BẠN ĐANG TRONG MỘT MỐI QUAN HỆ LÀNH MẠNH KHI…

Mối quan hệ tình cảm chân thành và bền vững giữa hai con người là một trong những yếu tố then chốt mang lại hạnh phúc và ý nghĩa cho cuộc sống. Các nghiên cứu khoa học đã chỉ ra rằng những người có được mối quan hệ lành mạnh sẽ có xu hướng sống khỏe mạnh, lạc quan và hạnh phúc hơn so với những người độc thân hay có mối quan hệ rạn nứt. Họ cũng có tuổi thọ cao hơn đáng kể. Tuy nhiên, không có mối quan hệ nào là hoàn hảo. Trong mỗi mối quan hệ luôn có sự kết hợp giữa những yếu tố tích cực và tiêu cực. Dù vậy, vẫn có những nguyên tắc chung giúp phân biệt đâu là mối quan hệ lành mạnh.

1. Niềm tin là nền tảng vững chắc nhất của mọi mối quan hệ

Kinh nghiệm tình cảm tuổi thơ sẽ ảnh hưởng rất lớn đến khả năng tin tưởng và gắn bó với người khác trong tương lai. Nếu lớn lên trong môi trường ổn định, an toàn, người đó sẽ dễ dàng tin tưởng và mở lòng hơn khi yêu. Ngược lại, tuổi thơ bất hạnh có thể khiến họ gặp khó khăn trong việc tin tưởng và gắn bó. Niềm tin cũng được thiết lập qua cách hai cá thể cư xử với nhau trong mối quan hệ. Khi bạn thấy người kia đối xử tốt với bạn, đáng tin cậy và sẽ ở bên khi bạn cần họ, bạn sẽ có nhiều khả năng xây dựng niềm tin vào họ hơn. Khi sự tin tưởng này tăng lên, mối quan hệ sẽ trở thành nguồn an ủi và động viên cho chính bạn.

2. Cởi mở và tự bộc lộ

Một đặc điểm khác của các mối quan hệ lành mạnh là cảm giác được là chính mình. Khi bắt đầu mối quan hệ, bạn có thể hơi thận trọng và dè dặt khi bộc lộ bản thân. Tuy nhiên theo thời gian, khi sự thân mật, gần gũi bắt đầu tăng lên, cả hai sẽ dần cởi mở, bộc lộ nhiều hơn những suy nghĩ, quan điểm, niềm tin, sở thích… Bạn sẽ không bao giờ cảm thấy mình phải che giấu những khía cạnh của bản thân hoặc thay đổi con người thật của mình. Ngoài ra, việc bộc lộ bản thân có thể giúp gia tăng sự tin tưởng trong mối quan hệ. Điều này không có nghĩa là bạn phải chia sẻ mọi điều với người đồng hành của mình. Mỗi cá nhân đều có ranh giới riêng tư và không gian riêng. Điều quan trọng là hãy cân nhắc mức độ sẵn sàng khi chia sẻ suy nghĩ và cảm xúc của bản thân.

3. Ranh giới lành mạnh

Ranh giới rõ ràng là vô cùng cần thiết. Mỗi người đều có những nhu cầu và mong đợi riêng trong tình cảm. Ranh giới giúp xác định những gì có thể chấp nhận được và không thể chấp nhận được đối với mỗi cá nhân. Ví dụ về ranh giới lành mạnh bao gồm việc đồng ý không xem điện thoại của nhau, cho nhau thời gian và không gian để xây dựng mối quan hệ bạn bè, đồng nghiệp bên ngoài hoặc không ghen tuông quá đáng… Ngược lại, quan hệ sẽ rạn nứt nếu có sự kiểm soát, điều khiển quá mức đến cuộc sống cá nhân của nhau

4. Sự tôn trọng lẫn nhau

Sự tôn trọng lẫn nhau là yếu tố vô cùng quan trọng. Điều này thể hiện ở việc lắng nghe, thấu hiểu, tha thứ, động viên và tôn trọng cá tính của đối phương. Mối quan hệ sẽ không bền vững nếu thiếu sự tôn trọng và luôn có xu hướng chỉ trích, thiếu bao dung hay cảm thông dành nhau.

5. Tình cảm

Tình cảm là nhân tố không thể thiếu. Mối quan hệ thường khởi đầu bằng sự rung động và đam mê mãnh liệt. Nhưng theo thời gian, đam mê ban đầu sẽ chuyển dần thành tình cảm sâu sắc, bền chặt và cam kết hơn. Mức độ thể hiện tình cảm phụ thuộc vào nhu cầu của mỗi người. Điều quan trọng cần nhớ là nhu cầu của mỗi cá nhân là khác nhau. Không có mức độ tình cảm hay sự thân mật phù hợp áp dụng cho tất cả mọi người. Chìa khóa cho một mối quan hệ lành mạnh là cả hai bên đều hài lòng với mức độ tình cảm mà họ chia sẻ.

6. Giao tiếp tốt

Các mối quan hệ lành mạnh, lâu dài – dù là tình bạn hay tình yêu lãng mạn đều đòi hỏi khả năng giao tiếp tốt. Giao tiếp không có nghĩa là không có xung đột, mà nghĩa là có khả năng dung hòa những suy nghĩ, niềm tin, giá trị khác biệt từ cả hai phía. Khi xung đột xảy ra, những người có mối quan hệ lành mạnh có thể tránh công kích cá nhân, vẫn giữ thái độ tôn trọng và hướng tới giải pháp công bằng. Đôi khi xung đột thậm chí có thể là cơ hội để tăng cường kết nối. Nghiên cứu đã chỉ ra rằng xung đột có thể có lợi trong các mối quan hệ thân mật khi các vấn đề nghiêm trọng xảy ra. Điều này cho phép các cá nhân cùng nhau thực hiện những thay đổi có lợi cho tương lai của mối quan hệ.

7. Cho và nhận

Mối quan hệ bền chặt được đánh dấu bằng sự cân bằng giữa cho đi và nhận lại. Vấn đề không phải là ghi điểm hay cảm thấy rằng bạn nợ người khác. Cả hai làm mọi việc cho nhau vì bạn thực sự muốn thế. Điều này cũng không có nghĩa là việc cho đi và nhận lại trong một mối quan hệ luôn bằng nhau 100%. Đôi lúc, một bên sẽ cần nhận sự hỗ trợ, quan tâm nhiều hơn. Trong các trường hợp khác, một người có thể chỉ muốn đảm nhận vai trò chăm sóc nhiều hơn người còn lại. Sự mất cân bằng như vậy là ổn miễn là mỗi người đều hài lòng với sự năng động và cả hai đều nhận được sự hỗ trợ mà họ cần.

Một tình yêu lành mạnh có thể mang lại hạnh phúc và sự trưởng thành cho cả hai người. Chúc bạn tìm được một nửa của mình để cùng nhau viết nên một câu chuyện tình đẹp!

 

Nguồn: https://www.verywellmind.com/all-about-healthy-relationship-4774802

 

#mối_quan_hệ_lành_mạnh #niềm_tin #cởi_mở #ranh_giới #tôn_trọng #tình_cảm #giao_tiếp #cân_bằng #hạnh_phúc

#healthyrelationship #trust #openness #boundaries #respect #affection #communication #giveandtake #balance #happiness

 

————–
(***) Bản quyền bài dịch thuộc về Tham vấn trị liệu Tâm lý MindCare. Khi chia sẻ, cần phải trích dẫn nguồn đầy đủ tên tác giả (nếu có) và nguồn là “Nguồn: Tham vấn trị liệu Tâm lý MindCare”. Các bài viết trích nguồn không đầy đủ, đều không được chấp nhận và phải gỡ bỏ.
——
💁‍♀️Tham gia group Tư vấn tâm lý cùng chuyên gia MindCare: https://www.facebook.com/groups/908586050050211
🌈Hãy liên hệ với chúng tôi bất cứ khi nào bạn cần được hỗ trợ:
☎️ 0866.13.58.85 (Dịch vụ Tham vấn Trị liệu, Đánh giá Tâm Lý) / 0877.16.33.66 (Dịch vụ Hướng nghiệp, Tâm Lý cho Doanh nghiệp & Học đường)
📧 tamlymindcare@gmail.com