LÀM THẾ NÀO ĐỂ HỖ TRỢ NGƯỜI ĐANG BỊ LẠM DỤNG TRONG MỐI QUAN HỆ?

Hầu hết chúng ta được dạy rằng mối quan hệ của người khác là riêng tư và cá nhân. Vì vậy, khi thấy một ai đó đang làm điều không đúng đắn, việc can thiệp vào đời sống của người kia có thể là chuyện khó khăn. Thậm chí, bạn nghĩ rằng xen vào câu chuyện của người khác là điều không nên. Tuy nhiên, theo Katie Hood, Nhà giáo dục về mối quan hệ và Giám đốc điều hành của One Love Foundation cho rằng, chúng ta cần cải thiện vấn đề này. Hood nói rằng chúng ta có nhiều kinh nghiệm nhất về các mối quan hệ, nhưng chưa bao giờ được dạy cách quản lý chúng. Thông qua công việc của mình với One Love, Hood giáo dục giới trẻ về các mối quan hệ lành mạnh và không lành mạnh. Bên cạnh đó, người lớn cũng cần học hỏi nhiều hơn. Hood giải thích rằng điều rõ ràng với người bên ngoài thường không rõ ràng với người trong mối quan hệ. Mọi người cần hiểu rõ hơn các dấu hiệu của lạm dụng và sẵn sàng can thiệp khi cần thiết.

“Khi bạn là người đứng bên ngoài quan sát một mối quan hệ, những gì rõ ràng đối với bạn thường không rõ ràng với người đang ở bên trong. Nếu ai đó đấm bạn ngay trong buổi hẹn hò đầu tiên, đó chắc chắn sẽ là lần cuối cùng bạn gặp họ. Nhưng vì hành vi lạm dụng thường xảy ra âm thầm – bắt đầu bằng hào hứng và phấn khích lúc mới yêu, rồi bạn bị cuốn vào bởi những khuôn mẫu về tình yêu mãnh liệt mà xã hội đã tạo ra, dần dần bạn sẽ tiếp tục ở trong mối quan hệ đó cho dù bạo hành đã thực sự diễn ra.”

25% phụ nữ và 10% đàn ông tại Mỹ từng bị bạo hành bởi người yêu/vợ, chồng của mình. Và rất có thể vào một thời điểm nào đó, người mà bạn thân thiết cũng sẽ trải qua điều tương tự. Dẫu vậy với vị trí là người ngoài cuộc, bạn có thể gặp khó khăn trong việc xác định khi nào và làm thế nào để can thiệp. Dưới đây là một số dấu hiệu cảnh báo phổ biến cần lưu ý, có thể giúp bạn xác định điều gì thực sự đang diễn ra với người thân của mình và mức độ can thiệp vào mối quan hệ đó.

Dấu hiệu #1: Người đó ngày càng xa cách với bạn hoặc họ không còn hứng thú với sở thích cá nhân  

Hood nói: Đây là dấu hiệu đầu tiên thường bị bỏ qua vì chúng ta hay bình thường hóa khía cạnh này trong các mối quan hệ. Chúng ta nghĩ rằng ai đó sẽ “biến mất” trong thời gian họ hẹn hò. Theo lời Hood: “Chúng tôi thậm chí còn nói đùa về điều đó: Bây giờ họ đã có người yêu rồi nên quên hết bạn bè.” Tuy nhiên, Karen Mason – Người đồng sáng lập và Giám đốc hoạt động cộng đồng của SOAR có trụ sở tại British Columbia (Hỗ trợ những người sống sót sau lạm dụng và chấn thương não thông qua nghiên cứu), cho biết, nếu sự xa cách kéo dài hoặc có điều gì đó bất thường, đây là một dấu hiệu cảnh báo. Bà giải thích: “Nếu ai đó bạn thường xuyên liên lạc bỗng nhiên vắng mặt và tìm cớ tránh mặt bạn, hoặc không xuất hiện ở những nơi họ vẫn thích đến, đó là một dấu hiệu nguy hiểm cần lưu ý”.

Dấu hiệu #2: Những vết thương hoặc nỗi đau mà họ chưa sẵn sàng chia sẻ

Mặc dù nhiều kẻ bạo hành cố tình không để lại dấu vết rõ ràng, bạn có thể nhận thấy người bạn kia thường xuyên gặp các “tai nạn” bất thường. Mason cho biết: “Những vết thương, vết bầm tím không rõ nguyên nhân hoặc việc người bạn kia cố tình tránh né thảo luận về nguyên nhân của các vết thương có thể là dấu hiệu nhận biết”. 

Dấu hiệu #3: Lạm dụng tình cảm và tài chính

Đôi khi điều này sẽ diễn ra một cách công khai, với việc kẻ bạo hành coi thường, kiểm soát hoặc đối xử tệ bạc với bạn đời của họ trước mặt gia đình và bạn bè. Nhưng bạn của bạn có thể cố gắng bù đắp điều này bằng cách xin lỗi hoặc bào chữa rằng bản thân đã khiến vợ/chồng của mình cư xử theo cách đó. Hoặc thậm chí, họ cư xử như đây là một chuyện rất đỗi bình thường và lên tiếng hỗ trợ người bạn đời của mình “Tôi có thể giải quyết được việc này”. Hood nghĩ đây là một kiểu tư duy của người giúp đỡ, và đây chính là kiểu người mà những kẻ bạo hành săn lùng.

“Tôi cần bạn, tôi yêu bạn” – Những lời nói này được xem như một công cụ được sử dụng để buộc những người có xu hướng giúp đỡ, hỗ trợ người khác đến gần hơn với kẻ lạm dụng.

Bên cạnh đó, bạn có thể chú ý những điểm thay đổi ở người bạn của mình, nhất là đối với những hành vi bất thường kể từ sau khi mối quan hệ của họ bắt đầu. Hãy để ý đến những lời nói hay thậm chí là các câu đùa vui như “Tôi phải xin phép khi sử dụng tiền” hoặc họ không nên làm một số điều nhất định vì chúng khiến vợ/chồng/người yêu của họ thấy khó chịu. Một điều khác bạn cần quan tâm là đôi khi những người bị lạm dụng không phải lúc nào cũng có vẻ ngoài tiều tụy, suy sụp. Đôi khi, người bạn cho rằng có vẻ ngoài mạnh mẽ, quyền lực nhất cũng có thể là nạn nhân của một vụ bạo hành trong tình yêu.

Nếu những dấu hiệu này xuất hiện và bạn cảm thấy đây là tình huống mà bạn muốn đề cập với bạn mình, bước tiếp theo là tìm cách giải quyết chúng

Cuộc gặp gỡ phải nên là cuộc trò chuyện trực tiếp, đặc biệt nếu bạn lo ngại rằng người yêu/vợ/chồng của họ có quyền truy cập vào điện thoại hoặc các thiết bị khác của họ. Mason khuyên: “Hãy giữ mọi thứ nhẹ nhàng, đơn giản và bình thường nhất có thể”. Lý do của buổi gặp gỡ phải là điều gì đó rất bình thường để cả hai bạn cùng gặp nhau và đối tác của họ sẽ không có lý do để tham dự.

Cách bạn mở đầu cuộc trò chuyện này là vô cùng quan trọng. Hãy trò chuyện với thái độ không phán xét và sẵn sàng lắng nghe cũng như chấp nhận bất cứ điều gì bạn nghe được. Hãy nhớ rằng phần lớn quyền tự quyết và quyền kiểm soát của người này đã bị kẻ bạo hành tước đoạt, vì vậy công việc của bạn trong tình huống này là khôi phục điều đó. Mason nói: “Bạn không cần phải hoàn toàn đồng ý, nhưng bạn nên tôn trọng sự lựa chọn của họ, đồng thời nói rõ rằng bạn quan tâm họ và bạn thực hiện điều này là vì muốn tốt cho họ cũng như muốn chắc chắn rằng họ được an toàn. Hood gợi ý lời mở đầu nhẹ nhàng này: “Điều đầu tiên tôi muốn bạn biết là tôi yêu bạn và tôi muốn những gì tốt cho bạn. Tôi luôn đứng về phía bạn dù bất kể điều gì. Nhưng hôm nọ tôi cảm thấy thực sự khó chịu khi chứng kiến điều này…”. Bạn có thể mô tả sự việc bạn đã thấy. Hãy trình bày ngắn gọn và tập trung vào hành vi mà bạn chứng kiến, chứ không phải vào con người cá nhân của người đấy, vì điều này có thể khiến người bị lạm dụng trở nên phòng thủ. Hoặc, bạn có thể chỉ ra việc họ không còn tham gia các sự kiện xã hội nữa. Mason gợi ý những câu hỏi như “Tôi đang tự hỏi điều gì đang xảy ra với bạn? Nó có vẻ không còn như trước nữa?” hoặc “Mức độ cảm thấy an toàn của bạn giờ đây như thế nào?”

Mason nói: “Chìa khóa của tất cả những điều này là lắng nghe và đặt những câu hỏi mở xuất phát từ sự tò mò và quan tâm, thay vì phán xét, đồng thời cởi mở, lắng nghe những điều xảy ra tiếp theo”. Bạn cũng cần cởi mở trước bất kỳ phản hồi nào từ họ. Họ có thể gạt bỏ mối lo ngại của bạn hoặc có thể sẽ dỡ bỏ hàng rào phòng thủ mà chia sẻ với bạn rất nhiều điều. Hãy dẫn dắt họ và xác nhận cảm xúc của họ.

Sau cuộc trò chuyện đầu tiên này, công việc chính của bạn là giữ liên lạc với người bạn của mình. Trở thành người mà họ cảm thấy an toàn để tìm kiếm sự hỗ trợ nếu mọi việc trở nên nguy hiểm, nhưng có thể phải mất một thời gian dài họ mới thừa nhận với bản thân rằng họ đang bị lạm dụng. Bạn đã hé lộ một góc khuất trong cuộc đời họ và họ có thể cảm thấy xấu hổ, mặc cảm. Họ cần phải vượt qua những cảm giác này trước khi đón nhận bất cứ điều gì khác. Hood nói: “Một người bình thường phải mất bảy lần cố gắng để rời bỏ một mối quan hệ lạm dụng. Vì vậy, nếu bạn cảm thấy thất vọng khi họ không rời đi ngay lần đầu tiên và bạn ngừng nhận cuộc gọi của họ, tất cả những gì bạn đang làm là trao quyền cho kẻ bạo hành để có nhiều quyền kiểm soát hơn đối với họ.”

Bạn hãy tự chăm sóc bản thân trong quá trình này – và điều đó thực sự rất quan trọng. Thật không dễ dàng khi chứng kiến người mà bạn quan tâm bị tổn thương và sẽ càng khó khăn hơn nữa theo thời gian. Đảm bảo rằng bạn có người để nói chuyện mà không tiết lộ bất cứ điều gì có thể khiến bạn của bạn không an toàn. Một trong những điều quan trọng nhất bạn cần chấp nhận là họ có thể không rời bỏ bạn đời của mình một cách nhanh chóng – hoặc không hề rời bỏ. Bạn của bạn thậm chí có thể chia sẻ với bạn nhiều câu chuyện đau khổ vào thời điểm bị tổn thương, sau đó lại cố gắng bỏ qua hoặc bình thường hóa những hành vi lạm dụng này. Sự mâu thuẫn này có thể thực sự là thách thức và gây ra cảm giác bực bội, nhưng nó là kết quả của mối quan hệ gây tổn thương mà họ đang có. Nếu bạn lo ngại rằng bạn mình hoặc bất kỳ đứa trẻ nào sống cùng họ đang gặp nguy hiểm về thể chất, tinh thần, bạn có thể cần cân nhắc việc tăng cường nỗ lực. Tìm một người bạn hoặc người thân đáng tin cậy khác của họ để nói chuyện. Thực hiện một số kế hoạch vì sự an toàn của họ, chẳng hạn như tìm hiểu những dịch vụ chống bạo hành gia đình trong khu vực của bạn và xác định một nơi mà người đó có thể ở nếu họ cần rời khỏi nhà đột ngột.

Cuối cùng, mạng sống của một con người là đặc biệt quan trọng. Và nếu điều này có nghĩa là phải can thiệp trái với ý muốn của họ trong một tình huống rất nguy hiểm. Tốt nhất bạn nên tìm kiếm sự hướng dẫn của tổ chức hoặc dịch vụ chống bạo hành gia đình ở địa phương nếu bạn có những lo ngại về sự an toàn cho nạn nhân bị lam dụng.

Chúng ta thường được dạy rằng xây dựng mối quan hệ hòa hợp là điều cần thiết. Tuy nhiên, cũng cần phân biệt đâu là sự nhượng bộ lành mạnh và đâu là bị lạm dụng, thao túng. Hãy luôn bên cạnh những người cần sự giúp đỡ, để họ biết rằng họ không đơn độc trong cuộc chiến chống lại bạo hành bạn nhé!

 

Nguồn:https://ideas.ted.com/how-you-can-support-friend-family-member-in-an-abusive-relationship/

 

#hỗ_trợ_người_bị_lạm_dụng #lạm_dụng_trong_mối_quan_hệ #sức_khỏe_tâm_lý #ngăn_chặn_bạo_hành #dấu_hiệu_cảnh_báo #can_thiệp #mối_quan_hệ_lành_mạnh #hỗ_trợ_tinh_thần

#supportingabusevictims #relationshipabuse #recognizethesigns #mentalhealth #caringforeachother #preventingabuse #warningsigns #effectiveintervention #healthyrelationships #emotionalsupport

————–
(***) Bản quyền bài dịch thuộc về Tham vấn trị liệu Tâm lý MindCare. Khi chia sẻ, cần phải trích dẫn nguồn đầy đủ tên tác giả (nếu có) và nguồn là “Nguồn: Tham vấn trị liệu Tâm lý MindCare”. Các bài viết trích nguồn không đầy đủ, đều không được chấp nhận và phải gỡ bỏ.
——
💁‍♀️Tham gia group Tư vấn tâm lý cùng chuyên gia MindCare: https://www.facebook.com/groups/908586050050211
🌈Hãy liên hệ với chúng tôi bất cứ khi nào bạn cần được hỗ trợ:
☎️ 0866.13.58.85 (Dịch vụ Tham vấn Trị liệu, Đánh giá Tâm Lý) / 0877.16.33.66 (Dịch vụ Hướng nghiệp, Tâm Lý cho Doanh nghiệp & Học đường)
📧 tamlymindcare@gmail.com