THẤU HIỂU BẢN THÂN VÀ THOÁT KHỎI ÁM ẢNH TÂM LÝ DO BẠO LỰC GIA ĐÌNH

#LumosBox01 #MindCareConnection #Confession

Bạn kể:

“ Chào mọi người nhé.

Mình sinh ra và lớn lên trong một gia đình không hạnh phúc cho lắm. Bố mình là 1 người rất gia trưởng và bạo lực, khi mình còn bé đã luôn chứng kiến những vụ bố đánh mẹ mình đến mức phải nhập viện và hiện tại cũng vậy.

Nhưng đến lúc mình học xong năm lớp 10 và kỳ nghỉ hè năm lớp 10. Bố mình có uống rượu ở nhà hàng xóm rồi về tìm mẹ mình, lúc đó chỉ có mình ở nhà. Bố hỏi mình bảo mẹ ra đồng rồi, bố nói sẽ mang súng đi tìm giết mẹ nên mình cũng sợ chạy ra đồng để thông báo cho mẹ, nhưng bố mình đuổi theo sau và đã nổ súng nhưng mình đã tránh kịp không trúng đạn (súng đây là súng kíp tự chế), lúc đấy mình rất sợ và khóc rất nhiều. Khi có tiếng súng nổ ra thì hàng xóm chạy ra ngăn chặn bố mình không cho bố mình tiếp tục ra đồng tìm mẹ mình nữa. Đó là một điều khiến mình không thể nói chuyện bình thường với bố mình cho đến hiện tại. Hiện tại dù mình trưởng thành nhưng mỗi năm tết mình về nhà là lại bị bố dùng những lời lẽ xúc phạm mình khiến mình rất buồn dù đó là bố đẻ mình.

Mình rất muốn được lời khuyên từ mọi người làm như thế nào để thoát khỏi ám ảnh tâm lý đấy. Cho đến hiện tại trong đầu mình luôn tồn tại cái suy nghĩ là sợ mình lại lấy được người chồng như bố mình, khiến mình không dám nghĩ đến đi lấy chồng.

Mình rất buồn dù cũng thương bố mình nhưng mình đã không muốn gọi bằng bố mà mình gọi tên bố mình. Mọi người nói cho mình biết xem như vậy có bất hiếu không ạ?

Mình xin chân thành cám ơn.”

====

Lumos Box hồi âm:

Xin chào bạn,

Cảm ơn bạn đã tin tưởng gửi thư về hòm thư Lumos Box. Qua thư, có thể thấy bạn đang mong muốn  vượt qua ám ảnh tâm lý đến từ những sự việc xảy ra trong quá khứ và hiện tại giữa bạn với bố bạn, để tiếp tục chung sống tốt hơn trong gia đình. Bạn cũng có những băn khoăn cụ thể như: nên ứng xử như thế nào với bố, liệu rằng nếu lấy chồng thì người chồng ấy có thể giống bố mình hay không? Trong lòng vừa buồn giận nhưng cũng vừa thương bố, đó có lẽ là một cảm giác khó có thể giải thích trong bạn lúc này. Bây giờ, chúng ta sẽ cùng quan sát kỹ hơn những điều bạn đã chia sẻ nhé.

Trước hết, về việc bố bạn đánh mẹ bạn đến mức phải nhập viện và việc bố dùng lời lẽ xúc phạm bạn.

Khi đối chiếu với Luật Phòng, chống bạo lực gia đình năm 2007, những hành vi  trên đây dường như là biểu hiện chính xác của hành vi bạo lực gia đình “… là hành vi cố ý của các thành viên gia đình gây tổn hại hoặc đe dọa gây tổn hại… với các thành viên khác trong gia đình” (theo Điều 1). 

Trong thư bạn đã viết, những gì bạn trải qua là một câu chuyện rất dài không thể kể chi tiết được. Mình hiểu rằng, đã có nhiều sự việc xảy đến từ khi còn nhỏ cho tới hiện tại, mà khi chúng qua đi đã để lại những tổn thương được cộng dồn theo năm tháng. Dường như ở thời điểm viết bức thư này, bạn đã có được một sự trưởng thành và bình tĩnh nhất định. Bạn không chỉ viết về cảm xúc mà còn viết ra những suy ngẫm về mối quan hệ với bố, về cuộc sống hiện tại và tương lai của bạn, của gia đình. Những hiểu biết chính xác về phòng chống bạo lực gia đình có thể là trang bị cần thiết giúp bạn và người thân duy trì cuộc sống gia đình an toàn hơn. 

Cụ thể, các hành vi được bạn mô tả thuộc hai nhóm: bạo lực thể chất và bạo lực về tinh thần – đều là các hành vi bị pháp luật nghiêm cấm. Trong trường hợp này, bạn và mẹ bạn luôn có quyền tìm kiếm sự trợ giúp chính đáng mà vẫn hoàn toàn bảo mật thông tin cá nhân. Bên cạnh các cơ quan chính quyền, tại Việt Nam có rất nhiều đơn vị hỗ trợ cho cá nhân trải qua bạo lực gia đình như đường dây nóng 1900969680 của Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam (hỗ trợ 24/7), đường dây nóng: 094.311.1967 của HAGAR – một tổ chức xã hội chuyên hỗ trợ miễn phí cho phụ nữ và trẻ em có hoàn cảnh khó khăn để phục hồi những tổn thương tâm lý. Ngoài ra, còn rất nhiều địa chỉ uy tín khác ở Hà Nội và các tỉnh thành trên cả nước được ghi trong: “Danh bạ địa chỉ cơ quan, tổ chức hỗ trợ phụ nữ và trẻ em bị bạo lực, xâm hại” (tháng 3/2021). 

Các hình thức hỗ trợ chính là: hỗ trợ tâm lý; hỗ trợ pháp lý; trang bị các kiến thức, kỹ năng phòng ngừa, ứng phó với bạo lực gia đình; nơi ăn ở an toàn, miễn phí;… Xin được đính kèm link thông tin ở đây để bạn tìm hiểu và lựa chọn sự trợ giúp phù hợp nhất khi cần (https://vietnam.un.org/sites/default/files/2021-03/Danh%20ba%2011x18cm%202203.pdf.)

Trở lại với lá thư, mong muốn của bạn ngay lúc này là nhận được lời khuyên làm thế nào để thoát khỏi ám ảnh tâm lý. 

Bạn nói rằng từ sau sự việc xảy ra trong gia đình bạn năm bạn học lớp 10  cho đến nay, bạn không thể nói chuyện bình thường với bố. Bạn không muốn gọi “bố” mà gọi bằng tên riêng. Thế nhưng khi làm như vậy, bạn lại tự hỏi “liệu có phải là bất hiếu?”. Trong thư không nhắc tới những gì diễn ra sau khi bố bạn được hàng xóm ngăn lại, nên khó mà hình dung được giữa bạn, bố và mẹ đã có trao đổi với nhau như thế nào về việc đó. Nhưng dường như đó vẫn còn là nút thắt chưa được giải tỏa với cả bạn và bố bạn.

Nếu như bạn không muốn gọi bố là “bố” sau sự việc kia, vậy thì theo bạn đâu là lý do? Điều gì đã thay đổi trong bạn sau khi trải qua chuyện đó? Thông qua những câu hỏi này, bạn hãy thử nhìn sâu vào những cảm xúc, suy nghĩ của mình ở hiện tại. Và khi đã sẵn sàng, bạn có thể cho phép mình trở về với những cảm xúc, suy nghĩ của cô bé lớp 10 năm xưa. Phải chăng có điều gì đó cô bé ấy đã muốn nói với bố hoặc muốn nghe bố nói với mình, nhưng lại chưa xảy ra? Việc này có thể không giúp bạn thay đổi quá khứ, nhưng biết đâu sẽ giúp bạn làm sáng tỏ hiện tại. Biết đâu bạn sẽ hiểu ra nút thắt trong lòng mình khiến mình bao lâu nay mình lại không thể nói chuyện với bố như trước kia? Xét cho cùng, việc có nói chuyện “bình thường” với bố hay không là một lựa chọn và có lý do cho lựa chọn đó. Có thể bạn sẽ không còn thấy mình làm gì “không bình thường” nếu bạn hiểu được vì sao mình làm thế.

Về phía bố bạn, bạn thấy bố có những lời lẽ khiến bạn cảm thấy bị xúc phạm và rất buồn. Trong trường hợp của bạn, có người tìm cách thay đổi đối phương. Lại có người chọn thay đổi góc nhìn của bản thân. Họ đặt câu hỏi tại sao, và thắc mắc liệu đằng sau những lời lẽ ấy, đối phương đang thực sự truyền đi thông điệp gì? Khi đó, họ  có thể nghe thấy nhu cầu thực sự của đối phương, chứ không chỉ thấy những vỏ bọc ngôn từ nữa. Còn bạn, bạn có muốn tìm hiểu xem bố bạn đang thực sự muốn nói gì, mong đợi điều gì từ bạn? 

Bạn còn một khúc mắc nữa trong lòng là nỗi sợ thường trực sẽ lấy được người chồng giống như bố, do vậy mà không dám nghĩ đến chuyện đi lấy chồng. Trước tiên, việc kết hôn và chung sống với một ai đó là lựa chọn mang tính tự do cá nhân. Hoàn toàn bình thường nếu ai đó chọn lập gia đình, nhưng một người khác lại không chọn như vậy, dù với bất kỳ lý do gì. Vì bạn đời là người được kỳ vọng sẽ đồng hành cùng ta trong cuộc sống, đi qua vui, buồn, sướng, khổ,… vậy nên không khó hiểu khi bạn có những lo lắng, cân nhắc trong việc kết hôn. Nếu bạn thấy chưa sẵn sàng cho việc này, điều đó cũng không sao cả. Có thể sau khi tháo gỡ được những khúc mắc trong lòng về mối quan hệ với bố, bạn cũng sẽ có được câu trả lời cho chuyện tình cảm cá nhân. Tuy nhiên, nếu ngay tại thời điểm này, chuyện kết hôn vẫn là điều bạn trăn trở thì bạn thử nghĩ xem: Nếu kết hôn, những nhân tố nào quyết định việc người chồng tương lai của bạn có thể hành xử giống hay không giống bố bạn? Ai (những ai) là người chịu trách nhiệm cho việc xảy ra chuyện này? Từ bây giờ, bạn có thể chuẩn bị những gì để sẵn sàng đối mặt với những điều không mong muốn trong cuộc hôn nhân tương lai? 

Do hạn chế của việc gửi thư nên mình chưa thể lắng nghe bạn nhiều hơn và đi cùng bạn xa hơn. Trước khi dừng bút, hãy cùng đi đến câu hỏi cuối thư của bạn: “Mọi người hãy nói cho em biết em như vậy có bất hiếu không?”. Trên thực tế, “hiếu thảo” hay “bất hiếu” đều là những khái niệm trừu tượng, mỗi người có thể bày tỏ lòng hiếu thảo qua những việc làm khác nhau. Bạn nghĩ sao về việc đánh giá một người hiếu thảo hay bất hiếu chỉ qua một hành động? Đó là còn chưa xét đến thái độ, động cơ đi kèm với hành động. Nếu một người con ngoài miệng vẫn gọi bố nhưng trong lòng thì buồn giận, không tôn trọng, không có tình yêu thương thì bạn nghĩ sao?

Thật khó để đại diện cho “mọi người” – tất cả những người ngoài kia – để đưa ra một câu trả lời cho bạn. Nhưng còn bạn thì sao, bạn cảm thấy như thế nào về chuyện này? Giữa cách mà mọi người đánh giá về bạn và điều bạn thực sự cảm thấy, cái gì quan trọng hơn với bạn? Có thể, bạn đã luôn có sẵn câu trả lời cho mình rồi đấy.

Chúc bạn luôn bình tĩnh và sáng suốt để thắp lên ánh sáng của riêng mình!

Ad. Phoenix

========

📬 Nếu bạn đang thấy mình không ổn và cần được lắng nghe, hãy chia sẻ câu chuyện của bạn với Lumos Box :https://forms.gle/UahaWZwHGzK3rJrq9
📩Nếu bạn là chủ nhân của bất kì bức thư nào đã được trả lời, xin vui lòng để lại phản hồi của bạn cho Lumos Box tại :https://forms.gle/QPvUz4BFNot59D8x7
🔗 Mọi thông tin chi tiết vui lòng liên hệ:
☎️ 0828.77.22.33
📧 tamlymindcare@gmail.com