YÊU THƯƠNG CƠ THỂ TRƯỚC NHỮNG ĐÁNH GIÁ CỦA XÃ HỘI

#LumosBox15 #MindCareConnection #Confession

Bạn kể:

Chào Admin nhé.

Hôm nay mình muốn chia sẻ câu chuyện của mình. Mình sinh ra ở mảnh đất miền Trung nắng gió, gia đình mình thuộc vào nhóm rất là nghèo, bố thì hay uống rượu những lúc tỉnh thì rất là yêu thương mẹ con mình, nhưng những lúc rượu vào lại chửi mẹ mình và đánh mẹ (từ nhỏ tới giờ bố rất ít khi đánh mấy anh chị em mình). 

Ngoại hình của mình lại chẳng ưa nhìn, nói thẳng ra là mình rất xấu lại còn bị bắt nạt từ lúc còn nhỏ, kể cả giáo viên cũng thấy gia cảnh mình không tốt nên cũng bạo lực với mình luôn. Thật sự mình vẫn nhớ cái tát in hằn ngón tay của thầy trên mặt mình lúc học cấp 2, rồi những lời lẽ mà mọi người luôn bodyshaming với mình dù cố ý hay không cố ý nhưng nó hằn sâu vào tâm trí của mình. Lên cấp 3 thì mình học đỡ hơn những bạn trong lớp với cũng đi học xa nên không còn bị bắt nạt nhưng vẫn nhiều bạn vẫn bodyshaming mình rất nhiều. Dù nhà nghèo nhưng mình vẫn cố gắng học hành cố gắng làm thêm và cuối cùng mình cũng học xong và lấy bằng đại học.

Rồi thì mình bắt đầu đi làm kiếm được tiền nhưng đối với mình việc kiếm được việc nó cũng đã rất khó khăn rồi nên mình luôn cố gắng hết sức mình để hoàn thành tốt công việc. Thực ra trong lớp mình chỉ có một vài bạn học lên đại học giống mình số còn lại tốt nghiệp cấp 3 xong 1 hoặc 2 năm thì lập gia đình hết. Đến hiện tại thì bạn bè trong lớp mình đã lập gia đình con cái gần hết và mỗi lần nhắc đến mình thì mọi người lại bảo mình kén chọn nhưng mình biết mọi người đang bắt đầu mỉa mai xỉa xói mình là lớn già đầu như vậy mà không có ai thương yêu mình.

Rồi mỗi lần về quê hàng xóm cũng tụm 5 tụm 7 nói mình đi làm lương của con ông A mấy chục ông B mấy chục và mình nhớ như in câu nói của ông cạnh nhà mình nói với mình con gái độ tuổi lấy chồng là từ 18 đến 25 là đẹp nhất, sau 25 mà chưa lấy chồng là một thất bại trong khi con ổng cũng 28 tuổi mới bắt đầu lấy chồng mà ông đi nói mình ủa ngộ ghê hà.

Mình lại là người nhạy cảm hay để ý nên mình bị ảnh hưởng bởi gia đình mình và những lần bodyshaming của bạn bè dù cố ý hay không cố ý thì nó luôn hằn sâu trong mình càng ngày càng lớn đến mức dần dần mình chẳng còn chia sẻ một cái gì trên facebook của mình.

Và mình bị ám ảnh bản thân dần mất hết tự tin vào bản thân, cố gắng tránh né hay có suy nghĩ tiêu cực và không còn muốn tiếp xúc với ai, sợ phải lấy chồng.

Admin có thể cho mình xin lời khuyên mình phải làm thế nào để vượt qua nỗi ám ảnh và vượt qua được không ạ.

Cảm ơn đã lắng nghe câu chuyện của mình.

====

Lumos Box hồi âm:

Cảm ơn bạn đã chia sẻ câu chuyện của bạn với Lumos Box. Qua những chia sẻ của bạn, mình có thể hiểu được những cảm giác tự ti của bạn đối với ngoại hình của mình cũng như cảm giác tổn thương trước những lời châm chọc và chỉ trích của người khác. Hy vọng qua những lời chia sẻ của mình, bạn có thể tìm được sự sẻ chia cũng như một vài gợi ý hữu ích cho bản thân mình. 

Đầu tiên, bạn có cảm nhận rằng những ám ảnh về ngoại hình gây cản trở trong cuộc sống của bạn. Có rất nhiều lý do khiến một người có mặc cảm về ngoại hình của mình. Qua những chia sẻ của bạn, mình thấy những lý do xã hội liên quan đến ngoại hình đã bắt đầu từ những năm cấp hai. Bạn có những ký ức rất rõ ràng về việc bị trêu và bắt nạt từ thời điểm đó. Sau đó những lời bắt nạt này có dấu hiệu giảm thiểu khi bạn lên cấp 3 vì đã không còn tiếp xúc với những người bạn học này nữa. Như vậy, bạn thử nghĩ xem có phải những lời bắt nạt và chỉ trích chỉ đến từ một nhóm người đã cùng học với bạn trong thời kỳ cấp hai đó? Nếu như vậy thì có thể đó chỉ là những lời châm chọc cố ý gây tổn thương chứ không thực sự phản ánh giá trị của ngoại hình của bạn đâu. Hơn nữa, một điều quan trọng chúng ta thường quên mất là cơ thể và tâm trí chúng ta luôn trong trạng thái vận động và thay đổi liên tục, vì vậy, có thể những điểm khiến bạn tự ti vì lời bắt nạt hồi nhỏ hiện sẽ không còn đúng nữa. Như vậy, chỉ còn cảm giác tiêu cực của bạn về những khía cạnh đó vẫn còn tồn tại. Vì vậy, bạn hãy thử nghĩ xem những lời suy nói của họ từ hồi ấy, bạn thấy nó còn đúng không? Ngoài những người quen bạn từ thời điểm đó, kết nối xã hội hiện tại của bạn còn những quan điểm, nhận xét giống với khi đó không? Nếu bạn vẫn cảm thấy những lời nói ấy đúng và chúng vẫn được nhắc lại trong các mối quan hệ hiện tại, mình hy vọng những phần sau của lá thư có thể giúp bạn hiểu thêm về quan niệm cái đẹp trong bạn cũng như giúp bạn chấp nhận và yêu thương bản thân hơn nhé. 

Bạn có chia sẻ rằng hiện tại những lời bình luận về ngoại hình của bạn từ bạn bè vẫn khiến bạn rất buồn và mặc cảm. Nhưng bạn vẫn nhận thức được, đó là những bình luận không cố ý gây tổn thương. Vậy điều gì trong những lời nói được coi là vô ý đó khiến bạn cảm thấy bị tổn thương? Đó là những bình luận xấu (bodyshame) về ngoại hình của bạn hay đơn giản là những lời nói về ngoại hình của bạn mà bạn đã luôn cảm thấy không thích về mình và gắn cho nó một cái nhìn tiêu cực? Nếu đó đơn giản là những lời bình luận, bạn có đồng ý với những bình luận đó về cơ thể mình không và có cảm thấy những đặc điểm đó là mang nghĩa tiêu cực không? (Vì không phải trao đổi qua lại, mình xin lấy ví dụ chút nhé. Ví dụ những bình luận của bạn bạn thường mang hình dáng như là: Mày xấu thế hay Chân mày hơi to.) 

Nếu những lời nói của bạn bè bạn gần với vế thứ nhất hơn thì cách đơn giản nhất là bạn hãy nêu ý kiến một cách thẳng thắn rằng nó làm bạn không cảm thấy thoải mái với những bình luận như vậy. Cho dù người kia có thay đổi hay không, việc được biểu đạt suy nghĩ cá nhân để bảo vệ bản thân sẽ làm giảm đáng kể những cảm xúc tiêu cực bạn có về câu nói cũng như người bạn kia đó. Hãy nhớ, nếu lời nói đó về bạn, chỉ cần bạn thấy nó không vui, bạn luôn có quyền lên tiếng nói lên nhu cầu của bản thân, bạn nhé. 

Nếu là vế thứ hai thì vì sao bạn lại nghĩ một đặc điểm nào đó trên mình là xấu? Những tiêu chuẩn cũng như đính kiến về xấu đẹp trong một người thường bị ảnh hưởng nhiều bởi bối cảnh văn hoá và tác động xã hội. Nhất là đối với cách vận hành hiện tại của mạng xã hội khi mà mọi người luôn chỉ chia sẻ những khía cạnh mình cảm thấy tự hào thì sẽ dễ khiến mỗi cá nhân có sự so sánh và mặc cảm khi mình không có được những khía cạnh được coi là đẹp kia. Một cách để bạn có thể thử thăm dò những định kiến trong chính mình là khi quan sát một người phụ nữ khác có đặc điểm giống vậy, bạn cảm thấy sao về họ? Bạn có thấy họ xấu xí không? 

Nếu bạn cũng thấy họ không đẹp thì đây là một cơ hội tốt để bạn khám phá những định kiến xã hội đã tạo cho mình về chuẩn mực cái đẹp và học cách yêu thương cơ thể được trao tặng của mình hơn. Bạn thân mến, là một người phụ nữ trong xã hội hiện đại, không chỉ ở Việt Nam mà thậm chí trên thế giới, vấn đề về ngoại hình sẽ luôn là chủ đề được bàn tán và soi mói. Vì vậy, mình tin rằng hành trình để yêu thương và chấp nhận cơ thể của chính mình là một hành trình khó khăn không chỉ của riêng bạn mà còn của nhiều người phụ nữ khác. Mặc dù những nhận định về cái đẹp của mỗi thời kỳ một khác, nhưng sự áp đảo của các phương tiện truyền thông và ngành giải trí có thể khiến người trong thời kỳ đó tin vào một tiêu chuẩn đẹp tuyệt đối, toàn diện và vĩnh cửu. Tuy nhiên cái đẹp là một khái niệm mang tính chủ quan. Bạn đã bao giờ nghĩ thử xem như thế nào là đẹp đối với bạn? Những hình mẫu người phụ nữ nào bạn cảm thấy họ đẹp và họ có khiến bạn muốn theo đuổi hình mẫu đó không? Giá trị đó có quan trọng đối với bạn hay không? Bên cạnh đó, bạn thử nghĩ tới người bạn gần đây nhất mà mình quen xem, có phải bạn chọn quen biết và duy trì mối quan hệ với người đó vì lý do nào? Có phải ngoại hình của họ không? Tiêu chí về ngoại hình thực sự đóng vai trò như thế nào trong những mối quan hệ của bạn? Những câu hỏi này sẽ cho bạn hiểu thêm tiêu chuẩn ngoại hình đóng vai trò nào thế nào với cách bạn nhìn nhận mọi người xung quanh. 

Nếu bạn thực sự vẫn không thích những đặc điểm của bản thân mà nó có thể thay đổi được, hãy thử thay đổi nó. Người ta thường nhầm hiểu thay đổi là hành động tiếp nối của một sự bất ưng. Nhưng đôi khi thay đổi có thể là quá trình của sự tìm hiểu và thử nghiệm cách thể hiện tình yêu thương, một cái cớ của sự quan sát. Và kể cả bạn không chọn thay đổi thì cơ thể vật chất của bất cứ ai cũng trải qua sự thay đổi liên tục của thời gian. Bạn thấy sao về đề nghị này? Liệu việc thử thay đổi có làm bạn cảm thấy tò mò và hứng thú với tiềm năng của cơ thể tự nhiên của mình không? Bên cạnh việc đó, việc tiếp cận với những sự thay đổi sẽ dễ dàng hơn nếu có sự hỗ trợ của một cộng đồng. Hiện nay, trên mạng xã hội có rất nhiều người phụ nữ đã bắt đầu lên tiếng để đòi sự công nhận trong sự đa dạng ngoại hình. Việc bao quanh mình bằng một luồng thông tin tích cực và hỗ trợ hơn liệu sẽ có thể tiếp thêm sức mạnh cho bạn hiểu rõ hơn những ám ảnh kia hơn nhiều. 

Mặt khác, nếu khi thấy những đặc điểm không ưng ý của mình ở người khác, nhưng bạn vẫn có thể trân trọng ngoài hình của họ thì hãy thử thể hiện lòng biết ơn và tình yêu thương đối với những bộ phận trên cơ thể. Đây có thể là một bộ phận thực hiện chức năng nào đó giúp ích và đem lại nhiều niềm vui cho bạn trong cuộc sống. Ví dụ như nếu bạn có đôi chân khỏe có thể tận hưởng những chuyến tản bộ dài, hay đôi bàn tay khéo léo có thể sử dụng bàn phím để viết và hoàn thành công việc thật hiệu quả. Bên cạnh đó, những bộ phận đó cũng có thể là những đặc điểm bạn yêu thích về mình như là mái tóc đen ôm lấy khuôn mặt hay là cặp lông mày, vân vân. Hãy tập thói quen liệt kê ra 5 bộ phận bạn cảm thấy trân trọng vào mỗi buổi sáng hoặc tối trước khi đi ngủ nhé. Trong những ngày việc này trở nên quá khó khăn, khi nhìn vào gương, hãy nghĩ đến những đặc điểm tính cách, những giá trị mà bạn cảm thấy tự hào. Sau đó nếu có thể, cảm ơn những bộ phận đã cho phép bạn nuôi dưỡng và thể hiện những giá trị tính cách và đạt được thành tựu  đó nhé. Bài tập này sẽ cho bạn cái nhìn chính xác hơn về cơ thể mình hơn là những lời nói thoáng qua của người ngoài đó. 

Ngoài những nỗi lo lắng về ngoại hình, mình thấy bạn có những điểm tự hào nhất định về khả năng của bản thân. Ví dụ như bạn là một trong số ít những người trong lớp đã tốt nghiệp đại học và dù có khó khăn trong việc kiếm thu nhập trong hiện tại, bạn đang làm chủ được cuộc sống của mình một mình trên thành phố. Tuy nhiên có vẻ như những bình luận về việc chưa lập gia đình vẫn khiến bạn lo nghĩ. Bạn có chia sẻ rằng việc nhạy cảm về ngoại hình của mình khiến bạn cô lập bản thân và sợ lấy chồng.  Thêm nữa, bạn bè bạn cũng bình luận về việc bạn kén chọn và ở tuổi này rồi mà còn không có người yêu thương. Đầu tiên, với những bình luận đó, bạn có thấy kén chọn là không tốt? Hay bạn có thể nhớ được những ký ức nào đúng hay trái ngược với những bình luận này không? Khi nghĩ về chuyện không có ai yêu thương ở độ tuổi này bạn có cảm thấy thiếu thốn hay tò mò một mối quan hệ lãng mạn không? Ở bất cứ độ tuổi nào, đặc biệt là khoảng thời gian từ 20 đến 35, nhu cầu được yêu thương và có mối quan hệ lãng mạn với một người đặc biệt là một nhu cầu hoàn toàn bình thường. Việc này không đồng nghĩa với nhu cầu lấy chồng bởi đó là một câu chuyện hệ trọng cần thời gian và công sức hơn rất nhiều và thực sự chỉ nên nghĩ đến khi bạn đã đang ở trong một mối quan hệ yêu đương. Nếu bạn thấy nhu cầu đó phù hợp với mình và bạn đang tò mò, hãy thử tìm kiếm nó.

Nếu việc tự ti về ngoại hình đang cản trở bạn tìm kiếm những mối quan hệ bạn bè và nam nữ thì thử nghĩ về điều đó theo hai cách sau đây nhé. Thứ nhất, hãy thử nghĩ về những giá trị, tính cách của bạn mà bạn cảm thấy tự hào và có thể đưa ra trong một mối quan hệ. Đây có thể là khả năng lắng nghe, khả năng chăm sóc hay chấp nhận những khuyết điểm của người khác. Bạn thử nghĩ xem nếu bạn có được một người yêu có tính cách giống bạn thì bạn sẽ trân trọng họ vì điều gì. Việc này sẽ giúp bạn hiểu rõ về con người mình cũng như giá trị của bản thân trong một mối quan hệ. Nếu có thể hãy viết những điều này nhé vì những điều xấu thì sẽ dễ bám theo chúng ta còn những điều tốt thì sẽ luôn cần được củng cố và nhắc nhở nhiều hơn. Cách thứ hai bạn có thể thử là suy nghĩ về vai trò của cái đẹp ngoại hình trong một mối quan hệ. Hãy nhìn xung quanh và nghĩ thử xem có một mối quan hệ nào bạn thực sự biết rõ và ao ước mà ngoại hình của người vợ có vai trò quan trọng đến được hạnh phúc gia đình? Cụ thể hơn, có phải tất cả người phụ nữ bạn thấy xinh đẹp đều có chồng và hạnh phúc? Hay có phải tất cả những gia đình hạnh phúc thì vợ đều xinh đẹp? Hy vọng khi tự trả lời được những câu hỏi này bạn sẽ có thể tự tin hơn vào bản thân và vượt qua những ám ảnh về ngoại hình để tìm kiếm những kết nối xã hội phù hợp và tương trợ bạn nhé. 

Dựa trên những chia sẻ của bạn, mình hy vọng lá thư hồi đáp của mình có thể cho bạn những giây phút của sự cảm thông và hy vọng, hay chỉ đơn giản là sự nhẹ nhõm trong tâm. Kể cả bạn có gấp lá thư này và chọn không làm theo những gì mình đã chia sẻ, mình hy vọng bạn đã có những thời gian tìm hiểu và tự trả lời những câu hỏi của bản thân. 

Những nỗi sợ, ám ảnh thường xuất phát từ một thứ gì đó không rõ ràng và lớn mạnh hơn mỗi lần ta chọn né tránh chúng. Một khi đã hiểu, đã dám đối mặt và chấp nhận, những nỗi sợ ấy sẽ vỡ tan như bong bóng. Mình hy vọng bạn sẽ có thể bắt đầu hành trình tìm hiểu bản thân để tan biến nỗi sợ ấy và yêu thương mình hơn.

Ad. Snape

========

📬 Nếu bạn đang thấy mình không ổn và cần được lắng nghe, hãy chia sẻ câu chuyện của bạn với Lumos Box :https://forms.gle/UahaWZwHGzK3rJrq9
📩Nếu bạn là chủ nhân của bất kì bức thư nào đã được trả lời, xin vui lòng để lại phản hồi của bạn cho Lumos Box tại :https://forms.gle/QPvUz4BFNot59D8x7
🔗 Mọi thông tin chi tiết vui lòng liên hệ:
☎️ 0828.77.22.33
📧 tamlymindcare@gmail.com