BỘC LỘ CẢM XÚC LÀ MỘT THẾ MẠNH, KHÔNG PHẢI LÀ MỘT ĐIỂM YẾU

Aerosmith đã hát về nó. Whitney Houston, Mariah Carey, Destiny’s Child và vô số nghệ sĩ khác cũng vậy. Họ đã thể hiện trong âm nhạc của mình những cảm xúc mà hầu như mọi khán giả đều có thể thấu hiểu được. Nghiên cứu đã chỉ ra rằng mọi người trải qua ít nhất một loại cảm xúc trong 90% thời gian, và thường thì niềm vui là cảm giác chủ đạo. Điều này có ý nghĩa quan trọng vì thể hiện cảm xúc có ảnh hưởng đến sức khỏe của chúng ta.

Nghiên cứu cho thấy việc trải qua cảm xúc tích cực giúp gia tăng cảm giác hạnh phúc, giảm huyết áp, và giảm nguy cơ mắc các vấn đề về tim mạch. Ngoài ra, việc giải phóng các cảm xúc tiêu cực giúp giảm căng thẳng, vượt qua nỗi sợ hãi, và thậm chí nâng cao nhận thức về các loại cảm xúc mà bạn đã trải qua.

Liz Wilson, Tiến sĩ và nhà khoa học hành vi, người sáng lập của Include Inc giải thích: “Ý tưởng cho rằng phụ nữ có nhiều cảm xúc hơn về mặt “sinh học” đã bị các nhà nghiên cứu bác bỏ. Cảm xúc không phân biệt giới tính. Nhưng nó có thể bị điều kiện hoá.” Mặc dù phụ nữ thường tự do hơn trong việc thể hiện cảm xúc của họ, nhưng rõ ràng cảm xúc không chỉ thuộc về phái nữ. Thực chất, cảm xúc là yếu tố quan trọng, bộc lộ những nét độc đáo, riêng biệt của tất cả mọi người.

Vấn đề có thể nằm ở việc kìm nén cảm xúc

Khi chúng ta giữ cảm xúc bên trong mà không thể giải phóng hoặc xử lý chúng, điều này có thể có tác động xấu đến cả tâm trí và sức khỏe thể chất của chúng ta. Tiến sĩ Wilson đã nhấn mạnh: “Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng khi một người kìm nén, hoặc bỏ qua cảm xúc của mình, điều này có thể dẫn đến các vấn đề sức khỏe tâm thần như trầm cảm và lo âu, cũng như các vấn đề về sức khỏe thể chất như bệnh tim, các rối loạn miễn dịch và các vấn đề về đường tiêu hóa.”

Chúng ta không nên cố gắng kìm nén cảm xúc của mình. Tuy nhiên, chúng ta cũng hiểu rằng có những tình huống mà việc trở nên quá xúc động được xem là điều khó chấp nhận. Diễn viên nổi tiếng Tom Hanks từng nói: “Không có tiếng khóc trong môn bóng chày” trong bộ phim “A League of their Own”. Mặc dù lời thoại mang tính hài hước, nhưng điều này đặt ra vấn đề về việc che giấu cảm xúc trong một số trường hợp cụ thể. Khóc tại nơi làm việc cũng thường được xem là điều không nên đối với nhiều phụ nữ. Nếu bạn bật khóc, điều này có thể tạo ấn tượng rằng bạn không chuyên nghiệp và không thể đối phó với công việc. Do đó, rất nhiều người có thể đang đứng trên bờ vực kiểm soát cảm xúc của họ. Họ hiểu rằng bộc lộ cảm xúc thường xuyên không phải là một lựa chọn tối ưu, nhưng việc kìm nén chúng lại là một điều hết sức khó khăn.

Tiến sĩ Wilson đã lưu ý: “Việc che giấu cảm xúc không làm cho chúng biến mất. Thực tế, cảm xúc có thể bị tích tụ dần dần và trở nên ngày một mãnh liệt hơn. Điều này cũng ảnh hưởng đến khả năng của người đó trong việc tránh thể hiện cảm xúc một cách ‘không lành mạnh’ (chẳng hạn như tránh tỏ ra tức giận)

Bạn không nhất thiết phải kiểm soát cảm giác của mình, nhưng bạn có thể tìm ra những cách lành mạnh để quản lý những cảm xúc đó. Các chuyên gia cho rằng thiền, viết nhật ký, chia sẻ với bạn bè và liệu pháp tâm lý chuyên nghiệp là những kỹ thuật mà bạn có thể sử dụng để giúp điều hoà cảm xúc. Ngoài ra, bình thường hóa trong thể hiện cảm xúc cũng rất quan trọng. Cha mẹ nên trò chuyện với con cái về việc chia sẻ cảm giác của họ và cho phép con cái biết rằng họ có quyền thể hiện cảm xúc của mình. Cha mẹ cũng không nên sợ khi khóc trước mặt con cái và giúp đứa con hiểu rằng cảm xúc là một phần tự nhiên của cuộc sống.

Tầm quan trọng của việc buông bỏ

Ngoài việc phê phán phụ nữ khi họ thể hiện cảm xúc, xã hội cũng thường đối xử khắc nghiệt với đàn ông khi họ dám bộc lộ tâm trạng của mình. Những niềm tin và quan điểm về việc không nên thể hiện nỗi buồn, đau khổ hoặc khó khăn để không bị xem là “thiếu sự nam tính” có thể gây hại cho nam giới và sức khỏe tinh thần của họ. Điều này làm giảm giá trị của việc tự do thể hiện cảm xúc của bản thân.

“Vấn đề không nằm ở việc đàn ông khóc, mà là sự hiểu sai về mối quan hệ giữa ‘sức mạnh’ và ‘cảm xúc’ từ phía xã hội. Sức mạnh không bao giờ nên bị hiểu lầm là việc thể hiện cảm xúc yếu đuối. Thực tế, nó là khả năng tự tin thể hiện tình cảm một cách phù hợp. Đây là dấu hiệu cho thấy khả năng phục hồi và cần thiết cho tất cả mọi người, bất kể giới tính nào đi chăng nữa” – Giám đốc điều hành LCSW và Điều phối viên DEI tại Relevant Connections, Chardé Hollins chia sẻ.

May mắn thay, xã hội đang dần trở nên cởi mở hơn đối với các chủ đề về sức khỏe tinh thần và việc chia sẻ cảm xúc. Hy vọng rằng điều này sẽ giúp tất cả mọi người nhận thức được tầm quan trọng của việc đối mặt với cảm xúc của họ, kiểm soát và đối phó với chúng một cách lành mạnh. Sẵn sàng thể hiện cảm xúc một cách hiệu quả và trở thành nguồn động viên cho người khác trong quá trình họ đối phó với cảm xúc là một bước quan trọng trong hành trình này. 

“Việc giảm bớt sự kỳ thị dưới bất kỳ hình thức nào thường bắt đầu từ chính bản thân bạn. Hãy bỏ qua những định kiến và kỳ vọng không cần thiết. Hãy tạo không gian cho nam giới để họ có thể bộc lộ cảm xúc và khuyến khích ‘sức mạnh’ thông qua những giọt nước mắt, những lời chia sẻ chân thành, bất kể khi nào họ cần” Chardé Hollins kết luận.

Nguồn: https://www.verywellmind.com/news-showing-emotions-benefits-mental-health-7368720

#thể_hiện_cảm_xúc #kìm_nén_cảm_xúc #định_kiến #khả_năng_tự_bộc_lộ #buông_bỏ #phục_hồi_tinh_thần #sức_mạnh_của_cảm_xúc

#expressingemotions #suppressingemotions #stereotypes #selfdisclosure #lettinggo #mentalrecovery #thepowerofemotions

————–

(***) Bản quyền bài dịch thuộc về Tham vấn trị liệu Tâm lý MindCare. Khi chia sẻ, cần phải trích dẫn nguồn đầy đủ tên tác giả (nếu có) và nguồn là “Nguồn: Tham vấn trị liệu Tâm lý MindCare”. Các bài viết trích nguồn không đầy đủ, đều không được chấp nhận và phải gỡ bỏ.

————–

💁‍♀️Tham gia group Tư vấn tâm lý cùng chuyên gia MindCare: https://www.facebook.com/groups/908586050050211

🌈Hãy liên hệ với chúng tôi bất cứ khi nào bạn cần được hỗ trợ:

☎️ 0866.13.58.85 (Dịch vụ Tham vấn Trị liệu, Đánh giá Tâm Lý) / 0877.16.33.66 (Dịch vụ Hướng nghiệp, Tâm Lý cho Doanh nghiệp & Học đường)

📧 tamlymindcare@gmail.com

📲 https://mindcare.vn/