CÁCH TẠO SỨC SỐNG CHO NHỮNG MỐI QUAN HỆ – NHỮNG GỢI Ý RÚT RA TỪ CÔNG TRÌNH NGHIÊN CỨU KHOA HỌC DÀI NHẤT THẾ GIỚI VỀ HẠNH PHÚC

Tình hình mối quan hệ của bạn đang như thế nào? Mối quan hệ ấy có tiến triển tốt đẹp không? Bạn có đang cần một chút sự quan tâm hoặc hỗ trợ nào từ đối phương không? Ngay cả trong những mối quan hệ lành mạnh nhất, đôi khi chúng ta hay rơi vào các thói quen lặp đi lặp lại hoặc các tương tác tự động nhàm chán, điều này có thể khiến mối quan hệ trở nên ít sống động và đơn điệu. Sau đây là bốn chiến lược mà chúng tôi nhận thấy cả trong nghiên cứu lẫn trị liệu đều có hiệu quả trong việc làm sinh động và tiếp thêm sinh lực cho tất cả các mối quan hệ của bạn.

Gợi ý số 1: Cảm nhận sức mạnh của sự hào phóng

Các mối quan hệ nên là một liên hệ mang tính tương hỗ, tức là sự hỗ trợ ở cả hai chiều. Sự hỗ trợ mà chúng ta nhận được hiếm khi tương đồng chính xác như sự hỗ trợ mà chúng đã cung cấp. Chúng ta không thể trực tiếp kiểm soát cách người khác tương tác với mình nhưng chúng ta có thể kiểm soát cách chúng ta tương tác với người khác. Chúng ta có thể không nhận được một hình thức hỗ trợ nhất định nào đó (như cách mà ta hằng mong muốn), nhưng điều đó không có nghĩa là chúng ta không thể cho đi điều đó.

Đức Đạt Lai Lạt Ma nhắc nhở chúng ta rằng: “Chúng ta ích kỷ, nhưng chúng ta cần ích kỷ một cách khôn ngoan, chứ không phải ích kỷ một cách ngu ngốc. Nếu chúng ta bỏ bê người khác, chúng ta cũng thua cuộc. Chúng ta có thể giáo dục mọi người hiểu rằng cách tốt nhất để đáp ứng lợi ích của chính mình là quan tâm đến lợi ích của người khác. Nhưng việc này sẽ mất thời gian.”

Nghiên cứu cho thấy rõ ràng rằng Ông ấy đã đúng. Việc giúp đỡ người khác mang lại lợi ích cho chính người giúp đỡ. Trở nên hào phóng là một cách khơi gợi trong bộ não của bạn những cảm xúc tốt đẹp, và những cảm xúc tốt đẹp đó lần lượt khiến chúng ta có nhiều khả năng giúp đỡ người khác hơn trong tương lai. Sự hào phóng là một vòng xoáy đi lên.

Gợi ý số 2: Rèn luyện tính tò mò triệt để

Sự tò mò – thái độ muốn hiểu sâu sắc về những gì người khác đang trải qua, có tác dụng lâu dài trong các mối quan hệ quan trọng. Nó mở ra những cuộc trò chuyện và sự hiểu biết mà chúng ta chưa từng biết là nó có ở đó. Nó giúp người khác cảm thấy được thấu hiểu và trân trọng. Điều này quan trọng ngay cả trong những mối quan hệ ít kết nối hơn. Sự tò mò có thể tạo tiền lệ cho việc quan tâm và tăng cường sức mạnh cho những mối liên kết mới hoặc ít thân thiết.

Có thể bạn sẽ biết có ai đó luôn nói chuyện với mọi người, tìm hiểu những câu chuyện và ý kiến của họ. Không phải ngẫu nhiên mà những người này thường rất vui vẻ và sống động. Bob (hay còn gọi là Robert Waldinger, một trong những đồng tác giả của cuốn sách được trích từ cuốn The Good Life: Lessons from the World’s Longest Scientific Study of Happiness) chia sẻ về người bố của mình – người luôn nói chuyện với những người lạ ở khắp mọi nơi. Ông ấy luôn tò mò về mọi người. Dì và chú của Bob thường kể về chuyện họ từng lên taxi với bố Bob ở Washington DC. Như thường lệ, bố Bob ngồi phía trước để ông có thể nói chuyện với người tài xế. Trong khi chăm chú nghe kể lại toàn bộ câu chuyện cuộc đời của tài xế, ông ấy bắt đầu chơi đùa với chiếc cửa sổ kính 1/4 – từng là nét đặc trưng của những chiếc ô tô cũ. Ông ta mải mê trò chuyện đến nỗi không nhận ra cửa sổ đã rơi ra trên tay mình. Những tràng cười vang lên từ hàng ghế sau, nhưng bố của Bob quá mải mê nên không để ý. Ông ta đặt chiếc cửa sổ nhỏ lên ghế bên cạnh và bắt đầu nghịch tay quay cửa sổ, nó cũng bị bung ra. Ông ấy cũng đặt nó xuống và tiếp tục đặt câu hỏi. May mắn cho chiếc xe vì đó chỉ là một quãng đường ngắn. Bố của Bob không nhất thiết phải làm điều đó để đối xử tốt với mọi người. Ông ấy làm điều đó bởi vì nó khiến ông ấy cảm thấy dễ chịu. Nó tiếp thêm sinh lực cho ông ấy. 

​​Một số trong số chúng ta có thể đã mất đi trí tò mò và không biết cảm giác của nó là như thế nào, vì vậy chúng ta cần phải lưu ý nhiều hơn. Điều quan trọng của thực hành sự tò mò là để tái khám phá sự quan tâm tự nhiên của mình đối với mọi người, và chúng ta cần phải dám bước ra ngoài biên giới của cuộc trò chuyện thông thường. Chúng ta cần phải tự hỏi: “Người này là ai và mục tiêu của họ là gì?”. Sau đó, đơn giản như việc đặt ra một câu hỏi, lắng nghe câu trả lời và xem chúng ta sẽ được dẫn đến đâu.

Điểm quan trọng ở đây là tò mò giúp chúng ta thiết lập kết nối với người khác, và sự kết nối này làm cho cuộc sống của chúng ta trở nên phong phú hơn. Sự tò mò thực sự khuyến khích mọi người chia sẻ nhiều hơn về bản thân với chúng ta và giúp chúng ta hiểu họ hơn. Quá trình này tạo nên sự sống động, thú vị cho tất cả mọi người tham gia. Thậm chí một sự quan tâm nhỏ, một câu nói ngắn gọn, có thể mang lại cảm giác mới mẻ, những kết nối mới, và những hướng đi mới trong cuộc sống.

Gợi ý số 3: Truyền đạt lại sự hiểu biết về người khác

Khi mọi người biết rằng chúng tôi – Bob và Marc là những nhà trị liệu, họ thường phản ứng bằng những điều như: “Làm sao bạn có thể luôn lắng nghe vấn đề của người khác? Điều đó hẳn là rất mệt mỏi và chán nản.”

“Thực sự, việc lắng nghe không phải lúc nào cũng dễ dàng, nhưng một trải nghiệm mạnh mẽ và phổ biến đối với cả hai chúng tôi là lòng biết ơn đối với những người mà chúng tôi làm việc cùng. Chúng tôi học hỏi từ kinh nghiệm của họ và điều đó đã làm cho mối quan hệ của chúng tôi với họ trở nên sâu sắc hơn.”

Một trong những niềm vui tuyệt vời nhất của chúng ta – và điều này không chỉ giới hạn trong lĩnh vực trị liệu, đó là khi chúng ta cảm nhận được rằng chúng ta đã hiểu được trải nghiệm của người khác, và sau đó chúng ta có khả năng truyền đạt sự hiểu biết đó theo cách mà họ thật sự cảm thấy. Điều này làm cho cuộc sống trở nên đáng sống khi chúng ta hòa nhập bản thân với trải nghiệm của người khác.

Đây là một bước quan trọng trong việc kết nối với người khác thông qua sự tò mò: truyền đạt lại những hiểu biết mới của bạn cho họ. Chẳng hạn như, bạn nghe một ai đó diễn đạt lại chính xác những trải nghiệm của chính bạn và chúng được trình bày rõ ràng, rành mạch có thể là một điều gì đó rất thú vị. Đặc biệt là khi bạn đang cảm thấy lạ lẫm trong môi trường xã hội, đột nhiên ai đó nhìn thấy con người thật của bạn và phản hồi điều ấy với bạn. Trong giây lát, có thể trải nghiệm này đã phá vỡ rào cản giữa bạn và thế giới. Được-nhìn-thấy là một điều tuyệt vời, phải không? Ngược lại, khi thực sự nhìn thấy, hiểu được ai đó và truyền đạt những gì bạn nhìn thấy với họ, đó cũng là một trải nghiệm thật sự đáng giá và quý báu.

Gợi ý số 4: Thường xuyên quan tâm đến những mối quan hệ 

Thường xuyên lùi lại và xem xét các mối quan hệ của bạn có thể hữu ích. Nếu khả năng hòa nhập xã hội của bạn không ở mức bạn mong muốn, bạn có thể thực hiện việc tự phản ánh trên các mối quan hệ đã có. Nếu bạn đang trong giai đoạn chán nản, mệt mỏi, hãy thử dành một phút để suy ngẫm xem các mối quan hệ của bạn đang tiến triển như thế nào và bạn ước điều gì có thể khác đi.

Nếu bạn là kiểu người lập kế hoạch, hãy biến nó thành một việc làm thường xuyên. Chẳng hạn, hàng năm vào ngày đầu năm mới hoặc sinh nhật của bạn, hãy dành một chút thời gian để vẽ nên thế giới hiện tại của bạn (bạn có thể in ra và điền vào biểu đồ trên trang này) và xem xét những gì bạn đang cho đi, nhận được và nơi bạn muốn ở trong một năm nữa. Trong 12 tháng kế tiếp, hãy nhìn lại để xem mọi thứ đã thay đổi như thế nào. Nhiều thứ có thể xảy ra trong một năm.

Nếu không có gì đổi khác, việc này sẽ nhắc nhở chúng ta về điều gì là quan trọng nhất và đó luôn là điều tốt. Khi những người tham gia Nghiên cứu về Phát triển ở Người lớn của Harvard (The Harvard Study of Adult Development), bước vào tuổi 70, 80 và được yêu cầu nhìn lại cuộc đời của họ, họ nói rõ rằng điều họ coi trọng nhất là mối quan hệ của họ với gia đình và bạn bè.

Nếu chúng ta chấp nhận rằng các mối quan hệ của chúng ta thực sự là một trong những công cụ quý giá nhất để duy trì sức khỏe và hạnh phúc, thì việc lựa chọn đầu tư thời gian và sức lực vào chúng trở nên cực kỳ quan trọng. Và đầu tư vào xây dựng các mối quan hệ của chúng ta không chỉ là đầu tư cho cuộc sống ở hiện tại, mà đó còn là một khoản đầu tư sẽ ảnh hưởng đến mọi thứ về cách chúng ta sống trong tương lai.

(Bài viết trích từ cuốn sách The Good Life: Lessons from the World’s Longest Scientific Study of Happiness của Robert Waldinger và Marc Schulz)

Nguồn: https://ideas.ted.com/how-to-add-new-life-to-your-relationships-even-your-best-ones/

#mối_quan_hệ #quan_tâm #hỗ_trợ #tò_mò #hiểu_biết #phát_triển_mối_quan_hệ

#relationships #care #support #curiosity #understanding #relationshipdevelopment

————–
(***) Bản quyền bài dịch thuộc về Tham vấn trị liệu Tâm lý MindCare. Khi chia sẻ, cần phải trích dẫn nguồn đầy đủ tên tác giả (nếu có) và nguồn là “Nguồn: Tham vấn trị liệu Tâm lý MindCare”. Các bài viết trích nguồn không đầy đủ, đều không được chấp nhận và phải gỡ bỏ.
——
💁‍♀️Tham gia group Tư vấn tâm lý cùng chuyên gia MindCare: https://www.facebook.com/groups/908586050050211
🌈Hãy liên hệ với chúng tôi bất cứ khi nào bạn cần được hỗ trợ:
☎️ 0866.13.58.85 (Dịch vụ Tham vấn Trị liệu, Đánh giá Tâm Lý) / 0877.16.33.66 (Dịch vụ Hướng nghiệp, Tâm Lý cho Doanh nghiệp & Học đường)
📧 tamlymindcare@gmail.com