NHỮNG BÀI HỌC VỀ SỨC KHỎE TINH THẦN MÀ TÔI HỌC TỪ CON TRAI MÌNH

Tác giả Taayoo Murray chia sẻ trong bài viết những bài học từ con trai mình về cách chăm sóc sức khỏe tinh thần.

Khi con trai út của tôi sắp bước vào năm nhất trung học, tôi khá quan ngại về áp lực đồng trang lứa và những quyết định lỡ lầm. Hóa ra tôi đã lo quá mức. “Kyle là một đứa lowkey,” Đứa con trai lớn bảo tôi rằng, “Nó không quan tâm đến việc mọi người nghĩ gì đủ nhiều để mà bị ảnh hưởng đâu mẹ.”
Hoàn toàn nhờ may mắn, tôi đã nuôi lớn một đứa trẻ hiểu được bản thân và tầm quan trọng của việc ưu tiên những nhu cầu của riêng mình. Khả năng bảo vệ bản thân bằng những cách thức như dành ra “ngày chăm sóc tinh thần” của con đã dạy tôi rất nhiều điều. Dưới đây là một số bài học tôi đã học được từ nó.

Những ngày chăm sóc tinh thần cũng quan trọng như những ngày nghỉ ốm

Con trai tôi chưa bao giờ đạt điểm chuyên cần tuyệt đối ở trường và tôi tán thành điều đó. Đó là một kỳ vọng bất khả thi và khiến chúng ta đưa ra những ưu tiên sai lầm trong cuộc sống thực. Từ năm lớp sáu, thằng bé bắt đầu yêu cầu cho mình những ngày chăm sóc sức khỏe tinh thần và hiện tại con vẫn làm vậy khi cần thiết. Tôi không phản đối yêu cầu này bởi sự mệt mỏi của con rất rõ ràng mỗi khi con yêu cầu, và một ngày vắng mặt ở lớp cũng không thể khiến con thất bại trong học tập.
Đôi lúc dành một ngày để nghỉ ngơi sẽ giúp con nạp lại năng lượng và có được sự thư giãn cần thiết. Nghiên cứu đã cho thấy ngủ đủ giấc và thực hành các kỹ thuật thư giãn có thể giúp giảm các triệu chứng lo âu. Rõ ràng là nó cũng giúp cải thiện tâm trạng của con. Sau một ngày chăm sóc sức khỏe tinh thần, thằng bé luôn trông tươi sáng và vui vẻ hơn nhiều.

Chăm sóc bản thân không phải là ích kỷ

Con trai tôi không hề e ngại khi tuyên bố rằng con là người quan trọng nhất trong cuộc đời mình. Thằng bé khẳng định, mình không thể nhờ cậy bất kỳ ai khác ngoài chính mình để ưu tiên các nhu cầu của mình. Đây là một điều khó chấp nhận với một phụ nữ da đen như tôi. Trong quá trình trưởng thành, tôi theo học tại một trường nữ sinh tôn giáo và hầu hết các bài học đều bắt đầu bằng câu “Một quý cô không…”. Phụ nữ là vị tha. Phụ nữ da đen phải có tinh thần hy sinh.
Tôi học được từ con rằng việc đeo mặt nạ dưỡng khí cho mình trước tiên là tự chăm sóc bản thân và điều đó không khiến ta trở nên ích kỷ. Con không bao giờ phải đối mặt với việc bị quá sức hoặc bị cuốn vào điều gì đó mà thằng bé không muốn làm. Hiện tại, trước khi đồng thuận thực hiện bất kỳ hoạt động nào, tôi sẽ tự hỏi: Việc đó mang lại lợi ích cho ai? Tại sao tôi lại làm việc đó? Tôi có thực sự muốn làm điều đó không? Nếu hai trên ba câu trả lời không cho thấy ảnh hưởng tích cực nào đến sự an lạc của tôi, tôi sẽ từ chối nó.

Thiết lập ranh giới là điều rất quan trọng để duy trì sức khỏe tinh thần của bạn

Có lần tôi hỏi con trai tôi rằng một thành viên cụ thể trong nhà có số điện thoại của nó không. Con thản nhiên trả lời: “Không. Cô ấy không biết tôn trọng ranh giới. Cô ấy sẽ làm nổ tung điện thoại của con mất.” Và tôi vỡ lẽ ra một điều: Không phải ai cũng xứng đáng hoặc nên có quyền tiếp cận bạn.
Một trong những yếu tố quan trọng nhất để bảo vệ sức khỏe tâm thần của chúng ta là quyết định cho phép ai bước vào cuộc sống. Con trai tôi đã dạy tôi rằng tôi có quyền kiểm soát việc này. Tôi không cần phải nhường lại quyền lực đó cho bất cứ ai. Việc cân nhắc kỹ xem ai có quyền tiếp cận tôi đã tạo ra sự khác biệt trong hạnh phúc của tôi. Tôi không trả lời email hoặc nhận cuộc gọi trước 9 giờ sáng và sau 5 giờ chiều, cũng không gửi email nào trong khoảng thời gian này. Tôi cẩn trọng hơn khi dành thời gian cho điều gì đó – tôi không còn cảm thấy tội lỗi khi nói Không nữa.

Giá trị bản thân của bạn không nên phụ thuộc vào việc người khác thích bạn hay không

Tất cả chúng ta đều muốn được yêu thích. Mức độ mà chúng ta cho phép nhu cầu này ảnh hưởng đến quyết định của mình lại là một vấn đề khác. Hãy tưởng tượng rằng ngay từ đầu ta đã thấy ổn khi mọi người không thích mình, ta trong vai đứa trẻ 14 tuổi thoải mái với sự thật ấy: “Mẹ ơi, nhiều đứa trẻ thậm chí còn không thích bản thân họ. Tại sao con phải quan tâm nếu các bạn không thích con?”
Nhu cầu được yêu thích có thể khiến bạn căng thẳng nhiều hơn khi bạn không nhận được phản hồi như mong đợi.
Con dạy tôi rằng mỗi người đều có vòng tròn thân mật của riêng họ, bao gồm những người mà họ yêu thích và quan tâm. Không phải ai cũng ở trong vòng tròn của bạn và bạn cũng không thể ở trong vòng tròn của tất cả mọi người.
Điều đó hoàn toàn ổn. Miễn bạn nhận thức được giá trị của mình và biết rằng mình xứng đáng, lòng tự trọng của bạn sẽ được cải thiện và sức khỏe tâm thần nhìn chung cũng được ảnh hưởng tích cực. Một nghiên cứu năm 2017 cho thấy những đứa trẻ có sự tự tin cao có thể ít mắc các triệu chứng lo âu và trầm cảm hơn.
Con trai tôi không được đào tạo lâm sàng về tâm lý học. Điều thằng bé quan tâm chỉ là hạnh phúc và sống cuộc đời mình tốt nhất có thể. Vậy nên con áp dụng những thói quen lành mạnh để bảo vệ trạng thái thể chất và tinh thần của mình.

Nguồn tham khảo: https://www.healthline.com/health/sick-day-diaries-mental-health-days

————–

(***) Bản quyền bản dịch thuộc về Tham vấn trị liệu Tâm lý MindCare. Khi chia sẻ, cần phải trích dẫn nguồn đầy đủ tên tác giả (nếu có) và nguồn là “Nguồn: Tham vấn trị liệu Tâm lý MindCare”. Các bài viết trích nguồn không đầy đủ, đều không được chấp nhận và phải gỡ bỏ.

——
Hãy liên hệ với chúng tôi bất cứ khi nào bạn cần được hỗ trợ:
☎️ 0866.13.58.85 (Dịch vụ Tham vấn Trị liệu, Đánh giá Tâm Lý) / 0877.16.33.66 (Dịch vụ Hướng nghiệp, Tâm Lý cho Doanh nghiệp & Học đường)
📧 tamlymindcare@gmail.com
📲 https://mindcare.vn/