4 LÝ DO KHIẾN BẠN BỊ VƯỚNG VÀO MỘT MỐI QUAN HỆ ON-OFF

Mối quan hệ “on-off” thường được hiểu là một mối quan hệ giữa hai người mà có sự thay đổi liên tục giữa giai đoạn “on” (hoạt động, hòa hợp) và giai đoạn “off” (chia lìa, xa cách).
Bạn đã bao giờ ở trong một mối quan hệ mà bạn “chân trong chân ngoài”, không hoàn toàn cam kết nhưng cũng không bao giờ thực sự rời đi chưa? Hoặc có thể bạn đã cố gắng rời khỏi nó, nhưng bằng cách nào đó, bạn không thể hoàn toàn đạt được mong muốn này?
Mối quan hệ on-off không phải là một mô hình quan hệ bình thường hay lành mạnh. Mối quan hệ này có thể gây căng thẳng và không ổn định cho cả hai bên, thậm chí gây ra sự đau khổ và mất cân bằng trong cảm xúc. Để xây dựng và duy trì một mối quan hệ mạnh mẽ và bền vững, sự ổn định, tình yêu, và tôn trọng là những yếu tố không thể thiếu.

Điều gì khiến bạn rơi vào vòng lặp của mối quan hệ on-off?

1. Bạn vẫn đang nuôi hy vọng.

Một trong những lý do khiến các đối tác nhiều lần quay lại sau khi rời đi là hi vọng rằng người kia sẽ thay đổi — hoặc bạn có thể khiến họ thay đổi, đặc biệt là khi người kia tuyên bố rằng, “Tôi đã thay đổi rồi”. Tuy nhiên, trừ khi cả hai bạn đều đã đang giải quyết những vấn đề bên trong mình, còn không thì sự thay đổi là rất khó xảy ra. Thực tế về sự thay đổi có thể không dễ chịu, nhưng ta cần chấp nhận rằng ta không có khả năng “thay đổi” người khác. Họ chỉ thay đổi khi nào họ muốn – và đồng thời – nhận được sự hỗ trợ phù hợp để giải quyết những vấn đề cá nhân của họ. Nếu không có sự thay đổi chân thực xảy ra thông qua việc mỗi người trong các bạn đã làm việc với những vấn đề bên trong mình, thì lý do duy nhất đáng để quay lại ở đây là bạn đã chấp nhận họ như chính họ và không hy vọng họ thay đổi nữa.

2. Bạn đang mắc kẹt trong cơ chế kéo – chống (pull – resist system).

Một trong những lý do đằng sau mối quan hệ onl-off là cơ chế của mối quan hệ. Nếu bạn đang ở trong mối quan hệ mà một trong hai người thiếu thốn, kiểm soát và có xu hướng lôi kéo người kia nhằm đạt được sự chú ý, tán thành hoặc tình dục, và người kia thì chống cự với việc bị kiểm soát, bạn sẽ cảm thấy hai người cần phải tách nhau ra. Nhưng khi xa nhau và cơ chế đó tạm ngưng hoạt động, các bạn lại cảm thấy muốn ở bên nhau. Trừ khi cả hai người đều đã làm việc với vấn đề bên trong bản thân và chữa lành những tổn thương đến từ cơ chế kéo – chống này, nếu không bạn sẽ lại vướng vào cơ chế cũ và nhận lại kết quả cũ.

3. Bạn sợ cô đơn và không gặp được ai khác.

Thông thường, sự căng thẳng trong một mối quan hệ rối loạn sẽ dẫn đến mong muốn được ở một mình, nhưng khi đã ở một mình thì ta lại bị nỗi sợ hãi và cô đơn chiếm lấy. Thế rồi bạn bắt đầu hẹn hò, chỉ để nhận ra thật khó để tìm được người thực sự thu hút mình, hoặc bạn cứ gặp đi gặp lại một kiểu người, hết lần này đến lần khác. Bạn tự nhủ mình sẽ chẳng bao giờ tìm được người yêu phù hợp và rằng bạn sẽ cô đơn cả đời, rằng thà ở bên một người tạm bợ còn hơn là ở một mình. Phải nhắc lần nữa, nếu bạn không làm việc với những vấn đề bên trong bạn, những mối quan hệ rối loạn sẽ lặp lại như cũ. Thứ tình yêu to lớn nhất là tập trung vào những điều xảy ra bên trong bạn, mặc cho bạn có ai đó kề bên hay không.

4. Bạn không đầu tư vào bài học mà bạn cần.

Có lẽ giữa hai bạn thực sự có một mối liên hệ nào đó, nhưng cả hai bạn đều không làm việc với những vấn đề bên trong để giải quyết chúng. Trong trường hợp này, bạn có thể bị cuốn hút vào mối quan hệ hết lần này đến lần khác, và ở đâu đó bạn biết rằng, mối quan hệ này có thể trở nên tốt hơn khi có một sự hàn gắn, chữa lành. Mối quan hệ này có thể xứng đáng để bạn cố gắng. Thực tế, nó còn là một cơ hội tuyệt vời để bạn giải quyết vấn đề của mình và hoàn thiện bản thân. Nếu bạn cứ thế rời đi mà không thay đổi điều gì, khả năng cao bạn sẽ lặp lại những vấn đề tương tự với mối quan hệ tiếp theo, trừ khi bạn đã nỗ lực giải quyết chúng trong mối quan hệ hiện tại. Nếu chỉ một trong hai sẵn sàng làm việc với bản thân, điều này cũng đủ để chuyển biến cơ chế mối quan hệ theo hướng tích cực hơn, yêu thương hơn. Hoặc nếu bạn đã làm việc với bản thân và nhận ra bạn cần phải rời đi, bạn vẫn được trang bị tốt hơn để tiến vào những mối quan hệ sau này.
Nguồn: https://themindsjournal.com/what-it-means-when-you-keep-breaking-up-and-getting-back-together/

————–
(***) Bản quyền bài viết thuộc về Tham vấn trị liệu Tâm lý MindCare. Khi chia sẻ, cần phải trích dẫn nguồn đầy đủ tên tác giả (nếu có) và nguồn là “Nguồn: Tham vấn trị liệu Tâm lý MindCare”. Các bài viết trích nguồn không đầy đủ, đều không được chấp nhận và phải gỡ bỏ.

——
Hãy liên hệ với chúng tôi bất cứ khi nào bạn cần được hỗ trợ:
☎️ 0828.77.22.33 (Dịch vụ Tham vấn Trị liệu, Đánh giá Tâm Lý) / 0877.16.33.66 (Dịch vụ Hướng nghiệp, Tâm Lý cho Doanh nghiệp & Học đường)
📧 tamlymindcare@gmail.com
📲 https://mindcare.vn/