VĂN HỌC CÓ THỂ GIÚP BẠN KẾT NỐI TỐT HƠN VỚI NGƯỜI KHÁC

 
Chuyên ngành văn học và các lĩnh vực nhân văn khác đang suy yếu dần. Tại Mỹ, chẳng còn nhiều người chọn học các ngành này nữa. Năm 2011, 1/3 số sinh viên cao đẳng chọn những chuyên ngành như văn hóa, nghệ thuật, ngôn ngữ. Nhưng bây giờ, chỉ còn một phần tư sinh viên quyết định theo đuổi con đường này. Thậm chí ở các trường đại học, tỷ lệ tốt nghiệp các ngành nhân văn giảm từ 17% xuống chỉ còn 11%.
 
Ở một khía cạnh nào đó, việc nghiên cứu văn học ít phổ biến hơn là điều dễ hiểu. Nhưng hãy đoán xem còn điều gì khác cũng đang thuyên giảm dần?
 
Đó là sự đồng cảm. Một nghiên cứu cho thấy 15.000 sinh viên đại học cho thấy mức độ đồng cảm của họ thấp hơn 40% so với trước đây.
 
Tôi đã dành hai thập kỷ qua để dạy văn trên lớp, và điều tôi tin tưởng sâu sắc, cũng như điều mà lĩnh vực khoa học thần kinh văn học mới nổi đang bắt đầu chứng minh, là văn học khiến chúng ta đồng cảm hơn.
 
Chúng ta thất vọng hay thông cảm với việc Hamlet miễn cưỡng trả thù cho cha mình?
Khi Jane Eyre nhận ra ông Rochester đã kết hôn, chúng ta thúc giục cô ấy chạy trốn khỏi Thornfield hay ở lại?
 
Trong quá trình đọc, chúng ta so sánh hành động của nhân vật chính với những gì chúng ta sẽ làm trong tình huống tương tự hoặc những gì chúng ta đã làm trong quá khứ. Việc ‘đọc suy nghĩ’ của nhân vật giúp chúng ta phát triển khả năng nhạy cảm xã hội. Tương tự như được chứng minh một cách khéo léo qua bài kiểm tra “đọc suy nghĩ trong mắt”. Trong nghiên cứu này, những người tham gia được xem một loạt ảnh màu xám được cắt xén chỉ để lộ đôi mắt của một người. Sau đó, họ được yêu cầu xác định biểu cảm trong ánh mắt bằng cách chọn một trong bốn đáp án. Hóa ra, những người thường xuyên đọc tiểu thuyết đạt điểm cao hơn trong bài kiểm tra này và tôi nghĩ đó là vì việc đọc giúp chúng ta thực hành tiếp nhận quan điểm của người khác.
 
Chúng ta có thể bị xem là “mọt sách” – những kẻ cô độc ẩn mình trong những trang sách, vụng về trong xã hội. Nhưng có một sự thật khác, đọc sách giúp chúng ta hiểu biết về thế giới và con người trong thế giới đó.
 
Một trong những tác giả yêu thích của tôi là Jane Austen, và một trong những nghiên cứu yêu thích của tôi, các nghiên cứu sinh tiến sĩ văn học được đưa cho một cuốn tiểu thuyết của Jane Austen để đọc (nhưng không phải đọc trên ghế dài). Thay vào đó, họ đọc Austen bên trong máy fMRI. Các nhà nghiên cứu theo dõi hoạt động não bằng cách xem sự thay đổi trong lưu lượng máu. Natalie Phillips, học giả văn học tham gia nghiên cứu, đưa ra giả thuyết rằng khi người tham gia đọc sách thì lượng máu đến các vùng não chịu trách nhiệm xử lý ngôn ngữ tăng lên. Trước sự ngạc nhiên của cô, các sinh viên đã trải qua một sự gia tăng mạnh mẽ trên diện rộng, với dòng máu chảy đến những khu vực không liên quan gì đến việc xử lý ngôn ngữ.
 
]Giả sử bạn đọc một đoạn văn nói về việc chạy xuyên qua những cánh rừng. Bạn có thể nghĩ rằng thùy thái dương bên trái, khu vực chịu trách nhiệm xử lý ngôn ngữ sẽ sáng lên. Đúng vậy, nhưng vỏ não vận động – nơi điều phối các chuyển động của cơ thể, cũng sáng lên. Trên thực tế, nó sẽ sáng lên giống như khi bạn thực sự đang chạy.
 
​​Hoặc giả như bạn đọc được các từ “hoa oải hương” “cà phê” hoặc “quế” trong trang sách, não của bạn sẽ bắt đầu hoạt động ở khu vực thùy thái dương bên trái. Nhưng đồng thời cũng có hoạt động ở vỏ khứu giác, vỏ não này nơi sẽ sáng lên như khi bạn thực sự ngửi thấy những mùi hương đó.
Những hoạt động này không xảy ra với các tác phẩm phi hư cấu dựa trên thực tế, chẳng hạn như báo chí chính trị, phê bình phim hoặc sách hướng dẫn lắp ráp giá sách Ikea. Sách hướng dẫn sử dụng Ikea đó có thể giúp bạn tạo ra một tủ sách (có thật ngoài đời), nhưng nếu bạn muốn thắp sáng trí óc của mình như pháo hoa, bạn cần có Jane Austen trên kệ sách của mình và đọc nó.
 
Điều gì sẽ xảy ra nếu tôi nói với bạn rằng sự đồng cảm mà chúng ta dành cho các nhân vật có thể khiến mọi người giảm đi sự phân biệt chủng tộc?
 
Trong nghiên cứu của Dan Johnson, ông đã sử dụng quyển “Saffron Dreams” – cuốn tiểu thuyết dưới góc nhìn của một phụ nữ Mỹ gốc Hồi giáo, để xem liệu việc đọc có thể làm giảm thành kiến ​​về chủng tộc hay không. Đối với nghiên cứu của mình, Johnson chia những người tham gia thành hai nhóm. Một nửa trong số họ đọc đoạn trích dài 3.000 từ trong cuốn tiểu thuyết. Nửa còn lại đọc bản tóm tắt dài 500 từ của đoạn trích đó. Bản tóm tắt giữ lại tất cả các sự kiện nhưng không có phần nội tâm phong phú, lời thoại, ẩn dụ hay chi tiết cảm xúc của nhân vật.
 
Sau đó, người tham gia được xem các bức ảnh của những khuôn mặt mà Johnson mô tả là “gương mặt trộn lẫn giữa người Ả Rập và người da trắng” một số trong số đó trông giận dữ. Khi được hỏi để xác định chủng tộc của người trong bức ảnh, những người đọc bản tóm tắt có xu hướng phân loại những khuôn mặt giận dữ là người Ả Rập. Điều này không xuất hiện ở những người đọc đoạn trích phong phú và cuốn hút.
 
Trẻ em cũng có thể thay đổi quan điểm về các nhóm bị kỳ thị thông qua việc đọc, như trong nghiên cứu sử dụng cuốn sách Harry Potter đầu tiên ở Ý – quốc gia nơi người nhập cư thường bị kỳ thị. Người tham gia được chia thành hai nhóm. Một nhóm sẽ đọc đoạn văn trong đó Harry nhận được cây đũa phép đầu tiên của mình. Nhóm còn lại đọc một đoạn văn liên quan đến thành kiến, trong đó Draco Malfoy – một phù thủy thuần chủng tóc vàng, gọi Hermione là “một đứa trẻ Máu Bùn bẩn thỉu”. Một tuần sau, thái độ của bọn trẻ được đánh giá, và các em đọc những đoạn văn đề cập đến thành kiến ​​đã cải thiện đáng kể thái độ đối với người nhập cư.
 
Những phát hiện này khiến tôi nghĩ đến những sinh viên trong lớp của tôi đang đấu tranh về việc có nên chọn học chuyên ngành văn học hay không, vì họ muốn thành công. Nếu “thành công” nghĩa là mức lương khởi điểm cao, có lẽ tôi nên dẫn họ từ tòa nhà Văn học sang tòa nhà Quản trị Kinh doanh. Nhưng nếu “thành công” có nghĩa là giúp tạo ra một thế giới hài hòa hơn, vậy thì hãy kéo ghế và lấy sách vở ra.
Hãy tưởng tượng nếu trước khi quyết định thực hiện hành động quân sự đầy hung hãn, các nhà lãnh đạo đọc một cuốn tiểu thuyết từ góc nhìn của một chiến binh phía đối địch.
 
Hãy tưởng tượng nếu trước khi cắt giảm các dịch vụ xã hội, các nhà lập pháp hiểu rõ cuộc sống nội tâm của một người đang hưởng phúc lợi.
Tôi đã thảo luận về tất cả những cách mà văn học giáo dục chúng ta về mặt cảm xúc, nhận thức và tinh thần, nhưng tôi muốn kết thúc bằng những gì nó mang lại cho chúng ta về mặt khoái lạc.
 
Đừng đọc vì nó tốt cho bạn. Hãy đọc vì nó hay.
 
Thưởng thức hương vị ngọt ngào của một cuốn tiểu thuyết chẳng phải là rất tuyệt sao? Việc đọc giúp chúng ta cảm thấy tốt hơn. Sách khiến chúng ta ít cô đơn hơn. Như James Baldwin đã từng nói: “Bạn nghĩ rằng nỗi đau và sự thống khổ của bạn là chưa từng có trong lịch sử thế giới, nhưng sau đó bạn lại đọc thấy chúng.”
 
Bài học hay nhất từ ​​khoa học thần kinh văn học là bộ não xinh đẹp của chúng ta có thể uốn nắn. Chúng ta có thể thay đổi suy nghĩ của mình, theo nghĩa đen.
 
Vậy tại sao không thử chúng?
Hãy đắm mình trong một cuốn sách. Điều đó cũng có nghĩa là: Hãy đi tìm chính mình. Và trong khi bạn đang làm điều đó, hãy tìm kiếm những người đồng hành trong cộng đồng của chúng ta.
 
(Bài viết là góc nhìn của Beth Ann Fennelly – nhà thơ đoạt giải của Mississippi và giảng dạy trong Chương trình MFA tại Đại học Mississippi)
 
Nguồn: Ideas Ted
 
————–
(***) Bản quyền bài dịch thuộc về Tham vấn trị liệu Tâm lý MindCare. Khi chia sẻ, cần phải trích dẫn nguồn đầy đủ tên tác giả (nếu có) và nguồn là “Nguồn: Tham vấn trị liệu Tâm lý MindCare”. Các bài viết trích nguồn không đầy đủ, đều không được chấp nhận và phải gỡ bỏ.
——
💁‍♀️Tham gia group Tư vấn tâm lý cùng chuyên gia MindCare: https://www.facebook.com/groups/908586050050211
🌈Hãy liên hệ với chúng tôi bất cứ khi nào bạn cần được hỗ trợ:
☎️ 0866.13.58.85 (Dịch vụ Tham vấn Trị liệu, Đánh giá Tâm Lý) / 0877.16.33.66 (Dịch vụ Hướng nghiệp, Tâm Lý cho Doanh nghiệp & Học đường)
📧 tamlymindcare@gmail.com