WABI SABI VÀ BÀI HỌC CHẤP NHẬN NHỮNG ĐIỀU KHÔNG HOÀN HẢO

“Wabi sabi không phải chấp nhận sự tồi tệ mà là chấp nhận sự thay đổi và sự không hoàn hảo.” – Leonard Koren.

Wabi sabikintsugi có nguồn gốc lịch sử từ nét đẹp trà đạo Nhật Bản, đề cao các giá trị của Phật giáo Thiền tông về sự thuần khiết, hài hòa và tĩnh lặng. Cả wabi sabi và kintsugi đều coi trọng việc chấp nhận sự không hoàn hảo.

Bài viết này giới thiệu các khái niệm về wabi sabi và kintsugi của Nhật Bản và khuyến nghị một loạt các bài tập hữu ích giúp cá nhân phát triển sự chấp nhận bản thân từ việc chấp nhận những sai sót của họ thay vì cố gắng ngụy trang chúng.

Wabi sabi & kintsugi là gì?

Wabi sabi là một thuật ngữ tiếng Nhật đề cập đến việc đánh giá cao vẻ đẹp của sự không hoàn hảo, vô thường và đơn giản như trạng thái tự nhiên của vạn vật trên thế giới.

Nhà Nhật Bản học Beth Kempton (2018) mô tả wabi sabi nổi tiếng là khó định nghĩa vì nó là một trải nghiệm lấy trái tim làm trung tâm, vượt qua giới hạn của ngôn ngữ.

Trong khi đó, kintsugi đề cập đến nghệ thuật sửa chữa đồ gốm sứ bị vỡ của Nhật Bản bằng sơn mài và bột vàng, làm tăng vẻ đẹp của chúng bằng cách phô bày những phần sửa chữa thay vì giấu chúng đi. Kintsugi được sử dụng như một phép ẩn dụ cho vẻ đẹp của vết thương được chữa lành trong con người chúng ta.

Lược sử về wabi sabi & kintsugi

Wabi sabi và kintsugi đều có nguồn gốc từ lịch sử trà ở Nhật Bản. Wabi sabi bắt nguồn từ nghệ thuật trà đạo Nhật Bản, nhấn mạnh sự đơn giản và tự nhiên như phẩm chất của các dụng cụ pha trà và môi trường xung quanh quán trà (Kempton, 2018).

Trà đạo ban đầu được sáng lập để giúp các vị Thiền sư giữ tâm trí tỉnh táo và tập trung trong suốt thời gian thiền định kéo dài. Tuy nhiên, vào thế kỷ 15, các thủ lĩnh quân đội Nhật Bản đã biến nghi thức trà đạo thành một màn trình diễn xa hoa của sự giàu có, sử dụng các sản phẩm gốm sứ nhập khẩu từ Trung Quốc trong khung cảnh phô trương.

Năm 1488, nhà sư Murata Shukō đã viết thư cho học trò của mình, Furuichi Chōin nhằm kêu gọi mang giá trị tinh tế đơn giản của Thiền tông trở lại bằng cách sử dụng những chén trà giản dị, thể hiện sự không hoàn hảo. Điều này nhấn mạnh tính thẩm mỹ được biết đến với tên gọi wabi sabi.

Kintsugi cũng có nguồn gốc trong lịch sử trà của Nhật Bản. Trong thời kỳ Muromachi thế kỷ 14, shogun thứ ba của Nhật Bản là Ashikaga Yoshimitsu đã làm vỡ chén trà yêu thích của mình, ông gửi nó đến Trung Quốc để sửa chữa.

Sau khi chén trà được sửa chữa và gửi về, Yoshimitsu rất kinh hoàng trước sự xấu xí của các đinh kim loại được dùng để nối lại các mảnh vỡ. Ông triệu tập các thợ thủ công của mình để tìm ra một giải pháp thuyết phục hơn. Thay vì che giấu những vết nứt, họ đã tạo ra một phương pháp sử dụng sơn và bột vàng để làm nổi bật chúng như một đặc tính tự nhiên trong vẻ đẹp của chén trà.

Phương pháp này dần được biết đến với tên gọi kintsugi, từ “kin” có nghĩa là “vàng” và từ “tsugi” có nghĩa là “kết nối các mảnh ghép”. Kintsugi thể hiện giá trị vô thường của triết lý Thiền tông bằng cách nhấn mạnh những vết trầy xước và hư hỏng do thời gian gây ra (Navarro, 2021).

Bài học chăm sóc sức khỏe tinh thần từ wabi sabi

1. Chấp nhận sự không hoàn hảo của bản thân và người khác

Học cách chấp nhận sự không hoàn hảo của bạn và người khác, cả về thể chất lẫn tâm lý. Gia tăng lòng trắc ẩn trước những tổn thương và sai sót của chính bạn và người khác sẽ giúp bạn phát triển sự linh hoạt trong các mối quan hệ của mình, giúp chúng sâu sắc hơn và đứng vững trước thử thách của thời gian.

2. Dành thời gian trong thiên nhiên

Ở Nhật Bản, shinrin-yoku, hay tắm rừng, được phổ biến vào những năm 1980 như một hình thức trị liệu sinh thái. Nghiên cứu khoa học đã chỉ ra những lợi ích sinh lý của việc dành thời gian tận hưởng bầu không khí trong rừng, bao gồm hạ huyết áp, cải thiện chức năng tự chủ và miễn dịch, đồng thời cải thiện sức khỏe tâm thần (Furuyashiki, Tabuchi, Norikoshi, Kobayashi, & Oriyama, 2019).

3. Soi chiếu lại những nhu cầu thực sự của bạn

Nếu suy ngẫm lại về những gì bạn thực sự cần, thay vì mong muốn nhiều hơn, bạn sẽ nhận ra nhu cầu thiết yếu của bạn rất ít. Sống đơn giản với ít của cải vật chất hơn giúp giảm căng thẳng (Poplin) và dành nhiều thời gian hơn cho sự sáng tạo. Môi trường bừa bộn sẽ liên tục kích thích phản ứng “chiến hay chạy”, điều này có tác động tiêu cực đến sức khỏe thể chất và tinh thần của bạn (Sander, 2019). 

4. Học cách cân bằng giữa công việc và cuộc sống 

Xã hội hiện đại của chúng ta có xu hướng tôn vinh sự bận rộn, tham vọng và thăng tiến trong sự nghiệp. Việc coi trọng công việc hơn thời gian rảnh rỗi có nguy cơ khiến cuộc sống mất cân bằng khi dành nhiều thời gian làm việc hơn là tận hưởng cuộc sống và các mối quan hệ với những người thân yêu. Sống chậm lại, dành thời gian nghỉ ngơi và giải trí đầy đủ với những người bạn quan tâm là điều cần thiết để có sức khỏe tinh thần tốt.

5. Thực hành lòng biết ơn với những niềm vui đơn giản

Hãy học cách cảm nhận và bày tỏ lòng biết ơn đối với những niềm vui đơn giản trong cuộc sống, chẳng hạn như ở bên bạn bè và những người thân yêu, được ngắm cảnh bình minh hay hoàng hôn tuyệt đẹp, một bữa ăn bổ dưỡng hoặc một tách trà ngon. Cảm giác biết ơn mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe, trong đó có giảm căng thẳng (Cheng, Tsui & Lam, 2015) và nâng cao tinh thần lạc quan (Amin, 2014).

6. Nâng niu những mặt dễ tổn thương của bạn

Hãy trân trọng những mặt dễ tổn thương bởi chúng là thứ khiến bạn trở thành con người, hãy trân trọng những đổ vỡ nảy sinh từ quá trình mất mát và thay đổi đã giúp khai thông trí tuệ và lòng trắc ẩn theo thời gian. Dù bạn có thể nhìn nhận những mặt dễ tổn thương của bản thân là sự kém cỏi, nghiên cứu đã cho thấy việc một người bộc lộ những mặt dễ tổn thương của họ thường được coi là can đảm hơn là một điểm yếu (Brown, 2015). Tính dễ tổn thương nâng cao sự đồng cảm và trí tuệ cảm xúc. Cảm thấy dễ tổn thương và thậm chí tan vỡ là một phần ý nghĩa của việc trở thành một con người đích thực. Chấp nhận sự tổn thương của chính chúng ta và của người khác trong một ranh giới lành mạnh sẽ giúp xây dựng lòng tin trong các mối quan hệ của chúng ta.

Áp dụng triết lý wabi sabi trong lối sống

Lối sống wabi sabi đề cao những giá trị trái ngược hoàn toàn với văn hóa tiêu dùng vật chất của phương Tây coi trọng tham vọng, sự bận rộn và tuổi trẻ vĩnh cửu (Kempton, 2018). Bạn có thể trau dồi lối sống wabi sabi bằng cách thử những phương pháp sau:

1. Dọn dẹp không gian sống của bạn và cất đi những thứ bạn không sử dụng. Điều này sẽ giúp mang lại cảm giác yên bình cho môi trường xung quanh bạn và cũng giúp mang lại một trạng thái tinh thần thanh thản.

2. Khi có thể, hãy lựa chọn các sản phẩm đã qua sử dụng được làm từ vật liệu tự nhiên thay vì các sản phẩm tổng hợp mới sản xuất. Điều này sẽ thúc đẩy cảm giác kết nối với thiên nhiên và trái đất.

3. Học cách đánh giá cao sự đơn giản tao nhã của lối sống “less is more” (ít hơn là nhiều hơn), chẳng hạn chọn một cành cây cắm trong một chiếc bình gốm cũ kỹ thay vì một bó hoa lớn trong một chiếc bình đối xứng hoàn hảo.

4. Làm chậm nhịp sống của bạn khi có thể và dành nhiều thời gian để nghỉ ngơi giữa các công việc. Hãy hạn chế sự quá tải bằng cách ngừng tôn vinh những sự bận rộn có khả năng mang lại căng thẳng mạn tính và sức khỏe tinh thần kém.

5. Luyện tập thưởng thức chánh niệm khi ăn và uống. Các chuyển động chánh niệm của trà đạo Nhật Bản sẽ nuôi dưỡng tinh thần cũng như cơ thể. Hãy dành thời gian để suy ngẫm về cả hệ thống đã mang tới bữa ăn của bạn, từ sự phụ thuộc lẫn nhau của các yếu tố tự nhiên cần thiết để nuôi trồng thực phẩm, đến mối quan hệ giữa nông dân và người bán lẻ đã cung cấp nguyên liệu cho bữa ăn.

6. Hãy học cách đánh giá cao những dấu hiệu của thời gian và vẻ đẹp của sự lão hóa ở chính bạn và những người khác. Lối sống wabi sabi đề cao sự trưởng thành, sâu sắc và khôn ngoan thay vì sức sống của tuổi trẻ.

 

Nguồn tham khảo: https://positivepsychology.com/wabi-sabi-lifestyle/

————–
(***) Bản quyền bài dịch thuộc về Tham vấn trị liệu Tâm lý MindCare. Khi chia sẻ, cần phải trích dẫn nguồn đầy đủ tên tác giả (nếu có) và nguồn là “Nguồn: Tham vấn trị liệu Tâm lý MindCare”. Các bài viết trích nguồn không đầy đủ, đều không được chấp nhận và phải gỡ bỏ.

——
Hãy liên hệ với chúng tôi bất cứ khi nào bạn cần được hỗ trợ:
☎️ 0828.77.22.33 (Dịch vụ Tham vấn Trị liệu, Đánh giá Tâm Lý) / 0877.16.33.66 (Dịch vụ Hướng nghiệp, Tâm Lý cho Doanh nghiệp & Học đường)
📧 tamlymindcare@gmail.com
📲 https://mindcare.vn/