NỖ LỰC CHO CHÍNH MÌNH VÀ NGƯỜI MÌNH YÊU THƯƠNG

#LumosBox11 #MindCareConnection #Confession

Bạn kể:

Em sẽ tóm tắt hoàn cảnh trước ạ: 

cậu em là người rất nóng tính, rất hỗn láo với tất cả mọi người trừ em người yêu của hắn, năm nay cậu ngoài 40t và từng có một đời vợ, ly hôn với lí do bạo lực gia đình (gia đình em xảy ra không biết bao nhiêu cảnh đập nhau tơi bời rồi chém giết), ngoài 40 tuổi làm thợ xây nhưng chỉ là phụ thôi ạ. Lương không đủ tiêu toàn xin ba mẹ tiền. Ông mệ cũng thấy thương hắn vì con cái ai cũng có nhà mà hắn thì chưa nên đang xây cho hắn căn nhà, hắn mừng lắm. Nhưng không bao giờ biết nói cảm ơn ba mẹ hay xin lỗi ai cả, vô tư vác mặt đi khoe với cả thiên hạ là t có nhà rồi làm oai. Thôi em kết thúc việc giới thiệu cậu của em và sau đây sẽ là những hành động cậu đã làm với em : 

+ Lần 1: cầm con dao tông (dao chặt củi) rượt đòi chém em (lúc đấy em học lớp 6 ạ) nhưng em thoát được

+ Lần 2: cầm kéo dọa giết em nhưng em đã khóc lóc cầu xin nên cũng thoát được ạ

+ Lần 3: là câu chuyện dưới đây ạ

Câu chuyện này xảy ra vừa mới ngày hôm qua thôi và em bây giờ không thể nào không suy nghĩ về nó được ạ. Chuyện là trưa qua lúc cậu và mệ em đang ăn cơm thì cậu có nói những lời lẽ không hay với mệ em thì em có nói lại là im lặng mà ăn cơm xong cậu tức lên ném bát xong tới chỗ em định đập em nhưng em thật sự không biết lúc đấy mình bị sao mà lại đập cậu trước, lúc đập xong em đứng như người mất hồn khoảng 2-3s thì câu nhào vô túm tóc em rồi em có cào người cậu nhưng do em bị túm tóc kéo xuống dưới mạnh quá nên em chẳng thấy gì. Mệ em thì đứng cản nên em lo cho mệ bị thương lắm. Đánh được 1 lúc thì có hàng xóm chạy qua ngăn, rồi cậu có vào bếp cầm dao, biết trước nên em đã chạy may mà không bị bắt kịp ạ, lúc đấy em nghĩ mình sắp chết đến nơi rồi. Nhưng vì không đuổi theo kịp nên em đã lén chạy vào nhà hàng xóm xin điện thoại gọi điện cho người nhà, xong rồi em trốn lên tầng 2 của nhà hàng xóm. Ngồi tầm 3-5p thì có dì họ hàng qua an ủi và động viên em rồi có nói cậu đang cầm dao tìm em ngoài đường nên đừng đi mô cả nên em cũng trốn thật kỹ. Lúc sau mệ có đến tìm em, mệ nhìn em rồi khóc bảo em tội và thương em, em cũng nhìn mệ khóc mà khóc theo rồi an ủi mệ đừng khóc nữa vì tâm lý lúc đấy của em không ổn định cho lắm vì tim em đập nhanh và hơi nhói nên em nghĩ mình cần ổn định tâm lý lại. Mệ ngồi với em tầm 3p thì cậu đến nhà em trốn rồi nói “Tao biết mày đang ở đây, mày có ra đây không. Mày đừng có hỗn với tao, tao thề tao nhất định phải giết mày, chặt mày ra từng khúc. Mẹ mày.” vừa nghe thì em chạy lên tầng khoá trái cửa lại, cũng may là hàng xóm lúc đấy đông nên họ cũng ngăn được. Lúc lên tầng để trốn, em suy nghĩ rất nhiều nếu lúc ấy mình cho cậu giết thì chắc chắn cậu sẽ bị tử hình rồi lại suy nghĩ mình là con một, mình mà mất thì mẹ sẽ sống ra sao… ngồi suy nghĩ một lúc thì nước mắt em trào ra, mặc dù em đã cố gắng động viên bản thân rằng là không được khóc, mình không thể cho con người kia thấy được giọt nước mắt yếu đuối của mình nhưng rồi một phần nào đó trong tâm em lại bảo rằng mình có thể. Em  ngồi khá lâu và suy nghĩ cũng khá nhiều, lúc lâu sau thì người hàng xóm có cho em chai nước rồi đưa điện thoại cho em bảo là ông sắp đến đón về (do ông em đi cúng cả buổi sáng đến trưa chiều mới về), nghe xong thì em cũng an tâm vì thật sự là dạo gần đây em cảm nhận được ông không còn yêu thương em như trước nữa, (dường như ông đang phân biệt đối xử giữa cháu trai và cháu gái hay sao ấy ạ) nghe xong thì em cũng ngồi đợi nhưng cuối cùng thì người đến đón em không phải là ông mà là dì của em, lúc đón em về đến nhà thì cậu có nói là “Mày thử nói xem bí mật của cậu là chi?“ (vì trước lúc đánh nhau em có nói là “Mày tưởng tao không biết bí mật của mày à ?”, vì lúc đó em tức lắm nên mới xưng hô như thế), nghe hỏi thế em cũng cố mà lơ đi. Và điều làm em bất ngờ nhất đó chính là thái độ của cả nhà em (trừ mệ của em), không ai có một chút lo lắng hay quan tâm gì cho em. Ông em còn chẳng hỏi han em câu gì, cậu lớn còn nhìn em cười rồi bảo “Không có chi mô hè.” em tự hỏi rằng “Đó là câu an ủi, động viên của cậu?”. Vì đã xảy ra chuyện như vậy nên người nhà khuyên mãi em mới chịu xuống nhà dì (ông mệ em ở trên quê còn con cái ông mệ ở dưới thành phố cả ạ). Từ lúc hôm qua đến giờ em cứ lo cho mệ của em, em không biết mệ còn phải nghe những lời lẽ như vậy cho đến bao giờ nữa. Em thật sự bây giờ rất rối, em không thể ngồi học bài được, cứ ngồi vào là em lại suy nghĩ đến mệ của em.

====

Lumos Box hồi âm:

Lumos Box chào bạn,

Hy vọng lá thư này sớm đến được với bạn để bạn biết rằng Lumos Box đã lắng nghe được những tâm sự trong lòng bạn. Qua lời kể, có thể hiểu bạn và mẹ bạn đã trải qua những năm tháng sống chung dưới một mái nhà với người cậu bạo lực. Điều này dường như khiến cho bạn thường trực nỗi lo chính mình và mẹ luôn có nguy cơ bị tổn thương về cơ thể và tinh thần. Sau một chuyện gần đây, bạn đã rất khó khăn để quyết định tạm xa mẹ và chuyển tới ở nhà dì. Việc chuyển đi không chỉ để đảm bảo an toàn cho bạn mà còn nhằm giúp bạn tập trung cho việc học hơn vì bạn đang học lớp 12 rồi. Thế nhưng, dù ở xa nhà, lòng bạn vẫn rối bời, thấp thỏm lo cho mẹ ở quê, cứ ngồi vào bàn học là nhớ tới mẹ. 

Đọc tới đây, bạn hãy cho phép mình nhắm mắt lại hít thở một hơi thật sâu bằng mũi… rồi thở ra từ từ nhất có thể bằng miệng nhé. Việc này tuy đơn giản nhưng sẽ có thể giúp bạn có thêm sự bình tĩnh và quan trọng nhất là một tinh thần sáng suốt để nhìn nhận các phân tích tiếp theo về vấn đề của mình. Nào, mời bạn từ từ nhắm mắt lại hít thật sâu rồi thở ra từ từ và mở mắt… 

Bạn thân mến,

Nổi bật trong tâm sự của bạn là các cảm xúc từ hoang mang, tức giận, lo lắng, đến buồn bã, muốn buông xuôi, rối bời. Dường như đằng sau tất cả những cảm xúc đó là một nhu cầu chính đáng về sự an toàn cho chính bạn và người bạn yêu thương. Hiện tại bạn đang cảm thấy thấp thỏm không yên vì chưa an tâm về mẹ, không sao cả. Nhiều người khi ở trong hoàn cảnh lo lắng, bất an cũng cảm thấy khó mà tập trung làm một việc gì đó. Bởi vì đó là cách bộ não của chúng ta phản ứng đầy bản năng trước nguy hiểm. Trước tình huống nguy hiểm, nhu cầu quan trọng nhất,  cấp thiết nhất của cá nhân là tìm mọi cách để được an toàn. Rất có thể, việc bạn không thể tập trung học là do nhu cầu quan trọng nhất với bạn đang là làm thế nào để mẹ được an toàn.

Trước mắt, việc bạn có những hiểu biết chính xác và đầy đủ về mối nguy hiểm bạn và mẹ đang trải qua rất có thể sẽ giúp bạn tìm ra được giải pháp an toàn ở hiện tại.

Những gì bạn mô tả về hành vi của người cậu với bạn được biết đến là các biểu hiện của hành vi bạo lực gia đình và đã được nhà nước ta quy định trong Luật Phòng, chống bạo lực gia đình năm 2007 và bị pháp luật nghiêm cấm. Như bạn có viết, trong nhiều tình huống bị đe dọa, bạn đã nhận được sự hỗ trợ từ những người hàng xóm bằng cách can ngăn cậu bạn và cung cấp cho bạn nơi trú ẩn; sự hỗ trợ từ gia đình như mẹ hay dì đã quan tâm, an ủi, giữ bạn ở nơi an toàn. Về phía mẹ bạn, những tình cảm, sự che chở bạn dành cho mẹ cũng có thể là nguồn lực quan trọng giúp mẹ bạn khi bạo lực gia đình xảy ra.  Thế nhưng, bên cạnh sự trợ giúp của những người xung quanh, để ứng phó với bạo lực gia đình, bạn và mẹ bạn luôn có quyền tìm kiếm sự trợ giúp từ những cơ quan, tổ chức có chuyên môn, kinh nghiệm trong lĩnh vực bảo vệ phụ nữ và trẻ em khỏi bạo hành gia đình, và hoàn toàn cam kết sẽ bảo mật thông tin cá nhân cho bạn. 

Bạn có thể tham khảo phần thông tin về hỗ trợ nạn nhân bạo lực gia đình trong một trường hợp bạo lực gia đình khác mà Lumos Box đã từng phản hồi:

https://mindcare.vn/thau-hieu-ban-than-va-thoat-khoi-am-anh-tam-ly-do-bao-luc-gia-dinh/?fbclid=IwAR3BmYIZ2Vha3Vfca1L3o5EWTicGh6pq0A-b9FXQjMlzwCiyfQZ1JfelBO8

Các thông tin chi tiết đã được đề cập ở bài viết trên và trong một đường link tài liệu được đính kèm trong chính bài viết trên. Một lần nữa mình muốn nhấn mạnh rằng, với các đơn vị có chuyên môn trong lĩnh vực trợ giúp người chịu bạo lực gia đình, mọi thông tin của người liên hệ và người thân luôn được cam kết giữ bí mật để đảm bảo an toàn cho họ. Một trong những trợ giúp quan trọng nhất cho người gọi tới chính là giúp đánh giá mức độ rủi ro/ an toàn hiện tại của họ và giúp họ xây dựng “kế hoạch an toàn” cho họ và những người thân liên quan. Biết đâu những sự tư vấn và hỗ trợ chuyên nghiệp này sẽ giúp bạn tìm thấy một giải pháp phù hợp để bảo vệ an toàn cho bạn và gia đình. Mình tin rằng, bạn không hề đơn độc trên con đường tìm kiếm an toàn và hạnh phúc này. 

Hy vọng những thông tin trên giúp bạn có thêm những phương hướng mới và phần nào đỡ loay hoay. Trên thực tế, nhiều khi giải pháp cho một vấn đề đến từ sự hỗ trợ bên ngoài, nhiều khi đến từ chính mình, và trong không ít trường hợp, giải pháp hiệu quả nhất đến từ sự kết hợp cả những nguồn lực bên ngoài và nội lực của bản thân. Qua mỗi chuyện xảy ra, có thể thấy sự mạnh mẽ của bạn khi bạn chưa bao giờ ngừng nỗ lực để thoát ra khỏi hoàn cảnh khó khăn của mình; luôn cố gắng để nhận thức về suy nghĩ và cảm xúc của mình trong tình huống nguy hiểm. Bên cạnh đó, bạn có ý thức trách nhiệm với gia đình khi biết lo lắng, suy nghĩ cho mẹ. Mình tin rằng, những phẩm chất đó là tiền đề quan trọng, là một nguồn nội lực giúp bạn tích cực và sáng suốt hơn, mà không phải ai trong trường hợp của bạn cũng có được.

Hiện tại, bạn cũng chia sẻ là bạn đang học lớp 12. Đây là giai đoạn mà nhiều người cho rằng họ đang đứng trước một ngưỡng cửa lớn của cuộc đời khi bản thân đã đủ hoặc sắp đủ 18 tuổi, có sự trưởng thành nhất định để có cơ hội thay đổi bản thân và tự quyết định cuộc sống tương lai mình mong muốn. Biết đâu, đây cũng chính là một nguồn lực cá nhân mà bạn chưa nhận ra. Giả sử là bạn có quyền quyết định 100% cuộc sống của mình trong tương lai, bạn hình dung cuộc sống mà bạn mong muốn như thế nào? Liệu rằng bây giờ, bạn có thể làm gì và bạn có cơ hội nào để tiến gần đến cuộc sống mơ ước ấy? 

Được biết, một trong những khó khăn bạn đang trải qua là bạn thấy bản thân chưa lo được việc học, hễ cứ ngồi vào học là sẽ nghĩ tới mẹ, khó tập trung. Bạn còn nhớ trong phần đầu thư, mình đã phân tích cơ chế của bộ não khi nhận thấy dấu hiệu nguy hiểm chứ? Khi đó, bộ não sẽ cực kỳ tập trung cho bất cứ việc nào mà nó nghĩ là có thể giúp ta thoát khỏi mối nguy hiểm đang đe dọa. Vậy phải chăng, nếu xác định việc học tập và chuẩn bị cho tương lai là một giải pháp để ta được an toàn, thì bộ não sẽ dồn sự chú ý và tập trung vào đó? Mong rằng những suy nghĩ về mục tiêu học tập và các dự định tương lai mà mình vừa gợi ra đã cung cấp cho bạn thêm góc nhìn mới về tình trạng hiện tại của mình.

Trong quá trình suy tư, lo lắng, khó tránh việc cơ thể và tâm trí bị căng thẳng. Vậy nên, có lẽ, bạn cũng cần chú ý nhiều hơn đến việc chăm sóc tinh thần của mình để tiếp tục hành trình tiến tới an toàn, hạnh phúc.

Trong trường hợp những suy nghĩ và cảm xúc căng thẳng làm phiền bạn, khiến bạn mất tập trung vào việc học tập, cuộc sống, hãy cứ cho phép mình được cảm thấy đúng với “điều mình đang cảm thấy” nhé. Hiểu rằng những căng thẳng đó có thể là cách não bộ gửi tín hiệu cảnh bảo đến ý thức của ta khi ta đang trải qua chuyện bất an. Khi ta chấp nhận cảm xúc, chính là một cách phản hồi với não bộ rằng: “Cảm ơn não, ta đã ý thức được mối nguy đó rồi, não có thể nghỉ ngơi”. Việc này nghe có vẻ dễ nhưng để làm được cũng cần sự kiên trì thực tập. Nếu bạn thấy mình phù hợp với việc viết, hãy viết ra những suy nghĩ của mình mỗi khi cảm thấy cơn lo âu xuất hiện. Nếu bạn thích đối thoại hơn, bạn có thể tự nói chuyện với mình, dùng lời nói để diễn tả những suy nghĩ, cảm xúc bên trong. Một cách khác bạn cũng có thể thử mỗi khi thấy lo lắng, mất tập trung đó là nhắm mắt lại và hít thở sâu nhịp nhàng, vừa hít thở vừa nhận biết các suy nghĩ xuất hiện trong đầu; cũng giống như việc viết ra hoặc nói ra, bạn chỉ cần nhận biết và chấp nhận những gì mình suy nghĩ thôi, rồi chúng sẽ rời đi sau khi đã được bạn để ý tới, cùng với đó cơn căng thẳng sẽ từ từ trôi qua. Xin gửi tặng bạn một số từ khóa bạn có thể tìm kiếm thêm về các bài tập thư giãn nhé: “chánh niệm”/ “Mindfulness”, “thiền quan sát hơi thở”, “morning page”, “wiki how: làm thế nào để thư giãn”.

Bạn thân mến,

Mong rằng qua những trò chuyện trên đây, mình đã phần nào tiếp sức được cho bạn khi cùng bạn khám phá thêm về nguyên nhân dẫn tới những cảm xúc bất an, mất tập trung ở thời điểm hiện tại của bạn; về những nguồn lực hỗ trợ bên ngoài và bên trong chính bạn cho vấn đề bạo lực gia đình; cùng với đó là những gợi ý về việc chăm sóc sức khỏe tinh thần cho giai đoạn cuối cấp sao cho chủ động giải tỏa được những căng thẳng một cách lành mạnh.

Chúc bạn luôn vững tâm và sáng suốt!

Thân mến,

Ad. Phoenix

========

📬 Nếu bạn đang thấy mình không ổn và cần được lắng nghe, hãy chia sẻ câu chuyện của bạn với Lumos Box :https://forms.gle/UahaWZwHGzK3rJrq9
📩Nếu bạn là chủ nhân của bất kì bức thư nào đã được trả lời, xin vui lòng để lại phản hồi của bạn cho Lumos Box tại :https://forms.gle/QPvUz4BFNot59D8x7
🔗 Mọi thông tin chi tiết vui lòng liên hệ:
☎️ 0828.77.22.33
📧 tamlymindcare@gmail.com