Cảm xúc tiêu cực đến từ đâu? (P.1)

Cảm xúc là gì?

Trước khi nói về cảm xúc tiêu cực, chúng ta cần hiểu cảm xúc là gì/ Cảm xúc là một phản ứng sinh lý và tâm – thần kinh của một sinh vật có ý thức đối với một kích thích nào đó. (Kích thích ở đây có thể là lời nói, hình ảnh, sự vật, sự việc xảy ra hàng ngày xung quanh chúng ta).

Nếu những cảm xúc cụ thể được tạo ra bởi những kích thích cụ thể, thì một kích thích cụ thể sẽ tạo ra cảm xúc giống nhau ở tất cả mọi người. Nhưng trên thực tế, mỗi người chúng ta lại có những phản ứng cảm xúc khác nhau đối với cùng một kích thích.

Vậy thì điều gì gây ra cảm xúc?

(Ở đây, chúng ta sẽ không nói đến các kích thích là các tình huống nguy hiểm đe dọa đến tính mạng của chúng ta).

Một kích thích cụ thể là một điều kiện cần thiết để nảy sinh cảm xúc, nhưng không phải là điều kiện đủ. Một điều kiện cần phải có nữa là một ý nghĩa mà chúng ta gán cho kích thích ấy. Ví dụ: Cùng 1 câu nói “sao mày vô dụng thế”, người bình thường có thể sẽ không để tâm hoặc nghĩ “Nó đang đùa thôi chứ chả có ý gì”, nhưng người trầm có thể sẽ nghĩ “Tôi là một người vô dụng, và mọi người xung quanh tôi cũng cho rằng tôi chẳng làm được việc gì có ích. Thật thất vọng về bản thân mình. Vậy tôi sống để làm gì?”…

Do đó các điều kiện để nảy sinh cảm xúc tiêu cực có thể là: (1) Luôn tồn tại 1 niềm tin tiêu cực (có thể là cảm giác bất lực, vô dụng, không tin tưởng); và/hoặc (2) có những trải nghiệm tiêu cực xảy ra trong thời thơ ấu, việc này tạo ra một sự liên kết đó là chúng ta sẽ có cảm xúc tiêu cực tương tự bất kì khi nào có những kích thích tiêu cực tương tự như chúng ta đã từng trải nghiệm thời thơ ấu.

Nói tóm lại, tất cả những cảm xúc tiêu cực nảy sinh trong chúng ta xuất phát từ 2 yếu tố chính:

(1) Những trải nghiệm tiêu cực mà chúng ta đã có trong thời thơ ấu. Những trải nghiệm này có thể khiến cho chúng ta có cảm giác không an toàn, thiếu sự tin tưởng, không được ghi nhận… Ví dụ như hồi nhỏ, bạn thường xuyên bị bố mẹ mắng chửi, không quan tâm tới nhu cầu, mong muốn của bạn hoặc không nhìn nhận những điều bạn đang cố gắng hay đã làm được.

(2) Suy nghĩ, ý nghĩa mà chúng ta gán cho sự việc, tình huống diễn ra, việc này thường hình thành khi chúng ta đã có tư duy, quan điểm riêng của mình. Lời nói, hành động hay sự việc diễn ra là tiêu cực khi chúng ta cho rằng nó là tiêu cực.

Hai yếu tố này thường tồn tại cùng nhau và củng cố cho nhau. Mời các bạn đón đọc phần tiếp theo của series “CẢM XÚC TIÊU CỰC ĐẾN TỪ ĐÂU?”.

Thay cho lời kết, rất nhiều người luôn nỗ lực tìm mọi cách để dập tắt hoặc loại bỏ những cảm xúc, suy nghĩ tiêu cực nhưng vẫn không hiệu quả và việc này lại càng khiến cho chúng ta rơi vào trạng thái tiêu cực nhiều hơn, thậm chí là trầm trọng hơn. Một điều vô cùng quan trọng đó là, trước hết chúng ta phải hiểu nguồn cơn của nó, thấu hiểu nó thì mới có thể đi đến giải tỏa nó được.

Nguồn tham khảo: https://www.mortylefkoe.com/why-negative-emotions/
—————
Hãy liên hệ với MindCare nếu bạn cần trợ giúp nhé!
#Camxuc #Camxuctieucuc
#Tuduy
#Tuvantamly