Lạc quan là một trong những phẩm chất nổi tiếng của loài người. Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng những người lạc quan có xu hướng sống tốt hơn những người bạn bi quan của họ — ít nhất là về sức khỏe thể chất và tinh thần, khả năng phục hồi, các mối quan hệ, sự nghiệp, kiểm soát cơn đau và thậm chí là tuổi thọ. Luôn vui vẻ và mong đợi điều tốt đẹp nhất sẽ đến- Đó là những điều khoa học và văn hóa muốn chúng ta tin.
Nhưng liệu tất cả có đơn giản như vậy? Có phải lạc quan là thích nghi, và không có gì tốt đẹp khi là một người bi quan?
Nghiên cứu của nhà tâm lý học Julie Norem chỉ ra điều ngược lại.
Trong gần bốn thập kỷ, Tiến sĩ Norem đã nghiên cứu sự bi quan phòng vệ — chiến lược của nhận thức khi đặt ra những kỳ vọng thấp và xem xét các tình huống tệ nhất có thể xảy đến trong tương lai. Hóa ra, thói quen không đặt kỳ vọng cao có thể giúp bạn kiểm soát sự lo lắng và có được cảm giác kiểm soát.
Trong nghiên cứu mới nhất của mình, Tiến sĩ Norem phát hiện ra rằng bi quan phòng vệ có tương quan với việc thực hiện nhiều các biện pháp phòng ngừa trong đại dịch Covid-19 (ví dụ: rửa tay, đeo khẩu trang, giãn cách xã hội) và các hành vi ít rủi ro hơn (ví dụ: gặp gỡ bên ngoài). Tiến sĩ Norem giải thích: “Không nghi ngờ gì, những người bi quan lo lắng hơn những người lạc quan, nhưng người bi quan phòng vệ lại nỗ lực hơn để kiểm soát những rủi ro”
Một trong những điều ngạc nhiên nhất từ nghiên cứu của Tiến sĩ Norem là sự nghi ngại của số đông với ý kiến “có điều gì đó tích cực khi nói về sự bi quan”. Tuy nhiên, khi mọi người phát hiện ra rằng họ là những người bi quan, nhiều người trong đó cho biết họ cảm thấy nhẹ nhõm và hợp lý.
Đây là lời của Tiến sĩ Norem, về 7 lầm tưởng về lạc quan và bi quan, 2 ví dụ khi bi quan là hiệu quả nhất và 2 cách để nuôi dưỡng sự lạc quan.
1/ Một người chỉ có thể là người lạc quan hoặc là người bi quan
Sai. Tính lạc quan và bi quan của mỗi người thì thay đổi ở các vấn đề khác nhau. Ví dụ, bạn có thể lạc quan về đời sống xã hội và bi quan về công việc của mình. Hơn nữa, chúng ta có thể coi lạc quan-bi quan là khuynh hướng mong đợi những điều tốt hoặc xấu; hoặc mức độ dễ bị ảnh hưởng ở những người có trải nghiệm tích cực hoặc tiêu cực.
Lạc quan và bi quan là những khuynh hướng. Mặc dù những khuynh hướng này có thể bắt nguồn từ di truyền, nhưng chúng chỉ đơn giản hướng ta theo một phía nhất định. Mỗi người vẫn có quyền tự quyết định nghĩ theo hướng lạc quan hay bi quan
2/ Những người lạc quan là do bẩm sinh, không phải do nuôi dưỡng
Lầm tưởng này phổ biến đến mức nhiều người cho đó là sự thật. Mặc dù chúng tôi không có nhiều bằng chứng cho thấy con người có thể loại bỏ xu hướng bị ảnh hưởng tiêu cực, nhưng các nghiên cứu về liệu pháp nhận thức cho thấy rằng mọi người có thể học cách sửa đổi cách họ nhìn nhận các tình huống. Nó không dễ dàng, nhưng hoàn toàn có thể.
3/ Trở nên lạc quan thì luôn tốt hơn bi quan
Sai. Nghiên cứu từ Nhật Bản cho thấy những người bi quan có tác động và thành tích thực tế tốt hơn những người lạc quan.
Ở Mỹ, người ta tin rằng tích cực càng nhiều càng tốt. Nếu bạn có những cảm xúc tiêu cực, bạn thường có xu hướng loại bỏ chúng, bởi vì nó khiến bạn cảm thấy bản thân như đang thất bại ở một điều gì đó. Ở các nền văn hóa khác, bao gồm cả Nhật Bản, đời sống tình cảm lý tưởng thì cân bằng hơn. Một người điều chỉnh tốt nhận ra rằng có những mặt tiêu cực và tích cực trong hầu hết mọi thứ trong cuộc sống và cho phép bản thân trải nghiệm cả hai điều đó.
4/ Bi quan dễ dẫn đến trầm cảm hơn lạc quan
Đúng – xét về đặc điểm chung, những người bi quan có nhiều nguy cơ bị trầm cảm hơn. Tuy nhiên, thực tế phức tạp hơn thế. Nghiên cứu cho thấy rằng những người bi quan phòng vệ ít có khả năng bị trầm cảm hơn những kiểu bi quan khác và ít hơn đáng kể so với những người lạc quan. Điều làm tăng nguy cơ trầm cảm là khi bi quan kết hợp với sự tuyệt vọng. Đó là, khi những người bi quan cảm thấy họ không có bất kỳ quyền kiểm soát nào đối với hoàn cảnh của mình.
Ở đây, cần phân biệt giữa “bi quan phòng vệ” và “bi quan định mệnh”. Những người bi quan phòng vệ có xu hướng làm cho cuộc sống của họ tốt hơn hoặc hoàn thành công việc. Trong khi đó, những người bi quan theo thuyết định mệnh có cùng xu hướng cơ bản là trải qua những cảm xúc tiêu cực, nhưng thay vì cố gắng tìm kiếm cách xoay sở, họ cho rằng số phận của họ là như vậy và không có mong muốn thay đổi. Điiều này có thể dẫn đến trầm cảm.
5/ Lạc quan là yếu tố quan trọng trong sự phát triển của con người, trong khi bi quan là yếu tố cản trở cuộc sống hạnh phúc.
Lầm tưởng này được đơn giản hóa và giản lược quá mức. Nếu bạn định nghĩa Hạnh phúc chủ yếu dựa trên những cảm xúc tích cực, thì lạc quan khiến bạn có nhiều khả năng trải nghiệm những cảm xúc tích cực hơn. Nhưng vì điều đó có liên quan đến xu hướng thích trải nghiệm cảm xúc tích cực của tính khí, nên không rõ điều gì có trước. Cũng không rõ ràng rằng những gì liên quan đến cảm xúc tích cực với sự lạc quan có liên quan đến những người không lạc quan — không giống như mọi người chỉ có thể giả vờ lạc quan và mọi thứ dần trở nên tốt hơn đối với họ.
6/ Người bi quan cũng có thể hạnh phúc.
Đúng vậy. Hạnh phúc đối với mỗi người là khác nhau. Những người bi quan phòng vệ chắc chắn vẫn có nhiều khoảnh khắc hạnh phúc và tận hưởng nhiều điều trong cuộc sống của họ. Thay vì tập trung vào điều làm họ hạnh phúc, họ muốn không phải hối tiếc và luôn hướng tới mục tiêu của mình. Họ muốn cố gắng hết sức trong một tình huống nhất định và có thể kiểm soát sự lo lắng của mình để không ảnh hưởng đến mục tiêu đã đặt ra.
Hơn nữa, những người bi quan phòng vệ có khả năng chịu đựng những cảm xúc tiêu cực. Đối với nhiều người, một khi họ nhận ra rằng bản thân đang lo lắng, mục tiêu chính của họ là thoát khỏi lo lắng và cảm thấy hạnh phúc. Điểm mạnh của những người bi quan phòng vệ nằm ở khả năng nhận ra, họ sẽ nói: “Tôi nhận ra rằng tôi cảm thấy lo lắng. Tôi biết phải làm gì với sự lo lắng này và tôi sẽ không để nó cản trở mình.” Nó khác với việc chối bỏ hoặc cố gắng kìm nén hoặc né tránh lo lắng.
7/ Lạc quan thì luôn tốt
Sai. Thực tế, lạc quan hầu như có lợi vì nó có mối tương quan chặt chẽ với cảm nhận hạnh phúc. Mặt trái của sự lạc quan xuất hiện khi bạn nhìn vào cách mọi người lập kế hoạch và dự đoán các sự kiện trong tương lai. Những người bi quan không bao giờ ngạc nhiên khi mọi thứ diễn ra không như ý muốn, trong khi những người lạc quan thường sửng sốt trước những thất bại. Một kết quả tiêu cực không lường trước được thường được cho là tiêu cực hơn nếu người ta không ngờ đến. Nếu bạn luôn mong đợi những điều tốt đẹp sẽ xảy ra và bạn liên tục thất vọng, điều đó không ổn lắm.
John McCain nổi tiếng khi viết về những người lạc quan chịu nhiều đau khổ nhất trong các trại giam. Họ liên tục nói với bản thân rằng họ sẽ được tự do vào một ngày nào đó, và khi điều đó không bao giờ xảy ra, họ đã vô cùng chán nản. Một rủi ro khác của sự lạc quan là việc luôn suy nghĩ tích cực có thể khiến bạn quá tự tin, và do đó, dẫn đến việc bạn bỏ qua những rủi ro tiềm ẩn và những vấn đề mà bạn cần phải xem xét một cách nghiêm túc.
Hơn nữa, có nghiên cứu đã chỉ ra rằng lạc quan rất có lợi trong các thách thức ngắn hạn lên hệ miễn dịch. Khi chức năng hệ miễn dịch phản ứng mạnh mẽ lúc đầu, điều này có thể tốt khi bạn mắc cảm lạnh. Nhưng thách thức vẫn tiếp tục kéo dài, hệ miễn dịch của bạn dần gặp nhiều rắc rối- bạn không thể tiếp duy trì mức độ phản ứng mạnh mẽ của hệ miễn dịch như lúc đầu.
Khi nào thì bi quan là giúp ích nhất?
- Với những kết quả tiêu cực có thể xảy đến thì lạc quan là quan trọng,
- Khi đó điều bạn cần làm là ngăn cản kết quả tệ ấy xảy ra.
Nếu bạn đang ở trong tình huống mà tai họa chắc chắn sẽ xảy ra và bạn không thể làm gì khác để ngăn chặn thì bi quan cũng chẳng thể thay đổi được gì.
Mặt khác, nếu bạn ở trong một tình huống mà kết quả tiêu cực là rất nghiêm trọng, thì bi quan phòng vệ có thể rất giúp ích. Ví dụ, tôi muốn để một người bi quan phòng vệ phụ trách một lò phản ứng hạt nhân để họ có thể lường trước được sai sót có thể xảy ra và tìm cách ngăn chặn nó.
Làm thế nào để trở nên lạc quan hơn?
Cố gắng thường xuyên dành thời gian suy ngẫm về những thời điểm tốt đẹp trong cuộc sống của bạn. Làm điều này sẽ cho phép những ký ức tích cực trở nên hữu ích ngay lập tức để nhớ lại, do đó sẽ giúp bạn trong các tình huống trong tương lai. Hãy thử tạo các bối cảnh khác nhau có thể có của một tình huống nhất định và lưu ý rằng bối cảnh này có thể không thực sự xảy đến tình huống đó. Điều này sẽ giúp bạn nhận ra rằng bạn luôn có lựa chọn khi nhìn vào cùng một tình huống. Khi có thể hãy luyện tập đưa ra quyết định.
————–
(***) Bản quyền bài dịch thuộc về Tham vấn trị liệu Tâm lý MindCare. Khi chia sẻ, cần phải trích dẫn nguồn đầy đủ tên tác giả (nếu có) và nguồn là “Nguồn: Tham vấn trị liệu Tâm lý MindCare”. Các bài viết trích nguồn không đầy đủ, đều không được chấp nhận và phải gỡ bỏ.
——-
Hãy liên hệ với chúng tôi bất cứ khi nào bạn cần được hỗ trợ:
☎️ 0828.77.22.33 (Dịch vụ Tham vấn Trị liệu, Đánh giá Tâm Lý) / 0877.16.33.66 (Dịch vụ Hướng nghiệp, Tâm Lý cho Doanh nghiệp & Học đường)
📧 tamlymindcare@gmail.com
📲 https://mindcare.vn/