4 dấu hiệu sang chấn tâm lý tuổi thơ ảnh hưởng tới bạn khi trưởng thành

Cho dù bạn chứng kiến bạo lực hay trực tiếp là nạn nhân của bạo lực khi còn nhỏ hoặc người chăm sóc bạn đã bỏ mặc bạn cả về mặt cảm xúc hoặc thể xác thì khi lớn lên bạn luôn mang những dấu hiệu của sang chấn đó khi trưởng thành.

Những sự kiện xảy ra với trẻ em đều có ý nghĩa với chúng và hình thành nên thế giới quan của trẻ (cách trẻ nhìn nhận về con người, các mối quan hệ và thế giới xung quanh). Thế giới quan này giúp trẻ thích ứng và đối phó được với những gì xảy ra xung quanh trẻ. Tuy nhiên, nếu trẻ em không thể thay đổi hay hình thành thế giới quan mới khi trưởng thành thì thế giới quan cũ sẽ ảnh hưởng đến toàn bộ cuộc sống của trẻ khi chúng trưởng thành.

Mặc dù có nhiều hậu quả của sang chấn thời thơ ấu, tuy nhiên trong bài này tác giả chỉ đề cập 4 cách mà sang chấn cảm xúc thời thơ ấu tác động đến một người khi trưởng thành.

1. Hình thành cái tôi ngụy tạo

Khi còn nhỏ, bạn muốn được cha mẹ yêu thương và chăm sóc. Và khi bạn cảm thấy không nhận được điều này từ cha mẹ, bạn sẽ cố gắng để trở thành một đứa trẻ tốt mà bạn cho rằng làm như vậy sẽ được họ yêu thương. Khi ấy bạn sẽ phải gạt bỏ đi những cảm xúc thật và mong muốn thực sự của mình, hình thành một “cái tôi ngụy tạo” để thể hiện cho mọi người thấy.

Khi chôn chặt cảm xúc của chính mình, bạn sẽ mất đi sự kết nối với con người thực sự của mình, bởi vì cảm xúc của bạn là một phần không thể thiếu trong bạn. Bạn sống cuộc sống thường xuyên bất an vì luôn lo sợ rằng những gì bạn đã và đang cố gắng ngụy tạo nên hay những chiếc mặt nạ bạn đang đeo sẽ bị rơi xuống, và bạn sẽ không còn được chăm sóc, yêu thương và chấp nhận nữa.

2. Suy nghĩ nạn nhân

Những gì bạn nghĩ và tin về bản thân mình sẽ hình thành nên những suy nghĩ cố hữu và tự động trong bạn. Cách bạn nghĩ về chính mình có thể trao quyền và tăng thêm sức mạnh cho bạn hoặc kìm hãi và không cho phép bạn được làm điều gì đó. Nếu bạn có suy nghĩ “mình không được phép” (làm gì đó), bạn sẽ cảm thấy bạn không thể/không có khả năng kiểm soát cuộc sống của chính mình – đó là suy nghĩ của một nạn nhân.

Tuy nhiên, bạn có thể là nạn nhân khi còn nhỏ, khi bạn phải phụ thuộc vào người khác và sự nhận thức còn hạn chế, nhưng bạn không phải là nạn nhân khi bạn đã trưởng thành.

Ngay cả khi ở trong hoàn cảnh mà bạn nghĩ rằng bạn không được lựa chọn, thì ít nhất bạn vẫn luôn có một sự lựa chọn – đó là chọn cách bạn nghĩ. Bạn không có nhiều quyền kiểm soát với môi trường và cuộc sống của bạn khi còn là một đứa trẻ, nhưng hiện tại bạn là người trưởng thành.

3. Gây hấn thụ động (passive – agressiveness)

Hành vi gây hấn thụ động là một dạng hành vi lặp đi lặp lại của việc biểu lộ cảm xúc tiêu cực một cách gián tiếp thay vì công khai giải quyết chúng.

Khi trẻ em lớn lên trong gia đình không lành mạnh, thường xuyên có sự giận dữ thì khi lớn lên, đứa trẻ ấy sẽ nghĩ rằng tức giận là không thể chấp nhận được. Khi trưởng thành, người đó sẽ cho rằng tức giận là một cảm xúc bạo lực và do đó phải bị đè nén, không cho nó thể hiện ra ngoài. Hoặc, nếu bạn lớn lên trong một gia đình và cha mẹ dạy bạn rằng sự tức giận nằm trong danh sách những cảm xúc cần phải gạt bỏ, vì vậy nếu nó xuất hiện thì hãy kìm nén nó.

Tuy nhiên, đó là cảm xúc thật và nó đã, đang tồn tại trong bạn. Vì vậy, rốt cuộc thì bạn vẫn cảm thấy tức giận và kết quả là bạn vẫn sẽ thể hiện nó hoặc giải tỏa nó bằng cách này hay cách khác, bằng hành vi cụ thể hoặc qua thái độ.

Tức giận là một cảm xúc tự nhiên, lành mạnh mà tất cả chúng ta đều trải qua, nhưng thay vì giải quyết bằng việc thừa nhận sự tức giận của mình và giải quyết nguyên nhân đã kích hoạt nó thì bạn lại “giận cá chém thớt” hay “đá thúng đụng nia” để giải tỏa cơn giận của mình.

4. Thụ động

Nếu bạn bị cha mẹ hoặc người chăm sóc bỏ mặc khi còn nhỏ, bạn thường có xu hướng đã chôn vùi sự tức giận và sợ hãi của mình với hy vọng rằng sẽ không ai bỏ mặc bạn nữa. Tuy nhiên, điều gì sẽ khiến bạn bỏ rơi chính mình vì lâu dần bạn sẽ bỏ qua tất cả những cảm xúc và mong muốn của bản thân để làm theo mong muốn của người khác. Và cuối cùng, không thể và không biết cách để sống cho chính bạn.

Người thụ động thường có suy nghĩ hoặc có câu nói kiểu như “tôi biết tôi cần gì nhưng tôi sẽ không làm điều đó”.

Lược dịch từ: https://themindsjournal.com/4-ways-that-childhood-trauma-i…/
Ảnh: Pinterest
————-
#Sangchantamly #trainghiemtuoithotieucuc
#Childhoodtrauma
#Chualanh
#Thamvantrilieutamly