5 DẤU HIỆU CHO THẤY BẠN CÓ THỂ MẮC TRẦM CẢM CHỨC NĂNG CAO

Thật khó để miêu tả chứng trầm cảm với một người chưa bao giờ phải vật lộn với chứng rối loạn sức khỏe tâm thần này. Trầm cảm là một tình trạng chỉ những người từng trải qua nó mới thực sự hiểu.

Mỗi người có những cách riêng để đối phó với chứng trầm cảm của họ. Một số người có thể sử dụng chất để tự điều trị, một số người sử dụng thức ăn và một số người có thể rút lui hoặc cô lập. Tuy nhiên, có một số người mắc chứng trầm cảm “chức năng cao”. Đây là một dạng trầm cảm ít nghiêm trọng hơn và dễ che giấu người khác hơn.

Mặc dù chứng trầm cảm chức năng cao có vẻ khác nhau ở mỗi người, nhưng có một số đặc điểm chung khá phổ biến.

Hãy bắt đầu với điều khó xác định nhất…

Trầm cảm là gì?

Rối loạn trầm cảm nặng là một rối loạn sức khỏe tâm thần nghiêm trọng ảnh hưởng đến 21 triệu người Mỹ mỗi năm. Trầm cảm không phải chỉ là cảm giác buồn bã hoặc thiếu năng lượng kèm theo một sự kiện khó khăn trong cuộc sống.

Những nỗi buồn tạm thời được cho là do một sự kiện tiêu cực cụ thể nào đó gây ra, có thể là cái chết của người thân, ly hôn, mất việc hoặc chia tay. Nhiều người có thể phục hồi sau những sự kiện như vậy mà không cần sự can thiệp của chuyên gia.

Tuy nhiên, trầm cảm lâm sàng có sự kết hợp của các triệu chứng kéo dài hơn hai tuần. Các triệu chứng trầm cảm bao gồm:

  • Nỗi buồn, sự vô vọng hay tuyệt vọng dai dẳng
  • Mất hứng thú với các hoạt động từng yêu thích
  • Thay đổi khẩu vị dẫn đến tăng hoặc giảm cân đột ngột
  • Mất ngủ hoặc ngủ quá nhiều
  • Cảm thấy chậm chạp hoặc dễ kích động
  • Mệt mỏi
  • Cảm giác tội lỗi mãnh liệt, vô dụng hoặc xấu hổ
  • Vấn đề về sự tập trung hoặc ra quyết định
  • Suy nghĩ về tự tử hoặc cái chết

Vì trầm cảm là một rối loạn sức khỏe tâm thần phức tạp và còn nhiều bí ẩn nên không phải lúc nào chúng ta cũng biết được nguyên nhân. Các chuyên gia đã xác định một số yếu tố nguy cơ tiềm ẩn, bao gồm tiền sử gia đình bị trầm cảm, một số tình trạng bệnh lý hoặc tác dụng phụ của thuốc, mất cân bằng hóa học trong não, các biến cố đau thương trong cuộc sống và rối loạn sử dụng chất gây nghiện xảy ra đồng thời.

Trên đây là tất cả những mô tả thường đi kèm với các trường hợp rối loạn trầm cảm cấp tính hoặc mạn tính.

Nhưng liệu có thứ nào là phiên bản “nhỏ” của nó không?

Chắc chắn rồi.

Rối loạn trầm cảm dai dẳng (Dysthymia) là gì?

Dysthymia, còn được gọi là rối loạn trầm cảm dai dẳng, là một dạng trầm cảm nhẹ hơn kéo dài trong hơn hai năm. Một người mắc chứng dysthymia có thể áp dụng một số cơ chế đối phó giúp họ hoạt động bình thường, ngay cả khi họ phải vật lộn với các triệu chứng trầm cảm nhẹ.

Dysthymia có thể là đặc điểm của trầm cảm chức năng cao.

Bạn chưa bao giờ nghe nói đến chứng dysthymia trước đây? Có thể bạn biết nó dưới một cái tên được sử dụng phổ biến hơn.

Trầm cảm cười là gì?

“Trầm cảm cười” là cách diễn đạt chung dùng để mô tả chứng trầm cảm chức năng cao. Về cơ bản, nó là một từ đồng nghĩa phi lâm sàng cho các khía cạnh “hoạt động chức năng” của chứng dysthymia.

Thuật ngữ “trầm cảm cười” đề cập đến nỗ lực của một cá nhân để che giấu nỗi đau cảm xúc của họ với bạn bè, gia đình hoặc đồng nghiệp, những người mà họ sợ rằng có thể lo lắng cho họ. Có thể nói, bằng cách kìm nén cảm xúc của mình và giấu chúng sau nụ cười, những người mắc chứng trầm cảm chức năng cao có thể thể hiện các mặt tích cực và hoạt động khá bình thường.

Một số lý do khiến ai đó có thể che giấu chứng dysthymia của mình có thể bao gồm:

  • Để tránh trở thành gánh nặng cho người khác
  • Để không tỏ ra yếu đuối
  • Để tránh thu hút sự chú ý đến vấn đề của họ
  • Họ thật sự không tin rằng họ có vấn đề nghiêm trọng về sức khỏe tâm thần

5 dấu hiệu của trầm cảm chức năng cao

Một người đang vật lộn với chứng trầm cảm chức năng cao vẫn gặp phải nhiều dấu hiệu trầm cảm lâm sàng điển hình. Tuy nhiên, dạng trầm cảm dai dẳng này có một số đặc điểm độc đáo, bao gồm:

  1. Các triệu chứng trầm cảm ít dữ dội hơn chứng rối loạn trầm cảm nặng, do đó có vẻ dễ kiểm soát hơn.
  2. Cá nhân có thể thực hiện công việc và duy trì các mối quan hệ bình thường, lành mạnh, mặc dù bị trầm cảm nhẹ.
  3. Trong nỗ lực che giấu cảm xúc thật của mình với những người thân yêu, họ có thể phải vật lộn với các triệu chứng cơ thể mạn tính, chẳng hạn như đau đầu và đau bụng.
  4. Cá nhân có thể tự điều trị bằng một loại chất nào đó.
  5. Mặc dù cá nhân có thể hoàn thành các công việc hàng ngày nhưng mọi việc họ giải quyết đều cần nỗ lực rất lớn.

Bất kỳ dạng trầm cảm nào, kể cả trầm cảm chức năng cao, đều gây khó khăn cho cuộc sống của người mắc nó. Một phác đồ điều trị bao gồm sự kết hợp giữa thuốc chống trầm cảm và trị liệu tâm lý, cũng như tập thể dục thường xuyên và thực hành chánh niệm, có thể giúp giảm bớt phần nào.

Nguồn tham khảo:

————–

(***) Bản quyền bản dịch thuộc về Tham vấn trị liệu Tâm lý MindCare. Khi chia sẻ, cần phải trích dẫn nguồn đầy đủ tên tác giả (nếu có) và nguồn là “Nguồn: Tham vấn trị liệu Tâm lý MindCare”. Các bài viết trích nguồn không đầy đủ, đều không được chấp nhận và phải gỡ bỏ.

——
Hãy liên hệ với chúng tôi bất cứ khi nào bạn cần được hỗ trợ:
☎️ 0866.13.58.85 (Dịch vụ Tham vấn Trị liệu, Đánh giá Tâm Lý) / 0877.16.33.66 (Dịch vụ Hướng nghiệp, Tâm Lý cho Doanh nghiệp & Học đường)
📧 tamlymindcare@gmail.com
📲 https://mindcare.vn/