PEOPLE PLEASER: LÀM SAO ĐỂ TA KHÔNG CỐ LÀM HÀI LÒNG NGƯỜI KHÁC NỮA?

“Cố làm hài lòng người khác thực chất là nỗi sợ sự phản ứng, từ chối hoặc bỏ rơi từ mọi người.” – Tracy A Malone

Tất cả chúng ta đều dễ bị ảnh hưởng bởi hội chứng “people pleaser” (người chuyên làm hài lòng người khác) — dù là trẻ em, thanh thiếu niên, người trưởng thành hay các bậc cha mẹ. Nhà tâm lý học, tác giả Harriet B. Braiker đã đề cập đến chuyện làm hài lòng người khác trong cuốn sách Bệnh Chiều Lòng (2002) của bà. Bà lưu ý rằng, “Người ta thường nói ‘có’ trong khi họ muốn nói ‘không’, gây ra nhiều vấn đề.” Đối với people pleaser, nhu cầu không thể kiểm soát đối với sự chấp thuận từ người khác giống như một cơn nghiện.

Theo thống kê, hành vi làm hài lòng người khác nổi bật ở phụ nữ hơn so với nam giới. Một nghiên cứu năm 2010 cho thấy 54% phụ nữ đang phải chịu những tác động bất lợi đối với cả sức khỏe tinh thần và thể chất từ ​​những hành vi làm hài lòng mọi người, so với 40% nam giới.

Thói quen làm hài lòng người khác thường bắt đầu từ thời thơ ấu, khi ta không cho phép mình làm hài lòng bản thân hay đặt bản thân lên hàng đầu. Bằng cách coi trọng người khác hơn chính mình, chúng ta ủy thác việc củng cố giá trị của mình cho thế giới bên ngoài – điều này vốn không ổn định và khiến những lời xác nhận lâu dài trở nên chóng vánh.

Tôi đã xây dựng một số mẹo nhỏ giúp mọi người bắt đầu giảm thiểu những hành vi này một cách chủ đích tại nhà và nơi làm việc. Nếu bạn có thể thực hiện chúng, bạn sẽ thấy sự cải thiện rõ rệt mà không làm hỏng các mối quan hệ bạn đã nỗ lực xây dựng.

5 mẹo để ngưng làm people pleaser tại nhà

Giảm thiểu việc chiều lòng những người trong nhà có thể cải thiện các mối quan hệ cá nhân và gia đình thông qua việc giảm bớt sự oán giận và cảm giác bị đánh giá thấp.

1. Không đưa ra lời khuyên, hướng dẫn hoặc chiến lược giải quyết vấn đề trừ khi bạn được yêu cầu. Chúng ta thường làm những điều này để bảo vệ cảm giác mình quan trọng trong mối quan hệ. Tuy nhiên, nếu lời chỉ dẫn bị bỏ qua, nó có thể tạo ra sự thất vọng và oán giận.

2. Tập không nói “có” khi bạn muốn nói “không”. Khi bạn chọn làm những việc mà bạn không muốn, điều đó có thể dẫn đến việc bạn không hoàn thành được chúng. Điều này tạo ra căng thẳng nội bộ, làm giảm lòng tự trọng, cũng như các vấn đề về mối quan hệ.

3. Những người hay chiều lòng người khác chú tâm quá mức đến từng biểu hiện nhỏ nhặt và sắc thái lời nói. Bạn hãy tránh suy nghĩ quá nhiều hoặc cá nhân hóa các tương tác. Hãy rèn luyện tính kiên nhẫn để chờ xem liệu có gì thật sự không ổn không. Hãy tập đưa ra các giả định thay thế cho thấy những điều diễn ra không liên quan gì đến bạn. Hãy trui rèn khả năng chịu đựng sự thất vọng để tránh sự bảo toàn chủ quan ảnh hưởng đến bạn khi đưa ra các giả định.

4. Bớt đặt gánh nặng cho bản thân về trách nhiệm mang lại niềm vui cho người khác. Cảm thấy có trách nhiệm với hạnh phúc của người khác là điều gây cản trở sự hài lòng của chính chúng ta. Chúng ta cần phải có khả năng và chịu trách nhiệm với tư cách là những cá nhân đối với sự hài lòng của chính mình, đồng thời nhìn nhận những người khác theo cách tương tự.

5. Nếu bạn đang bực bội hoặc cảm thấy bị người khác lợi dụng, hãy cho phép mình thẳng thắn trao đổi về điều đó. Đó là cách tốt nhất để giữ gìn các mối quan hệ. Bạn hãy sử dụng mẫu câu bắt đầu bằng từ “Tôi” để đảm bảo bạn chịu trách nhiệm về cảm giác bực bội và không đổ lỗi cho người khác về cảm xúc của bạn.

Nếu bạn tin rằng mọi người muốn ở bên bạn vì chính con người bạn chứ không phải những gì bạn có thể làm cho họ, bạn sẽ có niềm tin mạnh mẽ hơn vào những điều tốt đẹp vốn có của mình.

5 mẹo để ngưng làm people pleaser tại nơi làm việc

Thách thức những hành vi làm hài lòng mọi người tại nơi làm việc là một công cụ thiết yếu để ngăn chặn và tạo ra một môi trường làm việc an toàn.

Trông có vẻ và thực sự cảm thấy tự tin, tự chủ sẽ trao cho bạn một quyền năng tích cực trong công việc. Nó cũng sẽ cải thiện hiệu suất công việc, tăng cảm giác về giá trị bản thân và đưa bạn vào con đường thỏa mãn mục tiêu thành công của mình.

1. Thành thật với bản thân và tránh đề cao bản thân quá mức để chứng tỏ giá trị của mình với khách hàng hoặc cấp trên. Hãy tin tưởng vào giá trị của bản thân thay vì cứ cố gắng để làm hài lòng họ. Cố gắng quá mức để làm hài lòng cấp trên có thể phản tác dụng. Nó có thể ảnh hưởng xấu đến cách nhìn của họ về bạn và hạ thấp lòng tự trọng của bạn.

2. Chỉ xin lỗi một lần khi mắc lỗi. Chúng ta không thể lúc nào cũng làm hài lòng mọi người. Chúng ta là con người, không phải robot. Sai sót là ngoài ý muốn. Trưởng thành đến từ sai lầm. Đừng tự trừng phạt mình vì chúng.

3. Bớt tạo gánh nặng cho bản thân về việc phải bù đắp và chịu trách nhiệm về những sai lầm của người khác hoặc đồng nghiệp. Tuy nhiên, hãy học hỏi từ những sai lầm của họ giống như cách bạn học hỏi từ chính mình.

4. Ngăn chặn sự thôi thúc muốn đoán trước nhu cầu của người khác hoặc nhảy vào làm công việc của họ—trừ khi được yêu cầu. Bạn có thể cảm thấy mình tử tế và hào phóng, nhưng nếu sau đó không được đáp lại, điều đó có thể châm ngòi cho sự oán giận.

5. Tạm dừng trước khi tham gia vào các hoạt động khiến bạn cảm thấy như đang lấy lòng người khác để khẳng định giá trị của mình. Bạn có thể không muốn trở thành người luôn tổ chức “Thời gian hạnh phúc” cho văn phòng hoặc mang bánh ngọt đến. Để người khác cùng tham gia vào các hành động có lợi cho tất cả mọi người cũng giúp phát triển giá trị bản thân và sự tự tin hơn.

Thật sự có niềm tin rằng mọi người muốn ở bên bạn vì chính con người bạn chứ không phải vì những lợi ích bạn đem lại sẽ giúp xây dựng và củng cố cốt lõi và nền tảng trong các mối quan hệ của bạn. Nó sẽ cải thiện sự tự tin, cảm giác đáng được yêu mến và dẫn đến sự hài lòng bền vững hơn trong cuộc sống.

Nguồn: https://themindsjournal.com/how-to-limit-people-pleasing/

————–
(***) Bản quyền bài dịch thuộc về Tham vấn trị liệu Tâm lý MindCare. Khi chia sẻ, cần phải trích dẫn nguồn đầy đủ tên tác giả (nếu có) và nguồn là “Nguồn: Tham vấn trị liệu Tâm lý MindCare”. Các bài viết trích nguồn không đầy đủ, đều không được chấp nhận và phải gỡ bỏ.

——
Hãy liên hệ với chúng tôi bất cứ khi nào bạn cần được hỗ trợ:
☎️ 0828.77.22.33 (Dịch vụ Tham vấn Trị liệu, Đánh giá Tâm Lý) / 0877.16.33.66 (Dịch vụ Hướng nghiệp, Tâm Lý cho Doanh nghiệp & Học đường)
📧 tamlymindcare@gmail.com
📲 https://mindcare.vn/

Đọc thêm:

>>> 8 niềm tin Phật giáo giúp bạn chữa lành tâm hồn và tìm lại hạnh phúc 

>>> 10 thói quen tuy đơn giản nhưng có thể thay đổi cuộc sống của bạn một cách tích cực

>>> Làm thế nào để ngừng lo lắng về những điều bạn không thể thay đổi?