HIỆU ỨNG TÂM ĐIỂM

Dưới góc nhìn tập trung vào bản thân, chúng ta thường đánh giá quá cao sự nổi bật của bản thân. Hiệu ứng tâm điểm (spotlight effect) nghĩa là dường như chúng ta có xu hướng nhìn mình ở vị trí trung tâm, vì thế chúng ta đánh giá quá mức về sự chú ý của người khác lên mình.

Timothy Lawson (2010) đã khám phá hiệu ứng tâm điểm bằng cách yêu cầu sinh viên Đại học thay một chiếc áo len có in hình “American Eagle” trước khi gặp một nhóm bạn đồng trang lứa. Gần 40% chắc chắn rằng các sinh viên khác sẽ nhớ nội dung được in trên áo, nhưng thực tế chỉ có 10% nhớ được. Hầu hết những người quan sát khác thậm chí còn không để ý rằng sinh viên đã thay áo len. Trong một thí nghiệm khác, khi mặc chiếc áo phông hơi xấu hổ (chẳng hạn như chiếc áo phông có in hình ca sĩ Barry Manilow), cũng chỉ khiến 23% người quan sát chú ý. Trong khi những sinh viên mặc chiếc áo đó đoán rằng gần một nửa bạn bè của họ sẽ chú ý đến chiếc áo này. (Gilovich và cộng sự, 2000).

Ít người chú ý đến ta hơn là ta nghĩ. Khi nhận thức sâu sắc về cảm xúc của chính mình, rất dễ sinh ra ‘ảo tưởng về sự minh bạch’ (illusion of transparency). Đó là khi chúng ta nghĩ rằng những suy nghĩ và cảm xúc của chúng ta được người khác chú ý nhiều hơn thực tế. Chẳng hạn, khi chúng ta cảm thấy vui vẻ, chúng ta thường nghĩ rằng niềm vui ấy sẽ được biểu lộ trên gương mặt và người khác sẽ nhận biết được chúng. Tuy nhiên, đôi khi sự thực có thể không chính xác như chúng ta tưởng. 

Trong nghiên cứu của Kenneth Savitsky và Thomas Gilovich (2003) người tham gia được yêu cầu nói dối và họ nghĩ rằng người khác sẽ phát hiện ra lời nói dối của họ. Mặc dù thực tế thì không phải vậy. Hoặc, người tham gia được thử một món đồ uống có mùi kinh khủng cũng cảm thấy lo lắng rằng người khác có thể cảm nhận được phản ứng đó của họ, nhưng đôi khi điều đó không đúng.

Savitsky và Gilovich tò mò liệu ‘ảo tưởng về sự minh bạch’ có thể xuất hiện đối với những diễn giả không và liệu điều này sẽ làm gián đoạn màn trình diễn của họ hay không. Để tìm hiểu, họ đã mời 40 sinh viên Đại học Cornell tham gia một nghiên cứu thực nghiệm. Các cặp sinh viên được giao nhiệm vụ đứng trên bục và phát biểu về một chủ đề cụ thể trong ba phút. Khi một người đứng trên bục thì người kia ngồi xem. Savitsky sẽ giao cho họ một chủ đề, chẳng hạn như “Những điều tốt nhất và tồi tệ nhất về cuộc sống ngày nay” và yêu cầu người đó phát biểu trong ba phút. Sau đó, hai người đổi vị trí và người kia sẽ trình bày trong ba phút về một chủ đề khác. Mỗi người sau đó đánh giá mức độ lo lắng của mình khi thuyết trình, từ mức 0 (hoàn toàn không lo lắng) cho đến 10 (rất lo lắng). Kết quả cho thấy rằng mọi người tự đánh giá mức độ lo lắng của bản thân khá cao (trung bình là 6,65), nhưng đối với bạn chung đội của họ, họ chỉ đánh trung bình ở mức 5,25.

Bên cạnh đó, 27 trong số 40 người tham gia (68%) tin rằng họ tỏ ra lo lắng hơn so với bạn chung đội của mình. Để xác minh độ tin cậy của phát hiện này, Savitsky và Gilovich lặp lại thí nghiệm. Lần này họ cho mọi người phát biểu trước khán giả. Kết quả là, một lần nữa, các diễn giả đã đánh giá quá cao sự lo lắng của họ so với mức độ khán giả nhận thấy và đánh giá.

Sau đó, Savitsky và Gilovich tiếp tục thắc mắc liệu việc thông báo cho diễn giả rằng nỗi lo lắng của họ không quá rõ ràng thì có thể giúp họ thư giãn và thuyết trình tốt hơn không. Họ mời thêm 77 sinh viên Đại học Cornell đến phòng thí nghiệm, và sau năm phút chuẩn bị, mỗi người sẽ thực hiện một bài phát biểu được quay video dài ba phút.

Nghiên cứu chia người tham gia làm 3 nhóm. (1) ‘Nhóm kiểm soát’ sẽ không nhận được bất kỳ chỉ dẫn nào. (2) ‘Nhóm xoa dịu’ sẽ được chia sẻ rằng lo lắng là điều tự nhiên, họ không nên quá bận tâm đến ý kiến của người khác. Người tham gia của nhóm này được khuyến khích thư giãn và cố gắng hết sức mình. (3) ‘Nhóm được thông tin’ sẽ được Savitsky giải thích về ‘ảo tưởng về sự minh bạch’. Người tham gia được nghe chia sẻ rằng lo lắng là điều tự nhiên và thêm một chỉ dẫn khác là “Nghiên cứu đã chỉ ra rằng khán giả không thể hiểu được sự lo lắng của bạn như bạn nghĩ. Những diễn giả cảm thấy sự lo lắng của họ rất rõ ràng, nhưng thực tế là cảm xúc của họ không thể hiện đúng như vậy. Với suy nghĩ này, bạn chỉ nên thư giãn và cố gắng làm hết sức mình. Hãy nhớ rằng nếu bạn trở nên lo lắng, có lẽ bạn sẽ là người duy nhất biết được về nỗi lo này.”

Sau bài phát biểu, mỗi diễn giả đánh giá chất lượng bài nói và mức độ lo lắng của mình (được đánh giá bằng thang điểm 7), và cũng được người quan sát đánh giá. Kết quả cho thấy những người trong ‘nhóm được thông tin’ thấy tự tin hơn về bài phát biểu và vẻ ngoài của họ so với ‘nhóm kiểm soát’ và ‘nhóm xoa dịu’. Hơn nữa, người quan sát cũng xác nhận sự tự đánh giá này từ phía diễn giả. Vì vậy, điều quan trọng là khi cảm thấy lo lắng về việc mình trông có vẻ lo lắng, hãy nhớ rằng người khác ít chú ý đến bạn hơn bạn tưởng.

Nguồn: Myers, D.G., & Twenge, J.M. (2016). Social Psychology (12th ed.). McGraw-Hill.

#hiệu_ứng_tâm_điểm #ảo_tưởng_về_sự_minh_bạch #nghiên_cứu #tâm_lý_học_xã_hội

#spotlighteffect #illusionoftransparency #research #socialpsychology

————–

(***) Bản quyền bài dịch thuộc về Tham vấn trị liệu Tâm lý MindCare. Khi chia sẻ, cần phải trích dẫn nguồn đầy đủ tên tác giả (nếu có) và nguồn là “Nguồn: Tham vấn trị liệu Tâm lý MindCare”. Các bài viết trích nguồn không đầy đủ, đều không được chấp nhận và phải gỡ bỏ.

——

💁‍♀️Tham gia group Tư vấn tâm lý cùng chuyên gia MindCare: https://www.facebook.com/groups/908586050050211

🌈Hãy liên hệ với chúng tôi bất cứ khi nào bạn cần được hỗ trợ:

☎️ 0866.13.58.85 (Dịch vụ Tham vấn Trị liệu, Đánh giá Tâm Lý) / 0877.16.33.66 (Dịch vụ Hướng nghiệp, Tâm Lý cho Doanh nghiệp & Học đường)

📧 tamlymindcare@gmail.com

📲 https://mindcare.vn/