“Chiếc áo” của người chăm sóc có phải là quá rộng so với một đứa trẻ không?

Khi cha mẹ phải vật lộn với các rối loạn tinh thần nghiêm trọng, con cái họ có thể đóng vai trò là người chăm sóc chính. Những trải nghiệm ấy ra sao và ảnh hưởng như thế nào dưới quan điểm của đứa trẻ? Để hiểu thêm về trải nghiệm đó, mời bạn theo dõi câu chuyện của Michelle qua bài phỏng vấn trong tập podcast “Inside Mental Health Podcast: Caring for My Bipolar Mother” dưới sự dẫn dắt của Gabe Howard.

Giới thiệu người tham gia:

  • Michelle E. Dickinson là một nhà ủng hộ sức khỏe tinh thần đầy nhiệt huyết, diễn giả TED và là tác giả của cuốn hồi ký có tựa đề “Breaking Into My Life”. Sau nhiều năm đóng vai trò là người chăm sóc chính cho người mẹ mắc rối loạn lưỡng cực, Michelle bắt đầu hành trình khám phá bản thân và chữa lành vết thương của chính mình. 

  • Gabe Howard là một nhà văn, diễn giả từng đoạt giải thưởng và hiện cũng đang “chung sống” với chứng rối loạn lưỡng cực. Ông là tác giả của cuốn sách nổi tiếng “Mental Illness is an Asshole and other Observations”

Gabe Howard: Chúng tôi thực sự vui mừng khi chị đã đồng ý tham gia chương trình. Một trong những điều quan trọng chị đã nhắc đến trước đó là “ba giai đoạn đối mặt với sức khỏe tinh thần”. Chị có thể giải thích điều đó có nghĩa là gì không?

Michelle E. Dickinson: Tôi không có ý định trải nghiệm những điều đó nhưng chuyện gì xảy ra thì nó đã xảy ra. Đúng vậy, tôi lớn lên trong vòng tay của người mẹ mắc rối loạn lưỡng cực. Và chính trải nghiệm đó đã đưa tôi trở thành người phụ nữ như ngày hôm nay. Nó mở ra cho tôi con đường xuất bản cuốn sách đời mình, những bài nói chuyện trên TED. Tôi là con nuôi trong gia đình nên tôi không cảm thấy lo lắng về việc mắc chứng rối loạn lưỡng cực do di truyền. Tôi nghĩ mọi chuyện như thế đã là quá đủ, nhưng không. Vào năm ngoái, tôi mắc kẹt trong những đau khổ khi biến cố ập đến, và lần đầu tiên trong đời, tôi phải đối mặt với chứng trầm cảm của riêng mình. Quả thật, không ai trên đời này là miễn nhiễm với các vấn đề về sức khỏe tinh thần. Cũng trong giai đoạn đó, tôi làm việc cho công ty Fortune 500, ở đó tôi tham gia vào quá trình xây dựng nhóm nhân viên chăm sóc sức khỏe tinh thần, với mục đích xóa bỏ sự kỳ thị về các rối loạn tâm lý tại nơi làm việc. 

Gabe Howard: Tôi rất cảm kích vì tất cả những gì chị đã làm. Chị có thể chia sẻ thêm về thời thơ ấu của chị và việc chăm sóc mẹ của chị đã diễn ra như thế nào được không? Khi ấy, chị chỉ là một đứa trẻ nhưng lại phải vất vả chăm sóc cho một người lớn nhỉ?

Michelle E. Dickinson: Vâng, anh biết đấy, chuyện đó (chăm sóc người mẹ) là điều bình thường đối với tôi. Tôi không biết điều gì là bất thường. Cho đến mãi sau này, khi tôi nhìn lại quãng thời gian ấy, và anh biết đấy, ồ quả thật tôi đã có một trải nghiệm rất khác so với bạn bè đồng trang lứa. Mẹ tôi đã mắc chứng rối loạn lưỡng cực từ khi tôi còn rất nhỏ, khi ấy tôi chỉ độ chừng 6 tuổi, thực sự là rất rất nhỏ. Lúc ấy tôi chỉ biết rằng mẹ tôi hơi khác một chút. Thỉnh thoảng, bà ấy sẽ rơi vào một khoảnh khắc buồn bã và rồi ngay sau đó mẹ tôi tôi bỗng chốc vui vẻ, tràn đầy hứng khởi. Thật giống như mẹ tôi đã “treo mình” trên chiếc tàu lượn siêu tốc. Có lần, mẹ tôi phải nhập viện, bà đã phải trải qua rất nhiều liệu pháp điều trị khác nhau, bao gồm thuốc men hoặc liệu pháp sốc… Và có những lúc, mẹ tôi khoẻ hơn một chút nhưng bà vẫn rất yếu đuối, mong manh. Đó là những khi tôi phải vào vai người chăm sóc. Bố của tôi là trụ cột kinh tế chính trong gia đình, ông thường hỏi tôi rằng liệu tôi có thể ở nhà và ở bên mẹ được không vì bà đang suy sụp và khóc. Anh biết đấy, chúng tôi cần một ai đó chăm sóc cho mẹ. Thêm nữa, tôi đã giữ kín bí mật này trong suốt thời gian đi học của mình. Chẳng ai muốn mọi người biết rằng mẹ của bạn đang bệnh, giống như, anh biết đấy, mẹ của bạn bị “điên”. Tôi không mời bạn bè đến nhà mình chơi. Tâm trạng của mẹ rất thất thường. Mẹ sẽ cư xử theo một lối hoàn toàn vô lý, và rồi tôi phải giải thích với bạn bè, cố gắng đến trường vào hôm sau như thể mọi chuyện vẫn bình thường. Điều đó rất khó khăn với tôi. Ngay cả khi tôi lớn lên, tôi không còn sống chung với gia đình nhưng dường như tôi vẫn nằm dưới sự kiểm soát của mẹ tôi, bà luôn “giữ lấy” tôi theo một kiểu nào đó.

[…]

Michelle E. Dickinson: Vào tuổi ấy, tôi có rất nhiều điều xấu hổ và bối rối khi có một người mẹ hoàn toàn khác so với mẹ của các bạn tôi. Có lần, tôi đến chơi nhà bạn của mình và mẹ của họ đối đãi hết mực yêu thương, chăm sóc, không vô lý và hoàn toàn ổn định. Vì vậy, tôi đã nhận ra có điều gì đó không ổn khi thấy được sự tương phản đó. Và vì xấu hổ và bối rối nên tôi đã không nói về chúng. Tôi đã không nói cho những người bạn mười và mười hai tuổi biết rằng cuộc sống ở nhà tôi như thế nào. Mãi cho đến khi tôi tham gia một khóa tu cuối tuần của một nhóm thanh niên Công giáo, tại nơi đây tôi cảm thấy đủ an toàn để chia sẻ những gì tôi đã trải qua ở nhà. 

Tôi bắt đầu phần chia sẻ của mình bằng một thông điệp: “Bạn không bao biết ai đó đang phải đối mặt với điều gì bên ngoài trường học, bạn không bao giờ biết họ đang phải giải quyết vấn đề gì ở nhà. Vì thế, hãy đối đãi tử tế với nhau nếu có thể”. Tôi được nuôi lớn bởi người mẹ không khỏe của mình và rằng tôi không kể về điều này với ai khác ở trường. Khi bạn bè đối đãi tử tế với tôi, điều đó thật sự có ý nghĩa bởi vì ở nhà thật khó khăn. Lúc đấy, tôi mở lòng mình với các bạn trong nhóm tại khoá tu đó, giống như tôi đã nhấc được tảng đá nặng trĩu ra khỏi vai tôi và cuối cùng tôi đã được là chính mình. Những đứa trẻ khi ấy đã hiểu những gì mà tôi nói, và chỉ việc hiểu thôi đã là đủ với tôi. Họ không hỏi sâu vào chi tiết câu chuyện. Tôi nói rằng đôi khi tôi rất buồn và không thể làm gì với nỗi buồn này. Chính nhờ tình yêu thương, lòng trắc ẩn và sự hỗ trợ của những người bạn này đã trở thành nguồn động viên rất lớn cho tôi.    

Gabe Howard: Lần đầu tiên bạn thực sự nói với ai đó rằng ‘mẹ tôi mắc chứng rối loạn lưỡng cực’ là khi nào?

Michelle E. Dickinson: Có lẽ là khi tôi bắt đầu hiểu thuật ngữ này, có lẽ là vào khoảng tôi học trường trung học. Tôi hiểu về nó bởi vì lúc đó bố tôi và tôi đang lên chiến lược để hỗ trợ cho mẹ. Có lẽ mẹ cần một loại thuốc mới hoặc cần gặp một bác sĩ khác. Thuốc không có tác dụng hay là do mẹ tôi đã không uống chúng? Vì vậy, tôi đã bàn bạc với bố tôi và chúng tôi nói chuyện về các kiểu chăm sóc khác nhau. Và tôi đã thực sự biết tên gọi của rối loạn mà mẹ đang mang để có thể giúp đỡ cho bà ấy. 

Gabe Howard: Với những nỗ lực của chị thì mẹ chị phản ứng thế nào với những điều đó?

Michelle E. Dickinson: Khi còn là một cô bé, tôi nghĩ rằng mình thực sự có khả năng tác động đến tâm trạng của mẹ tôi. Đó là một thực tế sai lầm. Nhưng tôi lớn lên với suy nghĩ nếu tôi là một đứa trẻ ngoan thì mẹ sẽ không giận tôi. Nếu tôi luôn là một cô bé vui vẻ, tôi có thể giúp bà ấy thoát khỏi nỗi buồn. Tôi đã viết câu chuyện này trong sách của mình. Lần đó sau khi tan học về nhà, tôi thấy mẹ mình ngồi khóc. Anh biết đấy, thật sự rất khó khăn khi nhìn thấy mẹ tôi khóc. Tôi nhớ mình đã ngồi trên ghế dài và pha trò, cố làm mẹ cười, kể cho mẹ nghe những câu chuyện ngớ ngẩn về giáo viên tiếng Tây Ban Nha của tôi, những điều hài hước mà người giáo viên ấy đã nói. Dù cho tôi đã cố gắng rất nhiều thế nhưng mẹ không cười. Mặt khác, cơn hưng cảm của mẹ cũng đem lại những kỷ niệm tuyệt diệu khác. Ý tôi là, chúng tôi đi mua sắm thoải mái, bà ấy trông như một người mẹ hạnh phúc đi chơi với cô con gái đáng yêu của mình và chúng tôi chụp những bức ảnh cùng nhau. Tôi đã vô cùng mãn nguyện.

Và tôi có một người bố, Chúa phù hộ cho ông, đã làm những gì tốt nhất có thể. Nhưng bố không hiểu về những khó khăn mà mẹ đang phải trải qua, thậm chí ông còn nói với bà rằng, hãy thôi những hành động ấy đi, hãy thoát khỏi nó đi. Bởi thế, đâu đó tôi tin rằng mỗi hành động của tôi, cách tương tác của tôi với mẹ có thể ảnh hưởng đến tâm trạng của bà. Và tôi thực sự có khả năng cải thiện bệnh tình của mẹ. Đây quả thực là chuyện khó khăn vì chính nó đã tạo ra một người đồng phụ thuộc. Nó tạo ra một người không bao giờ nói ra sự thật. Nó tạo ra một người đặt nhu cầu của người khác lên hàng đầu. Luôn luôn là thế. Vâng, đúng thế, những thứ đó đã định hình nên tôi.

[…]

Gabe Howard: Có vẻ như nếu chị là người chăm sóc mẹ và hợp tác với bố để tìm ra cách hỗ trợ tốt nhất cho mẹ, thế thì việc chăm sóc con cái của người bố như thế nào?

Michelle E. Dickinson: Nhiệm vụ trọng tâm mà bố tôi đã làm là cung cấp, kiểu như bố tôi sẽ nói: ‘Hãy để tôi làm việc chăm chỉ. Hãy để tôi đảm bảo rằng cô ấy nhận được sự chăm sóc sức khỏe mà cô ấy cần. Hãy để tôi lên kế hoạch một kỳ nghỉ để đưa cô ấy rời xa cuộc sống của mình trong một phút, vì tôi biết điều đó sẽ khiến cô ấy hạnh phúc.’ Bây giờ, tôi nhìn bố tôi với tất cả tấm lòng của mình, vì bố tôi lớn lên với sự nuôi dưỡng của một người mẹ nghiện rượu. Ông có một tuổi thơ thật khó khăn. Sau đó ông kết hôn với một người phụ nữ mắc rối loạn lưỡng cực và sau đó ông ấy chỉ biết cúi đầu làm việc thật chăm chỉ và cố gắng chu cấp, chăm sóc cho gia đình. Và mãi sau đó, bố phải đưa mẹ vào viện tâm thần khi tình trạng trở nên quá tệ. Khi tôi nhìn lại tuổi thơ của mình, trái tim tôi thực sự hướng về ông với tất cả sự biết ơn vì những gì bố đã dành cho tôi, thay vì những điều mà ông ấy không làm. Tôi nghĩ rất dễ để chỉ tay vào bố và nói rằng lẽ ra ông ấy phải làm tốt hơn. Ông ấy có thể giúp nuôi dạy tôi tốt hơn, ông ấy lẽ ra phải trấn an tôi và cho tôi những thứ mà mẹ tôi không thể dành cho tôi. Nhưng bố đã làm những gì tốt nhất có thể. Và tôi dành rất nhiều sự trân trọng, tình yêu với những gì mà bố đã hy sinh cho gia đình.

Gabe Howard: Ở đầu chương trình, chị nói rằng chị trải qua ba vấn đề về sức khỏe tinh thần. Một trong số đó là chị đã được chẩn đoán mắc bệnh trầm cảm. Chị có hiểu thêm về những gì mà mẹ chị đã trải qua không? Chị có thể nói về điều đó một chút được không?

Michelle E. Dickinson: Tôi nghĩ đến sự vô vọng. Giống như sự tuyệt vọng của mẹ tôi. Tôi chưa bao giờ hiểu được bởi vì tôi nghĩ, Chúa ơi, hôm nay quả thật là một ngày đẹp trời. Cho đến khi tôi phải đối mặt với chứng trầm cảm và thật khó để ra khỏi giường dù cho đó là một ngày nắng đẹp. Tôi không thể nhìn thấy vẻ đẹp ấy. Tôi mất động lực, tôi không thể tập trung, tôi thường xuyên lo lắng. Và rồi, cuối cùng tôi đã thực sự trải qua điều mà mẹ tôi đã từng chịu. Anh biết đấy, anh không thể bảo một người bị trầm cảm là hãy thoát ra khỏi nó. Anh không thể nói với họ rằng họ nên biết ơn về những gì mà họ đang có, rằng hôm nay là một ngày đẹp đẽ biết bao. Anh không thể làm điều đó được.

[…]

Gabe Howard: Còn về giai đoạn thứ ba của chị thì như thế nào? Giai đoạn chị trở thành người vận động, xây dựng các đội nhóm hỗ trợ về sức khỏe tinh thần ấy.

Michelle E. Dickinson: Khi tôi bắt đầu vận động và xây dựng đội nhóm hỗ trợ, mọi người bắt đầu bước ra khỏi bóng tối và nói, ồ, tôi muốn một môi trường không kì thị những người mắc rối loạn tâm lý. Có hai nghìn nhân viên trên toàn cầu đã tham gia. Thật không thể tin được. Các cuộc thảo luận, bàn tròn và các buổi nói chuyện TED đã giúp nhân viên chia sẻ kinh nghiệm của họ và giúp họ cảm thấy được kết nối, tránh cảm giác cô lập. Điều này khuyến khích việc tạo ra nhóm nguồn lực trong công ty để hỗ trợ mọi người và đảm bảo rằng không có sự phân biệt đối xử khi nói về vấn đề tâm lý. Ít nhất, có một nhóm cốt lõi để thảo luận và chia sẻ thông tin là quan trọng. Tiếp tục xây dựng và duy trì những nhóm trò chuyện và chia sẻ, là bước quan trọng để tạo ra môi trường hỗ trợ và hữu ích.

Chú thích của người biên tập:

  • Bài viết chủ yếu là những đoạn trích xoay quanh trải nghiệm của Michelle trong vị trí là một người con chăm sóc cho mẹ mắc rối loạn lưỡng cực ở thời thơ ấu và niên thiếu. Mời bạn đọc bài phỏng vấn đầy đủ của Michelle qua trang web: https://psychcentral.com/blog/podcast-caring-for-my-bipolar-mother#9

  • Ba giai đoạn mà Michelle nhắc đến trong buổi phỏng vấn: (1) Cô lớn lên trong gia đình có mẹ bị rối loạn lưỡng cực, từ trải nghiệm này cô bắt đầu viết sách và có những bài nói chuyện trên TED Talk về nó; (2) Năm 2019, cô gặp phải một sự kiện lớn, gây ảnh hưởng đến cuộc đời của cô và cô rơi vào trầm cảm; (3) Trong quá trình chiến đấu với trầm cảm, cô cũng làm việc cho một công ty Fortune 500, ở đó cô tham gia vào quá trình xây dựng nhóm nhân viên chăm sóc sức khỏe tinh thần lớn nhất, với mục đích xóa bỏ sự kỳ thị về về sức khỏe tinh thần tại nơi làm việc. 

Nguồn: https://psychcentral.com/blog/podcast-caring-for-my-bipolar-mother#9

#rối_loạn_lưỡng_cực #vai_trò_chăm_sóc #phỏng_vấn 

#bipolardisorder #caregiverrole #interview


————–

(***) Bản quyền bài dịch thuộc về Tham vấn trị liệu Tâm lý MindCare. Khi chia sẻ, cần phải trích dẫn nguồn đầy đủ tên tác giả (nếu có) và nguồn là “Nguồn: Tham vấn trị liệu Tâm lý MindCare”. Các bài viết trích nguồn không đầy đủ, đều không được chấp nhận và phải gỡ bỏ.

——

💁‍♀️Tham gia group Tư vấn tâm lý cùng chuyên gia MindCare: https://www.facebook.com/groups/908586050050211

🌈Hãy liên hệ với chúng tôi bất cứ khi nào bạn cần được hỗ trợ:

☎️ 0866.13.58.85 (Dịch vụ Tham vấn Trị liệu, Đánh giá Tâm Lý) / 0877.16.33.66 (Dịch vụ Hướng nghiệp, Tâm Lý cho Doanh nghiệp & Học đường)

📧 tamlymindcare@gmail.com

📲 https://mindcare.vn/