RANH GIỚI TRONG CÁC MỐI QUAN HỆ LÃNG MẠN, TẠI SAO?

“Sẽ chẳng có gì là tội lỗi nếu thỉnh thoảng bạn bẻ khóa một vài luật. Miễn là bạn không vi phạm bất cứ điều gì ”. —Mae West

“Hãy yêu, và làm những gì bạn sẽ làm.” —Saint Augustine

“Hãy lắng nghe trái tim bạn, bạn không thể làm gì khác”. —Roxette

Cuộc chiến giành lấy sự tự chủ là nơi mà chiến thắng phụ thuộc vào việc lý trí chế ngự những phản ứng cảm xúc tự phát của trái tim. Dẫu cho điều quan trọng trong cuộc sống là phải cân bằng suy nghĩ và cảm xúc, nhưng liên quan đến chuyện tình cảm, điều này không phải dễ dàng.

Trong bộ phim truyền hình Hoa Kỳ “The Good Wife”, nhân vật chính, Alicia Florrick, được hỏi về cách cô ấy duy trì tình yêu lâu bền hơn. “Tôi nghĩ đó không chỉ là câu chuyện về cảm xúc của trái tim,” cô nói. “Đôi khi trái tim cần được chỉ dẫn.” Florrick nói đúng (cho dù ở những mùa giải sau, cô ấy đã bỏ chồng); đôi khi và bằng cách nào đó, bạn phải thỏa hiệp, vì điều này cuối cùng có thể làm tăng sự phát triển cá nhân của bạn (Ben-Ze’ev, 2019).

Chúng ta cần có một mức độ tự chủ nhất định để kiểm soát tác động của những ham muốn tức thời và nuôi dưỡng các giá trị lãng mạn dài lâu, như sự sâu sắc, lòng tốt, sự tôn trọng, bao dung và lòng biết ơn. Trong việc nuôi dưỡng tình yêu sâu sắc, như Augustine đã chỉ ra, người ta có thể theo đuổi trái tim mình. Một phụ nữ đã ly hôn nhiều năm cho biết, “Trong sáu năm, tôi đã ngoại tình với một người đàn ông đã có gia đình. Tôi yêu anh ấy rất nhiều và chúng tôi rất hòa hợp trong chuyện tình dục. Đến khi tôi phát hiện ra rằng anh ấy cũng có quan hệ với phụ nữ khác, tôi đã chấm dứt chuyện giữa hai chúng tôi ”. Mặc dù người phụ nữ này không có mối quan hệ độc quyền với người tình đã kết hôn của mình, cô ấy đã chấp nhận là người thứ hai sau vợ của anh ta; chính mối quan hệ của anh ta  với những người phụ nữ khác đã phá vỡ ảo tưởng lãng mạn của cô: rằng khi chỉ ở bên cô, người đàn ông này mới đang nghe theo trái tim chân thành và sâu sắc.

Tự chủ là gì?

“Kế hoạch Stoical về việc giải quyết nhu cầu của cá nhân bằng cách loại bỏ những ham muốn, không khác gì việc cắt chân của mình đi khi ta muốn có giày.” —Jonathan Swift

“Nếu bạn không thể kiểm soát cảm xúc của mình, bạn không thể kiểm soát tiền của mình.” —Warren Buffet

Tự chủ là khả năng quản lý các xung động, cảm xúc và mong muốn để đạt được các mục tiêu dài hạn. Sự tự chủ thường thay thế những phản ứng ban đầu, tự phát bằng những phản ứng có chủ ý (lý trí) hơn xuất phát từ suy nghĩ và lập kế hoạch. Tự chủ đòi hỏi một loại năng lượng tinh thần tinh vi có tính đến quá khứ, hiện tại và tương lai. Sự tự chủ có thể được đánh giá bằng những lời khẳng định như “Tôi giỏi chống lại sự cám dỗ” và “Tôi có thể làm việc hiệu quả để hướng tới các mục tiêu dài hạn”.

Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra giá trị của sự tự chủ cũng như những nguy cơ khi thiếu khả năng tự kiểm soát. Thật vậy, một nghiên cứu đã phát hiện ra rằng ở những thanh thiếu niên có mức độ tự chủ cao thì trong 23 năm sau đó, họ đã có các mối quan hệ thân mật tốt hơn, trải nghiệm sự hài lòng  cao hơn trong mối quan hệ, ít xung đột hơn và giao tiếp tốt hơn với đối tác của họ (Allemand và cộng sự, 2019).

Việc kiểm soát cách ta xử lý và bộc lộ cảm xúc của mình như thế nào sẽ dễ dàng hơn nhiều so với việc kiểm soát sự xuất hiện của những cảm xúc đó. Nói cách khác, quản lý cảm xúc thiên về khả năng chúng ta lựa chọn cách thể hiện chúng. Việc bộc lộ cảm xúc có lợi cho sức khỏe, nhưng cách bộc lộ như thế nào và khi nào bộc lộ, cũng quan trọng không kém.

Đặt ra ranh giới lãng mạn và nuôi dưỡng lý tưởng lãng mạn

“Chỉ khi tôi đến tuổi bảy mươi, tôi mới có thể làm theo mệnh lệnh của trái tim mình; để những gì tôi mong muốn không còn vượt quá ranh giới của lẽ phải.” —Confucius

“Tôi duy trì một chế độ ăn uống lành mạnh, nhưng đôi khi, tôi xứng đáng được ăn một cây kem sô cô la vào buổi tối. Điều này cũng đúng đối với đời sống tình cảm của tôi — sau khi tôi từ chối ba người đàn ông quyến rũ, hấp dẫn dù rằng mình không muốn, tôi cảm thấy mình xứng đáng được thưởng thức một cây kem sô cô la lãng mạn dưới hình dạng một người tình nóng bỏng mà tôi muốn”. —Amelie

Những ranh giới là cần thiết trong cuộc sống của chúng ta: việc ở bên người khác đòi hỏi ta hạn chế những ham muốn của bản thân, điều này có thể làm tổn thương người khác. Tồn tại một sự căng thẳng ở giữa những ranh giới ổn định bảo vệ những trải nghiệm quen thuộc và những mong muốn có được những trải nghiệm mới lạ nhưng sẽ  vi phạm những ranh giới chuẩn tắc của ta. Sự căng thẳng giữa tự do và cam kết này có thể khiến mọi người cảm thấy như họ đang bị bó buộc.

Khi nói về sự tự chủ, chúng ta thường đề cập đến việc thiết lập ranh giới ngăn chặn những cám dỗ tiêu cực, chẳng hạn như ăn đồ ăn vặt hoặc có quan hệ tình dục không được chấp nhận. Bất chấp tầm quan trọng của các biện pháp phòng ngừa như vậy, có thể có một hình thức tự kiểm soát có ý nghĩa hơn đó là nuôi dưỡng lý tưởng của bản thân và nâng cao khả năng tự hoàn thiện bản thân. Nuôi dưỡng thường đề cập đến việc  giúp đỡ người khác, chẳng hạn như nuôi dạy con cái. Tuy nhiên, chúng ta cũng có thể nuôi dưỡng bản thân và các mối quan hệ thân thiết của mình. Nuôi dưỡng lòng rộng lượng, lòng biết ơn, lòng trắc ẩn, sự quan tâm và sự nhạy cảm là những ví dụ về hành động nuôi dưỡng có ý nghĩa.

Tương tự như vậy, sẽ dễ dàng hơn để không ăn đồ ăn vặt khi bạn nuôi dưỡng các nguyên tắc dinh dưỡng lành mạnh. Trong trường hợp này, phòng ngừa không chỉ đơn thuần là kết quả của một cuộc đấu tranh “đau đớn” với cám dỗ, mà về cơ bản là một sự duy trì các giá trị quan trọng mà bản thân đã chấp nhận. Việc đạt tới sự tự chủ trong việc ăn uống, không đơn thuần là khả năng từ chối những thực phẩm không lành mạnh mà còn có ý nghĩa nuôi dưỡng những lợi ích tích cực của chế độ dinh dưỡng lành mạnh.

Nuôi dưỡng tình yêu và thể hiện những điều tốt nhất ở bạn đời là hành vi tối ưu để thúc đẩy các mối quan hệ lãng mạn. Nếu ta tham gia vào nhiều hoạt động có tính nuôi dưỡng, ta có cảm nhận tốt hơn về bản thân và cảm giác này như là một “kháng thể” chống lại những cạm bẫy của sự cám dỗ. Tuy nhiên, giống như vắc-xin COVID, thành công không được đảm bảo và bạn có thể cần chích ngừa hàng năm.

Mặc dù các mối quan hệ lãng mạn đòi hỏi cả hai hoạt động nuôi dưỡng và phòng ngừa, nhưng trong tình yêu lâu dài, hành vi nuôi dưỡng phải được đặt ở vị trí trung tâm. Chúng ta thường xây hàng rào xung quanh ranh giới của mình để ngăn bản thân không thể vượt qua chúng dù chỉ một bước. Điều này có thể được thấy trong các quy tắc của các tôn giáo khác nhau, trong đó yêu cầu phụ nữ phải có ngoại hình “khiêm tốn” để ngăn chặn sự cám dỗ. Mặc dù là những hàng rào cuối cùng trước ranh giới nhằm ngăn chặn các hành vi sai trái, nhưng những hàng rào như vậy cũng ngăn họ tham gia vào các hoạt động quy chuẩn dễ chịu (Ben-Ze’ev & Goussinsky, 2008).

Tự chủ quá mức cũng có thể trở thành vấn đề. Thật vậy, trong nghiên cứu của Karen Kayser (1993) về các cuộc hôn nhân bất hòa, các sự kiện chính gây ra sự suy thoái của tình yêu liên quan đến hành vi kiểm soát của đối tác, đặc biệt trong đó có hành vi đơn phương ra quyết định mà không quan tâm đến ý kiến ​​của người được hỏi.

Tự kiểm soát, Độc quyền và Duy nhất

“Đạo đức mà chỉ hoàn toàn dựa trên các quy tắc và nguyên tắc chung là chuyên chế và không cân xứng. Chỉ những người thừa nhận những khác biệt tinh tế của cá nhân mới có cảm giác thích hợp với những đòi hỏi sâu sắc hơn của đạo đức.” —Stephen Toulmin

“Anh yêu em, anh sẽ phá vỡ mọi quy tắc.” —Tina Turner

“Nếu hai người giàu nhất thế giới, Bill Gates và Jeff Bezos, không thể giữ cho vợ của họ hạnh phúc, thì những người còn lại của chúng ta có cơ hội nào?” —Khuyết danh

Sự tự chủ có vai trò quan trọng trong việc ưu tiên các giá trị sâu sắc trong tương lai; điều này trái ngược với xu hướng cảm xúc tự nhiên của chúng ta là ưa thích hiện tại nhất thời. Chúng ta thường mô tả tính độc quyền lãng mạn theo nghĩa tiêu cực khi đề cập đến ranh giới nghiêm ngặt của nó, trong khi tính độc đáo lãng mạn được hình thành từ các thuật ngữ tích cực liên quan đến việc nuôi dưỡng những lý tưởng và sự phù hợp cá nhân. Do đó, việc tập trung vào tính duy nhất, thay vì độc quyền, sẽ giúp tránh được việc coi tình yêu là kiểm soát và giới hạn người yêu, nhằm nâng cao bản chất độc đáo của cô ấy/ anh ấy. Đó là góc nhìn cần thiết để làm sâu sắc thêm các mối quan hệ lãng mạn lâu dài và cho phép mỗi cá nhân cống hiến nhiều hơn, kiên nhẫn hơn với đối phương.

Nguồn: https://www.psychologytoday.com/us/blog/in-the-name-love/202105/why-healthy-relationships-need-boundaries

——-
Hãy liên hệ với chúng tôi bất cứ khi nào bạn cần được hỗ trợ:
☎️ 0828.77.22.33 (Dịch vụ Tham vấn Trị liệu, Đánh giá Tâm Lý) / 0877.16.33.66 (Dịch vụ Hướng nghiệp, Tâm Lý cho Doanh nghiệp & Học đường)
📧 tamlymindcare@gmail.com
📲 https://mindcare.vn/