Ý NGHĨA CỦA SỰ MẤT MÁT (HỌC QUA NHỮNG MẤT MÁT)

Maryanne O’Hara đã sáng tác và xuất bản các truyện ngắn trước khi cho ra đời “Cascade” – một cuốn tiểu thuyết hướng tới đề tài “điều gì là mãi mãi.” Ngay sau khi cuốn sách xuất bản cũng là thời gian mà tình trạng sức khỏe của con gái Caitlin của bà trở nên tồi tệ, buộc gia đình phải chuyển từ Boston đến Pittsburgh trong hơn hai năm để chờ được ghép phổi. “Little Matches: A Memoir of Grief and Light” qua lời kể chân thực của Maryanne về cuộc hành trình của chính mình và con gái Caitlin, là một câu chuyện ký ức phong phú dệt nên từ những dòng tin nhắn, những bức thư điện tử, từng trang nhật ký và cả những tranh vẽ. Qua những chia sẻ về việc Maryanne dành toàn bộ cuộc đời của mình để chăm sóc con gái Caitlin, cuốn sách ghi lại những suy nghĩ của một người mẹ: sẽ ra sao khi điều tồi tệ nhất với con bạn cuối cùng sẽ xảy ra và bạn chỉ còn lại một mình trong thế giới này, đâu là ý nghĩa sống cho những ngày tiếp theo.

Khi đứa con duy nhất của mình được chẩn đoán mắc bệnh xơ nang (CF) ở tuổi lên 2, Maryanne cùng chồng được thông báo rằng cô bé, Caitlin, có thể sống tiếp hoặc cũng có thể sẽ qua đời trong vòng vài tháng nữa. Câu chuyện về gia đình Maryanne thu hút sự chú ý của cả nước. Ba mươi mốt năm sau đó, sau hai năm chờ đợi mòn mỏi trong danh sách cấy ghép và một cuộc chạy đua vào phút cuối để tìm một cặp phổi khỏe mạnh, Caitlin đã không thể chiến thắng được căn bệnh quái ác này.

Vòng xoáy bất ngờ của những sự kiện tàn khốc đã khiến Maryanne rơi vào một cuộc khủng hoảng hiện sinh, tiếp tục tìm kiếm câu trả lời cho những câu hỏi muôn thuở về cuộc sống: Bây giờ tôi là gì? Tại sao tôi ở đây? Trong những năm cuối đời, Caitlin đã trở thành nguồn an ủi và giúp mẹ cô hiểu ra thêm nhiều điều về cuộc sống khi cô chia sẻ với bà những trăn trở sâu sắc của cô về tâm linh và trí tuệ. Sau khi Caitlin qua đời, Maryanne bắt đầu nhận thấy những dấu hiệu — sự xuất hiện liên tục của các sự kiện khó lỳ giải dường như cho thấy sự tiếp tục hiện diện của Caitlin. Bà đã tìm đến các nghiên cứu và phương tiện y tế để tìm câu trả lời cho câu hỏi, “Liệu ý thức của con người còn tồn tại sau cái chết?”

(Cuộc phỏng vấn với Maryanne) 

Lynne: Trước hết, tôi xin gửi lời chia buồn cho sự ra đi của con gái bà. Bà đã thật dũng cảm và hào phóng khi viết cuốn hồi ký này, tôi tin độc giả sẽ đánh giá cao việc bà đã ghi lại một cách chi tiết cuộc hành trình khó khăn của mình. Tôi cũng chắc chắn rằng họ sẽ rất biết ơn khi được học hỏi từ những chiêm nghiệm của Caitlin. Vậy, điều gì đã thúc đẩy bà viết về trải nghiệm cá nhân của mình, dù đôi khi đó là những trải nghiệm không hề dễ dàng? 

Maryanne: Cảm ơn bạn rất nhiều. Thành thật mà nói, thứ duy nhất tôi có thể viết sau khi Caitlin qua đời là viết trên trang blog mà tôi duy trì trong thời gian Caitlin chờ ghép tạng. Các bài đăng là cách để tôi giãi bày nỗi buồn của mình, theo cách mà tôi cảm thấy mình đang có liên hệ với những người khác và với chính Caitlin. Tôi đã chia sẻ những bài viết của con bé, tôi đã viết những giai thoại thử thách ý nghĩa của sự sống và cái chết. Mọi người đã hưởng ứng những bài viết đó của tôi. Rồi tôi bắt đầu nhận được cái mà tôi gọi là những bức thư ẩn danh từ bạn đọc. Những lá thư nói rằng họ nhận được những tác động tích cực về mặt tâm lý qua những bài viết, những phản ánh chân thực, không ủy mị của tôi về đau khổ và mất mát cũng như vẻ đẹp của cuộc sống. Cuối cùng, tôi quyết định rằng nếu việc viết về Caitlin có thể giúp đỡ mọi người, tôi muốn làm điều đó. Tôi muốn mọi người biết, như BJ Miller đã nói, rằng “đau khổ có thể là cơ hội để thay đổi”.

Lynne: Cuốn hồi ký tuyệt đẹp này được chia thành ba phần: Ở giữa, Cuộc sống và Thế giới bên kia. Tại sao bạn lại chọn cách giới thiệu với người đọc câu chuyện của bạn và câu chuyện của Caitlin theo cách này?

Maryanne: Tôi muốn bắt đầu từ những điều tồi tệ nhất. Tôi muốn chúng được lưu giữ lại thật chân thực. Tôi muốn bất cứ ai đọc nó để hiểu nó như thế nào, và nếu họ đang trải qua một điều gì đó tương tự, họ biết rằng họ không đơn độc. Tôi cũng ý thức được xu hướng của trí nhớ con người là “lý tưởng hóa” một người trong những năm sau khi người đó qua đời. Tôi không muốn đợi. Tôi muốn viết câu chuyện của chúng tôi như điều nó thực sự là. Và một khi tôi đang viết, cũng là lúc tôi đang tìm kiếm câu trả lời cho những câu hỏi cuộc sống. 

Không phụ lòng tin của độc giả, tôi muốn phần cuối của cuốn sách truyền cảm hứng và mang đến cho độc giả niềm hy vọng. Bởi vì cuộc sống vẫn tuyệt vời, bóng tối tìm kiếm ánh sáng, đau buồn tìm kiếm sự giải tỏa. Nỗi buồn của tôi sẽ không bao giờ nguôi ngoai, nhưng nó sẽ tồn tại cùng với niềm vui và sự trân trọng đối với những gì tôi đã và vẫn đang có. Như Caitlin đã viết, trong bài đăng cuối cùng, “Tôi muốn trấn an bạn rằng tôi không quá coi trọng bản thân. Mặc dù vậy, tôi rất coi trọng cuộc sống, tôi sẽ thành thật mà nói … bởi vì sống là một việc nghiêm túc”. 

BJ Miller, bác sĩ chăm sóc sức khỏe và giảm nhẹ, tác giả cuốn sách “A Beginner’s Guide to the End” và TED Talk năm 2015 “What Really Matters at the End of Life” đã gọi Little Matches là “…một cuốn sách về cuộc sống, và cả điểm kết thúc của nó.” 

Nguồn: https://www.psychologytoday.com/intl/blog/field-guide-families/202104/making-meaning-loss-part-one

——-
Hãy liên hệ với chúng tôi bất cứ khi nào bạn cần được hỗ trợ:
☎️ 0828.77.22.33 (Dịch vụ Tham vấn Trị liệu, Đánh giá Tâm Lý) / 0877.16.33.66 (Dịch vụ Hướng nghiệp, Tâm Lý cho Doanh nghiệp & Học đường)
📧 tamlymindcare@gmail.com