4 LÝ DO KHIẾN MỘT NGƯỜI CÓ HÀNH VI GÂY THƯƠNG TÍCH CHO CHÍNH MÌNH

Một đánh giá vào năm 2012 về 52 nghiên cứu liên quan đến các trường hợp tự hại trên thế giới cho thấy khoảng 18% trong đó cá nhân đã từng có những hành vi tự gây thương tích cho mình. Đó là gần 1/5 trên tổng số khách thể được nghiên cứu (một con số không nhỏ).
Việc tự gây thương tích thường bắt đầu trong những năm thiếu niên của người đó, thường trong độ tuổi từ 12 – 14. Các hành vi tự hại thường rất phổ biến trong giai đoạn này: Các nghiên cứu cho thấy rằng từ 13 – 23% thanh thiếu niên đã từng có những hành vi như cắt, cứa, đốt hoặc những hành vi khác để tự làm mình bị thương.
1️⃣ Cơn đau thể xác có thể làm dịu đi đau đớn tinh thần
Cảm giác đau trên da thịt không chỉ có tác dụng làm khuếch tán cảm xúc tiêu cực, mà còn có thể tạo ra cảm giác bình tĩnh và nhẹ nhõm hơn. Bởi vì việc này có tác dụng gần như ngay lập tức, vì vậy việc cắt/cứa vào da thịt có xu hướng lặp đi lặp lại, thậm chí còn gây nghiện đối với một số người. Những người có hành vi tự cắt/cứa cho biết rằng việc tự làm đau mình khiến họ có cảm giác như có một lối thoát giải phóng họ khỏi áp lực (khi những cảm xúc, suy nghĩ tiêu cực kéo đến).
Cuối cùng, não bắt đầu kết nối sự giải thoát khỏi những đau đớn về cảm xúc với việc tự hại. Điều này tạo ra một liên kết mạnh mẽ, hoặc thậm chí là một sự thèm muốn có thể khó cưỡng lại. Họ có thể có hành vi tự hại theo hàng tháng, hàng tuần hoặc thậm chí là hàng ngày.
2️⃣ Người tự cắt/cứa vào mình là những nhà chỉ trích khắc nghiệt nhất của chính họ
Một nghiên cứu năm 2014 trên 2 nhóm sinh viên, một nhóm có hành vi tự cắt/cứa, cộng với một nhóm kiểm soát không có hành vi này, yêu cầu họ ghi chép nhật ký cảm xúc hàng ngày trong hai tuần. Có sự khác biệt rất lớn giữa 2 nhóm này. Nhóm người có hành vi tự cắt/cứa chia sẻ rằng họ cảm thấy không hài lòng với bản thân thường xuyên hơn nhiều so với nhóm những người không có hành vi này. Sự không hài lòng này được biểu hiện qua sự tự chỉ trích vô cùng gay gắt.
Thật vậy, bất cứ người tự hại nào đều thực sự khó khăn với chính bản thân họ, và đôi khi họ khắc những lời chỉ trích đó vào làn da của mình, như béo/mập, ngu ngốc, thất bại.
Một nghiên cứu năm 2012 cũng cho thấy việc tự chỉ trích gay gắt liên quan mật thiết đến các hành vi tự làm hại bản thân, hơn là các hình thức tự gây thương tích gián tiếp khác như rối loạn ăn uống, uống rượu hoặc lạm dụng thuốc.
3️⃣ Tự cắt/cứa là một cách để ngừng cảm giác tê liệt
Những người có tiền sử sang chấn có thể tự làm hại mình để kiểm soát sự đau đớn của chính họ, hoặc ít nhất là khiến họ cảm thấy mình vẫn còn cảm giác vẫn tốt hơn là bị tê liệt và họ không có cảm giác về bất cứ thứ gì.
4️⃣ Tự hại như một lối thoát thay thế cho sự đau khổ tinh thần
Những đứa trẻ lớn lên trong một gia đình nơi nỗi buồn, tổn thương hoặc nỗi thất vọng không được chấp nhận hoặc bị chế giễu, đứa trẻ sẽ lớn lên với niềm tin rằng sẽ không ổn và không được chấp nhận nếu nó cảm thấy tồi tệ. Chúng chuyển sang tự cắt/cứa vào mình như một cách chấp nhận được để cảm thấy đau đớn, chúng sẽ tìm cách để bộc lộ nó một cách vật lý.
Nói tóm lại, hãy nghĩ đến việc tự cắt/cứa vào mình và tự làm hại bản thân là một cơ chế đối phó không lành mạnh cũng như say rượu, ăn uống quá độ.
Đương nhiên, việc tự cắt/cứa vào cơ thể là hành vi nguy hiểm. Trên thực tế, người tự cắt/cứa vào mình, họ biết việc làm này là không lành mạnh, và họ thường cố gắng hết sức để che giấu hành vi của mình, để không ai nhìn thấy những vết sẹo của họ. (Nhưng họ vẫn tiếp tục vì đó giống như một cách khiến họ cảm thấy dễ chịu hơn).