LÀM THẾ NÀO ĐỂ HỖ TRỢ NGƯỜI GẶP KHÓ KHĂN VỀ SỨC KHỎE TINH THẦN?

Sức khỏe tinh thần là một phần quan trọng trong mỗi chúng ta. Mặc dù những vấn đề này đang ngày càng phổ biến và được nhận diện nhiều hơn, nhưng vẫn tồn tại nhiều định kiến và kỳ thị xung quanh nó. Theo Tổ chức Y tế Thế giới, trầm cảm đang là nguyên nhân hàng đầu gây ra những hạn chế, cản trở trong cuộc sống, và chỉ riêng ở Mỹ, cứ 5 người thì sẽ có 1 người đang phải đối mặt với khó khăn về mặt tinh thần.

Là một nhà trị liệu tâm lý đang được đào tạo và là người sáng lập Brown Girl Therapy – cộng đồng sức khỏe tinh thần lớn nhất dành cho trẻ em của những người nhập cư sống ở phương Tây, Sahaj Kaur Kohli thường xuyên được hỏi: “Làm thế nào để hỗ trợ người thân đang gặp khó khăn về sức khỏe tinh thần?” Trong bối cảnh cuộc sống hiện đại đầy thách thức, có vẻ như ngày càng nhiều người đang phải đối mặt với những khó khăn này.

Dưới đây là tám điều bạn có thể làm và tám điều bạn không nên làm khi hỗ trợ một người đang gặp khó khăn về sức khỏe tinh thần.

Đầu tiên, là những điều nên làm

NÊN lắng nghe và thấu hiểu

Hãy đặt câu hỏi với thái độ tò mò về những điều khó khăn đang diễn ra trong cuộc sống của họ và điều đó ảnh hưởng đến họ như thế nào. Thay vì hỏi những câu hỏi ‘Có’ hoặc ‘Không’, hãy đặt những câu hỏi mở để họ có thể chia sẻ nhiều hơn. Những câu hỏi như “Chuyện gì đang xảy ra vậy?” hoặc “Bạn đã trải qua điều này được bao lâu rồi?” hoặc “Bạn đối phó với chúng như thế nào?”

Khi họ phản hồi, hãy sử dụng những câu xác nhận để giúp họ cảm thấy được lắng nghe và được chấp nhận. Nhiều người đang vật lộn với sức khỏe tinh thần thường có xu hướng tự trách móc hoặc phán xét bản thân. Một số khác có thể cảm thấy rằng cuộc đấu tranh của họ thật vô nghĩa vì tất cả những trở ngại mà họ đang gặp phải chỉ “ở trong đầu mà thôi”.

Ngay cả khi bạn không thể hoàn toàn hiểu hoặc cảm nhận được trải nghiệm của họ, bạn vẫn có thể sẻ chia với họ những điều đơn giản như: “Những gì mà bạn đang trải qua có vẻ thật khó khăn”.

NÊN hỏi họ cần gì ở bạn

Thay vì đưa ra giả định về điều gì sẽ hữu ích cho người đó, hãy hỏi trực tiếp họ: “Tôi có thể hỗ trợ gì cho bạn không?” Hãy nhớ rằng nhu cầu được giúp đỡ là khác nhau ở mỗi người và những điều bạn cần khi gặp khó khăn không nhất thiết phản ánh những gì người khác cần khi họ đối mặt với thách thức.

NÊN đề nghị giúp đỡ các công việc hàng ngày

Nhiều người đang vật lộn với tình trạng sức khỏe tinh thần có thể cảm thấy vô cùng khó khăn khi đưa ra những quyết định cơ bản hoặc thực hiện những công việc tưởng chừng như nhỏ nhặt. Thay vì sử dụng cụm từ chung chung “Tôi ở đây nếu bạn cần tôi”, hãy cố gắng nói cụ thể về những gì bạn có thể hỗ trợ để giảm bớt những gánh nặng mà người thân của bạn đang mang.

Nếu bạn đến thăm họ, hãy quan sát xung quanh và xem có thể hỗ trợ gì cho họ, chẳng hạn như rửa bát, hút bụi hoặc giặt đồ. Bạn cũng có thể giúp họ đặt lịch hẹn với bác sĩ, mua thuốc hoặc nấu cho họ một bữa ăn ngon.

NÊN ăn mừng khi tình trạng của họ dần cải thiện, cho dù nó là một sự cải thiện nho nhỏ

Khi một người đang phải chống chọi với những khổ đau tinh thần, có thể mỗi ngày đi qua là một thử thách với họ. Vì vậy hãy cổ vũ cho những điều mà họ đã làm được. Điều này có thể giúp nâng cao cảm giác tự chủ và họ có thể dần lấy lại năng lượng trong cuộc sống. Những lời ghi nhận này giống như một lời cảm ơn chân thành mà bạn dành cho họ. Cảm ơn vì đã nỗ lực chống chọi với những đau khổ. Cảm ơn vì đã thành thật sẻ chia những tổn thương, cho dù nó thật khó. Cảm ơn vì đã lựa chọn ở lại đây, cho dù như thế nào đi chăng nữa. 

NÊN tìm hiểu về những khó khăn của họ 

Hãy dành thời gian để tìm hiểu về những gì họ đang trải qua, ví dụ như tìm hiểu thêm về trầm cảm, cơn hoảng loạn hoặc lo âu, để bạn có thể hiểu thêm về trải nghiệm sống của họ và nhận thức được các hành vi hoặc triệu chứng nghiêm trọng, nguy hiểm cần chú ý. 

Ngày nay, có rất nhiều kênh kiến thức truyền tải những nội dung hữu ích. Chẳng hạn như các thông tin trên tạp chí, bài báo khoa học được bình duyệt của các chuyên gia sức khỏe tâm thần hoặc những bài chia sẻ kiến thức từ các chuyên gia trong lĩnh vực này… 

NÊN quan tâm họ thường xuyên

Hãy giữ liên lạc thường xuyên với họ và luôn đồng hành cùng họ. Hãy nhắc họ nhớ rằng bạn luôn sẵn lòng ở đó vì họ và rằng bạn quý mến, trân trọng sự hiện diện của họ. 

NÊN nhận ra không phải tất cả các cuộc đấu tranh về sức khỏe tinh thần đều giống nhau

Không phải tất cả các khó khăn ở những người có rối loạn về sức khỏe tinh thần đều giống nhau. Một số người có thể gặp khó khăn do một sự kiện hoặc hoàn cảnh cụ thể nào đó, trong khi những người khác có thể đang phải chung sống với rối loạn tinh thần mãn tính. Nếu vế sau đúng với người thân của bạn, có thể sẽ rất khó để họ “vượt qua” như khi bị cảm mạo thông thường. Điều này có nghĩa là bạn sẽ cần chuẩn bị tinh thần để thích ứng với tình trạng của họ theo thời gian.

NÊN bình thường hóa khi nói về sức khoẻ tinh thần

Điều quan trọng là xóa bỏ sự kỳ thị đối với việc chăm sóc sức khỏe tinh thần và nói về nó giống như cách chúng ta nói về việc đi thăm khám bác sĩ hoặc dùng thuốc điều trị. Bạn thậm chí có thể cân nhắc việc cởi mở nói về sức khỏe tinh thần của chính mình để người thân của bạn cảm thấy an toàn, được thấu hiểu hơn khi chia sẻ với bạn.

Bây giờ là những điều không nên làm

KHÔNG so sánh trải nghiệm của họ với người khác

Đây là một điểm cực kỳ quan trọng: Mọi người đều trải qua những khó khăn về sức khỏe tinh thần theo những cách khác nhau. Với mong đợi cố gắng làm cho người thân cảm thấy dễ chịu hơn, bạn có thể đã nói với họ rằng “đôi khi mọi người đều phải đối mặt với chứng lo âu (hoặc trầm cảm…)” hoặc nhắc đến một người quen mắc rối loạn tương tự nhưng đã vượt qua được bằng một cách điều trị cụ thể nào đó. Hãy chống lại sự cám dỗ này. Mặc dù việc nói những điều đó có thể hữu ích trong việc bình thường hóa trải nghiệm của họ và khiến họ cảm thấy bớt cô đơn hơn, nhưng chúng cũng có thể phản tác dụng. Những lời nói này vô tình gây thêm áp lực cho họ, buộc họ phải vượt qua nó hoặc giảm thiểu những gì họ đang cảm thấy.

Một điều khác cần tránh là nhắc nhở họ về những gì họ có hoặc họ nên biết ơn. Sự tích cực độc hại và so sánh với người khác có thể truyền đạt một thông điệp được ẩn giấu đằng sau rằng ‘vấn đề của họ không quan trọng và họ cần tự chấn chỉnh bản thân’.

KHÔNG sử dụng ngôn ngữ kỳ thị

Hãy cẩn thận khi nói về sức khỏe tinh thần với bạn bè của bạn (và với bất kỳ ai). Tránh sử dụng những từ mang tính bêu xấu như “điên” hoặc “tâm thần”, hoặc sử dụng các chẩn đoán lâm sàng một cách không thận trọng trong cuộc trò chuyện, chẳng hạn như nói “bạn thật là OCD” khi ai đó rất ngăn nắp hoặc bảo ai đó “uống Xanax” khi bạn muốn họ bình tĩnh. Hãy thận trọng và nghiên cứu kỹ lưỡng trước khi nói về vấn đề sức khỏe tinh thần, về các dịch vụ chăm sóc và thuốc men. Điều này giúp bạn tránh gây ra nỗi đau không cần thiết cho người thân của mình.

KHÔNG đánh giá hành vi của họ một cách chủ quan 

Cuộc đấu tranh trước những vấn đề về sức khỏe tinh thần của mọi người thường không thể đoán trước được. Có thể một ngày nào đó, người bạn thân bỗng trở nên ít nói hơn hoặc người chị gái của bạn liên tục dời lịch hẹn. Mặc dù bạn có thể cảm thấy bị tổn thương hoặc bị xúc phạm bởi hành động của họ, nhưng khoan vội tự động cho rằng việc họ rút lui phản ánh điều gì đó không tốt về bạn. Thay vào đó, hãy nhìn những hành động đó như là một tín hiệu mà họ âm thầm gửi đến bạn – tín hiệu về nhu cầu được quan tâm, hỗ trợ từ họ.

KHÔNG đối đầu hoặc cố gắng kiểm soát tình hình

Khi đối mặt với tình thế khó khăn của người thân, có lẽ bạn khó lòng mà ngồi yên và sẽ cố gắng làm điều gì đó để giúp xoa dịu họ. Nhưng khi quá nỗ lực kiểm soát tình hình, bạn có thể vô tình làm giảm đi ý thức tự chủ của họ. Bạn có thể cần chú ý nhiều hơn đến cách mà bạn hiện diện với họ, tránh việc chỉ đạo hay thúc ép họ “phải” làm điều gì đó. Hãy cho họ thêm thời gian, không gian cần thiết và kiên nhẫn với họ.

ĐỪNG nản lòng

Bạn có thể cảm thấy bất lực khi nhận ra tình hình của họ không tiến triển. Hãy nhớ rằng, cảm giác bất lực và sự hiện diện của bạn là hai điều tách rời nhau. Chỉ vì bạn cảm thấy bất lực không có nghĩa là bạn không có ích trong mối quan hệ này. Người thân của bạn không mong đợi bạn tìm cho họ một giải pháp kỳ diệu hay trở nên hoàn hảo. Thay vào đó, có thể họ cần sự có mặt trọn vẹn của bạn nhiều hơn.

ĐỪNG quá gắng sức đến mức kiệt sức

Bạn càng chăm sóc bản thân tốt thì bạn càng có thể hỗ trợ tốt hơn cho người thân của mình. Hãy tiếp tục chăm sóc bản thân, làm những điều bạn yêu thích, sạc lại năng lượng cho chính mình và rõ ràng về ranh giới của bạn.

ĐỪNG cố gắng sửa đổi trải nghiệm của họ

Khi bạn đưa ra các giải pháp và lời khuyên dẫu cho họ không yêu cầu một cách rõ ràng, nghĩa là bạn đang ngầm gửi cho họ thông điệp rằng những gì họ đang trải qua là sai trái và cần sửa đổi lại. Và cũng có khả năng bạn đã phóng chiếu sự khó chịu của chính mình lên những gì họ đang trải qua. Hãy để ý xem liệu rằng sự thúc đẩy này ở bạn có phải là một cơ chế ứng phó để giúp bạn giảm bớt sự lo lắng của chính mình hay không.

ĐỪNG trốn tránh những cảm xúc ập đến với bạn

Những cảm xúc như lo lắng, khó chịu, bị tổn thương có thể đổ ập đến bạn. Khi chúng xuất hiện, điều quan trọng là đừng giấu những cảm xúc đó trong lòng. Hãy dành thời gian suy ngẫm nhiều hơn về tình trạng của bản thân.

Dưới đây là một số câu hỏi bạn có thể dùng để suy tư thêm: 

  • Bạn có lo lắng vì sợ điều gì đó sắp xảy ra với người thân của mình không?
  • Bạn đang trốn tránh họ vì cảm thấy bất lực? 
  • Bạn có đang mang trong mình những thành kiến hoặc kỳ thị về sức khỏe tâm thần không?
  • Bạn đang căng thẳng vì bực bội, kiệt sức hay chỉ đơn thuần là bối rối?

Điều quan trọng là cần hiểu rõ điều gì đang xảy ra với bạn và tại sao chúng lại có ở đó. Đừng xấu hổ và hãy lên tiếng nhờ đến sự hỗ trợ từ các chuyên gia khi cần bạn nhé.

Nguồn: https://ideas.ted.com/how-to-support-friend-or-family-struggling-with-mental-health/

#sức_khoẻ_tinh_thần #hỗ_trợ #đồng_hành #thấu_hiểu #kiên_nhẫn

#mentalhealth #support #companion #understanding #patience

————–

(***) Bản quyền bài dịch thuộc về Tham vấn trị liệu Tâm lý MindCare. Khi chia sẻ, cần phải trích dẫn nguồn đầy đủ tên tác giả (nếu có) và nguồn là “Nguồn: Tham vấn trị liệu Tâm lý MindCare”. Các bài viết trích nguồn không đầy đủ, đều không được chấp nhận và phải gỡ bỏ.

——

💁‍♀️Tham gia group Tư vấn tâm lý cùng chuyên gia MindCare: https://www.facebook.com/groups/908586050050211

🌈Hãy liên hệ với chúng tôi bất cứ khi nào bạn cần được hỗ trợ:

☎️ 0866.13.58.85 (Dịch vụ Tham vấn Trị liệu, Đánh giá Tâm Lý) / 0877.16.33.66 (Dịch vụ Hướng nghiệp, Tâm Lý cho Doanh nghiệp & Học đường)

📧 tamlymindcare@gmail.com

📲 https://mindcare.vn/