HIỆU ỨNG BARNUM: VÉN MÀN BÍ ẨN CỦA NHỮNG LỜI TIÊN TRI

Nhiều người trong chúng ta có lẽ đã từng đi xem bói, xem chỉ tay, xem dự đoán cung hoàng đạo hoặc Tarot một lần trong đời. Với bạn, những lời tiên đoán này có chính xác không? Trong một nghiên cứu cho thấy hơn 90% người Mỹ biết về cung hoàng đạo của họ. Hơn 50% trong số họ xem dự đoán về cung hoàng đạo của mình và cũng tin vào những lời khuyên được đưa ra trong phần mô tả.

VÌ SAO LẠI THẾ NHỈ?

1. Hiệu ứng Barnum

Một trong những lý do chính đằng sau việc chúng ta chấp nhận những lời tiên đoán đó được giải thích bằng Hiệu ứng Barnum. Hiệu ứng Barnum, còn được gọi là Hiệu ứng Forer, là hiện tượng tâm lý giải thích tại sao các cá nhân tin vào những mô tả tính cách chung chung như thể chúng là những mô tả chính xác về tính cách của chính bản thân họ. Nói một cách đơn giản, Hiệu ứng Barnum đề cập đến xu hướng chúng ta nghĩ rằng thông tin được cung cấp về tính cách của ta là về chính ta, bất kể tính khái quát, chung chung của thông tin.

Hiệu ứng Barnum là một thiên kiến trong nhận thức, được nhà tâm lý học Bertram Forer nghiên cứu vào năm 1948. Trong nghiên cứu của mình, Forer đã cho 39 sinh viên của ông làm một bài kiểm tra tâm lý tên là “Chẩn đoán khoảng trống trong sở thích”, và nói với họ rằng họ sẽ nhận được những phản hồi riêng cho từng người. Một tuần sau, ông đưa cho mỗi người một bản phân tích và yêu cầu họ đánh giá mức độ chính xác. Trên thực tế, những bản phân tích kết quả này giống hệt nhau. Những gì người tham gia nhận được là 13 mệnh đề từ một quyển sách chiêm tinh bán ở sạp báo. Những nhận định đó rất khái quát, mơ hồ và có thể đúng với hầu hết mọi người. Ví dụ như các câu bên dưới đây:

“Bạn có xu hướng chỉ trích bản thân”

“Cảm giác an toàn là một trong những mục tiêu chính trong cuộc sống của bạn”

“Đôi khi bạn nghi ngờ về quyết định của mình”

Sau khi sinh viên nhận được phản hồi, họ đánh giá độ chính xác của bản phân tích kết quả theo thang điểm từ 0 (kém) đến 5 (hoàn hảo). Kết quả tổng thể cho thấy điểm đánh giá độ chính xác trung bình là 4,3 trên 5. Hầu hết tất cả sinh viên đều nhận thấy phản hồi của Forer là những mô tả chính xác về tính cách độc đáo của họ. Forer tin rằng đây là hệ quả của sự cả tin. Hiệu ứng này được cho là đã xác nhận “nguyên tắc Pollyanna” (thiên kiến tích cực). Nguyên tắc này sẽ được trình bày tiếp tục bên dưới đây.

Cơ chế hoạt động của Hiệu ứng Barnum

  • Chúng ta có xu hướng ưu tiên những tuyên bố mang tính tích cực về bản thân.

Trước hết, chúng ta – với tư cách là những con người khiêm tốn, có xu hướng tin vào những tuyên bố tích cực về bản thân. Chúng ta đặc biệt xem chúng là những dự đoán chính xác nếu những tuyên bố này có liên quan đến một sự kiện được mong đợi trong tương lai. Đơn giản là vì những mô tả tích cực mà chúng ta gán cho bản thân đã nuôi dưỡng cái tôi của chúng ta. Chúng ta thích những tính từ tích cực vì chúng khiến ta cảm thấy hãnh diện. Vì vậy, chúng ta tự động chấp nhận chúng như là sự thật. Bên dưới đây có hai câu mô tả tính cách của bạn. Hãy tìm xem câu mô tả nào là phù hợp với tính cách của bạn nhé!

“Bạn dở tệ trong khoản lắng nghe và không tôn trọng ý kiến của người khác”

“Bạn là người có tư duy độc lập, thích suy nghĩ sáng tạo khi giải quyết vấn đề”

Có vẻ, nhiều người trong số chúng ta sẽ chọn mô tả thứ hai. Vậy thì câu hỏi được đặt ra là: Tại sao chúng ta lại thích những đặc điểm tích cực và nó giúp chúng ta như thế nào? Bằng cách miêu tả bản thân là người có những đặc điểm tốt đẹp, chúng ta có khả năng hòa nhập với mọi người tốt hơn và trở thành một phần tích cực của một nhóm xã hội. Đây là bản năng bẩm sinh giúp chúng ta thích nghi với những điều kiện sống luôn thay đổi xung quanh mình.

  • Tự chắt lọc những thông tin có liên quan đến bản thân.

Thứ hai, chúng ta có xu hướng tiếp nhận thông tin mà chúng ta có thể liên hệ với bản thân một cách tự nhiên và kết nối nó với những sự kiện xảy ra trong cuộc sống hàng ngày của chúng ta. Nói cách khác, chúng ta tin vào thông tin phù hợp, trong khi bỏ qua những phần không phù hợp. Bằng cách này, chúng ta chắt lọc những thông tin từ khái quát đến độc nhất cho riêng mình.

Chẳng hạn, quẻ bói về ngày hôm nay là: “Hôm nay là ngày bạn sẽ làm việc hiệu quả và đạt được nhiều thành tựu trong công việc”. Thật tuyệt vời phải không? Đây chính xác là những gì mà ta muốn nghe và cũng là những việc mà ta đang làm mỗi ngày. Cố gắng làm việc vì một tương lai tươi đẹp phía trước, không phải sao?

  • Nguyên tắc Pollyanna

Một hiện tượng tâm lý khác giải thích các nguyên tắc hoạt động của Hiệu ứng Barnum là Nguyên tắc Pollyanna (hay còn gọi là thiên kiến tích cực). Thiên kiến này là xu hướng ghi nhớ những sự kiện vui vẻ chính xác hơn những sự kiện tiêu cực. Tại sao mọi người lại muốn nhớ lại những điều khiến họ cảm thấy không vui hoặc khó chịu? Về cơ bản, chúng ta yêu thích những kỷ niệm vui vẻ khi nhớ lại chúng. Ý tưởng này cũng tương tự với Hiệu ứng Barnum – chúng ta thích những mô tả tích cực được gán cho chính chúng ta hơn. Đây là lý do tại sao Forer (1948) cũng nghĩ rằng hai thiên kiến này có thể giải thích sự hiện diện của nhau trong quá trình ra quyết định của chúng ta.

2. Đọc nguội

Một ý tưởng quan trọng khác mà bạn nên nhớ đối với những cá nhân thực hành ngụy khoa học là đọc nguội. Phương pháp này liên quan đến việc người thực hành “đọc vị” một cách ngẫu nhiên, dựa vào suy luận cá nhân mà không qua bất kỳ kiến thức nền tảng nào. 

Hơn nữa, những người thực hành đọc nguội thường giỏi trong việc quan sát ngôn ngữ cơ thể và cử chỉ của đối tượng. Họ thu thập thông tin về cuộc sống và trải nghiệm của người khác một cách tinh tế và âm thầm. Sau đó, họ xây dựng dự đoán của mình một cách an toàn, sử dụng những cụm từ như “dành riêng cho bạn” để người nghe cá nhân hoá những dự đoán này và gán chúng lên bản thân mình. 

LÀM THẾ NÀO ĐỂ TRÁNH HIỆU ỨNG BARNUM?

Mặc dù nghe có vẻ thú vị nhưng Hiệu ứng Barnum cũng có mặt tối của nó, chẳng hạn như những tuyên bố, dự đoán chung chung tác động đến việc ra quyết định và suy luận của chúng ta. Biết một số cách để tránh bị ảnh hưởng có thể giúp ích cho bạn về lâu dài.

1. Nâng cao nhận thức

Bắt đầu nhận thức được sự hiện diện của thiên kiến ​​này trong cuộc sống hàng ngày của chúng ta là bước đầu tiên. Chúng ta có thể học cách suy tư trên nhiều khía cạnh của vấn đề và đặt câu hỏi đào sâu khi nhận những lời nhận xét, tiên đoán về bản thân. Nó giúp bạn dừng lại để bình tâm suy nghĩ, và ngăn cản chúng ta vội vàng đưa ra những quyết định tự phát và thiếu cân nhắc.

2. Cảnh giác và tìm kiếm bằng chứng tin cậy khác

Có lẽ nhiều người biết rằng những đánh giá tốt về tính cách của chúng ta phải dựa trên một cơ sở đáng tin nào đó. Tuy nhiên, chúng ta vẫn có xu hướng tin rằng, một người Tarot reader hoặc một bài đánh giá tính cách trên BuzzFeed biết rõ chúng ta hơn bất kỳ ai khác. Những thông tin từ người thầy bói hay kết quả tính cách trên tạp chí có thể rất thú vị nhưng hãy nhớ rằng những nguồn này thường không có cơ sở khoa học và những lời tiên đoán ấy được xây dựng nhằm tiếp cận đến tất cả mọi người.

Nguồn: Neurofied

#hiệu_ứng_Barnum #cung_hoàng_đạo #tarot #tiên_tri #tâm_lý 

#Barnumeffect #zodiacsign #tarot #prophecy #psychology

————– 

(***) Bản quyền bài dịch thuộc về Tham vấn trị liệu Tâm lý MindCare. Khi chia sẻ, cần phải trích dẫn nguồn đầy đủ tên tác giả (nếu có) và nguồn là “Nguồn: Tham vấn trị liệu Tâm lý MindCare”. Các bài viết trích nguồn không đầy đủ, đều không được chấp nhận và phải gỡ bỏ. 

—— 

💁‍♀️Tham gia group Tư vấn tâm lý cùng chuyên gia MindCare: https://www.facebook.com/groups/908586050050211 

🌈Hãy liên hệ với chúng tôi bất cứ khi nào bạn cần được hỗ trợ: 

☎️ 0866.13.58.85 (Dịch vụ Tham vấn Trị liệu, Đánh giá Tâm Lý) / 0877.16.33.66 (Dịch vụ Hướng nghiệp, Tâm Lý cho Doanh nghiệp & Học đường) 

📧 tamlymindcare@gmail.com 

📲 https://mindcare.vn/