Sự tự nghiệm cảm xúc (Affect Heuristic) – Vì sao đôi khi chúng ta dựa vào cảm xúc khi đưa ra quyết định nhanh chóng?

Sự tự nghiệm cảm xúc (Affect Heuristic) mô tả cách chúng ta thường dựa vào cảm xúc của mình thay vì thông tin cụ thể khi đưa ra quyết định. Điều này cho phép chúng ta đi đến kết luận nhanh chóng và dễ dàng, nhưng cũng có thể bóp méo suy nghĩ và khiến chúng ta đưa ra những lựa chọn không tối ưu.

Casey đã được mời đến thử vai cho một vở kịch do một sân khấu danh tiếng dàn dựng. Casey luôn có niềm đam mê diễn xuất và đây sẽ là cơ hội lớn cho anh ta. Tuy nhiên, Casey nhận được lời mời vào đúng ngày anh biết mình đã trượt bài kiểm tra lái xe. Casey không chỉ tức giận, khó chịu mà lòng tự trọng của anh ta cũng bị ảnh hưởng nặng nề. Cuối cùng thì anh ta vội vã nói với người bên rạp hát rằng anh không quan tâm đến việc thử vai cho vở kịch. Casey cho rằng dù thế nào đi nữa anh cũng sẽ không nhận được vai.

Những cảm xúc tiêu cực của Casey sau khi trượt bài kiểm tra lái xe khiến anh ta đánh giá quá cao những rủi ro khi thử vai cho vở kịch. Anh cảm thấy rằng rất có thể bản thân sẽ thất bại lần nữa. Điều này thật phi logic vì khả năng lái xe của Casey hoàn toàn độc lập so với khả năng diễn xuất của anh. Kết quả là anh bỏ lỡ một cơ hội tuyệt vời. 

Câu chuyện này minh hoạ cho Sự tự nghiệm cảm xúc, thể hiện cách chúng ta đôi khi dựa vào cảm xúc thay vì logic khi đưa ra quyết định.

Tại sao nó xảy ra?

Lý thuyết quá trình kép (Dual process theory) thừa nhận rằng chúng ta có hai hệ thống nhận thức: một hệ thống tự động và một hệ thống dựa trên sự nỗ lực. Nghiên cứu cho thấy rằng suy nghiệm cảm xúc là kết quả của hệ thống tự động. Ngoài ra, suy nghiệm cảm xúc xảy ra do trạng thái cảm xúc của chúng ta (nói cách khác, cảm xúc hiện tại của chúng ta) làm thay đổi nhận thức của chúng ta về rủi ro và lợi ích của một kết quả cụ thể.

Tư duy hệ thống kép

Lý thuyết quá trình kép là một lý thuyết nền tảng trong tâm lý học nhận thức. Nó gợi ý rằng con người có hai hệ thống nhận thức riêng biệt để đưa ra quyết định. Hệ thống đầu tiên – hệ thống 1: nhanh, dễ dàng, tự động và giàu cảm xúc. Trong khi Hệ thống 2: chậm rãi, nỗ lực, thận trọng và logic.

Có một quan niệm sai lầm phổ biến rằng Hệ thống 1 – bắt nguồn từ cảm xúc, kém thích nghi và luôn dẫn đến việc đưa ra quyết định kém; trong khi Hệ thống 2 – bắt nguồn từ lý trí, lại ưu việt hơn về mọi mặt. Tuy nhiên, như Daniel Kahneman đã chỉ ra trong cuốn sách ‘Tư duy nhanh và chậm’, cả hai hệ thống đều có ưu và nhược điểm. Tư duy Hệ thống 1 có lợi khi không có thời gian để cân nhắc vì chúng ta phải đưa ra quyết định ngay lập tức. Kiểu suy nghĩ tự động này cho phép chúng ta đưa ra lựa chọn theo bản năng, ví dụ như đạp phanh gấp khi có ai đó cắt ngang xe của bạn trên đường cao tốc hoặc lao vào hỗ trợ với người đang bị nghẹn. Trong trường hợp khẩn cấp thì không có thời gian để ngồi một chỗ và đưa ra quyết định chậm chạp, tốn nhiều công sức như Hệ thống 2.

Không có gì ngạc nhiên khi kết quả sự suy nghiệm cảm xúc đến từ tư duy của Hệ thống 1. Thay vì đưa ra quyết định hợp lý, chúng ta đưa ra lựa chọn nhanh chóng dựa trên trạng thái cảm xúc của mình. Khi chúng ta cần đưa ra phán đoán nhanh chóng, Hệ thống 1 có thể mang lại lợi ích cho chúng ta. Nhưng khi lẽ ra chúng ta nên dành thời gian để cân nhắc các lựa chọn của mình, thì cách suy nghiệm cảm xúc có thể khiến chúng ta đưa ra những quyết định khác với những gì chúng ta lẽ ra nên đưa ra.

Mọi chuyện đã bắt đầu như thế nào?

Năm 1980, nhà tâm lý học xã hội Robert B. Zajonc đã nhấn mạnh tầm quan trọng của cảm xúc trong việc ra quyết định trong “Feeling and thinking: Preferences Need No Inferences”. Ông cho rằng mọi nhận thức đều có thành phần cảm xúc. Ví dụ: “Chúng ta không chỉ nhìn thấy ‘một ngôi nhà’, chúng ta thấy một ngôi nhà đẹp, một ngôi nhà xấu, hay một ngôi nhà lộng lẫy.” Hơn nữa, Zajonc đã chứng minh rằng phản ứng đầu tiên của chúng ta khi tiếp nhận một kích thích mới thường mang tính cảm xúc. Điều này trái ngược với niềm tin được chấp nhận vào thời điểm đó rằng các trạng thái cảm xúc chỉ phát sinh từ quá trình nhận thức và suy nghĩ. Khi chúng ta nhận thấy một kích thích, chúng ta sẽ luôn có cảm xúc nào đó đối với nó, nhưng hoạt động nhận thức của chúng ta có thể khác nhau.

Lý thuyết cho rằng chúng ta có cảm xúc trước hoặc thậm chí có cảm xúc khi không có hoạt động nhận thức nào đã mở ra cơ sở cho cuộc thảo luận về việc các trạng thái cảm xúc ảnh hưởng như thế nào đến việc ra quyết định. Năm 2000, Paul Slovic và cộng sự đã xuất bản một bài báo có tựa đề ““The affect heuristic”, trong đó họ giới thiệu về suy nghiệm cảm xúc. Ngoài ra, họ còn trình bày những phát hiện thực nghiệm để chứng minh cảm xúc của chúng ta ảnh hưởng như thế nào đến việc đánh giá những rủi ro và lợi ích của một hành vi nhất định.

Ví dụ 1 – Lời kêu gọi sợ hãi

Các chiến dịch y tế công cộng sử dụng suy nghiệm cảm xúc để khuyến khích mọi người thực hành những hành vi lành mạnh và tránh những hành vi không thích hợp. Họ làm như vậy thông qua những lời kêu gọi gây sợ hãi.

Một ví dụ kinh điển là các chiến dịch chống hút thuốc. Một số quốc gia trưng bày hình ảnh răng và phổi của những người hút thuốc lâu năm trên mặt bao thuốc lá. Ngoài ra, các chiến dịch như vậy nhấn mạnh mức độ nghiêm trọng hậu quả của việc hút thuốc bằng cách sử dụng số liệu thống kê, chẳng hạn như tăng nguy cơ ung thư, đột quỵ và bệnh nướu răng.

David Hammond và Geoffery T. Fong đã khám phá tính hiệu quả của việc kêu gọi nỗi sợ hãi trên bao bì thuốc lá trong bài báo năm 2004. Họ phát hiện ra rằng trong số 616 người hút thuốc ở Canada được khảo sát, có 20% báo cáo hút thuốc ít hơn do có nhãn cảnh báo. Những ảnh hưởng tiêu cực mà người hút thuốc cảm thấy càng lớn, thường là sợ hãi và ghê tởm, thì họ càng có nhiều khả năng cố gắng bỏ hút thuốc, hoặc ít nhất là cắt giảm số lượng thuốc lá hút.

Những cảm xúc tiêu cực đã thúc đẩy mọi người giảm hút thuốc, nhấn mạnh rằng cảm xúc của chúng ta cũng có thể thúc đẩy các hành vi chủ động. Trong trường hợp này, chúng ta thấy phương pháp suy nghiệm cảm xúc không phải lúc nào cũng phi lý nhưng thực sự có thể dẫn đến các quyết định hợp lý. Tuy nhiên, điều có thể hữu ích là những lời kêu gọi gây sợ hãi không thúc đẩy các lựa chọn ngẫu nhiên mà được thiết kế có chiến lược để giúp chúng ta làm điều đúng đắn.

Ví dụ 2 – Giải thích bằng số liệu thống kê

Chúng ta coi số liệu thống kê là những sự thật phũ phàng, lạnh lùng, nhưng cách diễn giải của chúng ta về chúng không phải lúc nào cũng khách quan. Những cảm xúc mà chúng ta cảm thấy khi tìm hiểu về số liệu thống kê nhất định có thể ảnh hưởng đến những kết luận của chúng ta. Hơn nữa, cảm xúc của chúng ta có thể bị điều khiển bởi cách trình bày số liệu thống kê.

Trong một nghiên cứu được thực hiện bởi Slovic và các cộng sự (2000), một nhóm bác sĩ tâm thần và nhà tâm lý học pháp y đã đánh giá khả năng một bệnh nhân tâm thần sẽ hành động bạo lực trong vòng sáu tháng sau khi xuất viện. Tất cả những người tham gia đều được cung cấp bằng chứng thống kê để đưa ra quyết định của họ. Đối với một nửa số người tham gia, thông tin này được trình bày dưới dạng tần suất tương đối (nhóm 1): “Cứ 100 bệnh nhân tương tự như ông Jones thì có 20 người được ước tính đã thực hiện hành vi bạo lực”. Nửa còn lại được cung cấp số liệu thống kê dưới dạng tần suất tương đương (nhóm 2): “Những bệnh nhân tương tự như ông Jones được ước tính có 20% nguy cơ thực hiện hành vi bạo lực”.

Ở nhóm tần suất tương đối (nhóm 1), 41% người tham gia cho rằng bệnh nhân không nên xuất viện trong khi chỉ có 21% người tham gia ở nhóm tần suất tương đương (nhóm 2) cho rằng không nên xuất viện. Trong cả hai trường hợp, những con số giống nhau được đưa ra; chúng chỉ khác nhau ở cách trình bày. Các nhà nghiên cứu đưa ra giả thuyết rằng điều này là do xác suất thấp 20% gợi ra hình ảnh của một cá nhân không có khả năng hành xử bạo lực. Hình ảnh lành tính này sẽ không khiến tâm trạng của bất kỳ người tham gia nào chệch đi theo hướng tiêu cực. Mặt khác, số liệu và cách trình bày ở nhóm 1 tạo ra hình ảnh của một số cá nhân hung hãn giống với bệnh nhân được đề cập. Việc tưởng tượng mọi người thực hiện hành vi bạo lực sẽ gây ra tâm trạng tiêu cực, khơi gợi những cảm xúc như sợ hãi, khiến những người tham gia không sẵn sàng cho bệnh nhân xuất viện.

Mặc dù việc trình bày số liệu thống kê theo nhiều cách khác nhau không làm thay đổi các giá trị khách quan nhưng nó có thể ảnh hưởng đến phản ứng về mặt của chúng ta. Do đó, cảm xúc của chúng ta có thể tác động đến cách chúng ta diễn giải các số liệu thống kê, ảnh hưởng đến việc ra quyết định của chúng ta. 

Làm thế nào để tránh nó?

Chỉ cần nhận thức được rằng cảm xúc có thể tác động đến quyết định của mình, đã là một bước khởi đầu. Chúng ta không nên chỉ dựa vào tư duy của Hệ thống 1 khi phải đối mặt với những quyết định lớn. Bằng cách dành thời gian để suy nghĩ một cách hợp lý về sự lựa chọn mà chúng ta phải đưa ra và xem xét tất cả các lựa chọn có thể khác, chúng ta đã ngăn cản bản thân đi theo những “lối tắt tinh thần” để đi đến kết luận.

Hơn nữa, nhận thức được trạng thái cảm xúc của một người rất hữu ích để tránh bị ảnh hưởng bởi chúng. Giả sử chúng ta đang cảm thấy vui, buồn hay tức giận. Trong trường hợp đó, chúng ta có thể thừa nhận rằng cảm xúc có khả năng ảnh hưởng đến việc ra quyết định và khi làm như vậy, chúng ta sẽ nhắc nhở bản thân nên kích hoạt tư duy Hệ thống 2.

Dù sao đi nữa, tốt nhất là nên trì hoãn việc đưa ra một quyết định quan trọng nếu chúng ta đang cảm thấy đặc biệt xúc động, cho dù đó là cảm xúc vui mừng hay buồn bã. Điều này sẽ giúp đảm bảo rằng những cảm xúc cực đoan, cao trào không ảnh hưởng đến sự lựa chọn của chúng ta.

(Lược dịch từ bài viết “Why do we rely on our current emotions when making quick decisions?” trên The Decision Lab)

#tự_nghiệm_cảm_xúc #cảm_xúc #nhận_thức #quyết_định #hành_động 

#affectheuristic #emotions #awareness #decision #action

————–
(***) Bản quyền bài dịch thuộc về Tham vấn trị liệu Tâm lý MindCare. Khi chia sẻ, cần phải trích dẫn nguồn đầy đủ tên tác giả (nếu có) và nguồn là “Nguồn: Tham vấn trị liệu Tâm lý MindCare”. Các bài viết trích nguồn không đầy đủ, đều không được chấp nhận và phải gỡ bỏ.
——
💁‍♀️Tham gia group Tư vấn tâm lý cùng chuyên gia MindCare: https://www.facebook.com/groups/908586050050211
🌈Hãy liên hệ với chúng tôi bất cứ khi nào bạn cần được hỗ trợ:
☎️ 0866.13.58.85 (Dịch vụ Tham vấn Trị liệu, Đánh giá Tâm Lý) / 0877.16.33.66 (Dịch vụ Hướng nghiệp, Tâm Lý cho Doanh nghiệp & Học đường)
📧 tamlymindcare@gmail.com
📲 https://mindcare.vn/