KỂ VỀ MÌNH ĐỂ HIỂU VỀ MÌNH

Chúng ta đều là những người kể chuyện. Mary Catherine Bateson – nhà nhân chủng học đã nói, chúng ta tham gia vào một “hành vi tạo dựng” để xây dựng nên cuộc sống của chúng ta. Tuy nhiên, cuộc sống của chúng ta không tuân theo một cốt truyện cố định. Danh tính và trải nghiệm của chúng ta luôn thay đổi, và cách chúng ta kể câu chuyện giúp chúng ta hiểu hơn về cuộc sống của chính mình. Bằng cách lấy những phần khác nhau trong cuộc sống của chúng ta và chấp nối chúng thành một câu chuyện, chúng ta tạo ra một tổng thể thống nhất cho phép chúng ta hiểu cuộc sống của mình một cách mạch lạc – và sự mạch lạc, theo các nhà tâm lý học mang ý nghĩa quan trọng.

Nhà tâm lý học Dan McAdams của Đại học Northwestern nghiên cứu về một khái niệm gọi là “bản sắc tường thuật”. Ông mô tả danh tính tường thuật như một câu chuyện nội tâm mà mỗi người tạo ra về chính bản thân mình, một loại huyền thoại cá nhân. Tương tự như thần thoại, bản sắc kể chuyện của chúng ta bao gồm các nhân vật anh hùng và phản diện, những sự kiện quan trọng định hình cốt truyện, những thử thách và khó khăn mà chúng ta phải đối mặt. Khi chúng ta muốn người khác hiểu về chúng ta, chúng ta chia sẻ câu chuyện của mình hoặc một phần của nó. Ngược lại, khi chúng ta muốn hiểu người khác, chúng ta muốn lắng nghe câu chuyện cuộc đời họ. Ví dụ, một người có trải nghiệm thời thơ ấu là bị cha mẹ “ném” xuống nước để học bơi, và anh ta nhận thấy rằng đây là một bài học lớn để giúp anh trở thành một người doanh nhân thành đạt như hiện nay – bài học về đối mặt với những rủi ro. Tuy nhiên với người khác, trải nghiệm tương tự có thể dẫn đến cảm giác ghét thuyền buồm và thiếu niềm tin vào những người có quyền lực. Còn với người thứ ba, họ quyết định không viết (hoặc kể) về trải nghiệm đó vì họ cho rằng nó không có ý nghĩa hoặc không quan trọng.

Trong suốt hơn 30 năm nghiên cứu, Dan McAdams đã dành nhiều thời gian phỏng vấn các cá nhân để tìm hiểu về bản sắc tường thuật của họ. Trong các cuộc phỏng vấn này, ông đã yêu cầu những người tham gia chia cuộc đời của họ thành các chương và kể về các sự kiện quan trọng như đỉnh cao, điểm trũng, các bước ngoặt quan trọng và ký ức thời thơ ấu. Ông khuyến khích họ suy nghĩ về niềm tin và giá trị cá nhân của mình. Cuối cùng, ông yêu cầu họ suy ngẫm về chủ đề trung tâm của câu chuyện cuộc đời của họ. Kết quả nghiên cứu của McAdams đã cho thấy có những mô hình thú vị trong cách những người sống một cuộc đời có ý nghĩa hiểu và giải thích những trải nghiệm của họ. Ông nhận thấy rằng những người có động lực đóng góp cho xã hội thường kể những câu chuyện về cuộc đời của họ mang tính “được đền đáp” hoặc chuyển từ khó khăn sang thịnh vượng. Ví dụ, một người đàn ông lớn lên trong hoàn cảnh nghèo khó đã nói rằng những khó khăn này đã gắn kết anh và gia đình lại gần nhau hơn. Một người phụ nữ khác đã chia sẻ rằng việc chăm sóc một người bạn thân trong thời gian người bạn đó sắp qua đời là một trải nghiệm đau khổ, nhưng nó đã thúc đẩy cô một lần nữa thực hiện ước mơ trở thành y tá – một nghề mà cô đã từng từ bỏ. Những người này thường đánh giá cuộc sống của họ có ý nghĩa hơn những người kể câu chuyện không có hoặc có ít yếu tố mang tính đền đáp.

Trái ngược với kiểu câu chuyện trên, Dan McAdams đã đặt tên cho một loại câu chuyện khác là “câu chuyện ô nhiễm” trong đó mọi người giải thích cuộc sống của họ đang trải qua một sự biến thiên từ tốt sang xấu. Ví dụ, một người phụ nữ kể về sự ra đời của đứa con của cô – một sự kiện cao trào, nhưng câu chuyện kết thúc bằng cái chết của cha đứa bé. Anh ấy bị sát hại ba năm sau đó. Niềm vui ban đầu về sự ra đời của đứa con đã bị mờ nhạt bởi bi kịch đó. McAdams nhận thấy rằng những người kể những “câu chuyện ô nhiễm” ít “có tính sáng tạo” hơn hoặc ít có động lực đóng góp cho xã hội và thế hệ trẻ hơn. Họ thường trải qua sự lo lắng, chán nản và cảm thấy cuộc sống của họ rối rắm hơn so với những người kể những câu chuyện mang tính “đền đáp”

Tuy nhiên, các câu chuyện về sự đền đáp và sự ô nhiễm chỉ là hai loại câu chuyện mà chúng ta có thể tạo ra. McAdams cho biết những người tin rằng cuộc sống có ý nghĩa thường có xu hướng kể những câu chuyện mang yếu tố phát triển, hỗ trợ và nhấn mạnh quyền tự quyết. Những câu chuyện này cho phép cá nhân xây dựng một bản sắc tích cực: họ có quyền kiểm soát trong cuộc sống của họ, họ được yêu quý, họ đang tiến bộ, và họ có khả năng vượt lên những khó khăn mà họ đang gặp phải.

Một trong những đóng góp to lớn của nghiên cứu tâm lý học và tâm lý trị liệu là ý tưởng cho rằng chúng ta có khả năng chỉnh sửa, xem xét và tái thấu hiểu những câu chuyện mà chúng ta kể về cuộc sống của mình, ngay cả khi chúng ta đối mặt với sự thật. Nhiệm vụ của các nhà trị liệu tâm lý là hợp tác với thân chủ để cùng viết lại câu chuyện của họ theo hướng tích cực hơn. Qua việc chỉnh sửa và diễn giải lại câu chuyện với sự hỗ trợ từ các chuyên gia tâm lý, thân chủ có thể nhận thấy rằng họ đang kiểm soát cuộc sống của mình và rằng những khó khăn, nỗi đau của họ cũng có thể mang lại những ý nghĩa quan trọng. Các tài liệu nghiên cứu đã cho thấy rằng hình thức trị liệu này có hiệu quả tương đương với việc sử dụng thuốc chống trầm cảm hoặc liệu pháp nhận thức hành vi.

Thậm chí việc chỉnh sửa những câu chuyện nho nhỏ trong cuộc sống cũng có thể có tác động lớn đến cuộc sống của chúng ta. Adam Grant và Jane Dutton đã phát hiện ra điều này trong một nghiên cứu được công bố vào năm 2012. Trong nghiên cứu đó, các nhà nghiên cứu yêu cầu những người tham gia viết nhật ký trong bốn ngày liên tiếp khi họ làm công việc gây quỹ tại một trung tâm của trường đại học. Trong nhóm thứ nhất (được gọi là nhóm người thụ hưởng), các nhà nghiên cứu yêu cầu những người gây quỹ viết về lần cuối mà một đồng nghiệp đã làm điều gì đó cho họ để khơi dậy lòng biết ơn. Trong nhóm thứ hai (được gọi là nhóm nhà hảo tâm) người tham gia được yêu cầu viết về những lần họ đã đóng góp hoặc làm điều gì đó cho người khác trong công việc.

Các nhà nghiên cứu muốn biết thể loại câu chuyện nào sẽ khiến người tham gia trở nên rộng lượng hơn. Họ đã quan sát và theo dõi hoạt động gọi điện của những người gây quỹ trong hồ sơ cuộc gọi. Giả thuyết họ đưa ra là vì những người này được trả lương cố định theo giờ để gọi điện cho cựu sinh viên và kêu gọi quyên góp, số lượng cuộc gọi mà họ thực hiện trong giờ làm việc có thể là một chỉ số tiêu biểu cho hành vi ủng hộ xã hội và giúp đỡ. Sau khi tiến hành phân tích và đánh giá, Adam Grant và Jane Dutton đã phát hiện ra rằng những người kể lại câu chuyện trong nhóm “người hảo tâm” đã gọi điện thoại cho cựu sinh viên nhiều hơn 30% so với trước đây. Trong khi đó, những người trong nhóm được “hưởng lợi” thì không có sự thay đổi nào trong hành vi của họ.

Nghiên cứu của Adam Grant và Jane Dutton đã làm rõ rằng khả năng tạo ra ý nghĩa thông qua một câu chuyện không chỉ giới hạn ở việc xây dựng câu chuyện đó. Những câu chuyện mà những người trong “nhóm hảo tâm” kể về bản thân cuối cùng đã thúc đẩy họ thực hiện các hành động mang ý nghĩa – họ đã dành thời gian và tài năng của họ để phục vụ mục tiêu lớn hơn. Mặc dù người tham gia biết rằng họ đang kể câu chuyện của mình như một phần của nghiên cứu, nhưng cuối cùng họ đã “nương nhờ” những câu chuyện đó, theo như lời McAdams đã nói. Bằng cách điều chỉnh lại câu chuyện của họ một cách tinh tế, họ đã áp dụng một bản sắc tích cực, giúp họ sống một cuộc sống có mục đích hơn.

(Bài viết trích từ cuốn sách The Power of Meaning: Crafting a Life That Matters của Emily Esfahani Smith)

Nguồn: https://ideas.ted.com/the-two-kinds-of-stories-we-tell-about-ourselves/

#câu_chuyện_cá_nhân #ý_nghĩa_cuộc_sống #hào_phóng #tạo_lại_câu_chuyện #phát_triển_cá_nhân #nghiên_cứu_tâm_lý 

#personalstory #meaningoflife #generosity #recreatestory #personalgrowth #psychologicalresearch

————– 

(***) Bản quyền bài dịch thuộc về Tham vấn trị liệu Tâm lý MindCare. Khi chia sẻ, cần phải trích dẫn nguồn đầy đủ tên tác giả (nếu có) và nguồn là “Nguồn: Tham vấn trị liệu Tâm lý MindCare”. Các bài viết trích nguồn không đầy đủ, đều không được chấp nhận và phải gỡ bỏ. 

—— 

💁‍♀️Tham gia group Tư vấn tâm lý cùng chuyên gia MindCare: https://www.facebook.com/groups/908586050050211 

🌈Hãy liên hệ với chúng tôi bất cứ khi nào bạn cần được hỗ trợ: 

☎️ 0866.13.58.85 (Dịch vụ Tham vấn Trị liệu, Đánh giá Tâm Lý) / 0877.16.33.66 (Dịch vụ Hướng nghiệp, Tâm Lý cho Doanh nghiệp & Học đường) 

📧 tamlymindcare@gmail.com 

📲 https://mindcare.vn/