LÀM THẾ NÀO ĐỂ THAY ĐỔI PHONG CÁCH GẮN BÓ VÀ MỐI QUAN HỆ CỦA BẠN?

Sự gắn bó là mối liên kết hình thành giữa trẻ sơ sinh và người chăm sóc, và nó ảnh hưởng đến khả năng hình thành mối quan hệ ổn định của một người với những người khác.

Một số người cảm thấy thoải mái khi phụ thuộc vào người khác và an toàn trong các mối quan hệ, trong khi những người khác lo lắng về mối quan hệ của họ hoặc là né tránh sự gần gũi. Việc trở nên phụ thuộc vào đối tác ở một mức độ lành mạnh là điều bình thường, nhưng kiểu gắn bó lo âu và né tránh trong các mối quan hệ có thể trông giống như một chứng đồng phụ thuộc. Bạn có thể thay đổi kiểu gắn bó của mình với sự trợ giúp việc trị liệu và có mối quan hệ với những người khác có sự gắn bó an toàn.

Chúng ta có khao khát gắn bó – đó là lý do vì sao trẻ khóc khi bị tách khỏi mẹ. Đặc biệt phụ thuộc vào hành vi của mẹ, cũng như những kinh nghiệm về sau và các yếu tố khác, chúng ta phát triển phong cách gắn bó, từ đó ảnh hưởng đến hành vi của mình trong các mối quan hệ thân thiết.

May mắn thay, hầu hết mọi người có kiểu gắn bó an toàn vì nó giúp ta sống sót. Nó đảm bảo rằng chúng ta được an toàn và có thể giúp đỡ lẫn nhau trong những môi trường nguy hiểm. Chúng ta sẽ cảm thấy lo lắng khi không biết nơi ở của con mình hoặc khi có một người thân bị mất tích trong một thảm họa, như trong bộ phim The Impossible, đó là điều bình thường. Những cuộc gọi và tìm kiếm điên cuồng được gọi là “hành vi phản kháng”, giống như khi một đứa trẻ đang quấy rầy mẹ của nó.

Các phong cách gắn bó

Chúng ta tìm kiếm hoặc né tránh sự thân mật theo một cách liên tục, nhưng một trong ba phong cách sau đây thường chiếm ưu thế cho dù chúng ta có đang hẹn hò hay đang ở trong một cuộc hôn nhân lâu dài:

  • Gắn bó an toàn – 50% dân số
  • Gắn bó lo âu – 20% dân số
  • Gắn bó né tránh – 25% dân số.
  • Các kiểu kết hợp như An toàn – Lo âu hay Lo âu – né tránh chiếm từ 3 đến 5% dân số.

Trong số những người độc thân, theo thống kê, có nhiều người có kiểu gắn bó né tránh hơn vì những người có mối quan hệ gắn bó an toàn nhiều khả năng đang ở trong một mối quan hệ. Không giống như những người né tránh, những người có kiểu gắn bó an toàn không tìm kiếm một hình mẫu lý tưởng, vì vậy khi một mối quan hệ kết thúc, họ sẽ không độc thân quá lâu. Điều này làm tăng xác suất của những cuộc hẹn hò giữa người có kiểu gắn bó lo âu với người có kiểu gắn bó né tránh, từ đó càng củng cố một vòng xoáy tiêu cực về kết quả của mối quan hệ giữa họ.

1.Gắn bó an toàn

Sự ấm áp và yêu thương đến một cách tự nhiên, và bạn có thể thân mật mà không cần lo lắng về mối quan hệ hoặc những hiểu lầm nhỏ. Bạn chấp nhận những thiếu sót nhỏ của đối tác và đối xử với họ bằng tình yêu và sự tôn trọng. Bạn không sử dụng các chiến lược hay sự thao túng, mà bạn là người có thể chia sẻ cởi mở một cách trực tiếp và quyết đoán về nhu cầu và cảm xúc của mình. Bởi vì bạn có lòng tự trọng tốt, bạn không nhìn nhận mọi việc một cách chủ quan và không phản ứng lại với những lời chỉ trích. Do đó, bạn không trở nên phòng thủ trong các cuộc xung đột. Thay vào đó, bạn làm giảm sự leo thang bằng cách giải quyết vấn đề, tha thứ và xin lỗi.

2.Gắn bó lo âu

Bạn muốn sự gần gũi và có thể thân mật. Và để duy trì một kết nối tích cực, bạn từ bỏ nhu cầu của mình để làm hài lòng và thích nghi với đối tác của bạn. Nhưng bởi vì bạn không được đáp ứng nhu cầu của mình, do đó bạn trở nên không hạnh phúc. Bạn bận tâm đến mối quan hệ và rất hòa hợp với đối tác của mình, nhưng bạn lo lắng rằng anh ấy hoặc cô ấy ít muốn gần gũi với mình hơn. Bạn thường nhìn nhận mọi thứ theo hướng tiêu cực và dự đoán những kết quả không tốt. Điều này có thể được giải thích là do có sự khác biệt về não đã được phát hiện ở những người có kiểu gắn bó lo âu.

Để giảm bớt sự lo lắng, bạn có thể sử dụng các chiến lược hoặc thao túng đối tác của mình để thu hút sự chú ý và để nhận được sự trấn an bằng cách rút lui, hành động theo cảm xúc, không gọi điện lại, kích động ghen tuông hoặc đe dọa bỏ đi. Bạn cũng có thể trở nên ghen tị với sự chú ý của người ấy đối với người khác và thường xuyên gọi điện hoặc nhắn tin, ngay cả khi được yêu cầu là đừng làm như thế.

3.Gắn bó né tránh

Được phân làm hai loại: Khinh rẻ – né tránh và sợ hãi – né tránh. Nếu bạn thuộc kiểu thứ nhất, bạn có thể dễ dàng cắt bỏ những cảm xúc khó chịu. Những người ái kỷ và những người kìm nén cảm xúc của mình thuộc loại này. Còn nếu bạn có ý thức muốn sự gần gũi nhưng lại không tin tưởng hoặc sợ hãi điều đó, thì bạn thuộc phong cách sợ hãi – né tránh.

Bạn tránh sự gần gũi, với bạn sự độc lập và sự tự chủ quan trọng hơn việc thân mật. Bạn có thể tận hưởng sự gần gũi ở một giới hạn nhất định. Trong các mối quan hệ, bạn tỏ ra tự phụ, tự chủ và không thoải mái khi chia sẻ cảm xúc. (Ví dụ: trong một nghiên cứu về các đối tác nói lời tạm biệt ở sân bay, những người né tránh không thể hiện nhiều sự giao tiếp, lo lắng hoặc buồn bã – trái ngược với những người khác). Bạn bảo vệ sự tự do của mình và trì hoãn sự cam kết. Sau khi cam kết, bạn tạo ra khoảng cách tinh thần bằng sự không hài lòng liên tục về mối quan hệ của mình, tập trung vào những sai sót nhỏ của đối tác, hồi tưởng về những ngày độc thân của bạn hoặc về một mối quan hệ lý tưởng khác.

Cũng giống như người gắn bó lo âu tỏ ra quá cường điệu với những dấu hiệu của khoảng cách, bạn cũng quá nhạy cảm về những hành vi của đối tác nhằm kiểm soát bạn hoặc hạn chế quyền tự chủ và tự do của bạn theo bất kỳ cách nào. Bạn sử dụng các hành vi tạo sự xa cách, chẳng hạn như tán tỉnh người khác, đưa ra quyết định đơn phương, phớt lờ đối tác của mình hoặc gạt bỏ các cảm xúc và nhu cầu của họ. Đối tác của bạn có thể phàn nàn rằng bạn dường như không cần anh ấy/cô ấy hay bạn không đủ cởi mở vì bạn giữ những bí mật hoặc không chia sẻ về cảm xúc của mình. Trên thực tế, anh ấy hoặc cô ấy thường tỏ ra cần bạn, và điều này khiến bạn cảm thấy mình là một người mạnh mẽ và tự chủ hơn họ. Bạn không lo lắng về chuyện mối quan hệ kết thúc. Nhưng nếu mối quan hệ bị đe dọa, bạn giả vờ với bản thân rằng mình không có nhu cầu gắn bó và chôn chặt cảm xúc đau khổ. Thực ra, không phải là các nhu cầu không tồn tại, mà là chúng bị kìm nén. Bạn có thể trở nên lo lắng khi sự gần gũi của đối tác không còn đe dọa bạn nữa.

Các mối quan hệ

Ngay cả những người cảm thấy độc lập khi ở một mình cũng thường ngạc nhiên về việc họ trở nên phụ thuộc khi có mối quan hệ tình cảm. Điều này là do các mối quan hệ thân mật đã kích thích phong cách gắn bó trong bạn cùng với sự tin tưởng hay sợ hãi từ những trải nghiệm trong quá khứ của bạn một cách vô thức. Việc trở nên phụ thuộc vào đối tác của bạn ở một mức độ lành mạnh là điều bình thường. Khi nhu cầu của bạn được đáp ứng, bạn sẽ cảm thấy được an toàn.

Bạn có thể đánh giá kiểu gắn bó của đối tác qua hành vi và phản ứng của họ khi bạn yêu cầu họ gần gũi một cách trực tiếp hơn. Anh ấy hoặc cô ấy có cố gắng đáp ứng nhu cầu của bạn không hay trở nên phòng thủ và không thoải mái hoặc thích ứng với bạn một lần rồi quay lại hành vi tạo khoảng cách? Người nào có phong cách an toàn sẽ không sử dụng các chiến lược, họ giao tiếp hiệu quả và có thể thỏa hiệp được. Một người có phong cách lo âu sẽ chào đón sự gần gũi hơn, nhưng vẫn cần sự đảm bảo và lo lắng về mối quan hệ.

Kiểu gắn bó lo âu và né tránh trông giống như chứng đồng phụ thuộc trong mối quan hệ. Chúng là đặc điểm về cảm xúc và hành vi của một người theo đuổi và một người xa cách được mô tả trong “Attachment Woes Between Anxious and Avoidant Partners” (Sự gắn bó ràng buộc giữa các đối tác lo âu và né tránh) và “Conquering Shame and Codependency” (Chinh phục sự hổ thẹn và sự đồng phụ thuộc). Mỗi người đều vô thức về nhu cầu của họ, thông qua người kia thì những nhu cầu đó được biểu lộ rõ. Đây là một lý do cho khiến họ bị hấp dẫn lẫn nhau. Những người theo đuổi với kiểu gắn bó lo âu thường không quan tâm đến người có phong cách gắn bó an toàn. Họ thường thu hút những người né tránh. Sự lo lắng trong một gắn bó không an toàn rất kích thích và quen thuộc mặc dù nó không được thoải mái và khiến họ lo lắng hơn. Nó xác thực nỗi sợ hãi bị bỏ rơi của họ trong các mối quan hệ và niềm tin về việc họ không đủ đáng yêu hoặc được yêu một cách an toàn.

Những người có kiểu lo âu có xu hướng gắn kết nhanh chóng và không mất thời gian để đánh giá xem đối tác của họ có thể hoặc muốn đáp ứng nhu cầu của mình hay không. Họ có xu hướng nhìn thấy những điểm chung của họ với mỗi đối tác mới, thấy đối tác lý tưởng và bỏ qua các vấn đề tiềm ẩn. Khi cố gắng làm cho mối quan hệ có hiệu quả, họ đã kìm nén nhu cầu của mình, về lâu dài sẽ gửi những tín hiệu sai cho đối tác của họ. Tất cả những hành vi này làm cho việc gắn kết vào một người né tránh dễ xảy ra hơn. Khi anh ấy hoặc cô ấy rút lui, sự lo lắng của họ sẽ được khơi dậy, những người theo đuổi dễ nhầm lẫn giữa khao khát và lo lắng cho tình yêu – hơn là nhận ra rằng vấn đề là ở bạn đời chứ không phải ở bản thân họ. Họ kiên trì và cố gắng nhiều hơn, thay vì đối mặt với sự thật và làm giảm bớt sự uổng phí.

Những người né tránh cần ai đó theo đuổi họ để duy trì những nhu cầu tình cảm mà họ phần lớn từ chối và là điều mà những người né tránh khác sẽ không đáp ứng được. Không giống như những người có kiểu gắn bó an toàn, những người theo đuổi và người xa cách không có kỹ năng giải quyết các bất đồng. Họ có xu hướng trở nên phòng thủ, tấn công hoặc rút lui và làm leo thang xung đột. Nếu không có hành vi theo đuổi, cãi lộn hay ép buộc, thì cả người lo âu và né tránh đều sẽ bắt đầu cảm thấy chán nản và trống rỗng do sự gắn bó đau đớn ban đầu của họ.

Thay đổi phong cách gắn bó

Mặc dù hầu hết mọi người không thay đổi kiểu gắn bó của họ, nhưng bạn có thể thay đổi kiểu gắn bó của mình để an toàn hơn hoặc kém an toàn hơn tùy thuộc vào kinh nghiệm và những nỗ lực có ý thức. Để thay đổi phong cách của bạn trở nên an toàn hơn, hãy tìm kiếm việc trị liệu cũng như có mối quan hệ với những người có khả năng gắn kết an toàn. Nếu bạn có phong cách gắn bó lo lắng, bạn sẽ cảm thấy ổn định hơn trong mối quan hệ cam kết với người có phong cách gắn bó an toàn. Điều này giúp bạn trở nên an toàn hơn. Việc thay đổi kiểu gắn bó của bạn và thoát khỏi chứng đồng phụ thuộc đi đôi với nhau. Cả hai đều yêu cầu những điều sau:

  1. Chữa lành sự hổ thẹn và nâng cao lòng tự trọng. Điều này cho phép bạn không tiếp nhận mọi thứ một cách chủ quan.
  2. Học cách quyết đoán.
  3. Học cách xác định, tôn trọng và bày tỏ một cách quyết đoán các nhu cầu cảm xúc của bạn.
  4. Sự rủi ro là điều chắc chắn và trực tiếp. Đừng sử dụng các chiến lược hay cố gắng thao túng sự quan tâm của đối tác.
  5. Thực hành chấp nhận bản thân và những người khác để trở nên ít mắc lỗi hơn – đây là một ưu tiên đối với những người đồng phụ thuộc và những người né tránh.
  6. Ngừng phản ứng. Đây có thể là một thách thức vì hệ thần kinh của chúng ta đã quen với việc phản ứng tự động. Nó thường đòi hỏi bạn phải có khả năng xác định các tác nhân, loại bỏ nguyên nhân gây ra chúng.
  7. Học cách tự xoa dịu bản thân – tất cả những gì khó đều có thể tự làm được. Nghe bài tập trên YouTube và đọc các mẹo về cách tự nuôi dưỡng bản thân.
  8. Học cách giải quyết xung đột và thỏa hiệp từ góc độ “chúng ta”.

Những người theo đuổi cần trở nên có trách nhiệm hơn với bản thân và những người xa cách cần có trách nhiệm hơn với đối tác của họ. Những kiểu người lo âu phải học cách đi chậm trong cuộc hẹn hò. Những người né tránh cần phải khám phá ra sự tổn thương của họ, tôn trọng nhu cầu yêu thương trong họ, thiết lập ranh giới bằng lời nói và học cách tiếp nhận. Kết quả là một mối quan hệ phụ thuộc lẫn nhau an toàn hơn, thay vì một mối quan hệ đồng phụ thuộc hoặc sự cô độc với cảm giác tự cung tự cấp sai lầm.

Đặc biệt là sau khi rời khỏi một mối quan hệ đồng phụ thuộc không hạnh phúc, cả hai đều sợ rằng việc phụ thuộc vào ai đó sẽ khiến họ trở nên phụ thuộc hơn. Điều đó có thể đúng trong các mối quan hệ đồng phụ thuộc khi không có sự gắn bó an toàn. Tuy nhiên, trong một mối quan hệ an toàn, sự phụ thuộc lành mạnh cho phép bạn phụ thuộc lẫn nhau nhiều hơn. Bạn có một cơ sở an toàn và đảm bảo để từ đó khám phá thế giới. Đây cũng là điều mang lại cho trẻ mới biết đi sự can đảm để cá nhân hóa, thể hiện con người thật của mình và trở nên tự chủ hơn.

Tương tự như vậy, những người tham gia trị liệu thường sợ trở nên phụ thuộc vào nhà trị liệu của mình và rời đi khi họ bắt đầu cảm thấy tốt hơn một chút. Khi nỗi sợ hãi về sự phụ thuộc xuất hiện, chúng cần được giải quyết. Đó chính là nỗi sợ hãi khiến chúng ta không thể có những sự gắn bó an toàn trong các mối quan hệ. Trên thực tế, một liệu pháp tốt sẽ cung cấp một sự gắn bó an toàn để cho phép mọi người phát triển và trở nên tự chủ hơn. Ở đây xuất hiện một nghịch lý: Chúng ta càng tự chủ, chúng ta càng có nhiều khả năng để gần gũi. Ngoài ra, chúng ta có thể độc lập hơn khi phụ thuộc vào người khác – miễn sao đó là sự gắn bó an toàn. Đây là một lý do khác khiến cho bạn khó có thể tự thay đổi mà không cần việc trị liệu hoặc ở trong một mối quan hệ không an toàn mà không có sự hỗ trợ từ bên ngoài.

Nguồn: https://www.psychologytoday.com/intl/blog/toxic-relationships/202104/how-change-your-attachment-style-and-your-relationships

——-
Hãy liên hệ với chúng tôi bất cứ khi nào bạn cần được hỗ trợ:
☎️ 0828.77.22.33 (Dịch vụ Tham vấn Trị liệu, Đánh giá Tâm Lý) / 0877.16.33.66 (Dịch vụ Hướng nghiệp, Tâm Lý cho Doanh nghiệp & Học đường)
📧 tamlymindcare@gmail.com