KHI QUẢ BÓNG RƠI XUỐNG: HÀNH TRÌNH TÌM LẠI GIÁ TRỊ BẢN THÂN

Ở Mỹ, thuật ngữ “đánh rơi quả bóng” mang ý nghĩa tiêu cực. Nó chỉ sự thất bại, sai lỗi hoặc không hoàn thành một nhiệm vụ nào đó. Tôi thường cảm thấy áp lực khi phải luôn giữ cho tất cả các khía cạnh trong cuộc sống của mình được vận hành như thể đang giữ những quả bóng bay mãi trên không trung. Là một phụ nữ người da màu, tôi cảm thấy trách nhiệm mà tôi đang mang trở nên nặng nề hơn. Tôi lo sợ rằng mỗi sai sót của tôi có thể tạo ra cái nhìn tiêu cực về người da đen nói chung trong môi trường làm việc.

Cuộc sống đã dạy cho tôi biết rằng tôi không thể giữ cho tất cả mọi thứ hoạt động một cách hoàn hảo. Điều quan trọng là làm thế nào để chúng ta đối mặt và học hỏi từ những thách thức đó. Ví dụ, việc lần đầu làm mẹ là một điểm thay đổi lớn trong cuộc sống của tôi. Đối với người khác, nó có thể là bất cứ thay đổi nào khác, từ việc đối mặt với một căn bệnh quái ác, chuẩn bị kế hoạch thăng tiến trong công việc, hay thậm chí là sống sót qua một đợt đại dịch toàn cầu. 

Chúng ta không thể kiểm soát mọi thứ, nhưng chúng ta có thể học cách đối mặt và tiến lên từ những khó khăn.

Khi tôi “đánh rơi quả bóng” của mình, tôi nhận ra thế giới không sụp đổ. Không có bất kỳ cuộc gọi đến để quở trách tôi, hay bảo rằng tôi không còn được yêu thương; tôi không bị mất việc; không có ai đến để la mắng vì tôi chưa trả tiền đỗ xe. 

Từ trải nghiệm này, tôi bắt đầu tự đặt câu hỏi về việc tại sao chúng ta thường cảm thấy áp lực khi phải duy trì mọi thứ ở mức độ ‘hoàn hảo’. Có lẽ chúng ta cần phải từ bỏ những kỳ vọng quá lớn về việc phải kiểm soát mọi khía cạnh của cuộc sống.

Tôi quyết định tái định nghĩa lại thuật ngữ “đánh rơi quả bóng” này. Giờ đây ý nghĩa của nó trở thành “làm ít và đạt được nhiều hơn”.

Quá trình này bao gồm ba bước:

1. Hiểu rõ điều gì quan trọng nhất với bạn

Bước đầu tiên và quan trọng nhất là hiểu rõ điều gì quan trọng nhất đối với bạn. Một bài tập mà tôi thường thực hiện, được Stephen Covey trình bày trong cuốn sách “Bảy thói quen của người thành đạt”, đó là tưởng tượng về ngày cuối đời của bạn và hình dung về bài điếu văn của mình. Dù nghe có vẻ buồn chán, nhưng đây là một cách để nhìn nhận về những ưu tiên quan trọng trong cuộc sống của chúng ta.

Trong đám tang của bạn, bạn muốn một người bạn, một thành viên trong gia đình hay đồng nghiệp nói gì về bạn? Có lẽ bạn sẽ không muốn họ đứng lên và nói: “Cô ấy đã hoàn thành rất nhiều việc trong danh sách việc cần làm mỗi ngày”. Thay vào đó, có thể bạn muốn họ nói điều gì đó về ý nghĩa trong sự hiện diện của bạn đối với cuộc sống xung quanh.

2. Xác định mục tiêu của bạn và tìm cách tốt nhất để đạt được nó

Bước thứ hai là tập trung vào những gì bạn hy vọng đạt được trong những lĩnh vực quan trọng của cuộc sống và tận dụng tối đa khả năng của bạn để đạt được những mục tiêu đó. Đối với tôi, sự nghiệp là quan trọng, nhưng tôi đặt sức lực của mình vào việc thúc đẩy sự phát triển cho phụ nữ và trẻ em gái trên thế giới. Hôn nhân là quan trọng, nhưng điều quan trọng hơn là xây dựng một mối quan hệ hợp tác lành mạnh. Con cái là quan trọng, nhưng điều quan trọng hơn là giáo dục đứa trẻ để chúng có thể trở thành một người tử tế và có ích cho xã hội.

Sau đó, bạn có thể suy tư đến những hành động và cách vận dụng những kỹ năng cụ thể để đạt được những mục tiêu đó. Tôi gọi điều này là “kiểu vận dụng tốt nhất của bạn.” Nếu bạn đang tự hỏi “Làm thế nào để tôi biết được cách thức của tôi có phải là ‘kiểu vận dụng tốt nhất’?”, thì việc trò chuyện với những người xung quanh bạn là một gợi ý.

Hãy nhờ 10 người mà bạn đã kết nối, tương tác ở những khoảng thời gian khác nhau chia sẻ về những khoảnh khắc tốt đẹp nhất của bạn. Hãy hỏi họ về những điều mà họ cảm thấy bạn đã thực hiện tốt và những điều ở bạn khiến họ cảm thấy thoải mái, hạnh phúc khi ở bên. Những câu trả lời khác nhau có thể giúp bạn nhìn nhận mình từ nhiều góc độ khác và tìm ra những điểm mạnh trong cách bạn tương tác với người khác.

Ghi lại câu trả lời của họ và sau đó tập trung vào những từ, cụm từ và chủ đề được lặp đi lặp lại, hoặc những điều mà họ đặc biệt đánh giá cao về bạn. Điều này có thể giúp bạn hiểu rõ hơn về những điểm mạnh của bản thân và cách bạn ảnh hưởng đến người khác một cách tích cực.

3. Tìm kiếm sự hỗ trợ và kết nối với người khác

Bước cuối cùng liên quan đến việc thu hút sự tham gia của người khác trong hành trình của bạn. Nếu mục tiêu cao nhất trong sự nghiệp của bạn là thiết lập sự hợp tác có ý nghĩa và bạn muốn đầu tư cho sự phát triển trong công việc, bạn có thể đề xuất với sếp của bạn về một số thay đổi, chẳng hạn như “Tôi nghĩ nếu tôi dành thêm thời gian cho việc tương tác với khách hàng và giảm bớt một chút thời gian ở công việc hành chính, chúng ta có thể đạt được mục tiêu chiến lược của công ty”. Bạn có thể cởi mở trò chuyện về việc bạn có khả năng sắp xếp lại công việc để giúp tập thể đạt được mục tiêu chung.

Nếu một đồng nghiệp cảm nhận được sức ảnh hưởng của bạn, bạn có thể chủ động tương tác với họ: “Hey, tôi đang thử nghiệm một ý tưởng mới. Tôi hiểu rằng điều này nghe có vẻ đáng sợ, nhưng tôi tin rằng nó sẽ làm tăng hiệu suất của cả nhóm. Tôi muốn nói chuyện với bạn trước, để chúng ta có thể thảo luận nhiều hơn về nó.” Giao tiếp cởi mở như thế này là rất quan trọng để duy trì một môi trường làm việc tích cực.

Đối với những câu chuyện trong gia đình, việc thấu hiểu những gì mà các thành viên trong gia đình đã trải qua là quan trọng. Bạn có thể bắt đầu cuộc trò chuyện với gia đình bằng thái độ nhẹ nhàng và khiêm tốn. Thừa nhận và hiểu cho những khó khăn mà họ có thể đã phải đối mặt. Điều này giúp tạo ra sự đồng cảm và sẵn lòng lắng nghe phản hồi của gia đình để mọi người có thể cùng nhau tìm ra giải pháp phù hợp.

Với những người theo đuổi sự hoàn hảo, việc giữ cho mọi thứ hoạt động tốt nhất là mối quan tâm hàng đầu. Nhưng khi bạn chủ động “đánh rơi quả bóng”, bạn sẽ nhận ra rằng những kỳ vọng mà bạn đặt lên bản thân thường cao hơn nhiều so với những gì người thân và bạn bè xung quanh mong đợi. Bạn có thể giảm bớt áp lực lên bản thân thông qua những câu hỏi tự suy ngẫm và quay trở lại với những điều quan trọng nhất với bạn. Hãy nhớ rằng khi bạn hoàn thành nhiệm vụ một cách cởi mở và chu đáo ở nhiều khía cạnh của cuộc sống, bạn không chỉ đem lại lợi ích cho bản thân mà còn có thể hỗ trợ cho những người xung quanh. 

(Bài viết được lấy cảm hứng từ cuộc trò chuyện trên LinkedIn Live với Tiffany Dufu – người sáng lập và điều hành của The Cru, một nền tảng khai vấn dành cho phụ nữ trung niên)

 

Nguồn: https://ideas.ted.com/how-to-drop-the-ball-in-your-life-without-letting-anyone-down-including-you/

 

#đánh_rơi_quả_bóng #sai_lầm #giá_trị_bản_thân #kết_nối

#droptheball #mistakes #selfworth #connection

————–

(***) Bản quyền bài dịch thuộc về Tham vấn trị liệu Tâm lý MindCare. Khi chia sẻ, cần phải trích dẫn nguồn đầy đủ tên tác giả (nếu có) và nguồn là “Nguồn: Tham vấn trị liệu Tâm lý MindCare”. Các bài viết trích nguồn không đầy đủ, đều không được chấp nhận và phải gỡ bỏ.

——

💁‍♀️Tham gia group Tư vấn tâm lý cùng chuyên gia MindCare: https://www.facebook.com/groups/908586050050211

🌈Hãy liên hệ với chúng tôi bất cứ khi nào bạn cần được hỗ trợ:

☎️ 0866.13.58.85 (Dịch vụ Tham vấn Trị liệu, Đánh giá Tâm Lý) / 0877.16.33.66 (Dịch vụ Hướng nghiệp, Tâm Lý cho Doanh nghiệp & Học đường)

📧 tamlymindcare@gmail.com

📲 https://mindcare.vn/