Yêu thương hoàn hảo với người cha chưa hoàn hảo!

Nếu được hỏi trong ký ức của bạn ẩn chứa gì về cha? Chắc mỗi người sẽ có một ký ức rất khác nhau, có thể là vui, cũng có thể là buồn. Cha trong ký ức của tôi thật xa xăm và mờ nhạt, tôi chỉ nhớ một vài hành vi bạo lực của cha, vô số lần say rượu và một số cơn giận tím tái mặt mày, nó in hình trong cảm xúc, tính cách và sự thể hiện của tôi. Những người thân yêu xung quanh bạn đều góp phần tạo dấu ấn nào đó trên thân thể, trong tinh thần bạn.

Tôi nhớ là một thời gian rất dài tôi không nói chuyện với cha, từ khi còn nhỏ, tới khi học Trung học tôi vẫn im lặng, những sự xuất hiện của cha là một điều gì đó khó chịu, hoặc tôi sẽ tránh né những việc cần trò chuyện. Chỉ cho đến khi tôi cảm thấy rằng cha tôi thực ra rất cô đơn trong chính căn nhà của mình, tôi mới bắt đầu có những cảm giác kết nối với cha. Bắt đầu có những sự ngượng ngịu trong lời hỏi thăm sức khỏe, một câu hỏi “bố có nhớ con không?” như phải lấy hết sức bình sinh, với giọng điệu lý nhí từ trong cổ họng phát ra, nhưng trái ngược với trạng thái này – một thứ cảm xúc cực kì mạnh như sôi sục, muốn phá tung đập để chảy ra ngoài khi có thể phát được những ngôn từ như vậy.

Mặc dù sống trong căn nhà của mình, nhưng ông lại vô cùng đơn độc và yếu ớt trước quyền lực của mẹ tôi. Thực ra, mẹ tôi là một người phụ nữ quyền lực, bà đã thiết lập thành công quyền lực của mình trong “đất nước thu nhỏ”- nhà của tôi. Trong nhà, mẹ tôi và các con bao gồm cả tôi là một phe, còn cha tôi một mình một chiến tuyến – có thể khá giống với sự tẩy chay. Từ các phương thức sản xuất, cho đến tài chính gia đình, mẹ tôi đã đủ sức mạnh để thâu tóm. Nhìn từ bên ngoài vào mọi người sẽ tưởng nhầm rằng mẹ tôi là kẻ thua cuộc và yếu thế khi không thể chống được những trận bạo lực. Nhưng thực ra sự tình ngược lại, trong cơn phản kháng bất lực của mình, ông ngập tràn trong bia rượu và đôi khi là những trận bạo lực – điều còn khả năng duy nhất đó là sức mạnh thể chất và nắm đấm để phản đòn yếu ớt.

Một người cha thông thường mà xã hội nói tới, đó là người cha thực hiện đủ chức năng của mình, sự giáo dục con cái, chăm sóc, chu cấp tài chính và những sự gắn kết tình cảm với con cái. Nhưng cha của tôi không có đủ sức lực để làm được những điều đó, một lẽ thường là người mạnh sẽ vươn sức và trở thành thủ lĩnh và mẹ tôi là như vậy. Một nước chẳng thể có hai vua, tất dĩ nhiên có bạo lực xảy ra, bản chất của bạo lực cũng là một quá trình thiết lập quyền lực, nhưng cũng có những hành vi bạo lực rất tinh tế mà không phải bất cứ ai cũng nhìn thấy rõ ràng.

Trước ngày tôi xa gia đình, gia đình tôi thường có một bữa cơm chung. Nhưng bữa cơm chung hôm đó cha tôi ra ngoài và không về nhà để ăn cơm cùng mọi người. Tất cả cùng ăn cơm, nghỉ ngơi, buổi chiều khi tôi thức dậy. Thấy mẹ tôi đi đâu đó về, vừa hào hứng và nói “tao vừa đánh cho bố mày ở trên kia”. Thực ra nói đánh, nghe có vẻ to tát, tôi thấy mẹ thường hay dùng tay phát mạnh vào người gây cảm giác tê rát. Trong lòng tôi cảm thấy không hài lòng với cách xử lý đó, nhưng tôi vẫn bình tĩnh và không nói gì.  Tôi quay vào sắp xếp đồ gọn gàng để chuẩn bị đi  – chuẩn bị cho một chuyến đi xa nhà lâu dài.

Trước lúc đi khoảng chừng 10 phút, cha tôi đi xe về tới nhà, mùi hơi rượu đã bay phấp phới. Tôi không thích thứ mùi này, như thường lệ.

Tôi chỉ nói với ông “con đi làm đây”.

Bố tôi nói với giọng lè nhè: “mày vào đây xem nào, đi đâu mà không nói gì”;

Tôi (với vẻ khó chịu): Con nói rồi mà, hôm nay con sẽ đi làm.

Bố tôi (vẫn giọng lè nhè nói to hơn): Mày đi mày nói với ai, mẹ con mày nói với nhau, vào đây nói chuyện đàng hoàng.

Tôi cảm thấy khó chịu với trạng thái say rượu của cha, tôi lẳng lặng bước lên xe máy, nói với vào “con đi đây” bỏ mặc ông lại trong cơn khó chịu. Suốt chặng đường chạy xe dài 100 km, tôi đã khóc nức nở vì có một thứ cảm giác thương cha tôi vô cùng. Thương vì cha tôi chẳng hề biết rằng thực sự ông đã cô đơn như thế nào; thương vì ông cũng chẳng biết bày tỏ sự cô đơn và khát khao được thừa nhận từ những đứa con của mình bằng cách nào. Ngoài cách chạy ra ngoài uống rượu, sau đó trở về nhà trong hơi men lúc tỉnh lúc mê với giọng điệu “lè nhè” về những mong muốn của mình một cách trái ngược.

Tôi chỉ có một điều duy nhất có thể làm đó là tình yêu thương và sự đón nhận. Tôi đã từng nỗ lực tìm cách thay đổi trạng thái gia đình mình, nhưng tôi nhận ra một điều rằng cả đời người ta u mê tìm cách thay đổi người khác. Mà không biết rằng thay đổi chính mình khó khăn biết nhường nào. Chỉ có tình yêu thương là cách duy nhất để thấu hiểu đến tận cùng một con người. Khi nào ta còn mang tâm tưởng muốn thay đổi người khác, đó sẽ là sự ngăn trở lớn để bước vào thế giới nội tâm của họ. Đồng thời cũng chính là yếu tố góp phần duy trì sự xung đột tiếp diễn trong mối quan hệ thân thiết.