7 ĐIỀU KHẮC CỐT GHI TÂM KHI YÊU MỘT NGƯỜI TRẦM CẢM

Dù bạn có đang bị trầm cảm hay không, thì chiến đấu với trầm cảm chưa bao giờ là dễ dàng đối với bất kỳ ai. Việc chứng kiến người thân yêu trải qua những cảm xúc bất ổn có thể khiến bạn lo lắng, rối bời và thậm chí là vô cùng mệt mỏi. Và sẽ là một thách thức thực sự cho cả hai nếu nửa kia của bạn đang đối diện với trầm cảm, nhưng điều đó không có nghĩa rằng hai bạn không thể vượt qua và phát triển một mối quan hệ lành mạnh. Nhưng cũng giống như bất kỳ mối quan hệ nào cũng đòi hỏi sự cố gắng và đồng lòng từ hai phía, bạn có lẽ sẽ mất không ít thời gian và công sức để đạt được sự cân bằng giữa thời gian dành cho bản thân và và cho người ấy. Và tin vui là: hãy nhớ rằng, việc ở bên nhau và cùng trải qua khoảng thời gian khó khăn sẽ giúp mối quan hệ của bạn bền chặt hơn bao giờ hết.


Dưới đây là 7 điều mà bạn cần nhớ khi đang yêu một người trầm cảm.

1. Bạn không chịu trách nhiệm cho những cảm xúc nơi người ấy
Dù bạn có muốn làm người ấy vui vẻ đến mấy thì cũng không thể khiến họ vui vẻ được. Với nhiều người, trầm cảm không đơn thuần chỉ là một phản ứng tức thời trước những thương tổn; có thể, trầm cảm hình thành do sự mất cân bằng các chất hóa học hoặc do có một vấn đề nào đó xảy ra với não bộ. Do đó, họ không đòi hỏi một người không phải chuyên gia tâm lý như bạn phải giải quyết chúng. Nhưng họ trân trọng sự động viên và quan tâm của bạn (vậy nên, xin đừng dừng lại nhé) và mong bạn đừng nản lòng nếu những triệu chứng của họ không biến mất mặc cho bạn đã cố gắng hết sức. Dù chống lại trầm cảm là trận chiến của riêng họ, nhưng họ thực sự luôn cần có bạn ở bên.

2. Hãy để họ chỉ bạn cách giúp đỡ họ
Tôi đã từng yêu một người trầm cảm, vì vậy mà tôi hiểu việc duy trì sự cân bằng cho một mối quan hệ lành mạnh khó khăn đến nhường nào. Một mặt, tôi muốn mình có thể giúp họ cảm thấy vui vẻ – hoặc ít nhất là xoa dịu nỗi đau cho họ nhiều nhất có thể – nhưng điều đó cũng chẳng kéo dài được bao lâu cho đến khi sức khỏe tâm lý của tôi bắt đầu bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Tôi không biết phải làm sao để đối phó với những tác nhân gây căng thẳng trong cuộc sống của mình và những tổn thương gây ra bởi trầm cảm mà người yêu tôi đang phải gồng mình chịu đựng, nên tôi hy vọng bạn có thể chia sẻ với người ấy nếu bạn cũng cảm thấy bế tắc. Đôi khi, sự trải lòng là tất cả những gì hai bạn cần làm để hiểu đối phương cũng chính mình đang cần và mong đợi những gì.

3. Đôi khi, họ sẽ quyết định không làm gì đó
Những ưu tiên của hai bạn có thể khác nhau. Nửa kia có thể sẽ không tham dự một buổi tiệc mà người ấy luôn háo hức trông đợi, bởi họ đã bị cạn kiệt cảm xúc. Trong khoảng thời gian tách mình ra khỏi cuộc vui đó, họ sẽ dành phần năng lượng ít ỏi còn lại của mình để làm những thứ mà họ cần phải làm, như bài tập hay việc nhà, thay vì những thứ họ muốn làm. Cũng giống như khi bạn quyết định dành một tối nghỉ ngơi ở nhà vì đã quá mệt mỏi. Chúng ta ai cũng cần được nạp lại năng lượng.

4. Trầm cảm không đơn giản như nỗi buồn
Cho rằng trầm cảm chỉ là sự buồn bã và cạn kiệt năng lượng là một quan niệm sai lệch và thường gây hiểu lầm. Không nhiều người ý thức được rằng các biểu hiện của lo âu cũng có thể là triệu chứng của trầm cảm (cùng với bồn chồn, cáu gắt, v.v). Thật khó để có thể biết được trầm cảm có dấu hiệu như thế nào ở mỗi người. Trầm cảm thậm chí cũng có nhiều triệu chứng thể lý, và một vài trong số đó không thuyên giảm dù được chữa trị, “chẳng hạn: đau đầu, rối loạn tiêu hóa và đau không rõ nguyên nhân” (Theo Hiệp hội về lo âu và trầm cảm Hoa Kỳ).

5. Hãy thông cảm vì họ có thể bị đãng trí
Trầm cảm có thể làm chậm đi quá trình suy nghĩ cũng như những hoạt động cơ thể của bệnh nhân. Người ấy có thể sẽ thường xuyên quên địa điểm hoặc thời gian của những bức hình hai người đã chụp; hoặc sẽ rất khó để họ có thể sắp xếp các sự kiện theo đúng thứ tự trong đầu. Không may là, trí nhớ ngắn hạn của họ cũng tệ không kém. Cho nên, sẽ không có gì là lạ nếu họ thậm chí quên mất điều mình đang nói dở, và kể cả tên của mọi người. Điều này thật khó chịu nhưng đây là thực tế, và họ đang học cách để cải thiện tình hình. Nên hãy cố gắng kiên nhẫn nhé!

6. Họ có thể gặp khó khăn trong việc ra quyết định
Khi trầm cảm khiến nửa kia mất đi những hứng thú và niềm vui, đôi lúc họ sẽ không còn mặn mà với những thứ mà mình thích nữa. Thật khó để biết được mình thích gì khi mọi thứ đều vô hồn, ảm đạm và chán chường, nên hãy cho họ thời gian nếu họ cần suy nghĩ mỗi khi quyết định việc gì. Những quyết định của họ có thể không toàn vẹn như khi chưa bị bệnh, nhưng sẽ ổn thôi nếu những người xung quanh bình tĩnh và nghĩ thoáng hơn. Họ không hề có ý định muốn làm mọi chuyện rối rắm hơn, nhưng họ cũng hiểu rằng đôi khi họ sẽ làm bạn phát bực.

7. Một sự cổ vũ nhỏ từ bạn cũng là nguồn động viên tinh thần rất lớn đối với họ
Họ không mong đợi bạn sẽ từ bỏ tất cả và chiều theo những yêu cầu bất chợt của họ. Họ hiểu rằng bạn cũng có những trách nhiệm riêng của mình, chúng cũng quan trọng như những trách nhiệm của họ vậy. Miễn là có sự nỗ lực từ hai phía và cả hai có những cuộc trò chuyện cởi mở với nhau, họ sẽ không bao giờ nổi giận nếu bạn cần một khoảng lặng riêng để chăm sóc cho bản thân. Tất cả những gì họ mong muốn ở bạn là sự thành thật và luôn ủng hộ họ, dù là một cuộc gọi, một cái ôm thật lâu, hay một bức hình truyền cảm hứng.