đưa ra những lựa chọn quan trọng cho cuộc sống tương lai.

Bên cạnh đó, trò chuyện với những người đã trải qua điều tương tự, chia sẻ kinh nghiệm về thương tổn có thể dẫn đến sự thay đổi, phát triển tích cực sau chấn thương (posttraumatic growth). Nếu bạn không cảm thấy sẵn sàng tham gia một nhóm hỗ trợ, hãy tìm đến những người mà bạn cảm thấy gần gũi và tin tưởng trong cuộc sống.

 

Nguồn: Jen (11/08) – Vì sao có những người bị bạo hành vẫn không rời đi? – truy cập ngày 16/08/2023 tại Vietcetera.

——
Hãy liên hệ với chúng tôi bất cứ khi nào bạn cần được hỗ trợ:
☎️ 0828.77.22.33 (Dịch vụ Tham vấn Trị liệu, Đánh giá Tâm Lý) / 0877.16.33.66 (Dịch vụ Hướng nghiệp, Tâm Lý cho Doanh nghiệp & Học đường)
📧 tamlymindcare@gmail.com
📲 https://mindcare.vn/