PHẢI LÀM GÌ KHI CẢM THẤY KHÔNG AI HIỂU MÌNH?

“Tôi cảm thấy dường như không ai hiểu mình. Không có ai để tôi có thể chia sẻ về cảm xúc hoặc những gì tôi đang trải qua. Mỗi khi tôi cố gắng, tôi đều không thể diễn đạt mọi thứ như cách tôi mong muốn. Càng cố, tôi càng cảm thấy bị hiểu lầm và bị chỉ trích.”

Việc ở một mình tuy khó khăn, nhưng cảm giác ở cạnh nhiều người mà vẫn bị hiểu nhầm thì còn tồi tệ hơn. Cảm giác những người khác không hiểu chúng ta có thể khiến ta cảm thấy cô đơn hơn cả khi ở một mình. Ta sẽ tự chỉ trích mình bằng những suy nghĩ như:

Không ai hiểu tôi. Tôi có khiếm khuyết ở đâu đó – tôi quá kỳ lạ đối với thế giới này. Tôi sẽ mãi mãi một mình.

Khi ta cảm thấy mình khác biệt với thế giới ngoài kia, thì tự nhiên ta sẽ thu mình lại. Ta chia sẻ ít thông tin hơn và phòng vệ nhiều hơn. Và bởi thế, người khác càng dễ hiểu lầm chúng ta hơn. 

Tầm quan trọng của cảm giác được thấu hiểu

Như chúng ta đã biết, cảm giác thuộc về, tình yêu và sự chấp nhận là những nhu cầu cơ bản của con người, it nhất là từ năm 1943 khi Maslow đưa ra lý thuyết về hệ thống nhu cầu.

Tuy nhiên, chúng ta không thể cảm thấy mình được thuộc về khi chúng ta nghĩ rằng mình không được hiểu. Cảm giác được người khác thấu hiểu giúp chúng ta hiểu chính mình hơn. Chúng ta thấy hài lòng hơn trong các mối quan hệ có sự chia sẻ cởi mở.

Vì sao ta cảm giác như không ai hiểu tôi

1. Bắt nạt

Khi chúng ta bị bắt nạt hoặc lớn lên trong một môi trường không hỗ trợ, chúng ta có thể hình thành một kỳ vọng ở tiềm thức đối với các tương tác sau này. Khi nói chuyện với những người mới, chúng ta không chắc mình có thể tin tưởng họ hay không. Chúng ta nghi ngờ ý định của họ hoặc không tin vào lời khen của họ.

Chúng ta nhầm lẫn những lời trêu chọc thân thiện với những bình luận ác ý. Trong một số trường hợp, chúng ta cho rằng người khác hiểu lầm mình. Chúng ta tìm ra hàm ý tiêu cực trong lời nói của họ hoặc cho rằng họ nhìn nhận lời nói của ta theo hướng tiêu cực.

Hoặc, sâu thẳm trong chúng ta tin rằng mình có gì đó không ổn. Trẻ em có xu hướng đổ lỗi cho bản thân khi bị người chăm sóc hoặc bạn bè ngược đãi. Trong thầm lặng, ta đinh ninh rằng ta có khiếm khuyết và lo sợ những người khác sẽ nhận ra điều đó khi họ biết nhiều về ta hơn.

Kiểu suy nghĩ này có thể dẫn đến rất nhiều hiểu lầm. May mắn thay, nó không phải cục đá trường sinh. Ta có thể làm gì đó để thay đổi niềm tin cốt lõi về bản thân và những người khác.

2. Mong đợi một người đáp ứng mọi nhu cầu của bạn

Bạn có thể đã đủ may mắn để tìm được một người bạn có cùng sở thích với bạn về triết học hoặc podcast về tội phạm có thật.

Đây rồi! Đã có người hiểu được tôi –  bạn nghĩ.

Thế rồi bạn nhận ra rằng người này không có cùng khiếu hài hước với bạn. Nỗi sợ hãi quen thuộc lại bắt đầu trỗi dậy: Tôi sẽ không bao giờ gặp được người thực sự hiểu mình.

Nhưng đợi đã. Người này đã hiểu bạn mà – một số phần của bạn, nhưng không phải tất cả.

Sự thật là chúng ta thường có nhiều mối quan hệ trong đời, mỗi mối quan hệ có một mục đích khác nhau. Bạn có thể có một người bạn thích ra ngoài và thử những nhà hàng mới với bạn. Một người bạn khác chuyên dành cho những cuộc trò chuyện sâu sắc, nhưng không phù hợp lắm cho những buổi đi chơi đêm hoặc những chuyến đi bộ đường dài.

Việc giải phóng kỳ vọng rằng sẽ có một người thấu hiểu tất cả các phần khác nhau trong bạn có thể giúp bạn thoát khỏi sự thất vọng đấy.

3. Mong đợi một người hiểu bạn một cách trọn vẹn

Mẩu truyện cười dưới đây có thể bóc trần cho ta một thực tế phức tạp: chúng ta không bao giờ có thể hiểu hết về một người khác.

Nhưng điều đó không có nghĩa là chúng ta không thể biết rõ về người khác.

Tất cả chúng ta đều có nhiều suy nghĩ chạy qua tâm trí hơn những gì ta nói ra miệng. Tâm trí của chúng ta nhanh hơn lời nói của chúng ta. Và không phải suy nghĩ nào ta cũng thấy cần phải chia sẻ.

Như những khía cạnh khác trong cuộc sống, sự thật phức tạp hơn thế. Nếu ta hiểu được rằng không ai có khả năng đọc suy nghĩ của ta hoặc thấu hiểu ta ở mọi cấp độ, thì ta sẽ ứng phó tốt hơn với cảm giác bị hiểu lầm.

4. Giao tiếp không hiệu quả

Đôi khi, chúng ta nghĩ rằng những gì chúng ta nói rõ như ban ngày.

“Tôi ngập đầu trong công việc, bài tập và mọi thứ ở nhà. Tôi ước có sự giúp đỡ!”

Đối với bạn, câu này nghe có vẻ rõ ràng là một yêu cầu trợ giúp. Bạn có thể thấy thất vọng hoặc thậm chí tức giận khi bạn của bạn không đề nghị giúp đỡ bạn hoặc đề nghị dời buổi hẹn sang một thời gian bạn ít bận rộn hơn. Nhưng bạn của bạn có thể không nhận ra mong muốn này. Họ nghĩ rằng bạn chỉ cần trút bầu tâm sự.

Hoặc trường hợp khác, người ta có thể nghĩ rằng bạn cần giúp đỡ, vì vậy họ đưa ra cho bạn vài gợi ý để cải thiện tình hình. Nhưng rồi có thể bạn sẽ cảm thấy bị hiểu lầm và bị phán xét.

Hầu hết chúng ta không quen bày tỏ thẳng thắn cảm xúc và nhu cầu của mình, nhưng đó là một kỹ năng mà chúng ta có thể học được.

5. Bỏ cuộc quá sớm

“Không ai hiểu tôi” có thể là một thái độ tự hạn chế bản thân. Như thể bạn đang nói với chính mình, “Chuyện này sẽ không hiệu quả đâu. Đừng bận tâm nữa,” khi có những dấu hiệu đầu tiên của rắc rối.

Sự thật là, luôn tồn tại những hiểu lầm giữa các cá nhân. Sự khác biệt giữa một người nghĩ rằng “không ai hiểu tôi” và một người không chính là hệ thống niềm tin của họ.

Ví dụ, nếu bạn tin rằng có điều gì đó không ổn với mình, bạn có thể cảm thấy xấu hổ hoặc hoảng sợ khi bị người khác hiểu lầm. Kết quả là, bạn thu mình lại và có suy nghĩ đại loại như, “Vô ích thôi. Mọi người luôn hiểu lầm tôi.”

Hãy đặt trường hợp một người tin rằng, “Tôi cũng có giá trị như những người khác. Tôi xứng đáng được lắng nghe, và họ cũng vậy.” Họ vẫn có thể cảm thấy thất vọng khi cảm thấy không được lắng nghe hoặc bị hiểu lầm. Tuy nhiên, nhiều khả năng họ sẽ chọn giải quyết bằng cách cố gắng bình tĩnh và tìm hiểu các góc nhìn đa chiều hơn.

6. Trầm cảm

Thực tế, mọi người có thể khó để hiểu những gì bạn đang trải qua nếu họ chưa bao giờ bị trầm cảm. Một số người không biết phải phản hồi thế nào hoặc có thể nói những điều vô ích như “Hạnh phúc là sự lựa chọn” hoặc “Điều gì không giết được bạn sẽ khiến bạn mạnh mẽ hơn”. Những phản ứng này sẽ khiến chúng ta cảm thấy cô đơn hơn.

Nhưng thông thường, khi bị trầm cảm, chúng ta cảm thấy bị hiểu lầm và cô đơn trước cả khi ta nói bất cứ điều gì. Chúng ta cho rằng sẽ không ai hiểu chúng ta, hoặc nghĩ rằng không nên tạo gánh nặng cho người khác vì vấn đề của mình.

Những cảm giác và giả định này thường dẫn đến sự rút lui, một triệu chứng phổ biến của bệnh trầm cảm. Việc rút lui càng củng cố ở ta niềm tin “không ai hiểu tôi”.

7. Sợ bị từ chối

Những người nhạy cảm với sự từ chối luôn đề phòng bất kỳ dấu hiệu nào của sự từ chối và có thể hiểu sai những gì người khác nói hoặc làm. Một giọng điệu hoặc biểu hiện cụ thể có thể khiến họ cảm thấy bị đánh giá, hiểu lầm hoặc bị từ chối và khiến họ rơi vào vòng xoáy của sự hổ thẹn.

Tính nhạy cảm trước sự từ chối có mối liên hệ chặt chẽ với trầm cảm và rối loạn nhân cách ranh giới cũng như các rối loạn tâm thần và cảm xúc khác như ADHD. Nếu mắc chứng lo âu xã hội, bạn có thể biểu lộ sự cảnh giác cao độ trong các tình huống xã hội, bởi chúng có tính đe dọa với bạn hơn.

Bạn không cần mắc bệnh lý nào đó để nhạy cảm với sự từ chối. Một số người vốn nhạy cảm với sự từ chối hơn những người khác.

Phải làm gì khi cảm thấy không ai hiểu bạn?

1. Tìm hiểu bản thân

Nhiều khi chúng ta mong đợi sự thấu hiểu từ người khác, nhưng chính chúng ta lại không hiểu nổi mình. Chẳng hạn, chúng ta mong đợi được hỗ trợ, nhưng chúng ta không biết chính xác chúng ta cần sự hỗ trợ như thế nào. Nếu bạn nắm rõ về những giá trị, niềm tin và hành vi của mình, bạn sẽ dễ dàng bộc lộ bản thân trước người khác hơn.

Có nhiều phương thức sẽ giúp bạn hiểu bản thân mình hơn, ví dụ như viết nhật ký. Đây là một cách hiệu quả để nâng cao sự tự nhận thức, có nhiều dạng nhật ký áp dụng cho nhiều mục đích khác nhau như: quản lý những cảm xúc nặng nề, tiêu cực; đặt ra mục tiêu và lập kế hoạch; phản tư; xây dựng và duy trì các mối quan hệ thân mật; v.v… Tùy thuộc vào nhu cầu, bạn có thể lựa chọn hình thức viết nhật ký phù hợp nhất với mình.

Luyện tập thiền định cũng có thể giúp bạn nhận thức rõ hơn về những suy nghĩ và phản ứng của bản thân. Bạn có thể tìm thấy nhiều video hướng dẫn thiền trên Youtube.

2. Hỏi người mà bạn tin tưởng về cái nhìn họ dành cho bạn 

Đôi khi những gì ta nghĩ về cách ta được nhìn nhận không thực sự sát với thực tế. Nếu bên cạnh bạn có những người cho bạn cảm giác thoải mái và tin tưởng, hãy chia sẻ với họ về cảm giác không được thấu hiểu và những khó khăn của bạn khi đối mặt với nó, đồng thời hỏi họ cách họ nhìn nhận về bạn và cách họ nghĩ người khác nhìn nhận về bạn.

Lắng nghe cách người khác nhìn nhận bạn có thể giúp bạn có thêm định hướng cho sự thay đổi hoặc phát triển và cảm thấy được người khác thấu hiểu hơn.

3. Tìm những người cùng chí hướng để trò chuyện

Đôi khi chúng ta không có nhiều điểm chung với gia đình, bạn học hoặc đồng nghiệp. Có lẽ gia đình bạn thiên về khoa học, còn bạn thiên về nghệ thuật. Cũng có thể bạn có những sở thích riêng mà những người xung quanh bạn không hiểu lắm.

Tìm cách kết nối với những người có chung sở thích, mối quan tâm hoặc thế giới quan của bạn có thể giúp bạn cảm thấy tự tin và được thấu hiểu hơn. Tham gia các hoạt động như thảo luận theo nhóm hoặc các buổi gặp mặt dựa trên sở thích và mối quan tâm có thể giúp bạn gặp gỡ những người mà bạn thân thiết hơn.

Đôi khi bạn thấy rằng gia đình và bạn bè của bạn không hiểu về những thách thức trong sức khỏe tâm thần mà bạn phải trải qua, chẳng hạn như lo âu hoặc trầm cảm. Trong trường hợp đó, tham gia một nhóm hỗ trợ có thể có lợi cho bạn.

4. Học cách hiểu và truyền đạt nhu cầu của bạn

Điều bạn cần làm là cố gắng hiểu rõ nhu cầu của bạn là gì và học cách trình bày chúng một cách rõ ràng. Bên cạnh đó, hãy học cách chú ý đến những manh mối tinh tế từ cơ thể khi bạn cảm thấy không thoải mái.

Ví dụ, bạn cảm nhận vai mình đang căng ra khi bạn đang lắng nghe một người bạn trút bầu tâm sự trong một thời gian dài. Điều này có thể nhắc nhở bạn về sự khó chịu của bạn và bạn cần chia sẻ về nó trước khi nó trở nên quá tải và bộc phát dưới dạng một nhận xét châm biếm hoặc qua biểu cảm của bạn. 

Nếu bạn muốn trút bầu tâm sự mà không nhận được bất kỳ lời khuyên nào, bạn có thể nói điều đó ra. Nếu một người bạn chia sẻ điều gì đó với bạn và bạn không chắc họ có cần lời khuyên hay không, bạn có thể hỏi, “Bạn đang chia sẻ hay bạn muốn có thêm lời khuyên?”

Hãy tập thói quen tự hỏi mình cần gì và bày tỏ điều đó với những người xung quanh. Cố gắng tập trung vào cảm xúc và nhu cầu của bạn thay vì hành động của người khác và tránh những cụm từ như “luôn luôn” và “không bao giờ”.

Ví dụ:

  • Thay vì nói: “Bạn chưa bao giờ nghĩ đến tôi”, bạn có thể nói: “Khi bạn nói với tôi rằng bạn đã xem bộ phim mà chúng ta đã thảo luận với người khác, tôi cảm thấy thất vọng”.
  • Thay vì nói: “Bạn không tôn trọng không gian của tôi”, bạn có thể nói: “Tôi cảm thấy khó chịu khi mọi người sử dụng đồ đạc của tôi mà tôi không biết. Tôi cần bạn hỏi tôi trước khi bạn vào phòng của tôi”.

5. Chấp nhận rằng mọi người sẽ hiểu lầm bạn

Nếu bạn chấp nhận thực tế là đôi khi mọi người sẽ hiểu lầm bạn, bạn sẽ ứng phó tốt hơn với sự hiểu lầm. Thay vì trở nên căng thẳng hoặc muốn rút lui, thay vào đó, bạn có thể nói, “Thực ra, ý tôi là…”

Nếu họ vẫn không thể hiểu ý bạn, không sao cả. Một số người vốn không muốn hiểu, hoặc một số vấn đề khó để làm ra ngô ra khoai. Đôi khi chúng ta chỉ cần “đồng ý với sự không đồng ý” là được.

6. Kết hợp lời nói và ngôn ngữ cơ thể của bạn

Một lý do phổ biến khiến mọi người cảm thấy bị hiểu lầm là có khoảng cách giữa ý định và hành động. Bạn có thể chỉ muốn pha trò, nhưng ai đó đã bị tổn thương vì coi nó là chuyện cá nhân. Dễ hiểu nếu bạn cảm thấy thất vọng. Nhưng chúng ta có thể xem mọi hiểu lầm như một cơ hội để hiểu bản thân và người khác hơn. Trong một số tình huống, chúng ta có thể nhìn ra rằng hành động và lời nói của chúng ta không thực sự phù hợp.

Nếu bạn đang pha trò, thì giọng điệu gay gắt hoặc ngôn ngữ cơ thể khép kín có thể khiến nó trông như châm biếm thay vì vui nhộn. Hãy nở một nụ cười nhẹ, đảm bảo sẽ giúp mọi người hiểu hơn khi bạn đang đùa giỡn. Tương tự, tỏ ra tự tin có thể giúp mọi người hiểu rằng bạn nghiêm túc khi nói “Không”.

7. Tập cách để lộ những phần yếu đuối (dễ bị tổn thương)

Brene Brown đã có một bài nói chuyện lan tỏa trên TED talk về tính dễ bị tổn thương. Cô tuyên bố rằng, khi chúng ta dễ tổn thương và chia sẻ sự xấu hổ ấy của mình với một người thấu hiểu, sự xấu hổ của chúng ta sẽ mất đi sức mạnh.

Nếu bạn cho rằng sẽ không ai hiểu những gì bạn đang trải qua, cảm giác xấu hổ có thể tăng lên trong bạn. Đôi khi, mọi người sẽ làm bạn ngạc nhiên – nhưng bạn phải cho họ cơ hội.

Tuy nhiên, cô cũng cảnh báo không nên chia sẻ sự xấu hổ với nhầm người, rằng: “Nếu chúng ta chia sẻ câu chuyện xấu hổ của mình với nhầm người, họ có thể trở thành một mảnh vỡ tung bay trong một cơn bão vốn đã nguy hiểm”.

8. Nhận sự hỗ trợ cho các vấn đề tiềm ẩn

Lo lắng, trầm cảm, rối loạn nhân cách ranh giới và các rối loạn khác có thể là lí do đằng sau những cách hành xử nhất định.

Có thể mất thời gian để tìm một nhà trị liệu hoặc phương thức phù hợp với bạn, nhưng đừng bỏ cuộc. Nhận sự hỗ trợ từ những người có kinh nghiệm và chuyên môn có thể giúp bạn thấy mình không đơn độc trong việc đối mặt với các vấn đề tâm lý và cung cấp các công cụ cần thiết để thực sự cải thiện tâm trạng và chất lượng cuộc sống của bạn.

Nguồn tham khảo: https://socialself.com/blog/no-one-understands/

————–

(***) Bản quyền bản dịch thuộc về Tham vấn trị liệu Tâm lý MindCare. Khi chia sẻ, cần phải trích dẫn nguồn đầy đủ tên tác giả (nếu có) và nguồn là “Nguồn: Tham vấn trị liệu Tâm lý MindCare”. Các bài viết trích nguồn không đầy đủ, đều không được chấp nhận và phải gỡ bỏ.

——
Hãy liên hệ với chúng tôi bất cứ khi nào bạn cần được hỗ trợ:
☎️ 0828.77.22.33 (Dịch vụ Tham vấn Trị liệu, Đánh giá Tâm Lý) / 0877.16.33.66 (Dịch vụ Hướng nghiệp, Tâm Lý cho Doanh nghiệp & Học đường)
📧 tamlymindcare@gmail.com
📲 https://mindcare.vn/