CƠN HOẢNG LOẠN VS CƠN LO ÂU: ĐÂU LÀ SỰ KHÁC BIỆT?

Có thể bạn đã nghe đến hai thuật ngữ “cơn lo âu” (anxiety attack) và “cơn hoảng loạn” (panic attack) được sử dụng thay thế cho nhau. Điều này có thể lí giải, bởi chúng có chung một số triệu chứng. Tuy nhiên, các chuyên gia sức khỏe hành vi sử dụng các thuật ngữ này cho các triệu chứng và rối loạn cụ thể – chúng có các đặc điểm khác nhau.

Một cơn hoảng loạn có đặc trưng là nỗi sợ hãi hoặc khó chịu dữ dội gia tăng đột ngột kèm theo các triệu chứng thể chất và tinh thần khác. Các cơn hoảng loạn diễn ra theo từng đợt và thường lên đến đỉnh điểm trong vòng vài phút hoặc vài giờ.

Mặt khác, lo âu là một phần của các phản ứng cảm xúc và bảo vệ được gắn liền với cơ thể con người. Nó trở thành một vấn đề khi nó tồn tại dai dẳng, quá mức và gây trở ngại cho cuộc sống hàng ngày — trong trường hợp đó, ta gọi nó là chứng rối loạn lo âu. Mặc dù các triệu chứng lo âu dữ dội có thể giống một cuộc tấn công (attack), nhưng “cơn lo âu” không phải là một chẩn đoán được công nhận.

Bài viết này thảo luận về cơn hoảng loạn và cơn lo âu —những điểm tương đồng, khác biệt, định nghĩa, triệu chứng và cách điều trị của chúng.

Sự khác biệt lâm sàng

Các chuyên gia điều trị sức khỏe tâm thần sẽ chẩn đoán dựa trên các tiêu chí có trong Sổ tay Chẩn đoán và Thống kê Rối loạn Tâm thần, ấn bản lần thứ 5 (DSM-5). Mặc dù cơn lo âu và cơn hoảng loạn có thể có điểm giống nhau, nhưng những điểm khác biệt được nêu trong DSM sẽ giúp xác định và phân biệt chúng. Các định nghĩa và tiêu chí chẩn đoán trong DSM-5 sẽ hướng dẫn nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe chẩn đoán và phân loại tình trạng của bạn.

Sự khác biệt giữa hoảng loạn và lo âu rõ nhất là ở cường độ của các triệu chứng và khoảng thời gian các triệu chứng xảy ra. Các cơn hoảng loạn thường lên đến đỉnh điểm sau khoảng 10 phút trong khi lo âu có thể kéo dài hàng tháng.

Các cơn hoảng loạn chủ yếu liên quan đến tình trạng rối loạn hoảng sợ, mặc dù chúng có thể xảy ra cùng các rối loạn tâm thần khác. Bạn cũng có thể lên cơn hoảng loạn dù không mắc rối loạn gì. 

Chúng khác với lo âu ở chỗ chúng đi kèm với các triệu chứng như:

  • Cảm giác tách rời khỏi thế giới (mất kết nối với thế giới)
  • Cảm giác tách rời khỏi bản thân (mất kết nối với bản thân)
  • Nỗi sợ cái chết hoặc mất kiểm soát

Mặt khác, thuật ngữ “cơn lo âu” không được định nghĩa trong DSM-5. Thay vào đó, “lo âu” được sử dụng để mô tả một đặc điểm cốt lõi của một số bệnh lý được xác định trong đề mục rối loạn lo âu, rối loạn ám ảnh cưỡng chế và các rối loạn liên quan đến chấn thương và căng thẳng.

Lo âu được phân biệt với cơn hoảng loạn ở chỗ: nó có các triệu chứng như sợ hãi và lo lắng, nhưng không có cảm giác sợ hãi tột độ và cảm giác tách biệt xảy ra trong cơn hoảng loạn.

Cơn hoảng loạn

Một cơn hoảng loạn là một cảm giác sợ hãi, khủng hoảng hoặc khó chịu dữ dội và đột ngột kèm theo một số triệu chứng thể chất và tinh thần khác. Các triệu chứng của cơn hoảng loạn thường mạnh mẽ đến mức gây ra sự gián đoạn nghiêm trọng. Theo DSM-5, một cơn hoảng loạn được đặc trưng bởi ít nhất bốn trong số các triệu chứng sau đây.

Triệu chứng thực tế

  • Cảm giác không thực tế (mất kết nối với thế giới)
  • Cảm giác tách rời khỏi bản thân (mất kết nối với bản thân)
  • Nỗi sợ mất kiểm soát hoặc phát điên
  • Nỗi sợ cái chết

Triệu chứng thể chất

  • Đau ngực
  • Ớn lạnh
  • Đổ quá nhiều mồ hôi
  • Cảm giác nghẹt thở
  • Cảm thấy chóng mặt, không ổn định, hoa mắt hoặc ngất xỉu
  • Tim loạn nhịp, trống ngực hoặc nhịp tim tăng nhanh
  • Cơ thể nóng bừng
  • Buồn nôn hoặc đau bụng
  • Cảm giác tê hoặc ngứa ran (dị cảm)
  • Run rẩy hoặc run lập cập
  • Cảm giác hụt ​​hơi, khó thở

Các cơn hoảng loạn thường xảy ra bất ngờ mà không có nguyên nhân rõ ràng và ngay lập tức. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, chúng “có thể dự đoán” vì nỗi sợ hãi được gây ra bởi một tác nhân gây căng thẳng đã biết, chẳng hạn như một nỗi ám ảnh (phobia).

Các triệu chứng của cơn hoảng loạn lên đến đỉnh điểm trong vòng 10 phút rồi giảm dần. Tuy nhiên, một vài cơn có thể kéo dài lâu hơn hoặc xảy ra liên tiếp, gây khó khăn cho việc xác định khi nào một cơn kết thúc và một cơn khác bắt đầu. Sau một cơn hoảng loạn, không có gì lạ khi bạn cảm thấy căng thẳng, lo lắng, không thoải mái hoặc không yên lòng trong phần còn lại của ngày.

Lo âu

Ngược lại, sự lo âu thường gia tăng dần trong một khoảng thời gian và có mối tương quan chặt chẽ với sự lo lắng quá mức về một mối nguy hiểm tiềm ẩn nào đó — dù có thật hay chỉ trong cảm nhận. Nếu sự chờ đợi về một điều gì đó tăng lên và mức độ căng thẳng cao trở nên quá sức chịu đựng, bạn có thể cảm thấy như bị “tấn công”. Các triệu chứng của lo âu có thể bao gồm những điều sau đây.

Triệu chứng tâm thần

  • Khó tập trung
  • Cáu gắt
  • Bồn chồn

Triệu chứng thể chất

  • Giấc ngủ bị quấy rầy
  • Chóng mặt
  • Mệt mỏi
  • Tăng nhịp tim
  • Dễ giật mình
  • Căng cơ

Mặc dù một số triệu chứng lo âu tương đồng với các triệu chứng liên quan đến cơn hoảng loạn, nhưng nhìn chung chúng ít dữ dội hơn. Không giống cơn hoảng loạn, các triệu chứng lo âu có thể dai dẳng và kéo dài rất lâu — hàng ngày, hàng tuần hoặc thậm chí hàng tháng.

Chẩn đoán

Lo âu là một trong những tình trạng sức khỏe tâm thần phổ biến nhất, ảnh hưởng đến khoảng 19,1% người Mỹ trưởng thành mỗi năm. Mặc dù lo âu có thể tác động đáng kể đến cuộc sống của một người, nhưng chỉ có khoảng 20% ​​những người có triệu chứng tìm cách điều trị.

Hiện nay có các phương pháp điều trị hữu hiệu có thể cải thiện kết quả và sự hài lòng, vì vậy nói chuyện với bác sĩ nếu bạn có các triệu chứng lo âu hoặc hoảng loạn là điều rất quan trọng. Trong quá trình đánh giá, bác sĩ sẽ xem xét tiền sử bệnh, khám sức khỏe và có thể thực hiện các xét nghiệm để giúp loại trừ bất kỳ bệnh nội khoa nào có thể góp phần gây ra các triệu chứng của bạn. Bác sĩ hoặc chuyên gia sức khỏe tâm thần cũng sẽ đặt câu hỏi về các triệu chứng của bạn bao gồm cường độ, thời gian và tác động của chúng đối với hoạt động hàng ngày của bạn. Từ đánh giá của bạn, sau đó họ có thể đưa ra chẩn đoán dựa trên các tiêu chí có trong DSM-5.

Tóm tắt

Lo âu là một tình trạng sức khỏe tâm thần rất phổ biến, ảnh hưởng đến hàng triệu người Mỹ mỗi năm. Các bác sĩ thường sử dụng các công cụ sàng lọc để kiểm tra các triệu chứng lo âu. Chẩn đoán lo âu hoặc cơn hoảng loạn liên quan đến việc đánh giá các triệu chứng của cá nhân về tác động, thời gian và mức độ nghiêm trọng của chúng.

Điều trị hoảng loạn và lo âu

Cho dù bạn đang đối phó với sự hoảng loạn, lo âu dai dẳng hay cả hai, thì các phương pháp điều trị hữu hiệu đều có sẵn. Một số lựa chọn điều trị phổ biến nhất bao gồm trị liệu, thuốc kê đơn và các chiến lược tự hỗ trợ. Bạn có thể quyết định thử một hoặc kết hợp các phương pháp này.

  • Trị liệu tâm lý có thể giúp bạn hiểu rõ hơn về các triệu chứng, xây dựng cách thức để quản lý chúng, vượt qua nỗi đau trong quá khứ, xác định con đường cho tương lai và có được một tầm nhìn rõ ràng hơn để cảm thấy hy vọng hơn.
  • Thuốc giúp giảm các triệu chứng. Chúng có thể chỉ cần thiết trong một khoảng thời gian ngắn để giúp bạn kiểm soát các triệu chứng trong khi bạn thực hiện các chiến lược dài hạn khác.
  • Các kỹ thuật tự hỗ trợ, chẳng hạn như các bài tập thở và thư giãn cơ từ từ cũng có thể có lợi trong việc kiểm soát triệu chứng theo tốc độ của riêng bạn.

Kết

Lo âu và hoảng loạn có khả năng làm gián đoạn cuộc sống hàng ngày của bạn. Cho dù bạn hay bạn bè hoặc người thân của bạn đang trải qua chúng, hãy nhớ rằng luôn có sự trợ giúp. Trò chuyện với bác sĩ về các triệu chứng của bạn là bước đầu tiên để tìm kiếm lối thoát cho chúng.

Nguồn: https://www.verywellmind.com/anxiety-attacks-versus-panic-attacks-2584396

————–
(***) Bản quyền bài dịch thuộc về Tham vấn trị liệu Tâm lý MindCare. Khi chia sẻ, cần phải trích dẫn nguồn đầy đủ tên tác giả (nếu có) và nguồn là “Nguồn: Tham vấn trị liệu Tâm lý MindCare”. Các bài viết trích nguồn không đầy đủ, đều không được chấp nhận và phải gỡ bỏ.

————–
Hãy liên hệ với chúng tôi bất cứ khi nào bạn cần được hỗ trợ:
☎️ 0828.77.22.33 (Dịch vụ Tham vấn Trị liệu, Đánh giá Tâm Lý) / 0877.16.33.66 (Dịch vụ Hướng nghiệp, Tâm Lý cho Doanh nghiệp & Học đường)
📧 tamlymindcare@gmail.com
📲 https://mindcare.vn/