GHOSTING – KHI TÌNH YÊU “BỐC HƠI” ĐỘT NGỘT

Trong xã hội hiện đại, hiện tượng “ghosting” đang ngày càng trở thành một xu hướng phổ biến đối với mối quan hệ cặp đôi, đặc biệt là những người yêu nhau qua mạng.

Đối lập với yêu không phải là ghét, mà là sự thờ ơ. Bạn đã tin rằng người kia quan tâm đến bạn, cho dù đó là bạn bè hay người bạn đang hẹn hò, nhưng cuối cùng họ lại chọn cách biến mất đột ngột, cắt đứt mọi liên lạc mà không có bất kỳ lời giải thích, một cuộc điện thoại, email hay thậm chí là một một tin nhắn nào.

“Ghosting” không phải là một hiện tượng mới. Trong văn hóa hẹn hò ngày nay, “ghosting” là một hiện tượng mà khoảng 50% nam giới và phụ nữ đều đã trải qua. Đây là một hiện tượng khá phổ biến và nó ảnh hưởng đến tâm lý một cách mạnh mẽ và tiêu cực.

Vậy tại sao người ta lại “ghost” người khác? 

Những người “ghost” người khác thường là do họ trốn tránh sự khó chịu về mặt cảm xúc của chính bản thân và họ không nghĩ đến cách hành xử của mình có thể ảnh hưởng đến người khác ra sao. Hiện tượng này ngày một phổ biến và mọi người dần “bình thường hoá” việc “ghosting” ai đó. 

“Tôi không hiểu chính xác cảm giác thực sự của mình vào thời điểm đó, vì vậy thay vì cố gắng nói ra, tôi đã chủ động ngắt kết nối”

“Nhìn qua lăng kính của một kẻ hèn nhát, việc rút lui khỏi việc hẹn hò một cách thụ động có vẻ như là con đường dễ dàng và tốt đẹp nhất… cho đến khi, bản thân tôi là người “bị ghost”.”

“Tôi nghĩ đó là một phần khiến cho việc hẹn hò trực tuyến trở nên hấp dẫn. Vì bạn không có bạn chung hoặc không được giới thiệu qua một số nguồn thân cận, nên việc bạn “rời khỏi mặt đất” cũng không phải là “ngày tận thế”.” 

“Tôi tự nhận mình là người trung thực và thẳng thắn. Tuy nhiên, tôi đã “ghost” người khác… Và tôi đã tự nhủ hết lần này đến lần khác rằng tất cả là lỗi của nền văn hóa hẹn hò độc hại mà chúng ta đã tạo ra. Và cuối cùng, tôi nghĩ đó là lời biện minh mà chúng ta đang tự nói với nhau.”

Cảm giác bị “ghost” là như thế nào?

Đối với nhiều người, việc bị cắt đứt đột ngột có thể dẫn đến cảm giác bị coi thường, bị lợi dụng và bị vứt bỏ. Nếu bạn đã biết người đó qua vài lần hẹn hò thì điều đó có thể còn đau buồn hơn nữa. Khi một người mà chúng ta yêu thương và tin tưởng rời bỏ chúng ta, cảm giác đó giống như một sự phản bội sâu sắc.

“Tôi cảm thấy mình như một thằng ngốc. Và hơn thế nữa tôi cảm thấy không được tôn trọng. Tôi đã có một vài buổi hẹn hò lãng mạn, có mối liên hệ tuyệt vời với một người bạn mới và rồi đột nhiên không bao giờ nhận được tin tức gì từ họ nữa. Điều đó thật đau đớn và thực sự đáng thất vọng. Không ai đáng bị ghost cả.” 

“Tôi vẫn có cảm giác như bị ai đó đấm vào bụng mình khi chuyện đó xảy ra. Việc họ không đoái hoài gì đến tôi là một sự xúc phạm. Cứ thế rời đi mà không nói lời nào thật là điên rồ. Điều duy nhất tệ hơn việc chia tay là nhận ra rằng ai đó thậm chí không coi bạn là người đáng để nói lời chia tay.” 

“Từ việc nhắn tin mỗi ngày và gặp nhau vài lần một tuần cho đến khi không còn gì cả mà chẳng có một chút gợi ý nào về lý do. Điều đó khiến tôi cảm thấy rất khó chịu.” 

“Ghosting là một trong những hình thức tra tấn đau khổ nhất mà việc hẹn hò có thể gây ra.” 

Tại sao nó gây ra cảm giác tồi tệ như vậy?

Sự từ chối về mặt xã hội kích hoạt các con đường đau đớn trong não bộ tương tự như đau đớn về thể xác. Trên thực tế, bạn có thể giảm bớt nỗi đau tinh thần do bị từ chối bằng cách sử dụng thuốc giảm đau như Tylenol. Nhưng ngoài mối liên hệ sinh học giữa việc bị từ chối và cảm giác đau đớn, còn có một số yếu tố cụ thể về hiện tượng “ghosting” góp phần gây ra đau khổ về mặt tâm lý.

  • Bạn không biết phải phản ứng như thế nào khi bị “ghost”. Nó gây ra trạng thái mơ hồ. 
  • Bạn có nên lo lắng? 
  • Nhỡ họ bị thương và nằm trên giường bệnh ở đâu đó thì sao? 
  • Bạn có nên buồn bã không? 
  • Có lẽ họ hơi bận và sẽ gọi cho bạn bất cứ lúc nào. 

Bạn không biết phải phản ứng thế nào vì bạn không thực sự biết chuyện gì đã xảy ra. Việc duy trì kết nối với những người khác rất quan trọng đối với sự sống còn của chúng ta, đến nỗi não bộ của chúng ta đã phát triển một hệ thống giám sát xã hội để tìm kiếm các dấu hiệu từ môi trường để chúng ta biết cách phản ứng trong các tình huống xã hội. Các dấu hiệu xã hội cho phép chúng ta điều chỉnh hành vi của chính mình một cách phù hợp, nhưng việc bị “ghost” khiến bạn bị tước đi những dấu hiệu thông thường và có thể tạo ra cảm giác rối loạn cảm xúc khi bạn cảm thấy bị mất quyền kiểm soát.

Một trong những khía cạnh tinh vi nhất của việc “bốc hơi” đột ngột đó là nó không chỉ khiến bạn nghi ngờ tính hợp lệ của mối quan hệ bạn đã có, mà còn khiến bạn tự đặt câu hỏi về bản thân mình. 

  • Tại sao tôi đã không nhận ra điều này sớm hơn? 
  • Tôi có làm gì sai không? 
  • Làm thế nào để tôi bảo vệ bản thân mình? 

Khi bị từ chối, lòng tự trọng của bạn có thể giảm xuống, điều mà các nhà tâm lý học xã hội cho rằng đó là tín hiệu cho thấy mức độ gắn kết xã hội của bạn đang ở mức thấp. Nếu bạn đã trải qua nhiều lần bị ngắt kết nối đột ngột hoặc nếu lòng tự trọng của bạn đã thấp rồi, bạn có khả năng sẽ trải nghiệm cảm giác bị từ chối còn đau đớn hơn. Bạn có thể mất nhiều thời gian hơn để vượt qua nó vì những người có lòng tự trọng thấp thường có ít opioid (chất giảm đau) tự nhiên được giải phóng trong não khi bị “ghost” so với những người có lòng tự trọng cao.

Về cơ bản, việc bị “ghost” khiến bạn rơi vào tình trạng bất lực và không có cơ hội đặt câu hỏi hoặc được giải đáp những băn khoăn. Nó khiến bạn im lặng và ngăn cản bạn bày tỏ cảm xúc và được lắng nghe, thấu hiểu. Bất kể mục đích của người đột ngột “bốc hơi” là gì, ghosting là một chiến thuật gây hấn thụ động giữa các cá nhân và có thể để lại những cơn đau tinh thần kéo dài.

Làm thế nào để bạn tiến về phía trước?

Điều quan trọng cần nhớ là khi ai đó bỏ rơi bạn, điều này không nói lên điều gì về bạn hay việc bạn có xứng đáng với tình yêu hay không. Điều đó cho thấy anh ấy hoặc cô ấy không đủ can đảm để đối mặt với cảm xúc khó chịu của họ hoặc của bạn và họ không hiểu tác động từ hành vi của mình. Trong mọi trường hợp, họ đã gửi cho bạn một tin nhắn cực kỳ lớn với nội dung:

“Tôi không có đủ điều kiện để có một mối quan hệ lành mạnh và trưởng thành với bạn.”

Đừng để hành vi xấu của người khác cướp đi tương lai tốt đẹp của bạn và ngăn cản bạn khỏi mối quan hệ lành mạnh khác. Giữ năng lượng của bạn, tập trung vào những điều khiến bạn hạnh phúc. Hãy nhớ rằng nếu bạn cư xử với mọi người một cách tôn trọng và chính trực thì kẻ “bốc hơi” kia đơn giản là không theo kịp bạn và ai đó tốt hơn sẽ đến với bạn. Mong bạn hãy luôn mở rộng trái tim và tiến về phía trước bạn nhé!


Nguồn: https://www.psychologytoday.com/us/blog/living-forward/201511/why-ghosting-hurts-so-much

 

#biến_mất_khỏi_mối_quan_hệ #hẹn_hò #tâm_lý_hẹn_hò #tình_yêu_online #mối_quan_hệ #tôn_trọng #đau_khổ_tâm_lý #tiến_về_phía_trước 

#ghosting #dating #onlinedating #relationships #psychologicalimpact #selfesteem #emotionalpain #movingforward

————–
(***) Bản quyền bài dịch thuộc về Tham vấn trị liệu Tâm lý MindCare. Khi chia sẻ, cần phải trích dẫn nguồn đầy đủ tên tác giả (nếu có) và nguồn là “Nguồn: Tham vấn trị liệu Tâm lý MindCare”. Các bài viết trích nguồn không đầy đủ, đều không được chấp nhận và phải gỡ bỏ.
——
💁‍♀️Tham gia group Tư vấn tâm lý cùng chuyên gia MindCare: https://www.facebook.com/groups/908586050050211
🌈Hãy liên hệ với chúng tôi bất cứ khi nào bạn cần được hỗ trợ:
☎️ 0866.13.58.85 (Dịch vụ Tham vấn Trị liệu, Đánh giá Tâm Lý) / 0877.16.33.66 (Dịch vụ Hướng nghiệp, Tâm Lý cho Doanh nghiệp & Học đường)
📧 tamlymindcare@gmail.com