Tình trạng trầm cảm ở giới trẻ hiện nay qua các con số

Liên tiếp những vụ tự tử xảy ra ở độ tuổi thanh thiếu niên trong thời gian gần đây cho thấy mức độ phổ biến và nguy hiểm của căn bệnh trầm cảm trong giới trẻ. Có tới 121 triệu kết quả tương ứng với từ khóa “người trẻ tự tử” khi được tìm kiếm trên google.

Ước tính có từ 1-3% trẻ em và thanh thiếu niên có thể mắc phải trầm cảm, bất kể mọi giới tính, sắc tộc, độ tuổi và hoàn cảnh gia đình. Trong đó, trầm cảm phổ biến hơn ở các em gái vị thành niên. Trong một khảo sát được thực hiện bởi Viện sức khỏe tâm thần Hoa Kỳ trên các trẻ em từ 11-17 tuổi, vô cùng bất ngờ khi 78% số trẻ tham gia khảo sát cho kết quả tương ứng với trầm cảm mức độ vừa đến nặng theo test sàng lọc. Tuy nhiên, có một nghịch lý là 2/3 các trường hợp trầm cảm không hề được phát hiện và điều trị. Nguyên nhân bởi người bệnh có xu hướng che dấu, tâm lý xấu hổ về tình trạng của mình. Bên cạnh đó, sự hiểu biết hạn chế và những quan niệm sai về trầm cảm của xã hội cũng khiến cho việc phát hiện và giúp đỡ những người trầm cảm trở nên khó khăn.

Đầu năm 2018, Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc (UNICEF) phối hợp Bộ Lao động – thương binh và xã hội công bố kết quả nghiên cứu về sức khỏe tâm thần và tâm lý xã hội của trẻ em – thanh thiếu niên Việt Nam.

Theo đó, có đến 8-29% đối tượng được nghiên cứu (11 đến 24 tuổi) gặp vấn đề sức khỏe tâm thần chung (tùy theo tỉnh thành, giới…), và hiện có khoảng 3 triệu trẻ em, thanh thiếu niên có nhu cầu về những dịch vụ chăm sóc sức khỏe tâm thần. Các vấn đề sức khỏe tâm thần phổ biến ở các em thường ở hướng nội (lo âu, trầm cảm, cô đơn…) hoặc hướng ngoại (tăng động, giảm chú ý…). Tỉ lệ trẻ vị thành niên tự tử là 2,3% và có xu hướng gia tăng.

Theo ước tính của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), đến năm 2020, trầm cảm là căn bệnh thứ hai gây hại đến sức khỏe của con người chỉ sau tim mạch. Trong đó trầm cảm ở Việt Nam hiện nay đang có chiều hướng gia tăng đặc biệt là trong giới trẻ. Do vậy mà chúng ta cần quan tâm và ngăn chặn trầm cảm, đặc biệt là ở những người trẻ – chủ nhân tương lai của xã hội. Trong đó, việc đầu tiên cần làm chính là nâng cao hiểu biết của xã hội về căn bệnh trầm cảm.

Tuy nhiên chỉ có khoảng 20% người mắc trầm cảm nhận được hỗ trợ y tế và điều trị kịp thời. Vì vậy, nếu bạn và người thân đang mắc phải trầm cảm, hãy trở thành một phần trong số 20% này bằng cách nhanh chóng tìm đến sự giúp đỡ của một chuyên gia tâm lý uy tín.

-S/t-
—————-
#tham_vấn_tâm_lý
#trầm_cảm
#lo_âu
#stress
#tự_tử
#mindcare
#KNG