Tin xấu là: Tất cả chúng ta đều phải đối mặt với những rào cản tinh thần mạnh mẽ ngăn chúng ta đạt được mục tiêu của mình.
Và tin tốt là: Chúng ta có thể đánh bại những cản trở tinh thần này!
Dưới đây là cách thực hiện, theo gợi ý từ nhà tâm lý học nhận thức Amanda Crowell.
Hãy nghĩ về lần cuối cùng bạn nói rằng bạn muốn làm điều gì đó:
Ăn uống lành mạnh hơn
Viết nhật ký hàng ngày
Dọn dẹp nhà cửa
…
Nhưng bất chấp những mong muốn về sự thay đổi, bạn chỉ đi được thêm vài bước trên con đường tiến đến mục tiêu. Tại sao thế?
Có thể bạn nghĩ rằng là do sự lười biếng hoặc thiếu ý chí. Nhà tâm lý học nhận thức và đồng thời là nhà khai vấn Amanda Crowell đã đặt một cái tên khác cho hiện tượng này: thất bại trong phòng thủ.
Crowell đưa ra một ví dụ từ chính cuộc đời cô để minh họa. Từ nhỏ cho đến lớn, cô đã ghét tập thể dục. Cô nói: “Tôi sẽ chỉ chạy khi một con gấu đuổi theo tôi, ngoài ra thì không.” Cô ấy nói trong một bài nói chuyện tại TEDxHarrisburg rằng sự ác cảm này “kéo dài thêm 34 năm nữa cho đến khi một ngày nọ tôi thức dậy với một đứa trẻ sơ sinh… và với cái lưng lúc nào cũng đau nhức.”
Nếu cô ấy muốn trở thành một người mẹ mà cô ấy khao khát – “một người mẹ có thể đuổi theo những đứa con của mình ở công viên hoặc bế con và đưa chúng đi chơi vòng quanh” như cô ấy nói – cô ấy cần phải có được sức khoẻ và vóc dáng cân đối.
Vào một ngày Chủ nhật đẹp trời, cô nói với chồng rằng bắt đầu từ tuần đó, cô sẽ đến phòng tập thể dục thường xuyên. Thứ Hai đến rồi đi mà cô ấy vẫn chưa có ý định đi tập. Rồi từng ngày, tuần và tháng trôi qua mà Crowell vẫn chưa đặt chân vào phòng gym. Cô ấy tự hỏi: “Tôi định đi tập gym mà, vậy tại sao tôi lại không đến phòng tập cơ chứ!?”
Để trả lời câu hỏi này, Crowell đã thực hiện nghiên cứu trong ba năm.
“Thất bại trong phòng thủ” là thuật ngữ cô ấy nghĩ ra để gói gọn những gì xảy ra khi chúng ta muốn đạt được điều gì đó và liên tục nghĩ về nó nhưng lại không làm. Cô ấy nói: “Tôi phát hiện ra rằng có ba rào cản tư duy mạnh mẽ đang khiến bạn bị mắc kẹt trong vòng luẩn quẩn của thất bại phòng thủ”.
Dưới đây, cô ấy giải thích chúng là gì và làm thế nào để đánh bại chúng.
Cản trở thứ 1: “Tôi không nghĩ mình có thể làm được điều này.”
Sau khi nhận ra nhu cầu tập thể dục, Crowell quyết định bắt đầu chạy bộ. Một ngày nọ, cô mang giày vào và chạy bộ. Tuy nhiên, cô ấy chạy bộ với một chiếc quần tập yoga rộng thùng thình không có chỗ để đặt điện thoại. Cô nhớ lại: “Lần ấy thật sự là một mớ hỗn độn. Tôi chạy với một tay giữ quần, còn tay kia cầm điện thoại.”
Đối với nhiều người trong chúng ta, trải qua một khởi đầu không mấy suôn sẻ như vậy đã đủ để ngăn cản chúng ta tiến xa hơn. Cô nói: “Đâu đó, bạn nghĩ rằng mình không thể làm được điều đó. Bạn nghĩ rằng một số người sinh ra đã có năng khiếu để làm việc này, còn bạn thì không.” Như cô ấy nói, “Nếu bạn tin rằng cốt lõi của thành công là tài năng và thiên bẩm, thì đây là một nhận định sai lầm của những người mới bắt đầu.
Cách vượt qua: Hãy thử nghĩ về mỗi thất bại như là những bước tiến trên con đường phát triển bản thân. Theo lời của Carol Dweck từ Đại học Stanford và các nhà nghiên cứu tâm lý khác, hãy áp dụng ‘tư duy phát triển’.
Khi bạn trau dồi cách suy nghĩ này, nghĩa là nhìn nhận rằng những sai lầm ban đầu không còn là bằng chứng cho việc bạn không đủ khả năng. Chúng là cơ hội để học hỏi vì bạn biết rằng cốt lõi của thành công không phải là tài năng, mà chính bởi sự nỗ lực theo thời gian mới tạo ra thành tựu.” Khi bạn gặp thất bại ở lần tới, hãy nhắc nhở bản thân rằng “Điều này chỉ đang đưa tôi tiến một bước nhỏ gần hơn với mục tiêu của mình.”
Cản trở thứ 2: “Những người như tôi không giỏi việc này.”
Qua nhiều năm sống, thử nghiệm và suy ngẫm sâu sắc về việc chúng ta là ai, chúng ta đến từ đâu và chúng ta muốn trở thành ai, mỗi người đã tự tạo nên bản sắc riêng của mình. Và mặc dù danh tính có thể mang lại cho chúng ta cảm giác về ý nghĩa và vị trí trong cuộc sống, nhưng đôi khi chúng có thể gây cản trở khi chúng ta thử những điều mới.
Khi Crowell lần đầu được nhận chứng nhận là nhà khai vấn, cô phải đối mặt với thách thức tự truyền thông về bản thân và tìm kiếm khách hàng. Cô đã lên kế hoạch tham gia nhiều sự kiện kết nối khác nhau, nhưng gần đến ngày, cô luôn thấy mình bận rộn và từ chối tham gia.
Sau khi nghiên cứu về “sự thất bại trong phòng thủ”, cô nhận ra rằng cô đang tự đặt ra những rào cản vì sợ rằng việc tự quảng cáo về mình sẽ làm mất đi danh tính của cô. Điều này là một trạng thái tâm lý phổ biến. Theo Crowell, nhiều người chúng ta sẽ tránh những hoạt động có thể đe dọa đến ý thức về bản thân. Cô mô tả bản thân là “kiểu người luôn sẵn sàng giúp đỡ bằng cả tấm lòng của mình” và thấy rằng “quảng bá về bản thân và rao bán các dịch vụ có vẻ không chân thực.”
Để vượt qua khó khăn này, có một cách khá đơn giản theo lời khuyên của Crowell: “Hãy tìm những người giống như bạn. Họ cũng đang thực hiện những công việc tương tự và chia sẻ mối quan tâm của bạn với họ.” Cô ấy nói thêm: “Tôi cần tìm một người đặt tâm tư tình cảm của mình vào việc kinh doanh và có kinh nghiệm giúp tôi học hỏi.”
Người đồng nghiệp này đã hỗ trợ cô ấy tìm ra cách quảng cáo doanh nghiệp mà không cảm thấy như đang “bán” mình. Bạn sẽ dễ dàng hơn khi tiếp cận mục tiêu của mình nếu bạn có thêm sự hiểu biết về chính bản thân và cảm nhận rằng mục tiêu của bạn không làm mất đi danh tính cá nhân.
Cản trở thứ 3: “Tôi cảm thấy mình phải làm việc này, nhưng tôi không thực sự muốn làm nó.”
Như Crowell nói, “Một cách bí mật, bạn không thực sự muốn làm điều đó; bạn chỉ nghĩ rằng bạn NÊN muốn làm điều đó. Về cơ bản, bạn coi trọng những mục tiêu đó vì những lý do sau:
“Một mặt, bạn có thể đánh giá mục tiêu bằng lý do nội tại – những điều xuất phát từ bên trong bạn, sở thích, sự tò mò hoặc những hy vọng và ước mơ của bạn.”
Mặt khác, có những lý do bên ngoài, như
‘Tất cả những người tuyệt vời đều làm điều đó (nên tôi cũng sẽ làm)’
‘Mẹ tôi sẽ tự hào (nếu tôi làm điều đó)’
‘Tôi sẽ nhận được sự ngưỡng mộ (nếu tôi làm điều đó)’
Giả sử bạn đang cố gắng chi tiêu tiết kiệm hơn, Crowell nói. Bạn nhận thấy rằng bữa trưa là khoản chi lớn nhất của mình, vì vậy bạn quyết tâm sẽ bỏ nó đi. Một ngày nọ, đồng nghiệp rủ bạn đi chơi với cô ấy. Bạn phải đối mặt với sự lựa chọn: Bạn ăn cùng cô ấy và chi 25 USD cho một bữa ăn, hay bạn mua một thanh protein trị giá 2 USD từ máy bán hàng tự động?
Chà, nếu bạn đang tiết kiệm vì những lý do nội tại – bạn vừa đính hôn và đang tiêu tiền cho nhà cửa, con cái – thì bạn có nhiều khả năng sẽ kiên trì với quyết định của mình hơn, Crowell nói. Nhưng nếu bạn làm điều đó vì những lý do bên ngoài – bạn muốn tiết kiệm nhiều hơn so với người chị gái của mình – thì bạn có nhiều khả năng sẽ đi ăn tối ở ngoài hơn.
Cách vượt qua nó: Hãy nghĩ đến lý do nội tại của bạn – động lực đằng sau những gì bạn nói rằng bạn muốn làm – chúng là nguồn năng lượng cá nhân của riêng bạn. Những động lực ấy luôn ở bên trong để bạn khám phá bất cứ khi nào bạn cần.
Crowell nói, “Nếu công việc bạn muốn làm quá khó, bạn sẽ muốn bỏ việc ngay lập tức và chính động lực nội tại sẽ giúp bạn tập trung vào những bước bạn cần thực hiện.”
Nếu bạn chỉ tìm ra những lý do bên ngoài để thực hiện một hoạt động hoặc đạt được mục tiêu, có thể bạn sẽ cảm thấy không muốn tiếp tục theo đuổi. Tuy nhiên, nếu bạn cảm nhận sâu sắc từ bên trong, Crowell nói rằng “Bạn cần đặt ra ranh giới rõ ràng giữa những gì bạn muốn làm và những hy vọng, ước mơ dài hạn của mình. Sau khi bạn tìm ra nguồn động viên tiềm ẩn bên trong, hãy viết nó lên một tờ giấy nhỏ và đặt nó vào ví của bạn. Và khi bạn cảm thấy muốn bỏ cuộc hoặc mệt mỏi, hãy lấy tờ giấy đó ra. Hãy đọc nó và để nó nạp lại năng lượng cho bạn.”
Nguồn: Ideas Ted
#cản_trở #vượt_qua #kiên_trì #sự_đồng_hành #động_lực_nội_tại
#obstacles #overcome #perseverance #coordination #intrinsicmotivation